Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

CỔ TÍCH: GHẬP GHỀNH NƯỚC MẮT CHÔNG CHÊNH NỤ CƯỜI

       1. Đẹp như cổ tích!

          Những giấc mơ lãng mạn thường tự trang điểm cho mình vẻ hồng phấn cổ trang rằng đẹp như cổ tích.
          Mà cổ tích đâu chỉ có đẹp, cổ tích còn là những niềm đau. Mà sao chưa ai gọi tên những nỗi đau là đau như cổ tích?
          Phải chăng công năng của cổ tích là xóa đi cái đau giữa đời thường để chỉ còn cái đẹp lên ngôi, thăng hoa, rồi phảng phất giữa đời thường?
          Phải chăng là như một giấc mơ, đằng sau những trang đời cổ tích, sau những giọt đau luôn tỏa sáng những ánh cười?
          Và nước mắt với nụ cười đã là những hấp dẫn của huyền thoại cổ xưa.
          2. Đau như nước mắt!
          Nước mắt trước hết là kết tinh của những nỗi đau. Chính những nỗi đau đã thấm đầy cổ tích hóa thành nước mắt. Không là nỗi trăn trở miên viễn về kiếp người hư ảo có không, không là nỗi niềm tội lỗi của bản năng con người cần một thông điệp cứu sinh như trong triết học hay tôn giáo, nước mắt cổ tích là nước mắt của những cuộc đời, của những con người rất thực. Họ là kẻ mồ côi, người nghèo khó hay những phận người không lành lặn mà bị đời đày đọa, hắt hủi, khinh miệt.
          Giữa những trang cổ tích là cô Tấm lấm láp giữa ao làng, là cô Tấm cô đơn bên bờ giếng, là Tấm tấm tức tủi thân khi hội làng náo nức…Là Sọ Dừa lăn lóc, cô Cóc bị coi khinh, người em khó nghèo với gia tài chỉ là cây khế nhìn trái chín dần vơi bởi chim phượng hoàng đến hái… Là người vợ chờ chồng đến hóa đá ngóng trông. Kể sao xiết sao hết những phận người! Nước mắt họ đã rơi. Những cuộc đời tắm trong nước mắt. Khóc vì bị cướp đoạt, khóc vì bị lừa dối, khóc vì đã khó nghèo lại họa tai, khóc vì nỗi chia ly. Ai đó đã có một tuyên ngôn thật buồn, rằng mọi dòng nước rồi sẽ dần vơi duy chỉ có nước mắt con người là không bao giờ vơi cạn. Là chân lý chăng, nhất là khi phát ngôn được rọi soi qua những ngày dài cổ tích.
          3. Đẹp như nước mắt.
          Song nếu chỉ là những dằn vặt đau xé để lấm tấm trổ hoa đời bất hạnh thì không thể giải thích hết sức hấp dẫn vĩnh hằng của cổ tích, hấp dẫn ngay cả khi những giọt đau nhỏ xuống trang đời. Nước mắt còn là cái đẹp.
          Không lãng mạn mà dọn một nẻo đi riêng lạ đời rằng cái buồn vốn đẹp, song với tôi nỗi buồn cổ tích bao giờ cũng đẹp. Đẹp bởi nỗi buồn ấy không chỉ chịu mình yếu đuối, bởi tiếng khóc không chỉ dừng lại ở ranh giới bất hạnh, không chỉ kể đời mà là để thấu đời. Ta hiểu dẫu bị đọa đày thì Tấm vẫn là tấm lòng thơm thảo, dẫu khốn cùng thì Chữ Đồng Tử vẫn là người con hiếu thảo. Và càng bị coi khinh ngược đãi chàng sọ Dừa, chàng Khoai càng rất mực siêng năng. Rằng trong bất hạnh chia ly người vợ kia vẫn một tấm lòng thủy chung son sắt…Không một lời phẫn nộ đuổi đánh khi phượng hoàng đến vỗ cánh trên cây khế, người em chất phát chỉ một dạ tâm tình: Phượng hoàng ơi, tôi nghèo lắm, gia tài chỉ mõi cây khế mà thôi. Chim ăn hết rồi tôi lấy gì nuôi thân!
          Rằng tôi đã gặp được những tấm lòng đẹp, những ứng xử đẹp, những tâm hồn đẹp ngay cả khi bí lối cùng đường. Như chức năng con người trên cuộc đời này là phải đẹp dù có phải trải qua cay đắng vô ngần.
          Và chính ở cái đẹp này ta thấm thía bao cảm thông, bao nâng niu trân trọng đượm trong giọng kể ngày xưa của bà của mẹ…của những thế hệ bình dân ngàn đời. Chính nơi đây những giọt nước mắt người dan đã chan hòa cùng những cuộc đời bất hạnh. Họ khóc vì thương một phận người, hơn thế nữa, họ khóc vì yêu những con người! Những thương yêu đâu chỉ dành cho thế giới tưởng tượng, mà là yêu thương chính cuộc đời mình, bởi chưng cổ tích chính là những hóa thân của đời thường, những cuộc đời tôi luyện qua khó nhọc, qua nghèo đói, qua bất công. Chất nhân văn của dân tộc phải chăng đã đầy đặn lên chính từ những giọt nước mắt vì đời đã nhỏ xuống? Và với ước mong cuộc đời rồi sẽ đẹp hơn?
          4. Chông chênh nụ cười.
          Và, chính vì tình yêu là sức mạnh, nên những câu chuyện của tình yêu đã không chịu số phận bi kịch dầm nước mắt, mà phía sau xa của gian truân bất hạnh là hạnh phúc trổ hoa, như sau màn đêm là bình minh chim hót, như cầu vồng lấp lánh sau những cơn mưa.
          Diệu kỳ thay sức sống của những người bình dân, rằng trong trí tưởng tượng của những đời người chỉ biết khó nghèo đã thấy thơm những bảy nong cơm ba nong cà làm quà tặng cho người dõng sĩ. Trong giấc mơ hoa của những đêm lạnh không chăn chiếu cô gái nào mơ mình trở thành hoàng hậu, và gian nhà xiêu tó trong gió bão nào ước được chất đầy vàng ngọc để ban phát cho những người nghèo?
          Cô Tấm đã trở về với bà hàng nước để lần nữa tắm gội đời mình trong ân tình nhân dân, chuẩn bị hành trang cho cuộc hóa thân thành hoàng hậu. Rằng sau bao nhiêu lần cái chết, Tấm đã thực được sống bằng trọn vẹn mơ ước của cuộc đời. Chàng Chữ Đồng Tử rồi cũng được gặp Tiên Dung, gặp được những nhận thức đánh giá đúng giá trị con người, để vĩnh viễn không còn là người con khó nghèo vùi mình trong bãi cát, để cánh đồng lau sậy hốt nhiên thành cung điện nguy nga. Sọ Dừa, cô vợ Cóc hóa thành những chàng trai cô gái đẹp như tiên cho đời mơ ước…Và cái xấu cái ác đã bị trừng trị: mẹ con Cám xấu xa, lũ phú ông gian ác, Lý Thông nham hiểm và cái kết bi đát của họ đáng để người đời suy ngẫm.
          Cổ tích thường có cái kết có hậu đẹp như một giấc chiêm bao. Phải chăng trong cuộc đời giàu nước mắt thì trong giấc mơ những người bình dân xưa đã biết mỉm cười, rằng trong gian nan cuộc sống họ đã chuẩn bị tâm lý đón nhận những nụ cười? Người ta thường nói ước mơ khi mãnh liệt tự nó có năng lực như một hiện thực. Thật như thế, những giấc mơ của những câu chuyện buồn xưa ấy cứ hiển nhiên như là đời sống. Ta không chỉ gặp một giấc mơ mà như đã gặp một cái kết có hậu giữa đời thương. Giữa trần trụi đời thường đã chói lói một giấc mơ. Phải chăng niềm tin ngây thơ và bất diệt vào tính chiến thắng của cái thiện đã là thiên lương của những người muôn năm cũ? Giấc mơ cổ tích vì vậy có một hấp lực vô ngần, giàu khả năng củng cố niềm tin con người vào tương lai. Đó chính là sức mạnh lạc quan của cổ tích.
          Mà kỳ lạ thay, sau bao nhiêu ngất ngây vì hạnh phúc, người nghe chuyện lại vẫn thấy nụ cười kia có gì đó chông chênh. Niềm tin thì thật mãnh liệt, mà như có một chênh vênh giữa niềm tin và hiện thực. Rằng trong cuộc đời vẫn những cô Tấm lấm láp, người nông dân nghèo khó, người bệnh tật bơ vơ…Rằng như hiện thực đã từ chối những giấc mơ. Rằng khoảnh khắc thăng hoa kia chỉ thật trong bầu không khí của mẹ, của bà, trong hề hà câu chuyện để rồi vụt tan biến giữa đời thường. Hiện thực chưa mở ra một nẻo về thiên đàng, và ngoài kia, đời hãy còn thô bạo vài bông hoa ác!
          Dù sao, niềm tin và mơ ước vẫn cứ rất cần cho cuộc đời, cho cái thiện, cho thiên lương.
          5. Bài học cho tôi, cho ai.
           Đã một ngày dài cổ tích, đã chìm trong vô hạn thời gian rồi đó. Giá trị thời gian được nhân lên bởi chính những cuộc đời đi qua nó. Tôi đã một ngày dài như thế kỉ với những vui những buồn. Tôi hiểu lời dặn dò cha ông nhắn nhủ: Sẽ là phù du cuộc đời, chỉ có những ai biết sống đẹp mới là tồn tại vĩnh hằng. Tôi hiểu đời vốn nhiều nước mắt nên mong rằng đừng thêm nước mắt. Khẽ hỏi mình liệu trong va chạm với đời có khi nào tôi đã chạm vào nỗi đau của một ai, và nước mắt đã chảy?  Rằng trong ngông nghênh non trẻ đời mình tôi đã dập tắt của ai đó một tiếng cười? Rằng đang khi muốn làm người em hiền lành bên cây khế mà kỳ thực tôi đã hẹp hòi như một người anh biển lận?
          Ngẫm hoài câu chuyện trả thù của Tấm mà lắm lúc rùng mình: Tấm đem cái ác Tấm trả nợ đời, nợ đời cái ác còn nơi cô Tấm! Lẽ nào cũng là hành trình của tôi, của nhân loại bảy tỉ con người?
          Con đường hướng thiện của nhân gian còn lắm nhọc nhằn, niềm tin vào chính nghĩa trong đời đôi khi mang sắc màu bi quan.
          Nên cổ tích hãy còn đây, nhắc nhở!
          Rằng giấc mơ đẹp nhất của cuộc đời vẫn cứ là giấc mơ sống thiện.
          Dù là nước mắt, hãy giàu niềm tin vào những nụ cười, hãy đặt niềm tin vào những nụ cười!
          Nguyễn Tấn Ái
    

BÀI THƠ ĐUYỀN THUYỀN ĐÁNH CÁ CỦA HUY CẬN

   I. Huy Cận (1919-2005) là nhà thơ nổi tiếng trong phong trào thơ mới. Thơ ông trước cách mạng tháng 8, nhân vật trữ tình thường cô đơn nhỏ bé, lạc lỏng, bơ vơ trong vũ trụ bao la "Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm" Chính cách mạng tháng 8 kì diệu và cuộc sống mới sau cách mạng đã đem tới cho nhà thơ một cái nhìn ấm áp tươi trẻ, tràn đầy niềm tin yêu vào cuộc sống, vào con người. Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của ông là 1 minh chứng về điều đó. Bài thơ ra đời năm 1958 trong chuyến đi thực tế dài ngày ở Quảng Ninh, trong nguồn mạch cảm xúc biết bao yêu thương về 1 cuộc sống “ mỗi ngày lại sáng”. Đó vừa là 1 bức tranh đẹp đẽ, vừa là 1 khúc ca hào hung về những người đánh cá trên biển cả bao la của tổ quốc. Mỗi người dân làng chài thật phấn khởi, say mê với công việc của mình trong tư thế thực sự làm chủ biển trời, làm chủ cuộc đời mới.
II. Ngay mở đầu bài thơ, ta đã nghe thấy âm hưởng bài ca lao động ngân vang, khỏe khoắn cho đoàn thuyền ra khơi. Mở đầu bài thơ là cảnh hoàng hôn trên biển, vừa diễm lệ huy hoàng, vừa đầy sức sống:
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa”
Điểm nhìn của nhà thơ ở đây là điểm nhìn tưởng tượng, phải ở rất xa mới nhìn được vùng biển phía Tây, nơi mặt trời đang lặn xuống giống như 1 hòn lửa khổng lồ đang rực cháy. Đây là 1 liên tưởng so sánh thật bất ngờ, thú vị. Vũ trụ bao la, huyền bí như 1 cái nhà nhà khổng lồ mà đêm tối là cánh cửa sập xuống mà những con song chạy ngang trên biển là những then cài. Cảm quan vũ trụ của nhà thơ thật kì lạ, độc đáo, mở ra sự phong phú trong trí tưởng tượng của người đọc. Quang cảnh kết thúc thật kì vĩ, tráng lệ của 1 chu kì thiên nhiên ấy lại là sự mở đầu 1 ngày lao động mới của con người:
“ Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.”
Từ “lại” cho thấy đây chỉ là sự tiếp diễn nhịp điệu lao động của người đánh cá, cảnh ra khơi khi hoàng hôn buông xuống đã diễn ra thường xuyên liên tục qua nhiều đêm. Trên hành trình ra biển ấy, cũng như mọi lần, tiếng hát của họ vút cao, vang xa trên song nước mênh mang. Ở đây, “ căng buồm” là thật ( vì gió thổi mạnh trên biển khơi), nhưng “câu hát” căng buồm lại là ảo. Tuy vậy, chính cái ảo ấy lại hiển hiện cái thực: đó là khí thế mạnh mẽ của người đánh cá khi ra khơi. Tiếng hát của họ là tiếng hát của những con người dám chinh phục biển khơi:
“Hát rằng cá bạc biển Đông lặng,
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi!”
Biển cả thật đẹp và giàu có, thân thiết biết bao với con người. Từ “bạc” trong câu thơ thứ nhất là một định ngữ nghệ thuật, có ý nghĩa số lượng cá nhiều, phong phú, tạo nên sự giàu có, quý giá của biển. Hình ảnh so sánh được xây dựng trên 1 liên tưởng rất thực tế: “ Cá thu biển Đông như đoàn thoi”. Từ đó, chúng ta hiểu 2 câu thơ sau là những hình ảnh nhân hóa rất tinh tế. Trong sự tưởng tượng của những người đánh cá, cá bơi dưới biển là cá dệt biển và cá mắc vào lưới là cá dệt lưới. “ Đến dệt lưới ta …”, từ “ta“ vang lên đầy tự hào kiêu hãnh, không còn cái tôi nhỏ bé đơn côi như những ngày xưa nữa mà là một cái “ta” tập thể đầy sức mạnh
Tiếp theo niềm cảm hứng say sưa, bài ca lao động vẫn vang lên khỏe khoắn, ngợi ca cảnh đánh cá trên biển, dưới trời trăng sao. Tác giả đã sáng tạo nên những hình ảnh tuyệt đẹp:
“ Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lới vây giăng.”
Tác giả đã sáng tạo khi sử dụng hình ảnh nói quá: đoàn thuyền đánh cá như đi trong sự vây bọc, nâng đỡ của thiên nhiên. Gió – người bạn thân thiết của con người – lái con thuyền ra khơi. Gió thổi phồng căng cánh buồm như vầng trăng khuyết, rồi mây cũng như cao hơn, thoáng đãng hơn,… Tất cả được nhìn từ cặp mắt của những người dân lao động đã dành được quyền làm chủ biển trời quê hương. Cảnh kì vĩ, lớn lao, phóng khoáng bởi con người sảng khoái, tự do. Trong mối quan hệ giao hòa, thiên nhiên càng huy hoàng, lớn lao bao nhiêu thì càng tôn vẻ đẹp con người lên bấy nhiêu. Tầm vóc của họ vụt cao lên, sánh ngang với biển trời vũ trụ, Động từ “ lướt” cho thấy đoàn thuyền chạy rất nhanh trên mặt biển, càng chứng tỏ khí thế phơi phới của người dân làng chài
Không chỉ tinh tế về cảm xúc thẩm mĩ mà còn phong phú về vốn sống, bài thơ “ Đoàn thuyền đánh cá” cho ta thấy Huy Cận hiểu khá tường tận về công việc của những người đánh cá. Đoàn thuyền đã tìm thấy đúng bãi cá và lưới đã được buông xuống:
“ Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe.
Đêm thở : sao lùa nước Hạ Long.”
Đây là cảnh thực hay tưởng tượng? Ở đây, quả thật có sự pha trộn giữa thực tế và ảo mộng, làm cho biển đêm có 1 vẻ đẹp thật lãng mạn, huyền ảo. Những con cá song lấp lánh như những ngọn đuốc hồng giữa biển đêm thăm thẳm. Cái đuôi cá song quẫy chẳng khác gì mảnh trăng vàng lóe sáng trên mặt biển. Hình ảnh thật nên thơ với cách gọi cá là em, hiển hiện tình yêu thiên nhiên thật mãnh liệt
Nhà thơ mở rộng hồn mình để đón nhận bao vẻ đẹp kì diệu của thiên nhiên, để cảm nhận nhịp thở của thiên nhiên qua những đợt song dâng lên hạ xuống đầy ánh sao. Biển và trời như đã hòa vào làm một và hình ảnh con người hiện lên đẹp đẽ biết bao giữa cái vũ trụ lung linh đấy. Một lần nữa, tiếng hát của họ lại cất lên giữa bao la biển trời:
“ Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao.
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.”
Tiếng hát hiển hiện niềm vui trong lao động của người dân chài. Đồng thời còn biểu hiện những mong muốn đánh bắt được nhiều cá của họ. Cảm xúc cùa họ thật bay bổng, phóng khoáng, chen chúc tình yêu đời. Họ lao động khẩn trương, luôn tay gõ nhịp dồn cá vào lưới. Với sự liên tưởng kì thú, một lần nữa, nhà thơ đã viết: “ Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao” . Phải chăng ánh trăng tỏa lấp lánh trên mặt biển, sóng dâng đầy ánh trăng, vỗ vào mạn thuyền từng nhịp đã khiến nhà thơ miêu tả công việc của người đánh cá thú vị và đẹp như vậy. Đây thực sự là 1 bài ca lao động, vừa hào hung, vừa giàu chất thơ. Nhưng có lẽ, bài ca say đắm nhất là bài ca về sự giao hòa, siết bao thân thiết giữa con người và biển cả. “ Biển cho ta cá như lòng mẹ” Đây là 1 hình ảnh so sánh đẹp: lòng mẹ, nguồn tình cảm yêu thương đã nuôi dưỡng mỗi con người. Biển không chỉ đẹp, giàu có mà còn rất ân tình. Biển không chỉ nuôi dưỡng con người hôm nay và mai sau mà biển đã “ nuôi lớn đời ta từ buổi nào”
Đêm sắp tàn và 1 ngày mới đang đến:
“Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng,
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.
Vẩy bạc đuôi hồng lóe rạng đông,
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng. “
Khổ thơ gợi hình dung về hình ảnh những người lao động làng chài thật khỏe khoắn. Chỉ 1 từ “ xoăn” mà gợi tả được những bắp tay săn chắc, vừa nói được cái hồ hởi, hăm hở của những người lao động mong muốn thấy được hiệu quả lao động của mình. Và lưới rất nhiều cá:” … chùm cá nặng” đúng với mong mỏi của dân chài. Câu thơ thứ 3 miêu tả thật đẹp hình ảnh con cá đang được kéo từ biển lên. Vẩy đuôi của chúng lấp lánh ánh bình minh rực rỡ. Những từ “bạc, vàng”, một mặt diễn tả sự giàu có của biển cả, đồng thời cũng cho thấy thái độ tôn trọng của những người đánh cá với những thành quả lao động của mình. Và dường như, đó còn là niềm biết ơn của họ trước sự hào phóng, ưu ái của biển cả đối với con người. Công việc kết thúc tốt đẹp, họ trở về trong trạng thái sảng khoái, phấn chấn.
Nhưng có lẽ bài ca lao động ngân vang hào hung nhất, hay nhất ở khổ thơ cuối: diễn tả cảnh trở về của đoàn thuyền trong khung cảnh bình minh rực rỡ, tráng lệ:
“Câu hát căng buồm với gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.”
Bốn câu thơ dựng lên 1 quang cảnh kì vĩ về cuộc chạy đua giữa đoàn thuyền đánh cá với mặt trời trên biển cả. Qua đó, thêm một lần nữa, Huy Cận khắc họa thật đậm nét vẻ đẹp khỏe mạnh của những người đánh cá và vẻ đẹp hùng vĩ của biển trời, của thiên nhiên tổ quốc. Ý thơ phảng phất không khí thần thoại, anh hùng ca trong lao động. Mở đầu là câu thơ lập lại gần nguyên văn câu thơ đầu trong khổ thơ thứ nhất: có cảm giác đây là điệp khúc trong 1 bài hát – bài hát ngợi ca niềm say mê lao động trên biển quê hương. Đây là lần thứ 3 tiếng hát vang lên, có khác chăng tiếng hát ở đây hiển hiện rõ hơn niềm vui – niềm vui chiến thắng của con người khi thu được kết quả rực rỡ sau 1 đêm lao động vất vả. Tiếng hát ấy vang lên say sưa hùng tráng trên đoàn thuyền băng băng rẽ sóng trở về. “ Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.” Hình ảnh hào hùng của đoàn thuyền là 1 hình ảnh nhân hóa mang tính chất thập xưng. Những người dân đánh cá làm việc suốt 1 đêm nhưng họ vẫn quyết tâm trở về khi trời sáng. Động từ “ chạy đua” cho thấy sức lực của họ vẫn dồi dào, khí thế lao động của họ vẫn mạnh mẽ. Họ chạy đua với thời gian, với mặt trời. Đặt trong sự tương ứng mới thấy sức mạnh của con người được miêu tả nổi bật hơn, câu thơ đã nâng cao tầm vóc của con người trước vũ trụ. Vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ của bình minh trên biển đã được miêu tả thật gợi cảm ở câu thơ thứ 3 : “ Mặt trời đội biển nhô màu mới.” Câu thơ làm toàn cảnh thiên nhiên sáng lên với 1 màu mới: màu hồng cảu bình minh. Cái màu hồng rực rỡ đầy sức sống ấy chính là lời chào đón ân cần, thắm thiết của thiên nhiên với những người lao động cần cù, có nghị lực phi thường. Cái đẹp của cảnh bình minh ấy chính là ở câu cuối: “Mắt cá huy hoàng muôn dặm khơi” Câu thơ có thể gợi ra 2 hình ảnh trong liên tưởng của người đọc. Một là hình ảnh đoàn thuyền nối đuôi nhau trở về, chiếc nào cũng cá đầy khoang. Hàng triệu triệu mắt cá phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh, huy hoàng trên cả 1 vùng biển rộng. Hai là hàng triệu triệu gợn sóng cũng phản chiếu ánh bình minh rực rỡ giống như muôn ngày mắt cá trên muôn dặm khơi. Dù là hình ảnh nào, thì câu thơ cũng thể hiện 1 vẻ đẹp bao la hùng vĩ và sự giàu có, phong phú của biển cả, của thiên nhiên đất nước. 
 III. Bài thơ thẻ hiện nguồn cảm hứng lãn mạn ngợi ca biển cả lớn lao, giàu đẹp, ngợi ca nhiệt tình lao động vì sự giàu đẹp của đất nước của những người lao động mới. (Ý nghĩa văn bản)

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

MỘT SÁNG MÙA ĐÔNG

Giữa dòng đời một buổi sáng mùa đông
Tấp nập ngược xuôi mỗi người một ngã
Ta bôn ba đi về nơi xứ lạ
Chẳng phải vô tình cũng chẳng phải bon chen
Chẳng phải thản nhiên như đông tàn ngày tạ
Ta không muốn làm nên điều nghiệt ngã
Không muốn vô tâm dập tắt nụ cười

Ta xin đời một chút êm xuôi
Nhưng chao ôi! Có những điều không thể
Giọt mưa sáng nay lăn tròn như giọt lệ
Xin cơn gió vô tình để sưởi ấm lòng nhau...!
 
    Ngày 29/10/2014       
           HBT

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

CUỘC ĐỜI DẠY TA

Cuộc đời cho ta đôi mắt trầm buồn
Để mỗi lần mưa về khiến lệ tuôn lặng lẽ
Có nhiều khi rất muốn tìm một người mà mở lòng chia sẻ
Nhưng sợ người ta cười mình không mạnh mẽ, nên thôi!

Cuộc đời dạy ta cách mím chặt bờ môi
Cho tổn thương không rơi thành tiếng nấc
Để khi chỉ có một mình lại run run bật khóc
Bởi những nhọc nhằn không biết giấu đi đâu.
Cuộc đời cho ta những vấp ngã đớn đau
Để khi quay đầu không thấy bàn tay nào muốn đỡ
Ta lại tủi lòng tự đứng lên trong lo sợ
Liệu một mình mình có đủ sức hay không?
Cuộc đời dạy ta nhận ra cuộc sống không chỉ có màu hồng
Đằng sau tiếng cười còn có tiếng lòng đang gào thét
Nhưng ta vẫn phải bước đi thôi dù yếu lòng hay mỏi mệt
Bởi ta hiểu rằng: Không thương lấy mình làm sao biết thương ai!
(Hoa Mộc Lan)
 

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

QUÀ TẶNG

Người ta bảo anh đáng buồn như thế
Chẳng có gì anh nghĩ để tặng em
Ngoài ước mơ và một trái tim
Những thứ khác anh đều không thể có
Những thứ ấy sẽ làm anh khốn khổ
Nhưng cuối cùng không thắng nỗi anh đâu

Anh vẫn đi trăng biếc dựng ngang đầu
Quà cho em một vì sao anh ngắt
Quà cho em một vì sao xa lắc
 
 Quà tặng tháng 10
       THB

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

THÁNG MƯỜI VỀ




Tháng mười về giá lạnh khỏi bơ vơ
Tia nắng nhạt đất trời thêm màu nhớ
Cho ta gọi tên một lần gặp gỡ
Để mây chiều ru giấc ngủ thiên thu
Tháng mười về mưa đổ chạm lời ru
Ta  chếnh choáng  ta vụng về mê mải
Mùa thu cùng ta tạ từ miền cỏ dại
Xin nhặt lại nắng vàng để đốt cháy
                              miền kí ức không tên…
                                          HBT

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

MẸ!

 
Ta mượn lời của gió của mây
Mượn tiếng hát sơn ca mượn hoa hồng sắc đỏ
Mượn thời gian quay trở về tuổi nhỏ
Mượn đêm ngậm ngùi bên mẹ ta xưa
***
Có thể đếm từng hạt nắng hạt mưa
Đếm từng vết bùn nhơ trên áo mẹ
Đếm tiếng thở dài đêm về khe khẻ
Chỉ có một điều không đếm nỗi mẹ ơi!
HBT  




Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

NẾU CHO TÔI 6 GIỜ ĐỂ CHẶT MỘT CÁI CÂY THÌ TÔI SẼ DÀNH 4 TIẾNG ĐỂ MÀI RÌU(Abra ham Lincoln)

DOAN NHUNG thân mến,
Có khi nào bạn gắng sức làm công việc gì đó mà càng làm càng rối và tệ hơn chưa? Anh chàng Tiều phu trong câu chuyện Trâm kể bên dưới cũng rơi vào trường hợp như thế:
Chuyện kể rằng, xưa, có một tiều phu khỏe mạnh đến tìm gặp ông chủ xưởng gỗ để tìm việc, và anh được nhận vào làm công việc đốn gỗ.
Ngày đầu, ông chủ đưa cho anh một cái rìu và chỉ anh nơi để đốn gỗ. Trong hôm ấy tiều phu mang về 18 cây. “Thật tuyệt vời, hãy tiếp tục như thế”, ông chủ khích lệ.
Nghe những lời khuyến khích của ông chủ, người tiều phu gắng sức làm việc trong ngày tiếp theo, nhưng anh ta chỉ mang về có 15 cây. Ngày thứ ba anh cố gắng làm việc hơn nữa nhưng anh cũng chỉ mang về được 10 cây. Những ngày tiếp theo số cây anh mang về ngày càng ít hơn. “Tôi đã đánh mất sức mạnh của mình”, người tiều phu nghĩ thế.
Anh tìm đến gặp ông chủ để nói lời xin lỗi và giải thích rằng anh không hiểu được tại sao lại như thế.
"Lần cuối cùng anh mài cái rìu của anh là vào khi nào", ông chủ hỏi. “Mài rìu ư? Tôi không có thời gian để mài nó. Tôi đã rất bận trong việc gắng sức đốn những cái cây”.
DOAN NHUNG thân,
Anh tiều phu dốc sức đốn gỗ, mà không để tâm đến việc mài bén chiếc rìu của mình, nên công sức bỏ ra nhiều, mà hiệu quả lại không tương xứng.
Đôi khi chúng ta cũng vậy, mải mê bận rộn để hoàn tất công việc, mà quên mất việc trau dồi lại kỹ năng. Vậy nên có những nỗ lực bỏ ra không hiệu quả, không hẳn vì bạn chưa gắng đủ sức, mà chỉ vì ta cố gắng không đúng cách. Có những việc không thành công, không phải vì bạn thiếu nỗ lực mà vì bạn chưa đủ kỹ năng. 
Những lúc như vậy, thay vì quay cuồng với mớ công việc một cách không hiệu quả, hãy quay trở lại mài bén những kỹ năng của mình. Khi đó, không chỉ bạn sẽ dễ gặt hái thành quả, mà công việc cũng trở nên dễ dàng và hứng thú hơn rất nhiều.
Đừng quên mài dũa hằng ngày những kỹ năng bản thân cần có bạn nhé, bạn sẽ tìm thấy được sức mạnh của mình.
Chúc bạn ngày làm việc hiệu quả và nhiệt huyết!
Thân mến,
Quỳnh Trâm
(Cùng chia sẻ nhé!) 
 

Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

6 loại đau khổ nhất định phải trải qua…


6 loại đau khổ tuổi trẻ nhất định phải trải qua…
ảnh minh họa
1. Loại đau khổ thấy đấng sinh thành rơi nước mắt
Bất hiếu là bất nhân. trên đời này, thứ tình yêu vĩnh viễn, trinh nguyên, cao thượng và vô điều kiện chỉ tồn tại giữa cha mẹ và con cái. Bạn nhất định phải một lần nhói lòng vì làm cha mẹ buồn, xấu hổ khi làm cha mẹ thất vọng. Nhất định phải nếm được vị đắng của giọt mồ hôi rơi xuống từ bờ vai gầy của cha mẹ. Thậm chí, phải dằn vặt bản thân vì chưa làm được gì cho cha mẹ. Nếu lớn lên mà hờ hững với những người vì bạn mà vất vả, vì bạn mà rơi nước mắt, bạn sẽ đánh mất trái tim của mình.
2. Loại đau khổ bị người yêu hơn cả bản thân phản bội
Mối tình đầu, mối tình thứ hai, mối tình thứ ba, đơn phương, tay ba, hay vòng vo không dứt, dù là mối tình thế nào, một lần thất tình là cần thiết. Trái tim nếu không biết đau, sao có thể quý trọng hạnh phúc. Cõi lòng nếu không cô đơn, sao có thể biết tin vào sự bền vững, sao đôi chân có thể dừng lại, sao có thể biết đến thế nào là giá trị của sự tin tưởng?

3. Loại đau khổ lòng tự tôn bị chà đạp, cái tôi bị xé nát
Tuổi trẻ như gió, chỉ thích bay cao, cái tôi như hổ, không chịu khuất phục thứ gì. Chính vì cái ngạo mạn vô tận của đứa trẻ đang lớn, nên mới cần một lần té thật đau. Trong chuyện tình cảm, học tập, công việc, bạn bè, chúng ta đều vì một chữ ‘sĩ’ mà ít nhiều làm sai, ít nhiều làm đau người khác, làm đau bản thân. Té một thật đau, khóc một lần khô cạn cả lòng, thấy cái tôi của mình bị tổn thương nghiêm trọng, rồi nhận ra mình bé nhỏ lắm, thế giới rộng lớn lắm, nhất định phải biết mình biết ta. Tới một ngày nào đó, có thể cúi đầu nói ra câu em còn kém lắm, xin hãy giúp đỡ”, có thể cảm nhận được sự khiêm tốn hình thành, khi đó, ắt hẳn đã trưởng thành.

4. Loại đau khổ thấy mình vô dụng, thất bại chồng chất
Nhìn thấy người khác cứ vượt lên trên, bỏ xa mình một khoảng cách dài, bạn cố chạy theo nhưng chỉ thấy thấy bại, thấy vấp ngã. Bạn hối hận vì ngày đó không cố gắng học tập, hối hận vì ngày đó để cơ hội trôi đi, thất bại vì đã chọn điều này chứ không chọn điều kia. Bạn cảm thấy bản thân chẳng có gì để tự hào.Nhưng một ngày kia bạn cảm thấy mình thất bại quá nhiều, mà vẫn còn chưa bỏ cuộc, thì bạn mạnh mẽ hơn bạn tưởng đấy. Cuộc đời rải đầy hoa hồng thì chẳng có thử thách nào rèn dũa và trao cho bạn cơ hội thể hiện nghị lực cả. Nhìn thấy cuộc đời không dễ dàng mới một lòng phấn đấu. Bạn biết đấy, thành công không dành cho người sớm bỏ cuộc.
5. Loại đau khổ vì tự ti, quá xấu, quá nghèo, quá ngu
Ghen tị có thể bào mòn trái tim người ta rất ghê gớm. Bạn sinh ra không được xinh đẹp, không gia thế, không khôn ngoan? Chỉ cần so sánh, ắt sẽ sinh ra đau khổ. Nhưng cuộc đời không phải một cuộc đua, không phải cứ ai bắn phát súng bên tai thì mình phải chạy, ai cũng có cái đích của bản thân, hạnh phúc của người khác chắc gì khiến tim bản thân mình vui? Chẳng ai hoàn hảo, mọi người đều tự sâu bên trong có điều gì đó khiến họ tự ti, thậm chí, càng lớn lên người ta càng có quá nhiều điều để so sánh, càng có nhiều điều để tự ti. Một lần đau khổ một tuổi trẻ vì nghèo, vì xấu, vì ngu rồi, thì hãy hạnh phúc vì những gì mình đang có nhé.

6. Loại đau khổ không hiểu vì sao mình phải bị sinh ra
Có tới hàng ngàn người trải qua cảm giác muốn cứa một đường dài vào cổ tay, muốn đẩy cửa nhảy xuống từ tầng lầu cao nhất. Loại đau khổ tột bật thống khổ nhất là cảm thấy không còn thiết sống nữa. Loại đau khổ hình thành khi mọi thứ đã tận, chỉ còn bế tắc. Nhất là tuổi trẻ khám phá ra cuộc đời chỉ là một mớ hỗn độn, rất nhiều người thay vì đối mặt với nó thì lẩn trốn. Nếu bạn đã gặp cảm giác bi thương này thì coi như sẽ chẳng còn thống khổ nào hơn nữa, từ đây, bạn có thể đối mặt với tất cả rồi. Coi như, cuộc đời, dù chỉ là một mớ hỗn độn,vẫn có thể níu chân bạn từ tầng nhà ấy, tình yêu, dù chỉ là cổ tích, vẫn có thể khiến bạn muốn tin thêm lần nữa, thành công, dù xa vời biết bao nhiêu, vẫn có thể khiến bạn muốn thử.

Li vỡ tất nhiên không thể lành, nhưng con người không phải thủy tinh, không phải đá, không phải gỗ, con người có sức bền bỉ rất khủng khiếp, tuổi trẻ có thể hồi phục rất mạnh mẽ. Một thời vùng vẫy, quằn quại, mình mẩy xác xơ, tim chắp vá, đầu nguội lạnh, lòng trơ trọi. Một thời từ đau khổ này qua đau khổ kia. Rồi một ngày, bạn thấy mình lớn lên. Và bạn biết ơn tuổi trẻ với những đau khổ ấy biết dường nào.Bạn nhìn thấy mình hôm nay là một phần của hôm qua, và hạnh phúc ươm mầm vì bạn hiểu thế nào là đau khổ. 
Quan trọng là, hãy tin, và hãy yêu.
            H...