Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

VỀ CHƠI VỚI BÓNG - TIEU ĐINH

Trả lời phỏng vấn có được nhận thù lao không?
Với nàng, ít khi tôi trả lời những câu hỏi nửa đùa nửa thật kiểu này, vì tôi biết tỏng là rất dễ bị dẫn vào ngõ cụt không lối thoát. Ít ra là phải lường trước những câu tiếp theo của nàng: Không có thù lao thì không trả lời đâu đấy nhé. Rồi nàng ngồi thừ ra đó mà nhìn trời mây thì đố ai dỗ được. Còn trả lời “có”, nàng sẽ bảo khinh nàng hay sao lại dẫn dụ vào cái nghề trả lời phỏng vấn để kiếm tiền. Hoặc giả nàng sẽ hỏi xấn tới, cụ thể là bao nhiêu, được mới nhận hợp đồng, không được về nằm đọc sách sướng hơn. Tôi hỏi bạn, trường hợp như vậy xử trí thế nào, vô lẽ lại mở miệng nói cụ thể năm bảy trăm hay một triệu. Có lần bị “truy sát” tương tự như vậy, tôi đã nhỏ nhẻ đề nghị, thôi mà em, sống nhẹ nhàng chút đi! “Em vậy đó, chịu được thì chơi, không thì bye!”. Nàng trả lời như ném rẹt một mảnh vỡ gốm sứ vô bụi tre: rổn rảng, chát chúa. Tốt hơn, lần này nên im lặng phớt lờ….
Câu hỏi thừa! Đã nói “về chơi với bóng” là hàm nghĩa từng đi ra, đã đời đi ra. Có đi mới có về, lại còn bày đặt hỏi chuyện “từng trải” chi nữa. Vấn đề là đi hoang hay đi có tổ chức. Anh nên nhớ, mỗi người chúng ta là một con thú “lang thang quên ngày tháng”, chữ của Trịnh Công Sơn đó, không phải của em. Em đã khởi hành cuộc chơi bằng tất cả đam mê và sự nông nổi của tuổi trẻ. Em quên mình và thách thức dư luận để được sống cho ra sống. Rồi “lòng chợt từ bi bất ngờ”, đó là lúc không biết giấu đâu cho hết chán, em quay về với em, như con trâu ngán cỏ thèm rơm, đàn ông ngán bồ thèm về với vợ. Thuộc loại người rong chơi đáo để như anh mà không phải  có lần dã thú nhận với em là “ớn tới óc” rồi đó sao.  Chỉ điều, khi quay về, mỗi người phải biết mình đã mất còn hay thêm bớt được những gì? Có người, sau cuộc đi hoang trở về thấy mình chẳng còn là mình nữa. Không phải vì “đời đã xanh rêu” đâu đấy. Xanh rêu thì kể vô mà làm gì. Mất ở đây là mất theo nghĩa soi vào gương thấy lông lá mọc đầy mình, hoảng quá, nổi lên nhảy múa, ha hét tán loạn như người bị động kinh. Anh gọi đó là sự tha hóa, hay tha… gì thì tùy thích. Có người, thấy mình được cái không cần được, mất cái không thể mất, đêm nằm nghĩ lại mới biết mình ngu. Có thể gọi đó là “tiếng chim hót trong bụi mận gai”. Trường hợp này cũng xem như là đã…trắng tay cuộc đời. Anh biết không, thương nhất là những người lở dở lương ương, khôn không ra khôn, dại không ra dại, nguyên tắc không ra nguyên tắc, dễ dãi không ra dễ dãi. Đây là bi kịch sống như đã chết, chết mà không biết mình chết. Em xếp những người này vào loại “hàng độc, khó thanh lý”.
Riêng với em hả? Trời ơi, anh lại xâm phạm đến đời tư của người khác quá nhiều rồi đấy. Thôi được, không sao, trả thêm tiền bản quyền nhé! Cũng may là em chưa bị “tẩu hỏa nhập ma” khi tự rút lui để về chơi với bóng mình. Bừng tỉnh đúng lúc mà anh! Nên em không bị đui què sứt mẻ, không bị mất mát sợi lông trong lông ngoài nào. Ngược lại em còn được bổ sung thêm cả một đám lông mới nữa đấy. Cười, thật đấy, sao anh lại cười? Đám lông mới mọc tua tủa, nhọn hoắt y như lông nhím vậy. Anh không thấy nhiều lúc em “xù lông nhím” đó sao? Để bảo vệ chứ không phải để tấn công ai đấy nhé.
Có, có đấy, anh thông minh. Bóng với hình là một, nhưng đôi khi là hai, đơn côi cùng cực. Có những lúc bóng khóc, làm em cũng khóc theo. Có những lúc bóng cười, khiến em tự hỏi mình không biết có nên cười với bóng? Có những lúc bóng và em là một, hạnh phúc vô ngần, có những lúc bóng nhí nha nhí nhảnh tách ra, gọi chi bóng cũng không ngoảnh lại. Có những lúc bóng mất tiêu, đục ngầu, xám đen còn lại, không giống sương mà cũng chẳng giống mưa. Và em lại lủi thủi với chính mình. Không sao, cũng thú vị thôi, có khi nào anh được chơi với chính mình chưa? Một bận, em hỏi em, mày là ai, có đúng là con Ngần đấy không? Nó cười ngặt nghẽo, chết rồi. Diêm Vương điều nó về làm chuyên viên ngoại giao dưới đó…”. Nó còn chua thêm cái ngoặc đơn khô khốc: Bởi vì trời sinh ra số Ngần là một chuyên viên cười có duyên, da trắng, tóc mượt, chân dài, lại ăn nói có tài, nhất là uống được bia rượu như…uống nước. Em tiễn nó bằng lời hát của Trịnh: “Em đi bỏ lại con đường, bờ xa cỏ dại vô thường nhớ em”.
Có lúc chán chơi với mình thì em chơi với con Uyn, con chó Uyn đen nhánh, đốm vàng, tai cụp ấy mà. Anh đừng nghĩ về chơi với chó vì không còn ai dám chơi với mình. Hiểu ngược lại đi. Khối người nài nỉ được chơi với em đấy, trong đó có anh, đúng không? Nhưng anh cũng chẳng là gì, ai cũng chẳng là gì khi mà em đã chán ngấy, nhất là bọn đàn ông các anh. Xin lỗi, họ khen em hết lời, nhưng nếu em cắt cái khoản đổ lên giường với họ là hôm sau số điện thoại của em bị xóa ngay trong danh sách lưu. Nhưng em bây giờ đã thành cáo thành tinh rồi nên không dễ bị lừa. Cũng nhờ họ rèn luyện cả đấy. Vả lại, thật tình mà nói, chơi với con Uyn thích lắm. Nó là con chó tốt tướng (chó cũng có tướng cả đấy!) khôn ngoan và đẹp mã. Chỉ tội không nói ra được chứ nó biết hết mọi thứ trên đời. Phản ứng tình cảm của nó cũng dễ thương đáo để. Chỉ nghe nó ư ử, oanh oách, hay đôi mắt cụp xuống, cái đuôi ngúc ngoắc… là hiểu ngay nó muốn gì, nó yêu thương ghét bỏ điều gì. Nó không biết nói một đường hành xử một nẻo. Anh biết không, dạy bảo nó còn dễ hơn con người đấy. Mê nhất là nó không phản bội em, không phản bội dù em có tốt hay lỡ xấu với nó. 
Không được, riêng câu này em không muốn trả lời anh cụ thể. Anh thông minh thì cứ lượm lặt các chi tiết vụn từ những chuyện em kể sẽ đoán ra cái kết thúc tiểu tiết và toàn cục. Anh không thể tra vấn em vì sao lại bỏ dở cuộc chơi nửa chừng. Bởi, ở đời có những điều sống để bụng chết mang theo chứ không thể chia sẻ với ai. Vả lại, nghe chưa chắc là anh đã hiểu. Có một nhà văn nào đó quên tên, đã dùng phép so sánh nghe mà ớn: “tấm tức như cuộc truy hoan nửa chừng”. Hồi xưa em thích cách ví von ấy, chừ lại muốn nói ngược: “khoái chí như cuộc truy hoan nửa chừng”. Để đến lúc em ói cả mật vàng mật xanh ra, lã người ngất đi rồi mới đổ hồi dương vào là muộn mất, muộn tuyệt đối! “Hãy thương chính mình, đừng bao giờ làm mình đau đến thế”- Em vẫn thường nhắc mình như vậy.
 Đúng là mỗi chặng đời người đều có những mục tiêu riêng và những sai lầm nhất định. Vì thấy mình quá ngây thơ trước bao la cuộc sống, có một thời em thích được đi ra, được gặp gỡ, giao tiếp với rất nhiều loại người khác nhau. Em muốn xông vào đó để lật tẩy cuộc đời ra, xem nó cứng mềm tròn méo thế nào. Đến khi nó lạnh lùng và ngạo mạn cười vào mặt em, em mới nghe rợn da gà, chóng mặt buồn nôn. Nhưng thà rằng được nôn thốc tháo ra cho hết sạch cả cơm canh và dòi bọ. Đằng này em chỉ tưng tức buồn nôn suốt ngày. Anh thấy có khổ không? Thế là em dừng cuộc chơi và cảm giác người đàn ông mà em khao khát được lọt vào vòng tay họ càng lúc càng vời vợi mơ hồ. “Em đi tìm anh, em đã đi tìm anh lãng phí hơn nửa đời người. Bây giờ lại về với bóng, đóng cửa nằm đọc sách để nghe mình trở nên nhân văn hơn”. Câu này được trích trong nhật ký của em đấy.
Nữa, lại chuyện sếp và cơ quan. Chuyện này hình như đã có lần anh hỏi em  rồi. Đừng thấy em dừng bước phiêu lưu về sống như sư nữ mà nhầm tưởng rằng có vấn đề ở đơn vị. Mà dẫu có vấn đề đi nữa thì em vẫn không dại dột gì nằm ngửa ra phun nước miếng ông trời, để nước miếng lại rơi đúng vào mặt mình. Cơ quan em là một đơn vị bình thường như muôn nghìn đơn vị khác trong thành phố. Sếp vẫn được lên lịch đi họp và tiếp khách đều đều. Có khi sếp vội vội vàng vàng nhầm lẫn bài phát biểu hôm trước với bài phát biểu hôm sau, hay đã bỏ cái kính lão vào túi áo vét mà vẫn lục tìm lung tung. Dự thảo công văn em đưa lên sếp vẫn sửa dày đặc theo thói quen. Có lần sếp sửa luôn cả lời trích dẫn em cố tình rút ra từ tờ nhật báo.
 Cán bộ cơ quan thì vẫn ngồi trước máy vi tính từng ngày, đến tháng xếp hàng chờ rút lương bằng thẻ ATM. Còn trong đầu họ, đố ai hiểu đang nghĩ gì. Được điều các chuyên viên như em thỉnh thoảng vẫn vinh dự được sếp cho tháp tùng trong những lần tiếp khách, những chuyến đi dài ngày. Riêng em thì vinh dự hơn, dường như em không vắng mặt lần nào trong các “trận đồ bát quái” của đơn vị. Đâu có khó là ta có đi, nghĩa vụ và quyền lợi gắn nhau. Khối đứa ghen ghét vì thèm được như thế mà không dễ gì. Sếp hứa sẽ đề bạt em vì lẽ đó. Hôm em bất ngờ nộp đơn xin nghỉ việc, sếp tròn vo con mắt ốc: “Trời, giỡn hay thiệt đây?”
Nghe trình bày lý do có vẻ chính đáng, (trên đời này có cái gì mà không gán được cho nó một lý do chính đáng đâu anh), sếp thừ người ra tỏ vẻ nuối tiếc. Ánh mắt sếp như đang xa xăm nghĩ về những ngày tháng hưu trí sắp tới. Em không biết đó là nuối tiếc cái gì, tấm áo hay con rận? Tội nghiệp, em thấy thương sếp quá, sếp đã chịu trận hơn ba mươi năm như vậy mà vẫn chưa nôn ọe cả mật xanh mật vàng ra đất. Là may mắn lắm đấy. Trong cơ quan có người cho là em có dính dáng đến vấn đề tiền bạc hay tình ái gì đó với sếp nên muốn cao bay xa chạy. Có người bảo, đó là sự tính toán nghi binh, như con hổ thu mình là để chuẩn bị phóng tới. Có người vui vì hy vọng sẽ được thế vào chỗ đứng ngồi của em. Có người buồn vì con Ngần ngó tệt toạc vậy mà sâu đằm và thật lòng, thiếu nó cơ quan thiếu hẳn sinh khí cho một cuộc đổi đời. Tuyệt nhiên không ai nghĩ là em muốn về chơi với bóng mình.
Chen vào câu chuyện giữa tôi với nàng là những cú điện thoại réo liên hồi. Nàng không bắt máy, cũng không nhìn số, nói khống khứ: “Chỉ còn cái của nợ này là chưa tính sổ được với cuộc đời. Em sẽ vụt sim cũ xuống sông nay mai”.
 Im lặng rất lâu, và tôi hiểu mình không nên hỏi thêm điều gì nữa. 12 giờ. Chắc là vào giờ này bóng nàng đang nhập với nàng thành một cục tròn vo. Cũng có thể nó đang ngao du sơn thủy cùng mây gió. Ánh mắt, vẻ mặt của nàng bỗng dưng đổi sắc một cách lạ lắm. Ánh mắt buồn man dại, vẻ mặt giống như con Uyn cái bận bỏ ăn phải chích đến sáu mũi thuốc. Có lần, đúng vào khoảnh khắc “lên đồng” như lúc này, nàng đã buộc miệng nói với tôi: “Nếu mà cô đơn quá, em sẽ ôm anh liều một trận cho xong, tội gì mà kiềm chế….”. Tôi nghe rất rõ âm vang xao xác của sự trầm tích thời gian rạn vỡ quanh mình.

                                                                                              
                                                                                                  Tiêu Đình




GIẢ VỜ YÊU NHAU  

“Ta giả vờ yêu nhau đi anh!”
Nàng đề nghị. Tôi đồng ý. Hợp đồng được ký kết qua tin nhắn. Ký xong, cười ngất được. Vì cả tôi và nàng đều không biết giả vờ như vậy để làm gì. Hình như đôi tay nàng thừa thãi vô cảm đã bấm vào phím di động như người ta huýt sáo cho vui miệng, cho đỡ cảm thấy mình đơn độc. Còn tôi, tôi đang lang thang một mình, thấy viên sỏi giữa đường vui chân đá lăn vào bụi rậm.  
Ngay hôm sau tôi và nàng bắt đầu hò hẹn. Chúng tôi vào sâu trong rừng để tìm cảm giác nguyên sơ của tình yêu bản năng. Nàng tênh hênh lõa lồ trên thảo nguyên mướt xanh, tôi thả hồn nghe suối hát vội vàng bản tình ca chiều muộn. Nắng vẫn còn đủ để nhìn thấy đôi chân nàng không thẳng và gồ lên cơ bắp nam tính. Nàng xoay sang ôm tôi. Tôi cũng giả vờ ôm nàng. Ảo giác giấu vào váy, nuốt vào bụng vẫn nghe đăng đắng cái vị mật ói mửa, tởm lợm mùi ung hư thây rữa. Rừng vắng quá. Không có ai trông thấy chúng tôi yêu nhau. Nghĩ cũng buồn.
Hôm sau, tôi và nàng lại rủ nhau xuống biển. Hoàng hôn biển thẫm màu cứt chó, tôi choàng tay qua bờ vai chảy đầy tóc dày, ngẩng cao đầu thách thức những cặp mắt xét nét. Gió từ hướng nàng gió sang, vọc tóc bay rạo rực mùi thơm gợi dục. Tôi giả vờ xoay người ôm hôn tóc ấy. Nàng  nghiêng đầu tựa vào vai tôi, cười tỉnh queo như đang xem phim hài: Gớm, vai anh xương xẩu, đau cả má em…. Bộ em tưởng mình ngon lắm hả? Đi như chạy. Con gái tướng đi ấy vận cả thiên địa gian truân vào đời. Nàng im lặng, rồi bỗng dưng buồn, có vẻ như đang suy nghĩ điều gì đó. Tôi rẽ hướng khác, hướng suy nghĩ về sự loạn luân của giòng họ Buendia của Marquez để kết thúc một lần hò hẹn.
  Hẳn thiên hạ xung quanh muốn biết chúng tôi là tình nhân, là anh em hay vợ chồng của nhau? Tôi nghe và cười với gió, có là tình nhân mới tình tứ đến thế. Đúng là tình tứ thật. Nhiều lúc chúng tôi lại dẫn nhau đi ăn nhậu tại các nhà hàng sang trọng của thành phố. Thiên hạ say hay tỉnh đều có lý do để tò mò nhìn chúng tôi như đang tận mắt trông thấy hiện tượng nhật thực toàn phần. Nàng trẻ đẹp, nhanh nhẹn. Tôi cố giấu cái “lão giả an chi” cũng không giấu nổi. Tôi và nàng đều thích thú khi lừa được phán đoán của người khác: chắc là bồ nhí của sếp lớn.
-Thế là vui rồi. Cũng là một trò chơi anh nhỉ?
-Trò chơi của những người cô đơn?
-Đúng!
Sau một thời gian giả vờ yêu nhau, phố đồn ầm lên rằng tôi bồ nàng hay nàng bồ tôi gì đó. Chúng tôi nhìn nhau cười cười, nụ cười thật như dưới chân tôi là đất, ma mảnh như đôi mắt liếc dao cau. Hai người lặng lẽ bốc hơi hướng này người ta lại đốt lửa, đánh mõ la làng hướng khác. Nàng kể, ở cơ quan nàng bị đưa ra kiểm điểm dữ dằn, như thể đơn vị sắp có đại họa hay ít ra cũng bị tổn thương danh dự lớn lắm. Tôi hỏi, mà kiểm điểm cái sự gì cơ chứ? Quan hệ bất chính. Ôi trời, chứng cớ đâu? Chuyện trai trên gái dưới có “bắt tận tay vày tận cánh” mới đủ chứng lý chứ bộ. Già chối vào là xong hết. Nàng cười, bộ yêu thiệt rồi hả? Không yêu thiệt sao lại hỉ nộ ái ố kiểu đó. Tu gần hết kiếp người rồi mà tâm vẫn chưa tịnh! Coi chừng bị cắt hợp đồng đấy nhé. Tôi cười theo, ừ há, đã nói là giả vờ yêu nhau kia mà. Vậy em nói sao với đơn vị? Em nói, thì không đi chơi với anh Thông tôi biết đi chơi với ai. Có ai dám yêu tôi không nào? Dám thì nói để tôi không còn đi chơi với anh ấy nữa. Ai đâu? Who dare? Ha ha, hì hì… em hỏi luôn bằng tiếng Anh, khiến có người không nhịn cười được. Một tuần sau em bỏ việc quách, chẳng cần xin phép ai. Cái nghề giáo lặp đi lặp lại vòng vo tẻ nhạt ấy em cũng đã chán tới óc rồi. Cứ tự mình làm khổ nhau bởi những chuyện thi đua, hội họp, sổ sách… Toàn những thứ vặt vãnh không đâu.
Số phận tôi cũng chẳng hơn gì nàng. Ông anh họ chỉ hơn tôi hai tuổi nói như một ông già bảy mươi: “Mày cứ sống lang chạ kiểu đó biết bao giờ mới có vợ. Gần bốn mươi rồi còn gì. Đến khi muốn có vợ cũng không ai dám lấy”. Bà già bán ớt tỏi, mỳ chính, mắm muối…ở đầu xóm thấy tôi với nàng đi qua liếc nhìn có vẻ bí ẩn như vừa phát hiện một tay giết người hay buôn ma túy đang có lệnh truy nã. Rồi bà rỉ tai nhỏ to gì đó với con mụ bán rau dở hơi, vừa lấm le lấm lét nhìn tôi. Đến con Hạ không chồng mà chửa cũng đòi trò khái quát nhân cách: “Ông đó mà, kinh lắm…”.
Vậy anh nói với họ thế nào?  Anh nói, các cô hãy vòng tay lại cúi đầu bái sư phụ đi! Nói thế được chưa? Rồi như mọi khi, anh chỉ cười, có lẽ cười với bộ mặt đáng ghét lắm. Nàng khen, không biết là thật hay đùa, mặt anh càng khinh bạt càng thích đấy, xứng danh đàn ông hơn!
Chúng tôi tiếp tục giả vờ yêu mà không biết rốt cuộc mình sẽ đến đâu về đâu. Phố xoáy cuộn thành từng cục, từng mảng vô tình trôi trôi hờ hững. Rừng thản nhiên câm nín như ông già mắc chứng trầm uất. Ngày vàng đòi héo hắt cho hết những gì còn lại. Đêm xanh bệnh hoạn ánh trăng mười tám. Lại nhớ câu thơ của Xuân Diệu: Tôi với người yêu qua nhè nhẹ / Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ. Đúng quá đi chứ, huống gì chúng mình là hai đứa chỉ giả vờ yêu nhau, em nhỉ? Gì? Anh vừa nói cái gì? À…chuyện nhà hiền triết gì gì đó mà. Ông ta nói rằng, nơi ồn ào nhất là nơi cô đơn nhất. Nàng nói, dù chỉ giả vờ yêu nhau ít ra anh cũng phải mua tặng em cái gì đi chứ. Ngày mốt là sinh nhật của em rồi. Hoặc ít ra cũng để em khám phá anh, xem cái ấy của anh vẫn còn hay đã teo mất rồi. Còn nhớ được sinh nhật của mình là khá lắm rồi, quà trời cho. Cần gì anh nữa!
                                            *****
Nàng kể, em cố tình săm soi mình hơn, ăn mặc hở hang trắc nết hơn một chút. Cho bỏ ghét dù chẳng biết ghét ai đây. Có khi em mở tin nhắn của anh ra đọc, cố tình thả trên giường rồi vào toa-lét. Chồng em vẫn an nhiên tiếp tục đọc Krishnamurti, vẻ bình thản đến muốn đấm vào mặt. Em cố lớn tiếng trả lời điện thoại của anh, bằng cả môi cười động cỡn và đôi mắt đưa tình. Chồng em vẫn ung dung bước lần ra vườn, trầm ngâm đốt thuốc nhìn trời đất. Không biết ngồi làm gì ngoài đó mà sương xuống, đêm bắt đầu lạnh vẫn còn ngồi. Có lần em hỏi, anh trả lời: “Xem con sâu làm tổ”. Hết, không thêm được lời nào. Chọc tức mà người ta không tức mình càng tức.
Em thích chơi độc mà chồng em lại độc hơn. Đúng rồi! Bạn bè nói chồng em bị bệnh. Bệnh vô sinh? Không, đừng thấy em không có con mà đoán mò, bệnh dị ứng người. Dị ứng người? Có lẽ đúng đấy, nhiều lần cơ quan tiếp khách, liên hoan thấy anh bỏ về nằm đọc sách một mình. Bạn bè tranh nhau bốc phét đủ điều trong các cuộc nhậu, anh chỉ lặng lẽ uống rồi lặng lẽ ra về. Hỏi, anh chỉ nói không thích nơi đông người ồn ào. Thế thôi. Thực lòng em chẳng muốn vậy, em chỉ thích anh xả láng hết cuộc đời cho đã. Tội gì tự chuốt buồn vào thân. Nhưng nói ít, chẳng biết có lọt tai hay không, anh còn im lặng, nói nhiều anh lại lặng lẽ bỏ đi quách. Dị ứng người là bệnh cô đơn xã hội. Ai cũng yêu nước kiểu như chồng em thì lấy đâu ra người phục vụ cộng đồng. Đức ông Trần Quốc Tuấn mà còn sống chắc phải đổi lại lời hịch của mình: “Trang sách thơm làm sao đốt cháy được quân thù?”
Anh chỉ được cái mạnh miệng. Không phải anh đã từng nói với em rằng anh bị bệnh cô đơn nghề nghiệp đó sao? Cô đơn nghề nghiệp dẫn đến sợ vào công sở, sợ hội họp, sợ đọc văn bản hành chánh, sợ góp ý phê bình đồng nghiệp, sợ bình xét thi đua. Con chó điên thấy nước là ngợp, con người điên như anh thấy linh tinh công việc hành chánh là lạnh xương sống, nổi da gà. Bi kịch nhất là anh không chết được như con chó sau bảy ngày nổi cơn điên mà vẫn tồn tại, vẫn nhận lương hằng tháng qua thẻ ATM như một vị la hán chẳng giống ai và cũng chẳng ai giống mình. Nhớ lại chưa, ông tướng mâu thuẫn? Sản phẩm của mình mà sao vội quên, vội quên? Ha ha…em chỉ được mỗi cái tài nhớ dai các tiểu tiết. Sao không giỏi bàn đến cái vĩ mô của tổ quốc xem sao! Nói vậy thôi, anh vẫn sống và công tác tốt đấy chứ. Bằng chứng là cuối năm anh vẫn được bình bầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhận một trăm đồng tiền thưởng. Trong các phiên họp quan trọng anh đều được mời phát biểu ưu tiên với tư cách một người duy nhất có bằng thạc sĩ trong đơn vị.
Tự dưng nàng buồn rượi. Ít khi thấy tố chất mạnh mẽ nam tính của nàng chịu héo rũ nhanh đến thế. Bình thường chuyện gì nàng cũng cười được, hình như cười mỉa mai nhiều hơn là vì vui. Tôi hỏi, sao vậy, em mệt à? Không, em buồn thật sự mà. Không quá cá tính chắc bây giờ em cũng có bằng thạc sĩ như anh. Mẹ em chỉ mong muốn như vậy mà lại nhận được cú bỏ việc nửa chừng của con gái trước khi nhắm mắt. Phụ nữ bướng bỉnh bất cần chỉ thiệt thân. Đúng không anh? Trầm ngâm, rồi nàng kết luận, số em số khổ. Lông bông nghề nghiệp, có chồng cũng như không.
Vậy em quy kết nó vào loại cô đơn gì? Không biết! Chỉ biết chả phải em thiếu thiện cảm với cuộc đời này, từ gia đình đến xã hội. Nhưng em càng tiến tới, cuộc đời càng thụt lùi, quay lưng, ngoảnh mặt. Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng phải không anh? Nhưng bây giờ thì em đã có anh để bù trừ rồi. Chắc gì, em không tin. Hình như từ lâu em đã bị khủng hoảng niềm tin trầm trọng. Không biết rồi ngày mai hay ngày mốt chúng ta sẽ chấm dứt mối quan hệ này. Như em đã từng chấm dứt nhiều mối quan hệ tình cảm theo kiểu đó. Và lại đi tìm…. “Tìm anh như thể tìm chim. Chim bay bể Bắc em tìm bể Nam”.
Là nàng nói vậy nhưng sau hơn một tháng hợp đồng giả vờ yêu nhau tôi thấy nàng đẹp hẳn ra, như người đang yêu thật. Mắt nàng long lanh thêm, môi nàng mọng đỏ thêm, da căng mịn và miệng cười đố ai còn dám chê là khắc khổ. Rủ bỏ được công việc đơn điệu tẻ nhạt hay là nàng đang yêu thật sự? Nghĩ đến yêu thật sự tôi buồn cười quá. Nàng trả lời câu hỏi của tôi bằng cách hỏi ngược: Thông minh để đâu? Thấy tôi buồn buồn, nàng triết lý tiếp, cũng buồn buồn: Thì anh biết rồi đó, em là người chúi mũi chúi lái làm việc để kết quả lại thuộc về người khác, không được cái hạnh phúc tận mắt trông thấy, tận tay sờ vuốt sản phẩm. Thử hỏi, ai mà chịu nổi cái trò căng lưng ra để cho người ta nướng cá thịt trên lưng mình. Chán chết đi được. Anh còn có cuốn sách, bài báo mang tên chính mình. Mang tờ báo gói đồ hay vứt đi cũng còn được một cái tên….
Cũng còn được một cái tên. Ý tưởng hay! Có lẽ tôi nên ăn cắp ý tưởng của nàng phát triển thành một truyện ngắn. Đại loại truyện sẽ kể về sự tồn tại của một cái tên, một cái tên viết hoa. Có thể kèm theo một chức danh cỡ bự, nhưng cái tên vẫn là cái tên không hơn không kém. Còn hồn xác sẽ được đưa vào hư cấu huyễn tưởng, hoặc là cho bốc hơi thành thứ sương khói không sắc màu mùi vị, hoặc là cho thối rữa như một thây ma, không ai dám đến gần. Trong giấc mơ kết truyện, ông bụt hiện lên hỏi: tên là gì? Tỉnh dậy, toát mồ hôi hột, nhân vật chính vẫn không trả lời nổi tên là gì. Trời thì vẫn mưa dai dẳng bên ngoài.
Đang tự sướng với cái truyện của mình thì nàng chợt hỏi: Đã hết hợp đồng của chúng ta chưa anh? Hơn một năm rồi đó. Ký tiếp hợp đồng khác hay là yêu thật đi. Yêu thật? Ôi trời, ý tưởng hơi ngộ đấy. Tôi hỏi như một kiểm nghiệm kết quả: Rốt cuộc mình được gì, hả em? Anh nói trước đi. Thì em mất việc! Không, anh nhầm rồi, đó là điều lớn nhất em đã làm được cho cuộc đời mình. Điều lớn tiếp theo em sẽ làm, làm bằng mọi giá là ly hôn cho được thằng chồng đang giết lần mòn cuộc đời em bằng những khoảng lặng ung thối…. Còn anh? Cô đơn. Cô đơn và buồn hơn cả trùng điệp con sóng gợn tràng giang của Huy Cận.
Nữa, không chỉ có cô đơn và nỗi buồn. Em thấy không, chẳng có cả một nụ hôn tự nguyện thật sự là nụ hôn dành cho tình yêu. Tất cả đều là giả dối, lọc lừa, ma mỵ, toan tính….Tình yêu thật không có trên đời, hay luôn ẩn dạng, mọi biểu hiện bằng ngôn ngữ, hành động đều phải cảnh giác, trừ những ngón tay cấu cào của Chí Phèo lên thân xác Thị Nở vào cái đêm lộng gió bờ sông. Đó là những suy nghĩ cuối cùng trước khi kết thúc hợp đồng giả vờ yêu giữa tôi và nàng. Còn đây là tin nhắn cuối cùng nàng gửi cho tôi, như bản thanh lý hợp đồng: “Suy cho cùng, cô đơn là bệnh khó trị nhất”.
Rồi chúng tôi chia tay, mỗi người mỗi ngã. Thương không thương, ghét không ghét
                                                               Tiêu Đình
   (Hội VHNT Quảng Nam; Dđ: 0908545656)



4. Tiêu Đình          
                                       HỒN TREO CỘT BUỒM 
                                                                                         Truyện ngắn


“Biển ơi, biển có biết không, lòng ta đã hứa thủy chung trọn đời. Mà sao, mà sao nàng lại không yêu, chê ta nghề biển… hồn treo cột buồm…”.
Anh vừa hát, bằng chất giọng nặng trịch của muối, vừa gõ đũa đánh nhịp vào tô nước luộc mấy con cá bạc má mới bốc từ dưới ghe lên. Da anh đỏ bầm, chả phân biệt được vì men rượu hay vì nắng gió đã nhuộm thành cái màu đặc trưng của biển mặn. Đôi mắt nheo nhíu, xa xăm nhìn ra biển khơi lóa nắng, như người trải từng nghề biển chăm chắm quan sát những mụt mây lúc mưng sáng để đoán xem hôm nay trời lành dữ thế nào. Hết hát, anh lại kể tiếp:
Con gái miền biển mà, da cô nào cũng thoảng mùi cá tươi, ngăm đen và láng mướt như tấm ván mít lâu năm. Chỉ được cái mặn mà. Hồi còn cởi trần ví nhau chạy trên cát tôi đã nhận ra cái mặn mà ấy. Và cũng yêu cái mặn mà ấy từ hồi còn ví nhau chạy trên cát, để quên những vết chân trần cho con sóng cuốn đi, để quên buổi chiều rớt nhanh xuống đám dương liễu thẫm màu. Thời đó nàng hay hỏi tôi, tại sao cá Ông lại cứu người? Vì nó thấy dân biển mình nghèo khổ tội nghiệp quá, tôi trả lời đại nhưng nàng chỉ nhíu mày mà không phản đối.
Lớn lên, nàng hay kể tôi nghe chuyện thường được kể trong làng: “Con gái có chồng đi biển mà không biết giữ mình, lỡ dan díu với người khác là xui cho chồng, không bị lật ghe cũng bị hà bá khóa cứng tay chân không cho bơi lội. Trong làng có ngôi miếu thờ cô Ba tiếng đồn linh thiêng, cũng vì ngoại tình mà chồng bị trừng phạt chết mất xác ngoài biển, sau ân hận nên đã tự vẫn….”.
 Tôi chăm chắm nhìn nàng, kịp phát hiện ra điều mới lạ: vùng da ngực của nàng không phải ngăm đen mà trắng mịn. Để khỏi xấu hổ vì bị phát hiện vừa cắn “trái cấm”, tôi tảng lờ nhìn ra biển: “Ghe ông Bốn về rồi kìa!”. Vẫn chưa hết cảm giác hồi hộp, tôi tự trấn an mình bằng cách kể cho nàng nghe câu chuyện về ông tổ của làng Tĩnh Giang. Ông ta mê nghề biển, ghiền cát trắng nên muốn lập nghiệp tại vùng đất này. Ngặt nỗi, thiếu nước ngọt, phải vét sâu trong cát vớt từng gáo nhỏ về để dành trong lu. Sau, nhờ đào được cái giếng tốt mà ông quy tụ dân tứ chiếng về lập làng. Nàng há miệng ngồi nghe, say sưa như đang xem hát tuồng.
Tôi, nàng, cũng như những đứa trẻ miền biển khác lúc bấy giờ đều không được đi học trường huyện. Mấy chữ làm vốn ở trường làng chỉ đủ để tính tiền bán cá hay quy đổi mắm muối để lấy lúa gạo. Chúng tôi lớn khôn phần nhiều nhờ vào những câu chuyện hư hư thực thực ở một vùng quê cát nghèo khó. Có chuyện, bất cứ chuyện gì, để kể nhau nghe là thích lắm. Có khi nàng đòi tôi phải kể đi kể lại nhiều lần một chuyện cũ rích. Cho đến khi tôi thấy mình hết mê theo ghe ra biển mà chỉ mê đi nhặt tìm những câu chuyện thật ảo không rõ ràng để về kể cho nàng nghe. Nhất là vào những đêm trăng sáng, khi giữa loáng bạc sóng khơi, gió biển bắt đầu rên rỉ vì lạnh. Và cái mùi cá tươi quen thuộc bỗng thơm mùi tóc mới gội bồ kết.
Buổi trưa cuối thu đẹp trời hiếm thấy. Nắng nhẹ như những sợi tóc trắng sáng bay qua hàng dương bạc màu. Anh cán bộ xã dù đã được nghe kể nhiều lần chuyện tình của năm Vị vẫn gục gật tỏ vẻ thích thú. Đến đoạn cuối, khi nàng bỏ năm Vị, bỏ làng ra đi, anh chen vào như lời bạt ngắn gọn cho một thiên tiểu thuyết lãng mạn: “Vợ thứ hai của ảnh giờ là người đàn bà đảm đang nhất làng đấy nhà văn ơi”.
Tôi cố hình dung lại hình ảnh người đàn bà vừa gặp sáng nay. Chiếc xe máy dựng vội dưới gốc dương không đủ bóng che, bên cạnh đám xương rồng tua tủa những gai mà có sức chịu đựng nắng gió vô địch. Để nguyên khẩu trang, mũ bảo hiểm, chị đi như chạy xuống bãi. Đôi chân trần in vết đều đặn trên cát. Hai người đàn ông đang cố nương sóng đẩy ghe lên cạn. Áo bết nước và mồ hôi, dính chặt vào da. Sóng xô lùi. Lại đẩy…. Khi góp sức một tay, anh cán bộ xã vừa xô ghe vừa hát câu ca không rõ xuất xứ: “Từng đoàn nghề, đoàn nghề… vô bờ, lăn bườm, gây chèo, lên bờ gánh ghe/ Từng đàn bà, đàn bà… quảy đôi bầu, qua đầm lên Tân Thái!”. Tôi loay hoay chụp hình trong khi chị thoắt đôi tay bốc cá bỏ rổ bưng đi. Ánh mắt chị có vẻ khó chịu khi tôi cứ đòi giữ cá lại để chụp thêm vài cảnh nữa.
-Đảm đang nhưng mà khó tính? - Mắt vẫn nhìn anh, tôi hỏi người cán bộ xã.
-Mới quen thấy vậy, quen lâu sẽ hiểu con gái miền biển nói khó nghe nhưng tính dễ chịu. Chắc là ghe về trễ, sợ bị lỡ buổi chợ trưa nên chị vội vàng. Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm đâu không biết chứ bây giờ mấy mụ sướng lắm. Rẹt chiếc xe máy mười lăm phút đến nửa tiếng sau là có thêm một trăm ngàn đồng. Vậy nên ham, quên trưa quên tối vẫn cứ vui.
Thuyền thưa thớt, muộn màng tiếp tục về bến, vẫn là những chiếc thuyền nhỏ vớt cao mũi để tránh sóng, vẫn là biển ngang bến không thành bến. Năm Vị lặng im hớp từng ngụm rượu gạo khiêm tốn, mắt vẫn nhìn ra mông mênh sóng nước. Anh chỉ thích thỉnh thoảng được chen vào cuộc vui vài câu hát, lời thơ. Hình như thấy cần phải giải thích rõ thêm, anh cán bộ xã hăm hở kể tiếp: “Chị Năm trước kia là bạn hàng của anh Năm đấy. Hằng ngày chị đạp xe hơn bốn cây số từ thị trấn xuống mua cá về bỏ lại cho các đầu mối. Có lẽ thấy anh Năm đô con, khỏe mạnh, ít nói, lại sống một mình nên quyết đổ gạo nấu chung. Không ngờ lấy được anh Năm, gái thị trấn lại thích nghi với biển nhanh đến thế. Bây giờ thì ít ai nghĩ chị không phải là dân gốc biển. Vậy mà…  
Vậy mà “biển ơi, ơi biển xanh rờn. Ta buồn sao lại sóng còn đùa vui…”. Anh lại hát, dường như để khỏa lấp một vết nứt tâm hồn đã thành dấu sẹo….
            Gần mười năm sau tôi mới có dịp trở lại Tĩnh Giang. Biển ngang vẫn thế, bến không thành bến và sóng vẫn liếm tận bờ xương rồng đang cố chịu đựng nắng gió. Hàng dương xanh một bên, rám gió mặn một bên. Chỉ có chuyện tình của Năm Vị biến thiên theo năm tháng, dù anh tin hay không tin sẽ có ngày như thế. Ấy là cái ngày người vợ cũ của anh trở về rồi lại ra đi.
Hôm ấy là sau cơn bão Chan-chu mấy ngày - Anh cán bộ xã năm xưa kể - Trời vẫn còn đe dọa dân biển với lớp lớp mây đen vần vũ trên đầu. Người đàn bà tay dắt con, tay xách chiếc túi đã bạc màu băng vội qua cát, thẳng ra biển. Chị quỳ xuống lạy biển, lạy khoảng không bao la trước mặt rồi quày quã vào làng. Bến cũ và người xưa, rạo rực và tan nát. Những dấu chân trên cát quíu quắn không đều. Đi đến đâu cũng gặp tiếng khóc và nước mắt. Những ánh mắt trẻ thơ chưa hiểu hết nỗi đau mất cha, những khuôn mặt góa phụ bơ phờ, những mái tóc bạc trắng sau đêm khóc con. Người đàn bà xông thẳng vào nhà năm Vị đang đông nghịt già trẻ, gái trai nhốn nháo. Lúc này năm Vị vẫn còn nằm trong danh sách những người mất tích của làng, chưa biết sống chết ra sao.   
“Vậy mà em vẫn tin rằng biển sẽ bao dung, anh ơi!”. Chị vật vã than khóc. Mọi người dễ dàng nhận ra đó chính là vợ cũ của năm Vị…. 
            -Nhà văn biết không, số năm Vị lớn lắm. Bão hơi bất ngờ, nhưng ông vẫn cố cho thuyền neo nấp vào đảo để tránh hướng gió. Ai dè gió trở cùi chỏ, con thuyền bị sóng đánh tạt vào mạng sườn làm tắt máy, gãy neo trôi đi luôn. “Nương theo gió, cố giữ cho thuyền khỏi lật”, năm Vị ra lệnh như đang hét, và trước sự sống cái chết chỉ cách nhau sợi tóc, bảy thủy thủ đều răm rắp nghe theo ông, cố chống chọi với bão. Thuyền lênh đênh hai ngày trên biển, ướt lạnh, lương thực hết, người đói và mệt lã. Lúc sóng yên biển lặng, vẫn chưa biết mình đang ở đâu. Mà ở đâu, nhà văn có biết không? Trôi vô tuốt tận trong Phú Yên kia. Vậy mà không ai bị hề hấn hay sứt mẻ chi cả. May thật, đúng là ơn biển chở che….
            “Năm Vị năm nay còn đi biển nữa không?”. Tôi định hỏi tiếp, và có còn hay hát “mà sao nàng lại không yêu, chê ta nghề biển hồn treo cột buồm” nữa không. Kịp nghĩ, anh là nhân vật chính tôi sẽ gặp hôm nay nên gác lại những ý tưởng cần khai thác.  
            -Năm Vị nói, bộ phận nào hưu được thì cứ cho hưu, riêng nghề biển, phải đến 70 tuổi kia. Còn nước còn tát, còn khỏe còn đi, quen rồi chừ không đi buồn chết được. Vả lại, mấy mụ vợ hễ thấy ghe chồng mình về trễ là chạy lăng xăng hỏi thăm chỗ này chỗ kia, nhưng nghỉ một bữa là đã ra vô nói mát: “Gió ri mà bên nhà ông Cận cũng đi biển đấy!….”. 
            Biển cuối xuân, sóng lặng, mây hiền, nắng ấm. Anh cán bộ xã kể đến đó thì thình lình dừng lại, chỉ tay về phía con đường đất vừa được nâng cấp: “Kìa, vợ sau của năm Vị kia kìa. Nhà văn còn nhớ không?”. Tội nghiệp, năm Vị cứ hay chê vợ mình thế này thế kia nhưng ít ai sống được như chị Năm đâu. Đảm đang, chịu khó mà lại tốt bụng nữa. Dạo bão Chan-chu, bà trước tưởng năm Vị chết nên về xin chịu tang, hai người đã sống với nhau một thời gian như chị em ruột. Làng ai cũng phục sát đất.
            Đã vậy sao không sống với nhau suốt đời như “Kim-Kiều tái hợp” cho vui cửa vui nhà?- Tôi hỏi, mắt vẫn nhìn người đàn bà đang đạp chiếc xe băng qua cái cổng làng mới xây, có hàng chữ đỏ chót: “Thôn văn hóa Tỉnh Giang”. Trông chị vẫn còn khỏe như hồi tôi mới gặp lần đầu.
            -Chuyện này hơi bí mật, chỉ có tôi và năm Vị biết thôi. Chị trước vì lỡ  nghe lời dụ dỗ của một chàng trai thành phố mà phản bội chồng. Từ nhỏ chị  đã ngấm câu chuyện hư hư thật thật của làng về một tai họa gia đình nếu có chồng đi biển mà vợ ở nhà còn ngoại tình với người khác. Miếu thờ cô Ba linh thiêng trong làng vẫn còn sờ sờ ra đó, ai mà quên được lời nguyền của biển. Nên vì thật lòng thương năm Vị, chị đành phải ra đi để mưu cầu an toàn cho chồng ngoài biển khơi.
            -Cứ như là tiểu thuyết, người đời chỉ bịa chuyện để răn dạy lẫn nhau thôi, chứ làm gì có chuyện đó thật. Bằng chứng là hồi bão Chan-chu, năm Vị đã bị hà bá nắm tay rồi mà vẫn không lôi đi được.
            -Tôi cũng khuyên chị ta như vậy, nhưng chị vẫn nhất quyết không ở lại, mặc dầu nghe đâu cuộc sống hiện tại của chị còn khá nhiều vất vả. Chị nói, được biết anh Năm khỏe mạnh, có vợ mẫu mực như thế là đủ rồi. Còn chuyện xưa dù thật hay không cũng nên để cho dân làng tin mà tự giữ mình. Còn hơn là sống thiếu niềm tin và thắc thỏm lo âu….
            Tôi vừa đi vừa nghĩ, mình sẽ viết về cuộc tình của năm Vị với trên 90% là chi tiết thật. Riêng địa danh Tỉnh Giang, tôi sẽ đổi chữ Tỉnh dấu hỏi thành Tĩnh dấu ngã, nghĩa là “lặng yên và trong sạch”. Kết truyện, tôi vẫn để cho năm Vị có thói quen hay hát “Chỉ còn biển thôi” mỗi khi nhấm rượu ngắm biển. Dẫu sao đó cũng là dấu ấn thời thơ ấu của anh với biển xanh và cát trắng. Và tôi sẽ miêu tả những mụt mây biển sớm mai bốn mùa vẫn hiền hòa như mùa xuân xung quanh.
                                                                                 
                                                          Tiêu Đình 
             (Tên thât: Nguyễn Đình Quý, Phó Chủ tịch Hội VHNT Quảng Nam)