Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

MỐI TÌNH CỦA ANH TÔI


Tôi không biết ngày xưa họ yêu nhau như thế nào. Tôi chỉ biết rằng cô ấy không chọn anh tôi mà chọn người bạn thân của anh ấy. Con gái tuổi lập thân có cái quyền đó thật rắc rối và cũng thật hấp dẫn. Còn nguyên nhân chắc khỏi phải bàn bởi đó là một sự lựa chọn để quyết định sương gió của cả một đời người; chứ không phải là sự bất lực trước những rào cản để rồi buông tay theo số phận. Với người khác đó là một sự phản bội nhưng với anh tôi thì tôi chẳng hiểu anh gọi đó là gì…? Chỉ biết mọi điều diễn ra như tinh thần của câu danh ngôn vậy: Hãy nhớ rằng ta không lựa chọn tình yêu. Mà là tình yêu chọn lựa ta. Tất cả những gì mà chúng ta thật sự có thể làm là hãy đón nhận tình yêu với tất cả những điều kì diệu của nó khi tình yêu đến. Khi tình yêu ngập tràn trong tâm hồn ta, hãy cảm nhận từng hơi thở của nó nhưng rồi hãy dang rộng tay và để cho nó ra đi một khi tình yêu đã muốn thế.”
         Anh à! Những tình cảm trong quá khứ đặc biệt là tình yêu nó thiêng liêng và không thể chối bỏ được, với những hình ảnh nguyên vẹn nhất, đẹp đẽ nhất và cũng dang dở nhất vậy nên cũng khó quên nhất, làm cho anh luôn nhức nhối. Nhức  nhối đến nỗi người tình trăm năm  phải lo sợ, sợ anh tôi còn vấn vương tình cũ, sợ mình không bằng cô ta, …trong đó còn sợ nhiều thứ nữa… tất nhiên không hẳn đúng.  
           Tình cũ  và tất cả những gì liên quan đến nó, có những đàn ông xem nó như một thứ ký ức mà họ muốn người để nó yên, đừng cố đào xới nó lên và cũng đừng cố nhòm ngó vào nó làm gì. Và cố không còn lưu luyến gì đến nó, cố gắng yêu người ở thời hiện tại một cách tốt nhất có thể. Anh tôi cũng thực dụng như bao người đàn ông khác nhưng không giống họ ở điểm này. Trên đời có những thứ tò mò vô bổ mà người ta vẫn cứ tò mò nhưng tôi lại khác, chẳng tò mò vô bổ thế đâu mà hiển nhiên lại biết nhiều thứ bởi anh muốn tôi làm chuyên gia tâm lý cho anh hj hj. Hay nói đúng hơn anh muốn khai thác tâm lý của phụ nữ thì phải?  Bởi anh quên rằng - mãi mãi tình yêu là một điều bí mật. Hãy tận hưởng niềm hạnh phúc khi tình yêu đến ngự trị trong ta dù chỉ một khoảnh khắc của cuộc đời mình.
        Tôi nghĩ. Có lẽ, Anh đã từng yêu cô ấy với tình yêu của một cậu trai tuổi 20 ngờ nghệch không xu dính túi,... Và chắc còn nhiều điều chỉ được phép nghĩ chứ không được phép nói ra.  Còn hiện tại anh là một người đàn ông từng trãi biết nghiện thuốc, nghiện  rượu, biết đi tìm giông bão nhưng cũng biết làm cho thế giới yên bình, biết tập làm vưà lòng người khác và biết chơi cả trò dối trá nữa… hehe…. Mọi thứ đã thay đổi quá nhiều và tình cảm của anh tôi cũng vậy, anh không yêu những người phụ nữ với cùng một kiểu như nhau. Vậy nên ta đừng so sánh. Có thể anh sẽ không khóc khi chia tay người này, như khi đã khóc vì chia tay người kia, và sự trân trọng anh dành cho mỗi người cũng  khác nhau. Nếu một người phụ nữ có một chút  thông minh, sắc sảo thì không dại gì đi ghen với quá khứ của anh tôi, chỉ cần đừng cho họ cơ hội nào cả. Và phải biết một điều. Anh không quên cô ấy, và anh cũng không định quên. Đó là những ký ức vô giá đối với anh và vì anh là một thằng đàn ông chân chính, nên anh sẽ giữ gìn nó đến cuối đời. Anh không níu kéo, không lưu luyến cô ấy, anh cũng sẽ không cố liên lạc,... Anh chỉ đơn giản là không quên. vì cô ấy, là một phần thanh xuân tươi đẹp mà anh chỉ có một lần trong đời. Không ai có thể thay thế được cô ấy trong cuộc đời anh và ngược lại cô ấy cũng chẳng bao giờ thay thế được ai đâu.  Đơn giản vì anh đã từng biết cảm giác mất mát là như thế nào, nên anh sẽ không dễ dàng buông tay những thứ quý giá đang thuộc về mình.
        Phụ nữ chúng ta đôi khi thật ngờ nghệch làm sao?  Luôn luôn có một ước muốn, đó là trở thành người duy nhất trong trái tim đàn ông. Mặc dù họ biết điều đó là bất khả thi. Điều đó khiến họ bứt rứt, thất vọng, thậm chí bị ám ảnh. Họ muốn mình thay thế, và xóa bỏ được tất cả mọi tình cảm trước đó của đàn ông, để biết chắc rằng, sẽ không có ai trên đời quan trọng với anh ta hơn chính mình kể cả khi đã là vợ. Họ quên rằng còn một vị trí khác trong tim người đàn ông, cũng là duy nhất, mà lại một duy nhất trọn vẹn đủ đầy - người đó là vợ, nhưng phải là người vợ khôn ngoan biết tôn trọng và hành xử chồng đúng cấp. Có như thế mới bảo toàn danh dự, niềm tin, sự ngưỡng mộ, lòng cảm phục, trân trọng mà người khác đã ưu ái cho người mình yêu thương. Vợ ngoan làm quan cho chồng là lẽ đó.
Tình cũ  chỉ là một hoài niệm duy nhất. Người mà dù anh đã từng yêu, nhưng không thể cùng anh đi đến cuối đời và nó chỉ đẹp khi còn mãi trong hoài niệm mà thôi. Anh trai à! Nếu đã “liều” rồi mà không được thì cái gì qua rồi anh hãy để nó ở đâu đó đi, ở đâu đó cũng được nhưng đừng quay đầu lại nhìn nó…nhiều như vậy nữa. Cứ để nó ở cõi hư đừng cố kéo về cõi thực. Bởi những gì trong cõi thực nó không còn làm cho con người khát khao, chinh phục nữa. Dù biết rằng thực mới là cuộc sống, mới làm cho con người phấn chấn, năng động hẳn lên còn hư chỉ làm cho con người quờ quạnh trong ảo ảnh mà thôi.
Theo bà Warết:  một nuối tiếc phổ biến đến kinh ngạc ở những người sắp chết. Cho tới tận khi chết, nhiều người mới nhận ra rằng, hạnh phúc xứng đáng được đánh đổi bằng nhiều thứ. “Họ đã sống mắc kẹt trong những phong cách và thói quen cũ. Sự vừa lòng với ‘cái thân quen’ đã che phủ cảm xúc cũng như cuộc sống thể chất của họ. Sự sợ hãi thay đổi khiến họ phải giả vờ với người khác và giả vờ với chính bản thân rằng họ hài lòng, hạnh phúc, dù trong sâu thẳm vẫn mong muốn được cười thoải mái và làm những điều ngốc nghếch theo ý mình một lần nữa”,
Cái gì nó không muốn làm mới thì xin anh đừng đánh bóng, đồ cổ chỉ có giá trị khi  giữ được nguyên màu của nó. Và có một thứ nó muốn được mãi nhớ về như tình cũ thì anh hãy cho vào dĩ vãng nhưng xin đừng có nhạt nhòa. 

       Đó là những chiêm nghiệm từ cuộc đời mà em có được. Xin đừng bảo em tập làm triết gia anh nhé!
                  Em gái - botay.com?       

Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

Ô CỬA PHỤ - TRUYỆN NGẮN TIÊU ĐÌNH

Tiêu Đình
                                              Ô CỬA PHỤ
                                                                       Truyện ngắn

 Lão Ngô gọi là cửa sau, bà Ngô quen nói cửa hông, thằng Tài lại bảo cửa phụ. Tất cả đều là tên của nó - cánh cửa thường để lọt nắng chiều vào đến tận chiếc bàn ăn thoảng mùi nước mắm. Mùa mưa cửa đóng, mùa nắng mở toang. Buổi sơ khai chẳng có khách nào vào ra theo hướng đó. Cửa mở dường như chỉ để hứng gió núi từ phía Tây, vòng qua truông Chờ, lùa hương rừng ngan ngát về xóm Hạ.
Lão Ngô kể về lai lịch của nó: “Dành dụm hơn nửa đời người mà làm xong cái nhà thì sạch xơ xác mướp. Không tiền đóng cửa nên đành phải để thông thốc gió trước gió sau vậy đó. Mà của cải có nhiều nhặn gì đâu mà sợ mất! Một năm sau, đóng được cửa chính thì cửa phụ vẫn còn là những thanh tre tạm bợ đan nhau như chuyện giỡn chơi. Con chó con gà vào ra ung dung, con người thì chỉ cần co khom một chút cũng lọt qua được. Phải đợi đến dịp tết năm thứ ba sau đó mới chính thức hình thành cái khung gỗ sầu đông đóng áp miếng tôn hột mè…”. “Phát triển chậm nhưng mà bền vững”, lão Ngô kết luận với nụ cười khôi hài pha chút khinh bạc.
Thằng Tài, con lão Ngô, làm cán bộ gì đó dưới tỉnh, trông có vẻ cũng oách lắm. Cuối tuần có khi nó về bằng xe con, kéo theo đám lính trẻ xênh xang, khệ nệ mấy thùng bia ken, nhậu tưng bừng suốt ngày. Việc đầu tiên sau khi lão Ngô mất là nó thuê người sửa sang lại nhà cửa cho tiền hậu phải nhất nhất tương thích với vị trí xã hội của gia chủ. Ô cửa phụ, vì thế, bị phá tanh bành. Thước lỗ bang xù ra đo tính kỹ từng phân ly phúc thọ, tường hai mươi xây lại, gỗ mít ghép đóng láng cón. Nó nói, cửa phụ là cửa chính, của vô từ đây, của giữ được hay không cũng từ đây. Thời cha mẹ nó bị lỗi “cái khó bó cái khôn” nên cửa ngõ để dính cung “bạch trạch”, tiền của vô cửa trước ra sạch cửa sau, muốn giữ cũng không giữ nổi.
Nó đúng? Từ ngày mở rộng, chỉnh trang lại ô cửa phụ, gia đình nó ăn nên làm ra thấy rõ. Minh chứng đầu tiên là sự hình thành con đường bê-tông rộng, kiêu hãnh chạy thẳng một mạch từ tỉnh lộ vào sân gạch nhà nó. Xe con, xe tải cỡ nhỏ đều có thể chạy vèo vèo như ngoài quốc lộ. Nghe nói nó tự bỏ tiền ra mua đất, làm đường, không phải theo công thức nhà nước cộng nhân dân thành đường. Đúng là con đường đã góp phần làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn hiu quạnh suốt mấy đời cha ông. Hôm khánh thành, dân xóm Lập Yên được nó chiêu đãi một trận ra hồn.
Cao điểm (không phải chung điểm) phát triển thành đạt của gia đình thằng Tài là việc nó đã dám cày đổ cả căn nhà cũ của cha mẹ để lại xuống ao xã Đích, xây một ngôi nhà mới chấp cả nhà cụ cửu Thạnh, phú nông số một của làng. Tường rào kiên cố xây trước, nhà cửa xây sau. Xây xong, ai đi ngang qua ngoài tỉnh lộ cách đó hơn 300m cũng đều ngứa mắt muốn nhìn vào. Mái ngói đỏ tươi nhô cao vút, nổi rực rỡ trên phông nền là một dãy đồi xanh kín cây keo lá tràm. Nhà như không có cửa, chính xác là chỉ mở cửa phụ thông ra con đường bê-tông chính phủ vừa nối vào khu dân cư xóm núi. Còn cửa chính luôn đóng, thi thoảng mới thấy mở cho ô tô vào. Kín cổng cao tường quá nên người dân Lập Yên ít khi lui tới như thời lão Ngô còn để hoang hoác cửa trước cửa sau và cái hàng rào bằng gai tre không cản được con gà con vịt chạy rông. Thêm nỗi người ta sợ mấy con chó dữ lai béc-giê lúc nào cũng túc trực ngoài cổng, chỉ sủa chứ chưa cắn ai đã sợ.
Lão Ngô mất, để đời được mấy câu triết lý dân gian: “Nghèo quá như tui khó sống. Giàu quá như cửu Thạnh cũng khó sống. U u minh minh chi trung là khỏe. Ngủ giữa thì không cần đắp chiếu”. Từ ngày con lão phất lên giàu nhanh, có mấy người hay nhắc lại câu nói của lão khi thấy thiên hạ nổi lên khó chịu đủ điều, tọc mạch đủ kiểu chuyện riêng tư của gia đình nó. Chẳng hạn như thắc mắc của mụ Hòa, tiền lương nó thì mỗi tháng bao nhiêu, hung lắm bằng lương chủ tịch tỉnh. Mà Chủ tịch tỉnh thì cả đời chắc chi đã dành dụm đủ để xây ngôi nhà lớn như vậy. Ông Hà cố tỏ ra hiểu biết hơn, thằng Tài mà cần chi lương, chân phụ mới là chân chính, nó làm nhà nước cho vui vậy thôi, chủ yếu chạy thêm ở ngoài. Nó có cả mấy trăm héc-ta rừng đứng tên người khác trên kia kìa, gần chục cổ phần trong các công ty dưới xuôi kia kìa. Thu nhập ngoài phải gấp chín mười lần thu nhập trong. Dựa thế nhà nước để làm ăn thêm thì đố ai quy được nó vào tội tham ô hay hối lộ.
Ông Hà càng nói càng hăng như tướng chỉ huy, hết quơ tay trái về phía núi lại chỉ tay phải ra hướng biển. Ông còn lôi cả chuyện cũ rích xa xưa ra nói: “Con đường như quốc lộ 1 chạy thẳng vô nhà nó đấy, tôi cam đoan là tiền của người ta cả. Có qua có lại, các đối tác làm ăn, lính lát dưới quyền nó tranh nhau thả con tép để nhử con tôm. Nói sai, nó mà bỏ ra được đồng nào, tôi chịu đứt đầu ngay.
Là nói vậy chứ có rảnh đâu để người dân Lập Yên mãi ngồi tán phét chuyện gia đình thằng Tài. Ngày giỗ chạp, tết nhứt họ tụ về rồi sau đó tản cả lên rừng, xuống phố để quần quật mưu sinh. Người già và trẻ con ở lại cũng quen dần với cảnh sống “đèn nhà ai nấy tỏ”. Dịp tết nhứt thằng Tài mang về cho người này người kia chai rượu, gói bột ngọt… họ vẫn xuýt xoa cám ơn, chuyện cũ quên sạch. Ngay như ông Hà, phê phán cho đã cái miệng, rằng tâm lý con người thường dễ bị mua chuộc bằng tiền, rồi vẫn thấy chạy sang nhà thằng Tài ngồi nhâm nhi bia, rượu với chả giò, trứng lộn. Ông phân bua, già rồi hay nhứt mỏi tứ chi, sang nhà nó kiếm ly rượu ngâm rắn hổ mang uống về ngủ cho khỏe.
Thằng Tài vừa xây tiếp một căn nhà dưới tỉnh. Nghe đâu nhà dưới đó còn to hơn nhà trên quê nhiều lắm, vòng vèo cầu thang gỗ quý đi bắt mỏi chân, gạch ngoại trơn láng dễ bị trợt té như chơi. Ông Hà xuống phố ăn lễ khánh thành nhà mới của nó về kể nghe như vừa đi tây không bằng. Thằng Tài giải thích, đây mới chính hiệu là nhà làm bằng mồ hôi nước mắt của vợ chồng tui, nhà trên Lập Yên chỉ là nhà của cha mẹ để lại. Vô thế “bỏ thì thương vương thì nợ” nên phải tu sửa lại để làm kỷ niệm.
Từ đó vợ chồng, con cái thằng Tài thưa dần các chuyến đi về Lập Yên. Lui vào thế thái thượng hoàng, ngôi nhà càng trở nên cổ kính, thâm nghiêm và bí ẩn hơn. Thêm một người đàn ông làm vườn, canh cổng và một người đàn bà chăm sóc riêng cho mẹ già của thằng Tài. Cả hai đều là những người thân tín trong gia tộc, được hưởng thù lao ba triệu đồng trên tháng, tương đương với mức lương của một cán bộ bậc trung hồi đó. Một thời gian sau, bà chị chết chồng của nó ở xã bên cũng được điều về để tiếp thêm nội lực quản lý căn nhà. Chỉ thấy bà con, khách khứa vào ra bằng cửa phụ.
Ngày giỗ ông Ngô năm nay thằng Tài làm lớn lắm. Nó cho phá đám sắn trong vườn, thuê người dựng hai dãy rạp xanh đỏ tím vàng rực rỡ chẳng thua kém gì đám cưới. Cổng, cửa chính được mở hết cỡ như những nụ cười không cần phải e lệ. Ô tô, xe máy đông nghịt, khách quê, khách tỉnh có tới mấy trăm người. Nó thưa với bà con, cũng nhờ phúc đức ông già để lại nên nó mới có được ngày hôm nay, để tưởng nhớ công ơn trời bể ấy, nó mời bà con bạn bè ăn uống một trận chưa say chưa về.
Sau lần đó, gia vận thằng Tài bỗng suy sụp nhanh không cách nào gượng nổi. Đầu tiên là cái chết của mẹ nó. Bà Ngô chẳng biết vì lãng trí hay sống quá tù túng mà chỉ nhân một khoảnh khắc nhà mở cửa phụ, người nhà mải lo tiếp khách, bà lọt ra ngoài, bỏ đi mất hút. Cả nhà tìm, cả xóm tìm, thông báo tìm người thân được đưa lên đài huyện mà vẫn không tìm ra. Cuối cùng, người làng đã phát hiện xác bà Ngô cong cứng dưới một cái giếng lạng của làng. Tiếp đó là việc thằng Tài bị cách chức sếp trưởng, phải đền bù cho công ty nhà nước hơn chục tỷ đồng. Vụ này nghe nói nó không giỏi chạy chọt vớt vát thì dễ bị vào tù như chơi. Cuối cùng là việc nhà nó ở quê bị mất trộm vàng. Chuyện này vì sợ ảnh hưởng đến uy tín cán bộ nên được giấu nhẹm, cũng không báo cáo với công an. Ai dại gì đi làm cái việc “lạy ông tui ở bụi này”. Vậy mà cuối cùng vẫn bị lộ ra ngoài. Mỗi người kể theo một cách, không chứng cứ rõ ràng nhưng nhiều chi tiết ly kỳ hấp dẫn. Chung quy họ nói ai đó đã phá cửa phụ vào bỏ thuốc mê người nhà rồi đào lấy vàng  sạch trơn.
Nghe những chuyên này, dân Lập Yên có nhiều lời bình khác nhau. Đại loại như:
-Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai.
-Đúng, cửa phụ mới là cửa chính.
-Của đánh bạc để ngoài sân, của phù vân để ngoài ngõ.
-Không người thân tín thì ai vô đó mà lấy.
 Hoăc là “Chung quy phúc đức, oan nghiệt cũng từ cái cửa phụ mà ra!”. V.v…

           (Tiêu Đình – Hội VHNT Quảng Nam, Đt: 0908545656)


NHỮNG MẢNG GHÉP-TRUYỆN NGẮN TIÊU ĐÌNH

Tiêu Đình
                                 NHỮNG MẢNG GHÉP
                                                                              Truyện ngắn

Vợ hắn từ lan can lầu ba nhảy xuống đất. Một đống xương thịt nằm úp mặt trên máu. Nửa năm sau, cha con hắn dọn đến một ngôi nhà thứ hai nằm trong khu đô thị được quy hoạch sát bờ biển.
 Nhà bán như cho. Với tôi, chỗ bạn bè thân tình, giá càng hữu nghị. Nó nói, cái chết ám ảnh ghê quá nhưng kỷ niệm đẹp vẫn muốn giữ. Mày ở đây thỉnh thoảng tao còn có dịp đến chơi, chứ qua tay người khác coi như là… đứt tiêu mất gốc. Hắn cố tránh không đồ chuyện sống chung với oan hồn để canh giữ kỷ niệm, tôi vẫn nhìn thẳng vào mắt hắn: “Dễ rồi, tao quá ớn nơi đông người ồn ào nên thấy ở đây hợp lắm. Hơn nữa, sống chung với ma quỷ quen rồi, vứt đâu cũng chả sợ”.
Chiếc loa phóng thanh treo chót vót trên ngọn me tây đánh thức tôi mỗi ngày. Có lúc tôi bất ngờ giật mình vì nhạc hiệu chưa kịp chỉnh âm đã oang oang dội ngược vào giấc mơ thả diều bắt chấu. Có lúc tôi mở mắt nằm chờ thứ âm thanh quen thuộc ấy như ngái ngủ, nghẹn lại ở đâu đó nghe rin rít rồi mới bật ra thành nỗi niềm.
Lâu lắm tôi không còn nghe thứ âm thanh đồng hành cùng ngày mới ấy nữa. Không biết do chiếc loa bị hư sau bão Nari chưa kịp sửa hay do chương trình đã thay đổi giờ. Bị nghe mãi cũng phiền, nhưng vắng chúng  lại thấy buồn. Thay vào đó, tiếng đập đá lanh canh của chị Bình từ bờ hồ vọng lên như cố nhắc tôi rằng trời đã sáng. Đâu chừng mấy phút sau, tất cả đều bị nuốt chửng trong xô bồ tiếng xe cộ qua lại, tiếng học sinh vừa ăn sáng vừa đùa giỡn, tiếng nhạc mở hơi lớn từ quán cà phê My love.
Tôi khởi đầu và kết thúc một ngày thường là từ trên sân thượng. Sân rộng chừng hai mươi mét vuông, dễ nhận ra sự thiếu vắng bàn tay chăm sóc. Bộ bàn ghế bằng đá có hàng chữ đề tặng của công ty Vina Stones nào đó đóng bụi nham nhám. Mấy chậu sứ trắng, hoa giấy, mai tứ quý… héo nhàu vì thiếu nước. Những chỗ trũng của nền gạch hoa đóng vàng ố màu đất bụi lâu ngày. Hồi còn ba hắn, những chậu cảnh này được ông trồng hành, gừng, ớt, sả…. Đây cũng là thế giới riêng của ông thiếu tá về hưu những buổi sớm mai, những tối sáng trăng. Ông nói, dưới nhà gần đường quá, ồn ào, sống không quen!
Tôi thích ngồi lỳ một mình trên sân thượng lúc trời chưa kịp sáng hay khi phố đã về khuya để nhìn xuống lòng hồ lung linh màu vàng, đen, ánh bạc của đèn nê-ông, bóng cây, trăng sao…. Dấu hiệu dịch chuyển cuộc sống bắt đầu từ đây với những người tập thể dục buổi sớm cứ nhiều dần, bờ hồ nhạt bớt ánh đèn và mấy xe bán nước, bán quà vặt bắt đầu nhộn nhịp cùng đám học trò của một ngôi trường gần đó. Hồi tôi mới đến, việc bán quà vặt trên vỉa hè bị cấm ráo riết. Chủ của những chiếc xe nước cút kít kiếm sống mỗi ngày được mời về phường để quán triệt chủ trương. Xe lại được đẩy gửi nhờ quanh đó. Vài người vẫn liều mạng đập đá vừa canh chừng đội kiểm tra của thành phố. Rồi bỗng một hôm, những gia tài di động ấy lù lù xuất hiện rầm rộ. Hiện ẩn, ẩn hiện rồi cuối cùng chúng cũng tồn tại như một thứ triết lý mới: được quy hoạch thẩm mỹ hơn quanh bờ hồ thoáng mát.
Khuôn mặt chị Bình, một trong những chủ xe nước, giãn ra bớt nhăn nhúm hơn, mừng quá chú ơi, ảnh (chồng chị) đi làm thợ hồ trong Nam, mỗi năm về được vài ba bận, hai đứa con giao hết cho tui. Cấm bán như vừa rồi  tui biết lấy chi mà sống, chưa nói nuôi con. Tôi nhớ hai mắt chị Bình mở tròn vo khi tôi giao hẳn cho chị một chìa khóa cổng để tiện việc đẩy xe vào gửi trong sân: “Không dám, không dám đâu chú ơi. Lỡ mất mát đồ đạc chi trong nhà…. ”.
Thi thoảng lại thấy chị Bình móc vào cửa nhà hoặc xe máy của tôi một bọc ni-lông đựng gói bánh hay chai nước ngọt với hàng chữ nguệch ngoạc ghi sai chính tả: “Gỡi chú mấy chiết bánh để uống trà”. Hôm Tết chị trực tiếp mang biếu lít dầu ăn thì lại nói tránh đi là dầu nhà chứ không phải mua bán chi….
Những xe bán nước không còn xếp đều cự ly trên bờ hồ lố nhố dáng người, nhiều bóng bằng lăng. Hồ được trả về không gian yên ắng và thơ mộng tự nhiên của nó, tôi vẫn ngồi trên sân thượng một mình để nhìn xuống lấp lánh sắc màu bên dưới. Hình như chỉ lúc này đèn màu và bóng tối mới có giá trị của riêng nó. Bằng chứng là đất trời đã cố lung linh hơn, các đôi nam nữ còn rất trẻ vẫn thường hay tranh thủ bóng phượng sát chân tường rào để  tình tự. Khi thấp thoáng thấy họ vùi nhau trên cỏ, tôi bỗng giật mình nhớ đến hồn ma của chị Thức, vợ hắn. Nơi chị nằm hộc máu tắt thở chỉ cách chỗ đôi nhân tình đang ôm nhau chừng mươi mét. Cái chết bí ẩn của chị đã để lại nhiều chuyện kể như giai thoại dân gian. Người nói, ông ăn chả mà chủ quan không biết rằng bà cũng ăn nem. Đến khi vỡ lẽ mới thấy mình mất trắng cả chì lẫn chài. Thất vọng, đau buồn, quẩn trí…. Người lại kể, chị Thức đoan trang hiền thục từ hồi tóc còn thắt tít lủng lẳng hai bên gáy trắng mịn đến khi về làm dâu một gia đình gia phong bề thế. Chỉ tại chồng thờ ơ mà sinh ra liều tình rồi liều thân. Như vậy ít nhiều chị vẫn còn chút sĩ diện làm người, có đâu như những kẻ chỉ biết trơ mặt với cái xấu.
Hắn kể, vợ hắn vì giận đứa con gái rượu hư thân lại lỗ mãn với mẹ nên làm bậy. Mình sinh con, trời sinh tính mày ơi. Ai đời chỉ mới cấp 2 mà nó tiêu xài, ăn chơi, yêu đương như người lớn. Trẻ bây giờ không như mình hồi xưa đâu. Mà khuyên chi cũng không chịu nghe. Hắn kể một thôi dài rồi kết luận: “Con nít bây giờ dễ hư quá. Giữ như giữ trứng mà cũng chẳng xong”. Thấy tôi tỏ vẻ không đồng tình với lối quy kết này, hắn im lặng một lát, rồi tiếp: “Cũng có một phần trách nhiệm của tao trong đó. Tao chủ quan suốt ngày chỉ lo làm ăn, ít để mắt xem vợ con đã sống thế nào”. 
Nhà hắn có một người đàn bà góa trên 40 tuổi giúp việc. Bà ta làm theo lịch ba buổi trên tuần. Quét dọn, lau chùi tất tần tật từ nhà ra sân, từ toi-lét đến tủ lạnh. Lương tháng nghe đâu tương đương mức lương khởi điểm của một đại học mới ra trường. Bà nói, lương chưa đủ nuôi thằng con xin bên cô nhi viện nên phải chạy bàn thêm cho một quán cơm bình dân ở cuối phố. Hắn dọn đi được một tuần thì bà đến gặp tôi xin lấy mấy bộ đồ và đôi giày còn để trong nhà kho. Bà kể, trước hôm chị Thức chết, bà nghe vợ chồng hắn đóng của phòng cãi nhau dữ lắm. Lúc đầu bà còn đứng bên ngoài cố nghe rõ đầu đuôi sự việc nhưng khi chị Thức van khóc mắng chồng là đồ vô trách nhiệm, chị mà không gặp được anh Thạch nào đó thì đời sẽ vô vị biết chừng nào, bà hoảng quá nhẹ chân bước xuống cầu thang. Chuyện hoàn toàn bất ngờ đối với bà. Kết thúc lần gặp ấy bà hỏi tôi, chú có cần giúp việc chi thêm trong nhà thì tui giúp cho, trả công bao nhiêu cũng được chứ tui không đòi hỏi chi mô.
Đối diện với ngôi nhà vắng hai tầng, một sân thượng, nhiều bóng cây là quán cà-phê-karaoke My love và quán cơm chay Tịnh Tâm. Đây là những hàng xóm mà tôi hay la cà nhất. Quán cà-phê có mặt tiền khiêm tốn nhưng chiều sâu khá tiềm năng. Tôi hay tiếp các bạn văn ở khu sân vườn, nơi có những chậu cây cảnh thiếu nước mà thừa tàn thuốc. Còn hun hút bên trong thì bí ẩn như kho báu trong truyện cổ. Trang thờ thần tài ở ngay lối ra vào có vẻ như được chăm sóc kỹ hơn. Lúc nào cũng thấy có lon bia, dĩa trái cây hoặc gói bánh, điếu thuốc con ngựa cắm vào cọng hương.  Thường thì về khuya những cô gái phục vụ tại đây mới ra ngồi hóng mát hoặc đứng vẫy tắc-xi gần đường. Cô nào cũng da trắng mịn, nói giọng Nam bộ trong veo, mặc váy ngắn hở đùi hở ngực. Chủ quán cà-phê là một phụ nữ trên ba mươi tuổi, dễ nhìn, không chồng, một con, trưởng thành từ một chân tiếp thị bia Tiger. (Theo cách nói của cô là bia “Tay quơ”). Cô thường đánh bài ngửa với khách rằng “Không chồng mà chửa mới ngoan…” nên chẳng ai còn ham chọc ghẹo thêm ba cái chuyện số phận ấy nữa.
Tôi ăn mặn ngày rằm và ba mươi nhưng ăn chay bất kỳ ngày nào thấy thích. Chị chủ quán tên Tâm, có sức thu hút khách nhờ làn da đẹp, khuôn mặt phúc hậu và cách giao tiếp ngọt như mía đường. “Khách ngược đời kiểu như anh không ít, hình như bây giờ người ta ăn thịt nhiều quá, sợ mập, sợ bệnh nên đổ ra ăn chay. Gọi là ăn chay phong trào ấy mà! Thôi thì phật tại tâm hay tại xương da gì cũng tốt. Tui còn kiếm thêm được ít đồng.
Tôi thích ngồi lâu với chị Tâm không phải vì chị nói cười duyên dáng mà vì thích nghe chị kể chuyện. Chị có nhiều chuyện hay từ cái “quán cơm đời người” và cách kể cũng khá hấp dẫn. Mỗi lần ngồi với chị, tôi thường  thấy nhân vật của mình nhảy múa tứ tung, chi tiết, ý tưởng trào ra ghi chép không kịp. Một buổi tối đến quán rất trễ, tôi gặp chị dắt một người đàn ông tiều tụy gần 60 tuổi ra cổng. Hỏi mới biết ông khách như người nhà này bị mù trên 50%, phải bán vé số hằng ngày để nuôi thân. Tối nào ông cũng là người ăn cơm cuối cùng tại quán chị trước khi về phòng trọ. Tiền bán vé số dành dụm được khoảng vài năm gần đây, ông đổ gửi chỗ chị hai chỉ vàng gọi là để phòng khi đau ốm. Thương tình, chị ít khi lấy tiền cơm mà thỉnh thoảng còn cho thêm ông mấy đồng để bồi dưỡng sức khỏe. Từ chuyện người bán vé số bị mù, chị thao thao kể tiếp về một người ăn xin khỏe mạnh đã lấy tiền của những người hảo tâm để đi ăn bún giò, uống bia. Tôi cười khi nghe chị kết luận: “Ba cái loại người ấy hả, gặp tui, tui truy đến cùng rồi chửi thẳng vô mặt cho bõ ghét”.
Cuộc sống hằng ngày của tôi chịu sự chi phối của nhiều mảng ghép từ nhiều hướng trái, phải, đằng sau, phía trước. Âm ỉ là tiếng con mọt gặm cánh cửa gỗ, là hơi thở của mặt hồ phả sương. Rõ nét là hổn độn loạn ngầu những âm thanh rất khó phân biệt. Có thể đó là tiếng trống trường nhanh chậm, lớn nhỏ mang tâm trạng buồn vui khác nhau của người cầm dùi. Tôi cảm giác tiếng trống rất giống sóng biển, sóng có khác ở mỗi nơi mỗi lúc, nhưng muôn thuở sóng vẫn là sóng. Có thể đó là giọng giảng giải đều đều một bài học đạo đức của cô giáo phụ trách giáo dục ngoài giờ. Tôi thương cô cứ thỉnh thoảng phải ngừng giảng, xẵng giọng nhắc nhở các em học sinh “giữ trật tự, giữ trật tự”. Đôi khi giọng cô không đủ bình tỉnh vì phải nhắc đi nhắc lại điều đó nhiều lần đối với một học sinh cá biệt. Cũng có lúc tôi như nghe được cả những âm thanh chảy chìm trong các lớp học yên ắng. Ở đó, quê hương chập chờn trong sự nhảy múa loạn xạ của những trò chơi game, đầu óc trẻ thơ mãi lãng đãng theo một nhân vật hoạt hình nào đó. Chợt nhớ lời hắn: “Mỗi tuần con mình chỉ có một phần ba thời gian ở trường, hai phần ba còn lại là của xã hội, khó khăn lắm!”.
Hắn đến chơi. Cúi mặt buồn buồn khi đi ngang qua chỗ chị Thức hộc máu tươi nằm chết. Chúng tôi lên sân thượng ngồi uống trà. Hắn khen hồ đẹp quá, những ngày sống ở đây, chưa bao giờ tao thấy hồ đẹp thế này. Đúng là hồ về đêm đẹp quá, lung linh sắc màu, tĩnh lặng và thoảng gió mát mẻ. Những mảng sáng tối đan nhau loang loáng, mênh mang và bí ẩn. Sóng chỉ lăn tăn đủ để nghịch với chiếc lá đơn côi. Rồi hắn khen tôi giỏi chăm sóc cây cảnh, không chí chu được như mày thì lan, sứ, mai, đào gì rồi cũng thành củi. Về việc này tao tệ lắm. Bỗng hắn tỏ vẻ đăm chiêu: “Đời nhiều mảng ghép quá, nên mình cứ bị cuốn hút vào đó xoáy tròn, đôi lúc muốn được thoát ra hay tịnh tâm một chút cũng không dễ”.
“Lòng thật bình yên mà sao buồn thế?”. Tiếng nhạc từ quán cà-phê My love khàn khàn vọng ra đường khi tôi tiễn hắn ra cổng. Chợt nhớ tuần sau là tôi sẽ đưa luôn vợ con từ trên quê dọn xuống đây ở. Một ngã rẽ cuộc đời mà bạc đầu lăn lộn mới có được! Vừa chín tuổi đời, con gái tôi đã nói thích chơi với con chó Vàng, thích trèo cây khế, thích ra đồng bắt cá với anh Huy, thích lên gò hái sim với chị Ngân…. Đủ thứ thích! Đêm không nói để tôi biết hành trang chuẩn bị cho bước rẽ này còn thiếu những gì. Nhưng chắc tôi phải mang theo con Vàng, con vật hiền lành, trung thành và thủy chung của gia đình.
“Lòng thật bình yên mà sao buồn thế?”. Tiếng nhạc dội một bên, một bên kia, hồ vẫn lăn tăn sóng. Bóng lá, bóng trăng nhập nhòa sáng tối.    

                                                                   Tiêu Đình
                                        (Hội VHNT Quảng Nam. Đt: 0908545656)   


Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

TRIẾT LÝ VỀ TÌNH YÊU, KIẾP NGƯỜI - TRỊNH CÔNG SƠN

1."Sống làm thế nào cho tròn đầy sự có mặt và chết cho ngập tràn cõi hư không ...

3. "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không ?
Để gió cuốn đi , để gió cuốn đi..."
Trích: - Để Gió Cuốn Đi - (T.C.S)
 4. "Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ rúng tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa"
Trích: - Nỗi Lòng Của Tên Tuyệt Vọng - (T.C.S)
6. "Chỉ có tình yêu mới cứu được cái thứ tuổi đời nặng nề một nỗi buồn không cứu chuộc nổi."
Trích: - Hư Vô - (T.C.S)
7. "Dù thế nào cũng đừng phỉ báng tình yêu bởi nghĩ cho cùng nó vẫn là nguồn an ủi duy nhất. Nó là trò chơi dối trá cần thiết và qua nó chỉ có con ngưòi mới hiểu được thế nào là đau khổ để rồi có lúc phải thốt lên: Tôi buồn quá…."
Trích: - Đành Vậy Với Tình Yêu - (T.C.S)
8. "Im lặng và lãng quên những lời dị nghị. Xưa nay tôi vẫn làm thế. Người ta không thể đánh mãi vào khoảng không được."
Trích : - Giao Lưu Với Nhạc Sĩ TCS - (T.C.S)
9. "Có kẻ đứng trước bao la mà không thấy được bao la. Có kẻ ở buổi bình minh, nghe tiếng chim hót đã chạm mặt với cõi vô lượng. Biết được vô lượng là cùng lúc đến với vô biên… Cái vô biên nằm đâu đó trên cánh vạc chở hoàng hôn về núi mỗi chiều."
Trích: - Mở Theo Lời Điệu - (T.C.S)
11. "Tưởng rằng có thể quên dễ dàng một cuộc tình nhưng hóa ra chẳng bao giờ quên được. Mượn cuộc tình này để xóa cuộc tình kia chỉ là một sự vá víu cho tâm hồn. Những mảnh vá ấy chỉ đủ để làm phẳng lặng bên ngoài mà thôi..."
12. “Cái may ở đời là được yêu và đôi khi cái may ở đời là bị phụ tình”
Trích: - Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ - (T.C.S)
13. "Khi người tình cho bạn một tình yêu thì trong trái ngọt đã có thêm mùi vị của đắng cay. Nhưng tình yêu của Mẹ thì không hề vị lợi. Ở trái tim Mẹ chỉ có sự tràn đầy, không có bớt đi hoặc thêm vào gì nữa.
Một người tình có thể ác độc với bạn nhưng trong lòng người Mẹ thì chỉ có từ tâm. Sự ác độc mang đến giá băng trong lòng bạn và chỉ có hủy diệt chứ không thể làm sinh nở một điều gì tốt lành; chỉ có ở người Mẹ bạn mới tìm được lòng thủy chung tuyệt đối.
Hãy tin chắc rằng không thể nơi nào có lòng chung thủy tương tự như vậy nữa; bởi vì đối với Mẹ, bạn luôn là mục đích đầu tiên và sau cùng!"
Trích: - Nhạc Trịnh và trải nghiệm - (T.C.S)
 14. “Không có tiếng nói nào trẻ trung hơn tình yêu. Không có điều bí ẩn nào sâu xa hơn số phận...”
Trích: - Chân Dung Huế - (T.C.S)
15. "Chết là s­ự tan biến của thể xác. Nh­ưng sống không chỉ là sự tồn tại của thân xác. Nhiều người còn sống mà t­­­ưởng chừng như đã chết. Nhiều người chết mà vẫn còn sống trong trí nhớ mọi ng­ười."
Trích: - Một Cõi Đi Về - (T.C.S)
16. "Được yêu hay bị từ chối cũng là số phận của đời. Mà đời thì rộng quá không yêu được chốn này thì yêu nơi khác.
Còn yêu thì còn sống...
Còn được yêu thì còn sống dài lâu"
Trích: - Cuộc Sống Là Một Niềm An Ủi Vô Bờ - (T.C.S)
18. “Tôi là kẻ vô đạo trong tình yêu
những khi tôi giận hờn cuộc đời.
Khi cuộc đời yêu tôi,
tôi sẽ là tín đồ của tình yêu. “(T.C.S)
19. "Dòng sông là chứng nhân già nua nhất của địa cầu. Hãy thử một lần nương vào cơn mộng du nào đó tìm về những cành san hô cũ kỹ để đọc xem giòng sông đã ghi những gì về tình yêu. Tôi đã hơn một lần trở về từ cơn mộng du đó để rồi làm người đãng trí buồn bã. Từ đấy, tôi cũng đã biết tình yêu thường mở ra những cơn địa chấn kinh hoàng và đã đôi lần quay về xác xơ làm con quạ già kể hoài một chuyện tình chết như loài quạ vẫn thường về kêu ngậm ngùi trên nóc nhà một người hấp hối."(T.C.S)
20. "Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời."
VietBao.vn (VB-Theo Megafun)


Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

THIÊN THU

Rồi có một ngày ta chẳng thể gặp nhau
Nỗi đau tan vào hư ảo
Rồi có một ngày trái tim xưa rỉ máu
Giữa chốn ồn ào thấm thía nỗi cô đơn

Gió của ngày xưa, nắng của ngày xưa
Mưa của ngày xưa hiện về xối xả
Ta mãi chờ nhau nơi bến bờ nghiệt ngã
Nơi mùa xuân, mong ước chẳng quay về

Ta lại tìm nhau trong những cơn mê
Ôm dĩ vãng như thấm từng giọt đắng
Gửi vào thiên thu ngàn lời im lặng
Tạ từ nhau trong những giấc mơ buồn...


        HBT