Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

GÂU CỦA MẸ

 Đã mấy hôm con không đi nhà  trẻ 

 Ừ đông đã về mẹ  
                     cái rét ghét trẻ con 
 Con lại ốm chiều nay con lại sốt 
  Ngực bé nhỏ  phập phồng,hơi thở  thóp thoi  

   Con của mẹ vẫn mãi còn nhỏ nhoi 
   Dẫu  là cả ,là anh  nơi trường  trẻ 
   Con chưa  thể bắt đầu tiếng gọi mẹ    
    Bài  học "  chữ  đau" con lại thuộc nằm lòng 

   Hết  thức lại ngồi bế ẳm năm canh 
   Mong con thở đều,  mong con bớt  sốt
   Giá mẹ có thể đau giùm con một chút 
    Để con chóng cười, chóng nghịch nay mai 

   Gâu của mẹ không sánh với mặt trời 
    Không là  ánh  trăng ,sao  
   Gâu  là Gâu để mẹ yêu nhiều nhất  
    Để mẹ biết cuộc đời có buồn vui 
    Có chia sẻ ,yêu thương và có đợi chờ 
    Có niềm tin 
                        thao thức trong giấc mơ... 
                                
                                Bích Trâm 
    

HAI NỖI NHỚ

  
Sinh nhật năm nay mình con viết thiệp
Ba ở nơi xa không về kịp nữa rồi
Giọng con giòn tan sao ba lại rối bời
Con thôi nói từ lâu ba vẫn ngỡ…
Điện thoại vẫn nằm bên tai ba
                           chờ giọng con nhắc nhớ
Một thoáng ưu tư một thoáng thẫn thờ

Phố Kì đêm nay ba lại ngẩn ngơ
Con ơi! Nhớ cũng là hạnh phúc
Nếu lựa chọn giữa hai bờ trong đục
Con hãy yên lòng ba mãi nhớ về con!
                    
  ( HBT - Viết tặng cha con Nguyễn)


Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

THƠ TÌNH NHẠC SĨ TRỊNH

Chiều 22/11 tại Gác Trịnh (số 203/19 tầng 2 nhà C khu tập thể đường Nguyễn Trường Tộ, TP Huế) Có một lá thư từ cô Ngô Vũ Dao Ánh, người yêu của Trịnh Công Sơn xưa kia lần đầu tiên gửi tặng từ bên Mỹ về. Bức thư viết tay do Trịnh Công Sơn viết gửi cho Dao Ánh ngày 23 tháng 9 năm 1965.
Dao Ánh khi 16 tuổi, (ảnh dưới) đang là nữ sinh cấp 3 trường Đồng Khánh (Huế) đã là nàng thơ của Trịnh Công Sơn. Mối tình kéo dài từ năm 1964 đến 1967, chất chứa biết bao hoài niệm. Chúng tôi xin giới thiệu một bức thư tình tuyệt hay của Trịnh gửi Dao Ánh…
Bức tranh Dao Ánh do Đinh Cường vẽ
                                                                                      
Bức thư tình tuyệt hay Trịnh Công Sơn gửi người yêu 16 tuổi
B’lao, 23 tháng 9/ 1965
Ánh

Buổi trưa anh không ngủ được nên lang thang ra phố. Mưa nhỏ rồi lớn dần đuổi anh về đây. Anh đang ngồi ở câu lạc bộ sát bờ hồ. Bờ hồ bây giờ đã điêu tàn lắm. Người ta đã chặt bỏ những cây khô sống bao nhiêu năm nay trong hồ. Có một vài chỗ nước rút xuống chỉ còn bùn đen.

Buổi chiều gió thật lạnh. Anh đã mặc áo ấm suốt ngày ở đây.

Anh nhớ Ánh lắm mà ngôn ngữ thì quá chật hẹp, quá cũ kỹ không chuyên chở nổi sự nhớ nhung này. Nên anh đã nói đã nhắc mãi mỗi ngày mà vẫn chưa đỡ nhớ tí nào.
Ngồi ở đây nhìn ra từng ô cửa kính rất lớn anh mơ hồ thấy mình như lạc về một vùng đất nào mới sơ khai. Cả thành phố chỉ xanh rì những cây cối và từng khoảng đất đỏ.

Hiện giờ ở Tỉnh đang có một buổi văn nghệ sẽ tổ chức vào cuối tháng. Anh phụ trách chương trình này nên bây giờ vẫn còn được rỗi rảnh không làm việc gì cho đến cuối tháng
           Anh nhớ Ánh lạ lùng đó Ánh. Mà Ánh thì chỉ mong anh chóng đi xa, anh nghĩ thế. Mùa thu hầu như không có trên miền này. Ở đó lá đã bắt đầu vàng chưa Ánh.
Những bụi bờ dọc theo những con dốc đất đỏ ở đây anh vừa đi qua ban sáng và thấy lá của hoa mặt trời xanh um. Anh ngắt gửi về 
Ánh một ngọn. Hoa thì vẫn chưa nở. Có lẽ đợi hôm nào có mặt trời thì hoa mới bắt đầu hiện diện và cũng là mùa mà anh đã gọi là mùa sinh nhật của hướng dương.
Anh đang nhớ thầm về những buổi chiều thứ năm ở đó. Chỉ mới có vài ngày mà tưởng chừng như ngàn đời qua đi trên anh. Anh chợt nghĩ rằng cuộc đời buồn bã như thế này sao chúng mình không tha thiết với nhau hơn.
Những ai chưa bao giờ đi, chưa bao giờ sống qua nhiều nơi, sống qua những ngày mưa ngày nắng trên bao nhiêu vùng đất khác nhau, chưa bao giờ nhìn sâu vào bên sau của con người thì hẳn mới còn đua đòi vào những hời hợt nhạt nhẽo của đời sống được.
Buổi trưa trời âm u và hơi lạnh.
Anh vẫn không thể nào không thấy sự lạc lõng của mình nơi đây.
Ở trường Đồng Khánh giờ này chắc Ánh đang mài miệt với những bài vở mới. Sân trường đã có những cây hoa vàng, tím mọc nhoi lên trên từng bãi cỏ xanh. Đúng không. E cũng phải mất đến hằng mấy tháng anh mới tạm ổn mình được vào với thành phố này lại.
Bây giờ anh không còn làm người gác hải đăng, Ánh cũng thôi làm người mang lửa. Chúng mình làm sao níu cho được tay nhau trong suốt mùa Đông này?
Cơn mưa như thác đổ ngoài trời. Đồi trà bây giờ mù mịt không còn thấy gì.
Anh đang có Ánh – tuổi – nhỏ trước mặt trong chiếc hộp nhỏ anh mang theo đó.
Mưa rất buồn. Như một điệp khúc dai dẳng trong mấy tháng mùa Đông này.
Ánh ơi
Nếu còn sự yêu thương và nhớ nhung nào trong Ánh thì hãy gửi làm quà cho anh để anh coi thường những tháng ngày ẩm mục nơi đây

Nhớ vô ngần
Thân yêu, yêu dấu
Trịnh Công Sơn (ký tên)
                 (ST)

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

ĐÔNG KHA CỦA MẸ

 Con của mẹ tập làm họa sĩ
Tập vẽ ước mơ những vòng tròn chân lí
Con vẽ hoài mà chẳng tròn đâu
Bởi cuộc đời còn lắm những nỗi đau
Gió cuốn phong ba làm sao con vẽ được

Mẹ chỉ mong con vẽ tròn bao mơ ước
Của những kiếp người đội gió đội mưa
Con vẽ tiếp giấc mơ của mẹ ngày xưa
Khi mẹ đã tàn đêm tỉnh mộng
Con ơi! Giữa bầu trời cao rộng
Cứ vẽ thỏa thích vào
                                   dù đó chỉ là mơ…!

Tặng con trai yêu - HBT



                                













LẠC GIỮA PHỐ CHIỀU

Ta lạc vào chiều giữa chốn phồn hoa
Lấm láp thương yêu nâng niu lời hẹn
Vụng dại vo tròn cuộn mình nằm trong kén
Chờ sợi tơ trời vương vải giữa chiều xa
Gió cuốn lời bay cho đời nỗi phong ba
Giữa phố chiều nay em nhìn gà hóa phượng
Vẫn vô tư trẻ con và ngang bướng
Cho phủ dụ phố chiều cho dịu bớt ngu ngơ

Ta lạc vào chiều lạc giữa cơn mơ
Một thoáng buồn vui thấm vào nghe rạn vỡ
                  
Ta lạc vào ta giật mình rơi ...
                                               nỗi nhớ!
Gửi lại phố chiều những mảnh vỡ không tên











  Thương Thương                   

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Bạn chọn ai làm người thầy cuộc đời mình?

Ngày 20/11 sắp đến gần. Nhìn các bạn học sinh tay hoa, tay quà, tung tăng vào trường mừng lễ thầy cô, bất giác tôi tự hỏi: khi còn nhỏ, chúng ta đều được học chung từ những người thầy, người cô nơi bục giảng, vậy khi vào đời, bạn chọn ai làm người thầy dẫn dắt tiếp chặng đường đầy phong ba bão táp phía trước?Chọn thầy để học - Điều quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta. Tôi có đọc được một bài viết trên mạng, đại ý trong cuộc đời, có 4 lựa chọn quan trọng nhất: chọn nghề để làm, chọn bạn mà chơi, chọn thầy để học và chọn người để lấy. Tôi muốn thêm vào điều này: chọn thầy để học là điều quan trọng nhất. Nếu bạn chọn được đúng thầy để học, bạn tìm ra sức mạnh bản thân, bạn nắm rõ điều gì tốt hay không tốt cho mình, bạn biết lẽ sống cao đẹp để vươn lên...Rồi bạn sẽ chọn đúng những điều còn lại.

 Khi bạn đang ngồi trên ghế nhà trường, chọn thầy để học rất quan trọng. Tôi chứng kiến nhiều bạn trẻ coi bạn bè là người chỉ đường cho mình, sa ngã vào những thói hư tật xấu và rồi làm cho mình trở nên tồi tệ. Cũng có bạn, vì một đôi thầy cô giáo đối xử tệ với mình (các bạn cho là vậy), mà bất mãn, khó chịu, rồi bỏ học triền miên, rồi các bạn cũng tự đánh mất mình trong những vũng lầy của tệ nạn.
 Khi lớn lên, rời khỏi ghế nhà trường và giảng đường - nghĩa là bạn thôi có những người thầy đứng trên bục giảng để dẫn dắt nữa, lựa chọn một người thầy làm kim chỉ nam cho cuộc đời bạn lại vô cùng cần thiết. Cái thời điểm mà bạn chập chững bước vào đời, với bao bỡ ngỡ và va chạm, một tấm gương sáng để bạn noi theo, có thêm nghị lực bước tiếp, thật giống như chiếc phao giữa dòng khi bạn đang gặp nạn.

                                                            

Vậy nên chọn thầy như thế nào?
 Tôi nói đến đây, có bạn sẽ nghĩ "thầy ta chắc hẳn là những nhân vật cao siêu, uyên thâm, thành đạt, lừng danh..." - cũng chưa hẳn các bạn nhé. Người học trò giỏi là người biết chọn người để học tập, ngay cả khi người đó không có gì nổi bật hay xuất sắc trong xã hội. Học tập từ những bài học nhỏ người khác, coi những người xung quanh là thầy, đáng để học hỏi mới là sự rèn luyện đích thực.
 Tôi từng đọc một câu chuyện rất hay về Hasan - một nhà hiền triết Hồi giáo nổi tiếng. Khi có người hỏi ông: “Thưa Hasan, ai là thầy của ngài?”
 Hasan đã đáp: “Những người thầy của ta nhiều vô kể. Nếu điểm lại tên tuổi của các vị ấy hẳn sẽ mất hàng tháng, hàng năm, và như thế lại quá trễ vì thời gian của ta còn rất ít. Nhưng ta có thể kể về ba người thầy sau của ta.”
 Và sau đó là câu chuyện về những người thầy vĩ đại đã làm thay đổi cuộc đời ông. Một lần nọ, khi Hasan đi lạc trong sa mạc, duyên phận đưa đẩy thế nào ông lại kết bạn và tá túc cùng một tên trôm suốt một tháng ròng. Mỗi đêm khi ông ta trở về Hasan đều hỏi: "Có trộm được gì không?" Ông ta đều vui vẻ đáp: "Hôm nay thì chưa nhưng ngày mai tôi sẽ cố, có thể lắm chứ". Nhiều năm sau, khi Hasan rơi vào tình trạng tuyệt vọng, ông lại chợt nhớ đến tên trộm, kẻ hằng đêm vẫn quả quyết: "Ngày mai tôi sẽ làm được, có thể lắm chứ!". Chính người ấy đã dạy cho ông cách sống lạc quan, tin tưởng vào ngày mai để không bao giờ phải tuyệt vọng. Đó là người thầy đầu tiên.
 Người thầy thứ hai là một...con chó.  Khi ra bờ sông, Hasan quan sát thấy có một con chó cũng đến uống nước nhưng nó nhìn thấy cái bóng của mình, tưởng đó là một con chó khác và hoảng sợ bỏ chạy. Không lâu sau, nó bèn quay lại, nhảy xuống sông và cái bóng biến mất. Và chính con chó ấy đã đã dạy ông phải biết vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân bằng những hành động cụ thể.
 Và người thầy thứ ba, các bạn có đoán ra đó là ai không? Là một đứa bé. Hasan thấy đứa bé trên tay cầm một cây nến dã thắp sáng bèn hỏi: "Con tự thắp cây nến này phải không?" Đứa bé đáp: "Thưa phải." Ông lại hỏi: "Lúc nãy nến chưa thắp sáng, nhưng chỉ một thoáng sau đã cháy sáng. Vậy con có biết ánh sáng từ đâu đến không?"  Đứa bé nghe vậy cười to, thổi phụt ngọn nến và nói: "Ngài thấy ánh sáng đã biến mất, vậy ngài bảo ánh sáng đã đi đâu?" Lúc bấy giờ, Hasan mới nhận ra sự dốt nát của bản thân và hiểu được rằng kho tàng kiến thức là vô tận.
 Thế mới thấy, quan niệm về người thầy thật ra rất rộng. Người thầy ngày nay không chỉ gắn liền với phấn trắng, bảng đen mà còn là người định hướng, dẫn dắt chúng ta vào những bài học rất đỗi sâu sắc trong cuộc sống. Đó có thể là một cuốn sách - tại sao không nhỉ, đôi khi chỉ vì một cuốn sách mà chúng ta thay đổi cả thế giới của chính mình.
 Đừng từ bỏ kiếm tìm một người thầy dẫn dắt cuộc đời bạn
 Hồi đại học, tôi từng nghiện game khá nặng. Năm đầu tiên, hầu như suốt ngày tôi chỉ cắm đầu vào game, và coi như là lẽ sống đời mình. Thật xấu hổ, nhưng phải thừa nhận với các bạn rằng tôi đã từng mắc những sai lầm như thế. Rồi một ngày, tôi được nghe buổi nói chuyện của một doanh nhân nổi tiếng, và trong tôi như vỡ ra tất cả những khát khao tuổi trẻ, những ước mơ, dự định trong tương lai. Và tôi thấy thời gian qua thật sao vô bổ, lãng phí và thừa thãi. Tại sao tôi lại tự chôn vùi mình trong những thú vui dễ dãi và tiêu cực như thế - trong khi tôi, một người trẻ tuổi, có học hành, có sức khỏe, đáng lẽ phải làm được những điều ý nghĩa hơn, tốt đẹp hơn?
 Nhờ vị doanh nhân ấy, tôi đã tìm được con đường đúng đắn cho bản thân mình.
 Bạn thì sao? Dù bạn là ai, đang rất ổn định với công việc hay còn băn khoăn tìm một hướng đi cho mình, hãy chọn một người thầy, một tấm gương để noi theo và học tập. Và những lúc tưởng như mệt mỏi giữa dòng đời, nghĩ đến vị thầy đáng kính của mình, bạn sẽ mạnh mẽ hơn và luôn lạc quan tiến về phía trước.
             Chúc bạn sớm tìm ra - Người thầy soi sáng cuộc đời mình!


                                               Nguyễn Thanh Minh.

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

NGƯỜI THẦY CỦA LÀNG TÔI

Lớp học bình dân học vụ đã làm nên cái tên một người thầy giáo, xóm làng trân trọng gọi: giáo Tân.
            1975, tháng tư, cả nước thống nhất. Độc lập rồi, hết đau thương mà còn rất đỗi tang thương: ruộng đồng hoang hóa, gia đình li tán côi cút từ hai phía, cái đói đang rình rập…Nửa nước như con đại bàng rũ cánh đứng dậy từ tro tàn hãy còn nghi ngút khói, dựng nhà, vỡ hoang…Ngày làm tối họp. Không họp sao hiểu được tinh thần chủ trương mới, mà quá mới, của Đảng và nhà nước đối với những người dân miền Trung vừa lóp ngóp từ khu tị nạn trở về. Đụng đến cái họp mới phát hiện ra một lỗ hổng lớn trong dân: thiếu chữ. Họ không đọc được sách báo chỉ thị, không hiểu mô tê, không biết cộng trừ có nhớ! Hóa ra mấy mươi năm hết cách mạng rồi quốc gia, hết quốc gia rồi cách mạng, người dân quê cứ ngả nghiêng từ trụ bám sang khu dồn, từ khu dồn về trụ bám, cố bám lấy cái sống đã là may, chuyện chữ nghĩa truyền thống mấy mươi năm gặp binh lửa chiến tranh như đã thiêu rụi rồi. Vậy là làm lại. Một phong trào bình dân học vụ cấp thời dấy lên, tự giác và tự phát. Cả làng gom lại được mấy thầy giáo già đã hết khí lực, vài vị tú tài bán, gia tài trí thức của cả làng xã thật còm cỏi.
            Những đêm bình dân học vụ  thật nức lòng, ê a tiếng học bài trên bờ ruộng, trên nương rẫy, cứ như cả làng hóa trẻ thơ. Lòng người cũng hóa trẻ thơ, phơi phới, quên cái nhọc, cái đói, trong câu chuyện phiếm giờ nghỉ bao giờ cũng là những ông giáo bình dân, dần quy tụ về một cái tên: Giáo Tân. Giáo Tân bao giờ cũng đúng giờ như cái kim đồng hồ. Giáo Tân nghiêm như cây thước kẻ. Giáo Tân kẻ vở cho cụ Hóa, cầm tay con Tình tập viết, cấm thằng Hoàng còn liếc gái thì đừng bước vào lớp học… Nghiêm vậy mà không hiểu sao cả làng đều thích. Suốt hai năm làm người thầy giáo không ngạch bậc, chiến công là cả làng được ủy ban xã tuyên dương thành tích xóa mù.  Giáo Tân được tổ bình dân cử nhận giấy khen của xã . Xong vụ, người thầy ấy lại lui cui về làm một lão nông lấm láp song đến tận bây giờ cái danh hiệu ông giáo trót mang vác theo thời vụ của anh vẫn được cả làng trân trọng nhắc nhỏm. Tôi thật ngưỡng mộ nên đến tận bây giờ vẫn không nguôi tò mò về con người kì lạ ấy.
            Ông giáo ấy cũng đặc biệt quý tôi, người thầy duy nhất của làng đã nhiều phen đem chuông đi đánh xứ người, vậy nên mỗi khi tôi lân la gợi chuyện, anh thường vui vẻ tâm tình như bè bạn dù khoảng cách tuổi tác của tôi với anh cũng gần một thế hệ. Càng lúc tôi càng hiểu ra điều làm nên phong cách người thầy chân quê ấy là một khát vọng tri thức cứ cháy không nguôi.  Trên tấm vách ván nhà anh thường chọn lọc vài câu ngạn ngữ bằng tiếng anh làm tôi tò mò tợn, con người mở vách cửa đi ra rồi khi về lại khép vách lại ấy quyết không lòe đời bằng tân học. Lò dò tôi đọc:
            Great mind think alike
            Think before you speak
            God is love
Hỏi thì được biết anh sợ quên thứ vốn liếng tiếng anh ít ỏi hồi còn đi học nên tự ôn đó thôi. Để làm gì? Câu trả lời của anh thật bất ngờ: Để tự nhắc nhở mình là người có học! Chao ôi, tôi chợt giật mình, liệu cái ý thức căn bản ấy đến nay mấy phần trăm giới trí thức còn ý thức nhỉ?Tôi học ở anh sự chín chắn về tri thức, từ hồi còn là sinh viên, đôi khi gần gũi, tôi cũng ba hoa nhiều lắm. Như có lần tôi khẳng định bác Hoàng Quý viết Cô Láng Giềng để tặng người yêu cũ khi đi kháng chiến, 1954 hòa bình lập lại, đoàn tụ với người xưa, nhạc sĩ nói bài hát không dành tặng cho mình nữa mà dành tặng cho những đôi lứa dang dỡ!!! Anh lặng nghe, không bình luận gì. Một thời gian sau anh cho tôi mượn quyển nhạc tiền chiến đã cũ vàng mà anh còn cất giữ. Lật từng trang sách, tôi đọc được dòng chữ đã gạch chân bằng bút đỏ: Nhạc sĩ Hoàng Quý mất năm 1946! Mới biết ông Hoàng Quý mà mình tóm được ở cửa miệng mấy chàng sinh viên trường nhạc là hàng dỏm. Rồi càng già tuổi đời tôi càng thích gần gũi anh hơn, mỗi khi đàm luận về cầm kì thi họa, về cuộc sống xã hội, bao giờ trong anh cũng là một tri thức chắc lọc và chắc chắn. Tôi hiểu vì sao khi làm thầy, anh được cả làng mến yêu đến thế.
Tôi thích cách sống ngăn nắp, thư thả, cẩn trọng của anh. Tôi thì không thế, cứ tất bật tới tấp những dự định mà có đến quá nửa là hoang phế, có lúc cuống cả người lên vì những tự hối thúc không đâu. Tôi tìm ở anh một lời khuyên, một quan niệm. Anh tĩnh tại: Em à, cái đích cuối cùng của mỗi người đều đã định sẵn, vội vã hay thư thới đều để đi đến cái chết. Vậy mà lắm người cứ cuống cuồng chạy đến một cái đích không mong muốn. Vậy nên với anh sống là sắp xếp đời mình ngăn nắp để về đích gọn gàng mà thanh thản nhất. Câu chuyện với anh đã sáng ra trong tôi bao nhiêu điều, hình như đâu tôi đã loanh quanh hoài, đã tiệm ngộ để giờ nên đốn ngộ. Tôi yêu mến anh, yêu mến thầy giáo làng ấy, có lẽ đây là bài học mà anh sở đắc nhất, và chỉ chân truyền cho những học trò mà anh cho rằng có tư chất nhất.
Nói về anh, tôi chợt nhớ một tứ thơ, của ai thì cũng đã quên rồi:
            Về trời một nẻo nôn chi
            Gã già thư thái vừa đi vừa thiền!
           
Nguyễn Tấn Ái



Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

THẦY TÔI - N.T.A

                       Nhớ thầy Trương Vũ Thiên An

Con về gần bên Thầy
Tìm chút ấm lúc xưa theo Thầy học bao điều mới lạ
Bể tri thức biết là mênh mông quá
Ấm bàn tay Thầy dìu dắt con.

Gần ba mươi năm đủ để một bể dâu
Những mất những còn trong Thầy mặc tưởng
Sợ con buồn, Thầy vẫn cười rất sướng
Giọng cười giòn (đâu rồi sắc khinh bạc thuở xưa?)

Đã già đi chăng? Ước gì, xin chưa
Vẫn hào khí hào hoa Thầy con ngày cũ
Bán mấy bộ áo quần giữa ngày còn lam lũ
Đem về những “Đỏ và đen”

Con đã theo dáng thầy ngày đó lớn lên
(Đã hân hoan trong quĩ đạo mà như Thầy
                                                không muốn thế)
Thầy kính yêu! Thầy đừng buồn, có lẽ
Con xin lỗi Thầy đã nói chuyện không vui!

Mỗi đêm nhớ Thầy con ước không thôi
Được theo Thầy về ngày xưa huyện nhỏ
Ánh sáng đèn dầu lớp học thời Nghiêu Thuấn

Và lũ học trò theo Thầy đi lên!
    
            Nguyễn Tấn Aí 

THẦY TÔI - HBT


                              Nhớ Thầy Hồ Vĩnh Đức
Em lục tìm trong kí ức ngày qua
Thầy vẫn vẹn nguyên một thời trai trẻ
Em vẫn là em của thời tấm bé
Vẫn dại khờ vẫn ngỗ nghịch như xưa
*
Thầy còn nhớ không hôm ấy trời mưa?
Cả lớp lặng im chờ thầy lên bục giảng
Khoảnh khắc vắng thầy dài hơn năm tháng
Lòng bồn chồn lòng tự hỏi vì sao?
*
Bỗng dưng khoảng im lặng xôn xao
Vỡ mảnh thời gian cứa vào nỗi nhớ
Và cứ thế sau mỗi lần gặp gỡ
Kỉ niệm cựa mình trong nỗi nhớ thầy ơi!
*
Mùa xuân đi qua lặng lẽ giữa cuộc đời
Em lại theo Thầy  trở về nơi  bục giảng
Giáo án ngày xưa cháy thêm bừng sáng
Mãi tự hào dòng lưu bút thầy ghi
*
Ngày lại ngày và cứ thế trôi đi
Luôn nhắc tới thầy trong những lần gặp mặt
Vẫn sống cùng Thầy nơi vòng quay trái đất
Nó xoay tròn sao chẳng thể gặp nhau…?
                                      
                              Đoàn Nhung

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

THẦY GIÁO VÕ TRUNG LỢI_TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ LÒNG YÊU NGHỀ , TẬN TUỴ VÌ HỌC SINH

                                                  (Lớp Văn 13 chia sẻ cùng Hợp!)  
      
  Chủ nhật ngày 2/5/2010, trường THPT Lý Tự Trọng và nhân dân các xã vùng Tây Thăng Bình vô cùng thương tiếc tiễn đưa thầy giáo Võ Trung Lợi về nơi an nghỉ cuối cùng. Anh đã về cõi vĩnh hằng sau một tai nạn giao thông thật là oan uất tại thành phố Tam Kỳ. Cái mất đột ngột của anh để lại niềm tiếc thương vô hạn.

Quê hương anh ở thôn Quý Phước, xã Bình Quý. Đó là một vùng quê giàu truyền thống hiếu học.Anh thường tự hào rằng quê anh nghèo khó nhưng xưa nay rất nhiều nhân kiệt,nhiều tấm gương vượt khó đỗ đạt thành danh.Nhưng tôi nghĩ trong số những người đáng được ngợi ca ấy phải kể đến tên anh: thầy giáo Võ Trung Lợi, một tấm gương sáng về lòng yêu nghề,tận tuỵ hết lòng vì học sinh.
Ở Bình Quý có con đường sắt Bắc-Nam đi ngang qua.Đoàn tàu xình xịch cùng với những tiếng còi tàu réo gọi thường ngày luôn hiện hữu trong anh như những gì gọi là thuộc về quê hương.Anh thường vui kể chuyến tàu đầu tiên chạy thử trên con đường sắt sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975,anh đã có mặt trong ấy vì lúc đó anh là một trong số những thiếu niên ở ga Phú Cang cho đi “mở hàng” lấy hên.Vậy ra thưở nhỏ anh cũng đã làm được một công việc có ý nghĩa khai thông cho một con đường. Nhưng có lẽ đến khi làm một thầy giáo, với nhiệm vụ khai thông trí tuệ, anh là một con người đáng tự hào và trân trọng hơn.
Năm 1989,anh tốt nghiệp Sư Phạm với tấm bằng loại ưu cùng những lời phê của cô giáo chủ nhiệm: “một sinh viên năng nổ, nhiều triển vọng”. Thời điểm anh nộp đơn thi vào trường Sư Phạm cũng là thời điểm mà hàng loạt giáo viên xin nghỉ việc,chuyển ngành nghề bởi đồng lương quá hạn hẹp. Anh đã có hai tờ gấy báo nhập học cùng một lúc. Anh đã chọn làm một thầy giáo dạy văn thay vì làm phóng viên đài truyền thanh. Gốc rễ của lòng yêu nghề đã cắm sâu trong tâm hồn anh để rồi khi đã thực thụ là một giáo viên, lòng yêu nghề ấy đâm chồi nảy lộc xanh cây ra hoa và kết trái.
Năm ấy,sinh viên Sư Phạm ra trường thật bấp bênh. Chẳng ai được dạy,thôi thì đủ nghề,mạnh ai nấy bôn chen.                                                                                                                                                       “Trời mưa
                                                   Quả dưa vẹo vọ,
                                                     Con ốc nằm co  
                                                 Con tôn đánh đáo…
                                                 Con cò kiếm ăn!”
Anh là ”con cò” trên đồng ruộng, tần tảo theo đuổi công việc mà mình đã lựa chọn mặc cho bão táp phong ba. Anh xin dạy ở trường THCS Trần Quý Cáp Bình Quý thay chỗ cho thầy giáo Bạch Văn Thắng, người Đà nẵng, nghỉ việc về quê chuyển nghề. Anh dạy không nhận lương hơn một học kỳ, chỉ vì mong muốn được dạy học, được nâng cao tay nghề. Xét về mặt này, trong đội ngũ nhà giáo chúng ta anh là người duy nhất như thế. Anh ăn cơm nhà, phụ giúp gia đình công việc đồng án. Và anh lên lớp dạy học không nhận lương kiểu như người ta bỏ thời gian cho các thú đam mê của mình: đi câu, tìm cây cảnh…Điều anh làm tưởng chừng như giản dị ấy đã làm thầy giáo Nguyễn Minh Hoàng, lúc đó là Trưởng phòng giáo dục huyện Thăng Binh cảm động. Thầy đã bổ sung tên anh vào danh sách tuyển cán bộ công chức ngay sau khi thầy biết chuyện về anh qua một lần ngồi uống và phê nghe đồng nghiệp kể.Kiểu như sợ phải “phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”, tên anh bổ sung cuối danh sách ngay đợt tuyển ấy chứ không chờ đến đợt xét tuyển tiếp theo.
Như cây được tưới nước,bón phân,khi được nhận công tác về dạy tại trường THCS Nguyễn Bá Ngọc-Bình trị năm 1993,lòng say mê sự nhiệt tình phơi phới vươn lên trong lòng anh.
Trường Nguyễn Bá Ngọc lúc ấy là hai trường sát nhập: trường Bình Trị và trường Bình Lãnh. Anh vui vẻ nhận sự phân công dạy văn ở cả hai nơi. Có buổi anh dạy hai tiết đầu ở trường Bình Lãnh, mười lăm phút ra chơi, anh đạp xe bon bon vượt 5km đường đất đá xuống Bình Trị dạy hai tiết sau. Thế mà anh không một lời phiền hà, lại còn tự hào mình được nhiều học trò chứ có sao đâu. Từ trường THCS Nguyễn Bá Ngọc rồi đến trường THPT Lý Tự Trọng, theo đuổi với nghề, lao động không mệt mỏi, những đóng góp thầm lặng của anh cho giáo dục ở vùng Tây Thăng Bình đã được lớp lớp các thế hệ phụ huynh và học sinh ghi nhận.Rất nhiều người biết đến anh, phụ huynh có con học ở lớp anh họ rất yên tâm và ngập tràn hy vọng về sự tiến bộ của con mình. Học trò yêu quý và kính trọng anh theo đúng nghĩa cao đẹp của những từ này. Bởi tấm lòng tận tuỵ với học sinh của anh,cái tâm thành thật của anh được thể hiện rất rõ qua nhiều hành động.Tôi nghe anh hỏi học trò: “Em đau thế đã uống thuốc gì rồi? Bạn nào ghi bài cho em? Có theo kịp bài trên lớp không em? …”. Tôi thấy kiểu quan tâm của anh đối với học sinh lớp anh chủ nhiệm không chỉ là sự quan tâm của một người thầy mà còn là của một ngưòi cha, người anh.
Có một chuyện gì đó liên quan đến việc học hành ,trường lớp là phụ huynh cứ tìm anh nhờ giúp đỡ. Nào là một học sinh trốn học, một học sinh chuyển lớp, một học sinh không biết chọn thi trường nào. Đối với nhân dân vùng nông thôn vị trí vai trò của “người thầy” được mở rộng rất nhiều. Có lần tôi thấy anh cầm mấy tấm bằng tốt nghiệp của học sinh bị sai ngày tháng năm sinh vào Sở Giáo Dục để điều chỉnh, tôi ngạc nhiên sao anh phải làm những việc như thế, đâu phải phần việc của mình. Anh cười vui vẻ, bảo rằng mình tiện công việc giúp phụ huynh luôn,anh nghĩ những người dân quê đi tỉnh, rồi đến các cơ quan giải quyết chuyện giấy tờ đối với họ rất là vất vả, mình giúp được gì thì giúp. Như thế đó,không biết bao nhiêu chuyện giản dị như thế đó.Vậy mà đó chính là những viên gạch để xây được tượng đài về hình ảnh một người thầy yêu quý,kình trọng trong nhân dân.
          Có nhiều cách để làm đẹp tên tuổi của mình. Tôi thì hăng hái tham gia các phong trào để đem về những tấm giấy khen treo cho vui cửa vui nhà. Còn anh, anh đã làm đẹp tên mình bằng tình yêu thương của mọi ngưòi dành cho anh- một con người chịu khó, kỹ cương vô tư hết mình vì công việc. Anh đã làm việc không vì chức vụ, vị trí công tác ,công việc, thời gian, khó khăn thử thách. Anh được tín nhiệm cử làm thư ký hội đồng rất nhiều năm. Anh đã đóng góp cho nhà trường rất là nhiều việc,có những việc tưởng chừng như không có tên nhưng rất có ý nghĩa. Khi đựoc phân công làm công tác lãnh đạo các kỳ thi, anh chịu khó sắp xếp công việc tổ chức rành mạch, thông suốt kỹ cương. Những việc gì khó, những việc gì cần, việc không phải của mình vẫn luôn có anh và bất cứ việc gì có anh là có sự an tâm và kết quả tốt đẹp. Ở ngoài đời sự cần mẫn nhiệt tình chịu khó là một đức tính quý,càng đáng quý và đáng trân trọng hơn đối với công tác chuyên môn của một thầy giáo. Đồng nghiệp luôn tôn trọng và yêu quý anh, lấy anh làm gương học tập.
Anh đã cống hiến cho ngành giáo dục gần hai mươi năm. Anh đã đột ngột ra đi, bản khai thành tích công nhận kỷ niệm chương vì sự nghiệp Giáo Dục của anh đã viết xong nhưng chưa kịp ký tên. Thành tích chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh dở dang vào những ngày cuối cùng của năm học. Tên anh chưa kịp được ghi vào sổ khen thưởng của nhà trường.Vậy nhưng anh đã được vinh danh và ngời sáng trong lòng mọi người, nhất là lớp lớp học trò và ngàn ngàn phụ huynh học sinh. Điếu văn vĩnh biệt thầy giáo Võ Trung Lợi-Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam,thư ký hội đồng trường THPT Lý Tự Trọng, thầy Lê Cao Lan-hiệu trưởng nhà trường đã nghẹn ngào đọc trước hàng ngàn người tiễn biệt  
                      “Thầy Võ Trung Lợi đã đi xa,đi xa mãi mãi…Trên thiên chức một nhà giáo,đối với học sinh, từ trang giáo án, con chữ đầu tiên đã nhuộm thấm lương tâm của  một người thầy…Trong vị trí một cán bộ công chức, thật khó mà kể hết những đóng góp tận tuỵ, vô danh và thầm lặng của thầy đối với mọi hoạt động của nhà trường…Ở thầy,là lẽ sống giản dị kỷ cương tình thương trách nhiêm, là ý chí phấn đấu không mệt mỏi vì những mong muốn tốt đẹp cho mọi người. Tuy thầy chưa kịp được Bộ Giáo Dục và Đào tạo tăng kỷ niệm chương vì sự nghiệp Giáo dục nhưng trong lòng mỗi chúng ta, biết bao bạn bè thân hữu, biết bao đồng nghiệp và bao lớp học trò, các bậc phụ huynh, mỗi người trong tim mình đã dành một ngôi vị đẹp nhất dành cho Thầy: Sự tưởng nhớ-Lòng biết ơn ! “
Đất mẹ-Bình Quý mãi mãi ôm chặt vào lòng  người con ưu tú. Ngày ngày, những âm thanh của những đoàn tàu cùng tiếng còi tàu về ga vang vọng vỗ về ru anh vào giấc ngủ ngàn thu !
        Tháng 11/2010

           Người viết: Phạm Thị Hợp

TỰ NGHIỆM - THƠ NGUYENTANAI

                      I.
           Khi không níu phố bỏ rừng
Con chim bỗng khản lưng chừng giọng ca
            Bần thần ta lại hỏi ta
Phải chăng tiền kiếp phù hoa nợ nần?

II.
Buồn khan li rượu
            Đời như xế rồi
            Tình tan như khói
            Thuốc tàn trên môi.
 
                        III

            Mỏng như là lụa
            Không che nổi mình
            Cười chi chảnh thế
            Phù hư nhân sinh!
                       
IV
            Mặt trong như ngọc
            Môi thắm hoa hồng
            Cười bao thế kỉ
            Phù điêu tàn đông.

                          N.T.A

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

LƯNG CHỪNG - THƠ

       Lưng chừng
Chiếc lá lưng chừng rơi
Nắng chiều lưng chừng tắt
Lưng chừng như tình em
Lưng chừng rơi...và tắt.
             


 
Học
Học thời gian để âm thầm lặng lẽ
Học giọt sương tan dưới nắng mai buồn
Học theo người để tập biết nói suông
Học trái đất mà vô tình hờ hững
               
Thừa 
Ta thừa những phút bâng quơ
Thừa thương nhớ thừa dại khờ người ơi! 
Đêm thừa khoảng trống chơi vơi
Tay quờ quạnh chạm ...rụng rơi trái sầu.



Tiếc
Tiếc cho một giấc mơ dài
Nhìn trang sách cũ đong đầy nhớ thương
Người về đôi ngả vấn vương
Chiều lên ai vội dứt đường tương tư
       
                                            HBT

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

NỤ HÔN ĐẦU ĐỜI - TẢN VĂN THÂN YÊN NGUYỄN

Thời trai trẻ tính thích đi hoang đã để lại trong ta vết thương lòng sâu lắm.
Ngày ấy mình thích lang thang, qua đèo Le chiêm ngưỡng dòng nước Mát hoang sơ đổ về trắng xóa, rồi tiếp tục lang thang qua suối nước nóng bên kia chân đèo. Lại cứ đi mãi, ngược dòng Thu huyền thoại đặt chân lên vùng đất Khánh Bình đầy thơ mộng. Một lần như thế, tình cờ bắt gặp cái nhìn sâu hút đến nao lòng:
- Có phải anh Thiên Ân con thầy Cừ không ạ?
Như bừng tỉnh sau cơn chếnh choáng từ vẻ đẹp hoang sơ vùng thôn dã, mình ứng tiếng:
- Đúng rồi, sao biết tên mà biết đến cả cụ nhà anh vậy?
Cô gái cúi đầu cười bẽn lẽn, mái tóc xòa che khuất nửa vầng trăng.
- Ngọc Hoa con cụ Mục sư Quang đây, ngày xưa chúng mình cứ chờ mưa rào để tắm chung chứ còn gì?
- Ừ, nhớ ra rồi, thảo nào cứ như lạ như quen!
Sau hồi lâu trò chuyện, mình đề nghị cô ấy cho phép mình ghé nhà thăm hai cụ. Hai đứa thả bộ trên đường đồi, con đường như chìm trong màu sim nở tím ngát cả tầm nhìn. Căn nhà cụ Mục sư nằm chênh chếch trên sườn đồi thơm ngát mùi hương dầu chổi. Sau bao năm quê hương ly tán, cuộc hội ngộ như tắm trong tình thương mến nhớ mong. Cụ Mục sư tròn mắt ngạc
nhiên nhìn mình hỏi:
- Thằng Thiên Ân nghịch ngợm ngày xưa đã lớn thế này sao?
Hàn huyên đúng một hôm, mình xin phép ra về. Hai cụ cho Ngọc Hoa tiễn mình một đoạn. Khi đến gốc xoài đôi, điểm phải chia tay, cô ấy nhìn hai cây xoài song sinh buồn vời vợi. Hiểu được điều không thể nói, mình đặt vội lên môi cô ấy chiếc hôn vụng về. Cô ấy cười buồn:
- Mong anh đừng trao em nụ hôn của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt!
Thời gian sau đấy đều đặn mỗi tuần mình vượt đèo để có được cô ấy trong vòng tay yêu thương triều mến.
Rồi cũng đến lúc thân trai gánh vác sơn hà.
Ra đi biền biệt bốn năm ròng, ngày về ghé lại quê xưa, không gian vẫn cũ người thơ đâu rồi. Cả vùng đồi vẫn bừng nở một màu sim tím ngát nhớ mong:
Ơi em vết chém lòng ta
Ơi em của biệt thánh ca ngày nào
Ơi em kỉ niệm ngọt ngào
Xoài Đôi lối cũ ta nào dễ quên!
Chiều nay nhìn giò phong lan tím tái trong sân ngôi nhà bên chân cầu
Rạch Chiếc, lại nhớ về mùa xưa nở tím hoa sim tím ngát cõi lòng!
                                                         Thân Yên Nguyễn
                                                                    2013