Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

CÓ MỘT ĐIỀU

Có một ngày kì lạ lắm trong ta
Cứ lấp lửng giữa hai miền quên nhớ
Bão tố chiều nay lặng yên sao nỡ
Để cơn gió về rét lắm bàn tay

Có một chiều kì lạ lắm mây bay
Cứ hờ hững để nỗi niềm băng giá
Ai lãng đãng một mình nơi xứ lạ
Chẳng bao giờ buồn vì đã nhốt vào tim

Có một bão giông ta mãi đi tìm
Chiều trống vắng bão giông không về nữa
Như gian hàng chiều nay ta có quyền chọn lựa
Mua bình yên giông bão để cho đời
 Có một điều kì lạ lắm người ơi!
           HBT

LỜI RU NGÀY XA

Về đi nhé
Cuối ngày là hoàng hôn
Cánh chim đã mỏi phía xa nguồn
Phố chiều vội vàng xe cộ
Rập rình góc chợ
Bà hàng lập trình cho một ngày qua.
Giúi vội nụ hôn vào gió
Thênh thang một đường mây
Xòe bàn tay xóa nét đa tình.
Xa một ngày vui,vui một ngày xa
Mắt ai không đành
Cuối con đường chân trời cỏ mọc
An ủi một ngày xanh.
                  Nguyễn Tấn Ái

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

TRƯỜNG THCS QUANG TRUNG VỚI CUỘC THI KHKT DÀNH CHO HỌC SINH TRUNG HỌC TOÀN QUỐC


Ngày 02/12/2013, trường THCS Quang Trung chuyển nộp về Phòng GD&ĐT Tiên Phước sản phẩm dự thi của em Lê Quang Trường, học sinh lớp 9/1 và em Nguyễn Thành Vin, học sinh lớp 9/2 thuộc trường hưởng ứng cuộc thi  khoa học – kỹ thuật dành cho học sinh Trung học trên địa bàn toàn quốc.
           Sản phẩm có tên gọi “Xe cắt cỏ đa năng” với cấu trúc, gồm: 4 môtơ; lưỡi cắt cỏ; gạt cỏ; bộ nam châm hút đinh, sắt vụn; pin và các bộ phận cấu thành xe. Xe có công dụng vừa cắt cỏ, cào cỏ vừa nhặt sắt vụn, đinh ốc để giúp người lao động đỡ tốn kém sức lực và khỏi gặp phải nguy hiểm đạp đinh, sắt rỉ khi tham gia lao động.
       Sau ba tháng triển khai cuộc thi, đây là sản phẩm duy nhất của hai học sinh trường THCS Quang Trung trên tổng số 4.588 học sinh THCS toàn huyện.
            Chưa nói đến sản phẩm sẽ được Hội đồng giám khảo quốc gia chấm chọn với kết quả thế nào, chỉ riêng số lượng duy nhất sản phẩm dự thi lần này và với thành tích “giải đặc biệt sản phẩm Rôbôt nâng hàng, vận chuyển và cứu hỏa” do em Đoàn Lê Công Khang, học sinh lớp 8 của trường đã đạt trong năm học 2011 – 2012 và “giải nhất sản phẩm Rôbôt phá mìn điện tử; giải nhì sản phẩm chế tạo ổ khóa tự động” cũng do em Công Khang, học sinh lớp 9/2 đạt được trong năm học 2012 – 2013, em Công Khang được khen thưởng xứng đáng và đại diện cho thanh thiếu niên Quảng Nam và Việt Nam tham quan học tập tại Malaysia, em Công Khang đã mang về niềm tự hào cho đất học Tiên Phước, cũng đủ để thấy được tiềm năng, sự đam mê, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu và tinh thần khám phá khoa học của thầy và trò tại trường THCS Quang Trung thật đáng để nhiều trường ngưỡng mộ, học tập.
Tác giả bài viết: AN SƠN

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

GIÁO DỤC VIỆT NAM THUYẾT PHỤC THẾ GIỚI

GD&TĐ) - Chia sẻ niềm tự hào, vui sướng và cả bất ngờ về kết quả khảo sát PISA, đại diện Bộ GD&ĐT cũng đã hoàn toàn thuyết phục báo giới trước băn khoăn: Liệu đây có phải kết quả hoàn toàn chính xác, khách quan?

Chủ trì buổi họp báo chiều 4/12, chính thức thông báo kết quả Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, kết quả PISA lần này đã thực sự tiếp thêm niềm tin cho ngành Giáo dục.
Bước tích cực để giáo dục Việt Nam hội nhập quốc tế
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển:
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Kết quả PISA 2012 tiếp thêm niềm tin cho ngành Giáo dục.
Trả lời câu hỏi: Kết quả khảo sát PISA lần này có ý nghĩa như thế nào đối với việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết:
- Một trong những giải pháp đột phá nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo là đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục, trong đó có đánh giá các kỳ thi, kiểm tra. Đổi mới lần này sẽ chuyển đánh giá thiên về việc học sinh học được gì sang đánh giá năng lực học sinh vận dụng kiến thức kỹ năng. Chúng ta sẽ chuyển từ chương trình tiếp cận nội dung sang chương trình yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học.
Từ PISA, chúng ta học tập được kinh nghiệm quốc tế về đánh giá chất lượng giáo dục, nhất là đổi mới về kỹ thuật và phương pháp đánh giá, đưa ra cách tiếp cận mới về dạy – học, thi và đánh giá. Đơn cử như việc thiết kế đề thi như thế nào để đánh giá được năng lực họcsinh, chúng ta cũng học được nhiều từ PISA.

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế. Chính PISA  góp phần trả lời giúp chúng ta rằng, học sinh Việt Nam đang mạnh hay yếu ở điểm nào và liệu cần bổ sung mạnh mẽ nhất những gì để có thể hội nhập với khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, lâu nay việc thi và kiểm tra tra đánh giá của ta chỉ đánh giá được từng người học, không đánh giá được khái quát một đơn vị, địa phương và cả nước; cũng chưa phân tích được yếu tố nào ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Chính PISA giải quyết được những việc đó.
Vì vậy, sau khi tham gia PISA, chúng tôi sẽ phân tích kỹ báo cáo kết quả này để xác định đúng các yếu tố ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập của học sinh, từ đó có chính sách thúc đẩy các yếu tố tích cực, khắc phục yếu tố tiêu cực nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, trước mắt là chất lượng giáo dục tiểu học và THCS.
- Liệu có nảy sinh tâm lý chủ quan sau kết quả PISA rất đẹp này không, thưa Thứ trưởng?
- PISA không đánh giá được toàn bộ năng lực của người học mà chỉ đánh giá 3 kỹ năng, đó là: đọc hiểu, toán học và khoa học. Không qua kiểm tra, đánh giá thì chúng ta cũng biết học sinh của mình còn đang yếu so với thế giới về năng lực giao tiếp, hợp tác hoặc các kỹ năng cần thiết để chuẩn bị cho nghề nghiệp trong tương lai. Chính vì vậy, sắp tới, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo đối với học sinh phổ thông đặc biệt quan tâm đến việc này; làm thế nào tăng cường giáo dục cho học sinh các năng lực cần thiết. Chúng ta phải chuyển từ nền giáo dục mà học sinh chủ yếu ngồi trong lớp sang các lớp học linh hoạt, nhà trường gắn với cộng đồng xã hội; không chỉ học lý thuyết mà tăng cường thực hành, tăng hoạt động xã hội, giúp học sinh, sinh viên phát triển toàn diện.
Trải qua quy trình khắt khe, nghiêm ngặt, Việt Nam đã thuyết phục thế giới
"Quan niệm các nước kinh tế kém phát triển thường kết quả không cao nên khi chạy dữ liệu OECD đã rất bất ngờ trước kết quả Việt Nam đạt được. Do đó, trong hơn 2 tháng trời, họ đã chất vấn Việt Nam và bị thuyết phục" - Bà Lê Thị Mỹ Hà - Giám đốc Trung tâm đánh giá giáo dục (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD) 
Trước những ý kiến còn băn khoăn về tính nghiêm túc và khách quan của kết quả PISA, giám đốc Trung tâm đánh giá giáo dục (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD) Lê Thị Mỹ Hà cho biết:
PISA – Chương trình đánh giá học sinh quốc tế" do Hiệp hội các nước phát triển (OECD) khởi xướng và chỉ đạo, nhằm tìm kiếm các chỉ số đánh giá tính hiệu quả – chất lượng của hệ thống giáo dục của mỗi nước tham gia, qua đó rút ra các bài học về chính sách đối với giáo dục phổ thông.
Hiện PISA được coi là chương trình có uy tín nhất về đánh giá kết quả học sinh trên thế giới. Những nước nào muốn biết chất lượng giáo dục của mình so với thế giới như thế nào đều đăng ký tham gia vào chương trình PISA.
Khi tham gia PISA, Việt Nam phải tuân thủ toàn bộ mọi quy trình kỹ thuật và hướng dẫn của OECD. Ví dụ như việc chọn mẫu. Tất cả các nước phải xây dựng một hệ thống dữ liệu mẫu nộp cho OECD.
Đây là mẫu dân số của học sinh tuổi 15. Tức tất cả học sinh nào độ tuổi này đã đến trường, ở bất kỳ loại hình cơ sở giáo dục nào có tên trong danh sách hệ thống giáo dục quốc dân đều phải xây dựng dữ liệu mẫu và có thể lọt vào danh sách được lựa chọn dữ liệu mẫu để khảo sát PISA. Toàn bộ học sinh tham gia chương tình khảo sát đều được tính toán trọng số và được lựa chọn bởi OECD.
- Đề thi và quy trình kiểm tra PISA tại Việt Nam liệu có đảm bảo tính khách quan?
- Trên mỗi trang bìa của đề thi PISA đều niêm yết tên tuổi, ngày tháng năm sinh của học sinh và mã đề thi. Nếu có học sinh không tham gia, bộ đề đó sẽ được giữ nguyên vẹn để lưu giữ tại văn phòng PISA. Năm 2012, Việt Nam có 13 bộ đề thi. Như vậy, với lượng học sinh khoảng 35 em trên lớp tham gia thi, mỗi lớp chỉ có 2 -3 học sinh có đề thi giống nhau.
Bên cạnh đó, các học sinh cũng phải ngồi theo đúng vị trí sắp xếp do OECD quy định. Nếu phát hiện ra 2 học sinh cùng trường có câu trả lời giống nhau họ sẽ không tin cậy, không chấp nhận kết quả của chúng ta. Do đó, kết quả khảo sát PISA là hoàn toàn khách quan, đáng tin cậy.
- Vậy còn công tác chấm thi thì sao, thưa bà?
- Có thể khẳng định rằng, quy trình chấm bài thi vô cùng nghiêm ngặt. Chưa bao giờ giáo viên Việt Nam phải trải qua một đợt chấm phức tạp như vậy. Họ quy định rất rõ về chấm bội và chấm đơn. Mỗi một câu hỏi có đến 5 người chấm và 5 người này sẽ nhập phiếu chấm song song với nhau và nhập bằng phần mềm riêng của OECD. Do đó, các nước không thể sửa hay thay đổi dữ liệu.
Chúng tôi cũng phải tuân thủ nguyên tắc giữ bí mật. Bởi, kỳ thi PISA sau có thể sử dụng câu hỏi của kỳ khảo sát trước nên tất cả những người tiếp xúc với đề thi PISA đều phải ký vào một cam kết bảo mật, không được sử dụng câu hỏi này với bất kỳ mục đích nào khác. Nếu phát hiện bất cứ quốc gia nào để lộ câu hỏi, quốc gia đó sẽ bị hủy kết quả.

Quan niệm các nước kinh tế kém phát triển thường kết quả không cao nên khi chạy dữ liệu OECD đã rất bất ngờ trước kết quả Việt Nam đạt được. Do đó, trong hơn 2 tháng trời, họ đã chất vấn Việt Nam và bị thuyết phục. Điều đó càng cho thấy, kết quả đạt được hôm nay là thực sự trung thực, chính xác.
Hiếu Nguyễn (ghi)

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

HỎI ĐÁ CÓ BUỒN KHÔNG?














Tung giữa đời như cánh chim bạc gió
Trái tim ta đã bao lần bỏ ngỏ?
Hỏi gió có về chốn nhỏ ta yêu
Cho ta gửi theo một mảnh hồn chiều
Gửi theo cả bao điều chưa kịp nói
Một sớm đông về làm tim ta đau nhói
Tắt nắng chiều rồi hỏi đá có buồn không?
    



                       






  

                         HBT