Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

TƯỞNG RẰNG ĐÃ QUÊN - NGUYEN TAN AI


Thoáng qua một bắt tay san sẻ, một nụ cười gửi trao, một ân cần muộn màng...sao nặng lòng đến thế!
Cuộc công chức viên vo đến từng giờ, từng ngày, từng tuần... giá trị người như còm đi theo thời gian biểu. Cần lắm một lời chào tử tế, một ngưỡng mộ giả vờ, một đồng cảm bâng quơ... như hâm nóng con tim ngày nguội lạnh.
Có thể rằng trong một vật vả đời thường, một câu thúc đời thường, một chỉn chu đời thường... tâm hồn chợt lóe lên một chớp sáng kì dị, khát một chia li, khát một đạp đổ, khát một rũ bỏ để thênh thênh nhẹ cánh bay vèo đến những cơn mơ.
Và trong những phút giây tăng tốc vượt đèn đỏ có thể tình cờ ta cùng một đường bay.
Cũng có thể trong một phút giây thôi miên nào đó ta tình cờ lạc vào túi đen nhân loại, biến mất khỏi những lực hút trái đất một cách dị kì.
Từ Thức xưa, Lưu Thuần xưa tìm được đào nguyên cũng cùng một uyên nguyên như thế.
Mà vườn đào thì yêu quái lắm, chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian, có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn phai một lần.
Mà đào nguyên thì cô đơn lắm, những lúc phiêu bồng làm đám mây lãng đãng lại khát hoài một sợi dây liên hệ với gia đình, vợ con, bè bạn. Cái con rối người cắt đứt những sợi dây thì rủ liệt tay chân.
Lại quay về với chức phận làm người, lại đứng hát nghiêm trang bên bờ vực mái tóc xòa hứng hết gió gieo neo.
Mà cũng thế, chẳng thể nào nguôi quên một phút phiêu bồng.
Nơi ấy ta tạo hóa diệu kì tạc hình em thành tiên nữ, nơi ấy ta nghệ sĩ điên rồ tội lỗi say mê hôn ước với tác phẩm của mình.
Nơi ấy ta vắt hồn ta thành suối nguồn yêu thương chảy ngang đời em chân bùn tay lấm, em rủ áo sáng lòa bao nhiêu!
Nơi ấy ta bang chủ ngạo cuồng đong đời bằng vung múc đời bằng vá. Em ý hẳn cho ta là điên, ý hẳn cho ta là cuồng, ý hẳn cho ta là lạ. Và em cũng hóa tâm thần cho vừa tầm kẻ loạn thần kinh.
Và nơi này ta là kẻ mọt sách lần hoài những trang kí ức xa xăm.
Và nơi này ta là gã công chức già một chiều lang thang vào quán cà phê, biết chẳng là gì của nhau xin trả em về, lời Khánh Li muôn thuở não nùng oan khổ như buổi người về trong lặng lẽ đam mê.
Ngồi sắp xếp lại đời mình cứ thấy ngổn ngang rối rắm một sự đời, rối rắm một thước đo, rối rắm một hôn ước, rối rắm một nước cờ.
Mỗi một đời là một tồn sinh. Mỗi một đời là một sáng tạo. Mỗi một đời là một  sự sống chưa có lập trình. Ta đã dại dột tự tin đời là một chuyến tàu dẫu tốc hành thì lộ trình cũng đã kí định ở những chuẩn mực thông thường.
Và chẳng thể phi thường được nữa.
Và trả những cơn mơ về với những cơn mơ.
Như trả ngày bão nổi về cho biển cả.
Như trả giọt sương đi hoang về tận mây trời.
Như kí thác mình cho lục địa bình yên.
Và biết xa xăm còn một dỗi hờn.
Và day dứt khôn nguôi.
Cúi xin em chút dỗi hờn
Về ươm cả một mùa buồn cho nhau.
Ai đó có lời mãnh liệt: “ Có một tình yêu mãnh liệt là vứt bỏ”
Ta đang làm một lộ trình ngược chiều: “ Có một tình yêu đích thực là vọng tưởng”

Cũng là đốt hết năng lượng của mình để chứng nghiệm một tình yêu!

Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

Hoàng Lê nhất thống chí (Hồi thứ mười bốn)

I.Tìm hiểu chung:

1. Tác giả: 

Ngô gia văn phái là một nhóm tác giả thuộc dòng họ Ngô Thì, ở làng Tả Thanh Oai, Hà Nội.
- Hai tác giả chính:
+Ngô Thì Chí (1753-1788), em ruột Ngô Thì Nhậm, làm quan dưới thời Lê Chiêu Thống, tuyệt đối trung thành với nhà Lê, từng chạy theo Lê Chiêu Tống khi Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh.Dâng “Trung hưng sách” bàn kế khôi phục nhà Lê.Sau đó, được Lê Chiêu Thống cử đi Lạng Sơn chiêu tập những kẻ lưu vong lập nghĩa binh chống lại Tây Sơn. Trên đường đi, ông bị bệnh mất tại Bắc Ninh.Nhiều tài liệu nói, ông viết 7 hồi đầu của tác phẩm.
+Ngô Thì Du (1772-1840) anh em chú bác ruột với Ngô Thì Chí,học giỏi nhưng không đỗ đạt. Dưới triều Tây Sơn, ông sống ẩn ở Hà Nam.Thời nhà Nguyễn ông làm quan đến năm 1827 thì về nghỉ. Ông là tác giả của 7 hồi tiếp theo.
- Ba hồi cuối có thể do 1 người khác viết đầu thời Nguyễn.
2. Tác phẩm: 
"Chí"là thể văn ghi chép sự vật, sự việc.
- Trong văn học Việt Nam thời trung đại, "Hoàng lê nhất thống chí" là một tác phẩm văn xuôi chữ Hán có quy mô lớn nhất và đạt được những thành công xuất sắc cả về nội dung cũng như nghệ thuật.
- Với nội dung viết về những sự kiện lịch sử diễn ra trong khoảng ba mươi năm cuối thế kỉ XVIII - đầu thế kỉ XIX ( cuối Lê đầu Nguyễn),tác phẩm chịu ảnh hưởng lối viết tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc cũng như quan niệm văn sử bất phân - nét đặc thù của văn học trung đại Việt Nam.
- Nếu xét về tính chân thực lịch sử, tác phẩm có thể được xếp vào loại kí sự lịch sử. Nhưng xét về hình thức kết cấu, nghệ thuật khắc họa nhân vật, cách miêu tả, tự sự... thì tác phẩm lại mang đậm chất tiểu thuyết. Có lẽ vì thế mà "Hoàng Lê nhất thống chí" được xếp vào loại tiểu thuyết lịch sử.
- Tác phẩm gồm có tất cả 17 hồi, trên đây trích phần lớn hồi thứ mười bốn, viết về sự kiện vua Quang Trung đại phá quân Thanh.
*Câu hỏi 1, sách giáo khoa, trang 72: Tìm đại ý và bố cục đoạn trích:
=> Trả lời:
- Đại ý:
+ Đoạn trích tái hiện một sự kiện lịch sử trọng đại: cuộc tiến quân thần tốc ra Thăng Long và chiến thắng vĩ đại của quân ta dưới sự chỉ huy của Quang Trung.
+ Đồng thời, đoạn trích còn thể hiện sự thảm bại của quan quân nhà Thanh và vua tôi Lê Chiêu Thống.
- Bố cục: 3 đoạn
+Đoạn 1:(từ đầu đến “hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng chạp năm Mậu Thân (1788)): Được tin báo quân Thanh chiếm Thăng Long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế và thân chinh cầm quân dẹp giặc.
+Đoạn 2( tiếp đến “rồi kéo vào thành”) : Cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung.
+Đoạn 3: Đoạn còn lại : Sự đại bại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống.
3. Tóm tắt hồi thứ 14:
- Nguyễn Huệ nghe tin quân Thanh đến Thăng Long giận lắm liền họp các tướng sĩ định thân chinh cầm quân đi ngay. Tướng sĩ xin Bắc Bình Vương lên ngôi để làm yên lòng người.Nguyễn Huệ cho đắp đàn trên núi tế cáo trời đất lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung. Ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Thân hạ lệnh xuất quân.
-Đến Nghệ An, Quang Trung cho tuyển thêm hơn 1 vạn lính mở cuộc duyệt binh.Đến Tam Điệp mở tiệc khao quân, chia quân sĩ làm 5 đạo. Đúng tối 30 tết lập tức lên đường.
-Trên đường tiến quân ra Bắc, những toán quân Thanh do thám bị bắt sống. Ngày 03 tháng giêng năm Kỉ Dậu, đồn Hà Hồi bị hạ. Mờ sáng ngày 05 tiến đánh đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh đại bại. Thái thú Sầm Nghi Đống thắt cổ tự vẫn. Tôn Sĩ Nghị hoảng hốt cuống cuồng chạy mất mật. Quân Thanh tranh nhau qua cầu tháo chạy rơi xuống nước nhiều không kể xiết. Vua tôi Lê Chiêu Thống dìu dắt nhau chạy trốn sang đất Bắc.
II. Đọc - hiểu văn bản:
Câu hỏi 2, sgk,trang 72: Qua đoạn trích tác phẩm, em cảm nhận hình ảnh người anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ như thế nào? Theo em, nguồn cảm hứng nào đã chi phối ngòi bút tác giả khi tạo dựng hình ảnh người anh hùng dân tộc này?
1. Hình tượng người anh hùng Nguyễn Huệ:
a. Con người hành động với tính cách mạnh mẽ, quyết đoán:
* Trong mọi tình huống, Nguyễn Huệ luôn thể hiện là con người hành động với tính cách mạnh mẽ, quyết đoán. Ông luôn xông xáo, giải quyết nhanh gọn và có chủ đích. Điều đó thể hiện qua từng thái độ, từng hành động của nhân vật:
- Nhận được tin giặc chiếm Thăng Long thì “giận lắm”,”định thân chinh cầm quân đi ngay”.
- Chỉ trong vòng hơn một tháng, Nguyễn Huệ đã làm rất nhiều việc lớn:
+ Tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế để “chính vị hiệu”,”giữ lấy lòng người”.
+ Tự mình “đốc suất đạo binh” ra Bắc.
+ Tìm gặp người cống sĩ ở huyện La Sơn là Nguyễn Thiếp để hỏi kế sách.
+ Tuyển mộ quân sĩ và “mở cuộc duyệt binh lớn” ở Nghệ An, phủ dụ tướng sĩ.
b. Con người có trí tuệ sáng suốt, nhạy bén trước thời cuộc:
- Sáng suốt trong việc phân tích tình hình thời cuộc, thế tương quan giữa ta và địch. Trong lời phủ dụ quân sĩ ở Nghệ An:
+ Nguyễn Huệ đã khẳng định chủ quyền của dân tộc(“đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng”) và lên án hành động xâm lăng phi nghĩa, trái đạo trời của quân Thanh, nêu bật dã tâm của chúng(“bụng dạ ắt khác…cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải”)
+ Nhắc lại truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
+ Kêu gọi quân lính đồng tâm hiệp lực, ra kỉ luật nghiêm.
=> Lời phủ dụ có thể xem như một bài hịch ngắn gọn mà ý tứ phong phú, sâu xa, nó tác động, kích thích lòng yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc.
- Sáng suốt trong việc xét đoán và dùng người: Thể hiện qua cách xử trí  vừa có lí  vừa có tình với các tướng sĩ tại Tam Điệp.Ông rất hiểu tướng sĩ, hiểu tường tận năng lực của bề tôi, khen chê đúng người đúng việc.
c. Con người có ý chí quết thắng và tầm nhìn xa trông rộng:
- Mới khởi binh, chưa lấy được tấc đất nào, vậy mà Quang Trung đã tuyên bố chắc nịch“phương lược tiến đánh đã có sẵn”, “Chẳng qua mươi ngay có thể đuổi được người Thanh”.
- Biết trước kẻ thù “lớn gấp mười nước mình”, bị thua một trận “ắt lấy làm thẹn mà lo mưu báo thù” khiến việc binh đao không bao giờ dứt nên Nguyễn Huệ còn tính sẵn cả kế hoạch ngoại giao sau chiến thắng để có thời gian “yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng”, làm cho nước giàu quân mạnh.
d. Con người có  tài dụng binh như thần:
- Cuộc hành quân thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn do vua Quang Trung chỉ huy:
Ngày 25 tháng Chạp xuất quân từ Phú Xuân(Huế),ngày 29 đã tới Nghệ An, vượt khoảng 350km qua núi, qua đèo. Đến Nghệ An, vừa tuyển quân, tổ chức đội ngũ, vừa duyệt binh, chỉ trong vòng một ngày. Hôm sau, tiến quân ra Tam Điệp(cách khoảng 150km). Và đêm 30 tháng Chạp đã “lập tức lên đường”, tiến quân ra Thăng Long. Mà tất cả đều là đi bộ. Có sách còn nói vua Quang Trung sử dụng cả biện pháp dùng võng khiêng, cứ hai người khiêng thì một người được nằm nghỉ, luân phiên nhau suốt đêm ngày. Từ Tam Điệp ra Thăng Long (khoảng hơn 150km), vừa hành quân, vừa đánh giặc mà vua Quang Trung định kế hoạch chỉ trong vòng 7 ngày, mồng 7 tháng Giêng sẽ vào ăn Tết ở Thăng Long. Trên thực tế, đã thực hiện kế hoạch sớm hai ngày: trưa mồng 5 đã vào Thăng Long.
- Hành quân xa liên tục như vậy, thường quân đội sẽ mệt mỏi,rã rời, nhưng nghĩa binh Tây Sơn “cơ nào đội ấy vẫn chỉnh tề”,”từ quân đến tướng, hết thảy cả năm đạo quân đều vâng mệnh lệnh, một lòng một chí quyết chiến quyết thắng”. Đó là nhờ tài năng quân sự lỗi lạc ở người cầm quân:  hơn một vạn quân mới tuyển đặt ở trung quân, còn quân tinh nhuệ từ đất Thuận Quảng ra thì bao bọc ở bốn doanh tiền, hậu, tả, hữu.
- Tổ chức các trận đánh hợp lí, ít hao tổn binh lực:
+ Trận Hà Hồi …không cần đánh.
+ Trận Ngọc Hồi…được thành.
e. Hình ảnh vị anh hùng lẫm liệt trong chiến trận:
- Là một tổng chỉ huy chiến dịch thực sự: thân chinh cầm quân ra trận, vừa hoạch định chiến lược, sách lược, vừa trực tiếp tổ chức quân sĩ, bài binh bố trận, vừa tự mình thống lĩnh một mũi tiến công, cưỡi voi đi đốc thúc, xông pha nơi trận tiền.
- Hình ảnh người thủ lĩnh ấy đã làm quân sĩ nức lòng, tạo niềm tin quyết chiến quyết thắng, đồng thời khiến kẻ thù kinh hồn bạt vía, rơi vào cảnh đại bại nhanh chóng.
- Ngòi bút trần thuật như thần làm hình ảnh vị vua xung trận giữa làn đạn, cưỡi voi tả đột hữu xung, áo bào đỏ đã sạm đen khói súng thực là lẫm liệt.
2. Chân dung bọn cướp nước và bán nước:
- Đối lập với hình ảnh nghĩa quân Tây Sơn là chân dung của kẻ thù xâm lược. Kéo quân vào Thăng Long rất dễ dàng, như "đi trên đất bằng", quân Thanh đã quá chủ quan, cho là vô sự, không đề phòng gì. Lính thì rời doanh trại để đi kiếm củi, buôn bán ở chợ;tướng thì suốt ngày lo yến tiệc, cờ bạc. Vì vậy, khi bị quân Tây Sơn tiến công bất ngờ đúng vào thời điểm Tết Âm lịch, quân Thanh ở các thành đã không kịp trở tay, "rụng rời sợ hãi",chống không nổi "bỏ chạy toán loạn,giày xéo lên nhau mà chết","thây chất đầy đồng, máu chảy thành suối" đến nỗi nước sông Nhị Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa. Nhục nhã nhất là hình ảnh Tôn Sĩ Nghị "sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp, dẫn bọn lính kị mã của mình chuồn trước qua cầu phao, rồi nhằm hướng bắc mà chạy"...
- Số phận những kẻ bán nước là Lê Chiêu Thống và những kẻ bề tôi của hắn cũng không kém phần thảm hại. Vì mưu lợi ích  riêng của dòng họ, vua Lê Chiêu Thống đã làm cái trò bỉ ổi "cõng rắn cắn gà nhà", "rước voi giày mả tổ", cúi đầu chịu đựng nỗi nhục của kẻ đi cầu cạnh, van xin. Để rồi khi quân Thanh tan rã, cả bọn vội vã chạy bán sống, bán chết, chịu đói, chịu nhục, chỉ biết "nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt".
=> Có thể thấy rõ chất hiện thực trong bức tranh miêu tả của các tác giả. Dù là những kẻ tôi trung với nhà Lê, và trong cách miêu tả cảnh khốn quẫn của vua Lê Chiêu Thống, các tác giả vẫn thể hiện sự ngậm ngùi,thương cảm, nhưng quan điểm tôn trọng lịch sử và ý thức dân tộc của những trí thức đã giúp họ phản ánh đúng diễn biến lịch sử, làm nổi bật hành động "cõng rắn cắn gà nhà" của ông vua phản nước Lê Chiêu Thống cũng như tô đậm chiến công lẫy lừng của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn.Đó chính là một trong những yếu tố tạo nên giá trị tác phẩm.
Câu hỏi 4, sách giáo khoa, trang 72: Ngòi bút của tác giả khi miêu tả hai cuộc tháo chạy (một của quân tướng nhà Thanh và một của vua tôi Lê Chiêu Thống) có gì khác biệt?Hãy giải thích vì sao có sự khác biệt đó.
=> Trả lời:
- Tất cả đều tả thực, với những chi tiết cụ thể, nhưng âm hưởng lại khác nhau:
+ Đoạn văn trên nhịp điệu nhanh, mạnh, hối hả, ngòi bút miêu tả khách quan nhưng vẫn hả hê sung sướng của người thắng trận trước sự thảm bại của lũ cướp nước.
+ Đoạn văn dưới nhịp điệu chậm hơn, miêu tả tỉ mỉ giọt nước mắt của người thổ hào, nước mắt tủi hổ của vua tôi nhà Lê… Âm hưởng có phần ngậm ngùi, chua xót.
- Vì các tác giả đều là những cựu thần của nhà Lê, nên không thể không có sự thương xót, ngậm ngùi cho tình cảnh của vua tôi Lê Chiêu Thống.Đấy là điều tạo nên sự khác biệt trong thái độ và cách miêu tả hai cuộc tháochạy.
III. Tổng kết:
1. Nội dung:
- Với quan điểm lịch sử đúng đắn và niềm tự hào dân tộc, các tác giả “Hoàng lê nhất thống chí” đã tái hiện chân thực hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống.
2. Nghệ thuật:
- Cách trần thuật đặc sắc.
- Ghi lại những sự kiện lịch sử diễn biến gấp gáp, khẩn trương qua từng mốc thời gian.
- Miêu tả cụ thể từng hành động, lời nói của nhân vật chính,từng trận đánh và những mưu lược tính toán, thế đối lập giữa hai đội quân ( một bên thì xộc xệch, trễ nải, nhát gan; một bên thì xông xáo dũng mãnh, nghiêm minh).
- Hình ảnh người anh hùng Nguyễn Huệ được khắc họa khá đậm nét, có tính cách quả cảm, mạnh mẽ, có trí tuệ sáng suốt, có tài dụng binh như thần, là người có tổ chức và là linh hồn của những chiến công vĩ đại.
- Một sự mâu thuẫn: Nhan đề mang ý nghĩa ca ngợi nhà Lê,nhưng nội dung tác phẩm lại vạch rõ sự thối nát, mục ruỗng của triều đình nhà Lê, và ca ngợi người anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ.
IV. Bài tập vận dụng:
1. Theo cách tổng phân hợp viết đoạn văn (7-10 câu) phân tích hình ảnh người anh hùng áo vải – Quang Trung trong hồi thứ 14 của HLNTC.
2. Lời dụ của vua Quang Trung với quân lính ở Nghệ An trước khi tiến quân ra Bắc có những ý trùng hợp với bài “Sông núi nước Nam” và “Bình Ngô đại cáo”. Hãy chỉ ra những sự gặp gỡ ấy và tìm hiểu ý nghĩa của việc đó.

(các em tham khảo nhé!cô)

Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

THƠ TIÊU ĐÌNH

                 GIÁ MÀ
Giá mà trời sinh ra ta gặp thời buổi của em
Hẳn ngày sẽ mờ, đêm sẽ tỏ, con diều hâu biết hót bản tự tình
Rồi em có trốn đâu chân trời góc bể
Rồi môi có giấu đâu đáy mắt góc hồn
Anh cũng tìm ra, anh nhất định tìm ra
       Giá mà trời sinh ra em gặp thời buổi của ta
       Hẳn dòng sông sẽ ngừng trôi, thời gian sẽ ngừng chảy
      Ta bên em lương thiện một đời
      Rồi em có buồn như một tổ sâu
       Hay em vui mắt hạt mãn cầu
      Anh cũng yêu em, anh mãi yêu em
Giá mà...ôi chỉ là giá mà bút mực
Khoảng cách nối rộng dài thao thức
Để rồi ta có muốn tìm em
Để rồi em có muốn tìm ta
Cũng nhọc công đẫm mắt đục ngầu
Môi hồng tóc thả biết về đâu?          

                             
                          Tiêu Đình

Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

NÓI VỚI VŨ NƯƠNG

( Lời chàng Trương)
Bao năm em vẫn đợi chờ
Chồng xa con dại biết nhờ cậy ai
Tình yêu đong đếm tháng ngày
Người thành nỗi nhớ quắt quay đêm về

Tạ từ chưa hết đam mê
Người thành chiếc bóng vỗ về con thơ
Khi yêu một mất mười ngờ
Nhớ thương thuở ấy bây giờ còn thương

Đừng buồn em hỡi Vũ Nương
Ghen tuông thì cũng thói thường người ta
Tháng ngày xưa hóa phôi pha
Em chông chênh giữa phù hoa kiếp người

Đừng trách anh Vũ Nương ơi!
Tình ta bèo dạt mây trôi lỡ làng
Âm dương cách biệt đôi đàng
Vỡ tan rồi dẫu ngàn vàng khôn mua

Trăm năm anh vẫn dại khờ
Bởi vì yêu quá nghi ngờ tình em
Em trong trắng hóa nàng tiên

Còn anh cam chịu lời nguyền thế gian…

(Học sinh chuyên văn, Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm Tam Kì)

Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

VIẾT CHO CON

Mẹ ngày xưa đâu có bánh trung thu
Chỉ có chiếc đèn lồng ngoại làm cho mẹ vui
                                                 đêm rằm tháng tám
Trung thu đêm nay có Lân đầy ngõ
Có bánh Kinh đô, có sữa…đủ thứ à!
Có hoa cúc vàng, có trăng tròn trải thảm
Có “tình” cho con, cho mẹ, cho ba
Chỉ có vắng con
                 không có ai ngắm trăng đêm Trung thu cùng mẹ
Tuổi mười lăm chú Cuội hẹn con về
Mẹ mãi mê tìm nơi chốn đồng quê
Cánh diều nhỏ ngang lưng đồi mộng mị
Mẹ làm gió làm mây làm mưa làm chị Hằng tri kỉ
Cho cánh diều con bay cao mãi lưng trời
Trung thu về con thỏa thích rong chơi
Bờ vai mẹ chờ con tựa vào khi cô đơn mỏi mệt

Gửi tặng con những thánh năm ngờ nghệch
Có trăng vàng đùa gió mát mùa thu…!
                       HBT
             Trung thu 2014

Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

GIỮ HỒN CHO TIẾNG TRỐNG TRƯỜNG

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh trống khai giảng  tại Trường
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh trống khai giảng
tại Trường THPT Chuyên Quốc học Huế  (Ảnh Internet).
Trường và tiếng trống là hai thực thể gắn bó với nhau như một sự mặc nhiên. Nói tới trường là người ta nghĩ ngay tới tiếng trống, nhưng không phải mọi tiếng trống đều làm cho người ta nghĩ tới trường học và hoài niệm về những niềm vui, nỗi buồn của thời áo trắng mộng mơ.
Tiếng trống trường có cái hồn riêng của nó, không lẫn lộn vào đâu được, trở thành dấu ấn không thể phai nhòa của bất kỳ ai từng trải qua những năm tháng cắp sách đến trường. Bởi vậy, tiếng trống trường đã trở thành một đề tài cho nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật đã được bao thế hệ học sinh nhắc đến.
Có một thời vì nghèo khó không ít nhà trường dùng mâm ô-tô hỏng, vỏ bom, vỏ đạn, một đoạn sắt dầm cầu… làm “kẻng” thay cho tiếng trống trường. Cũng có lúc, có nơi nhiều trường thay tiếng trống, tiếng kẻng để làm hiệu lệnh trong trường học bằng tiếng chuông điện “reng, reng”.
Ngày nay, hầu hết các trường học từ thành thị đến nông thôn đều sử dụng trống. Tiếng trống trường không đơn giản chỉ là âm thanh có chức năng hiệu lệnh, mà còn làm cho nhà trường mang đậm văn hóa truyền thống của dân tộc Việt. Tiếng trống trường không lẫn lộn với bất cứ một cơ quan, tổ chức hay lễ hội nào khác mà cũng có tiếng trống.
Có người bảo “đánh trống trường có gì khó, con nít đánh cũng được”. Thật ra đánh trống trường có mấy kiểu đánh: Một tiếng, hai tiếng, ba tiếng và một hồi dài, mỗi kiểu tương ứng với một hiệu lệnh: “Tựu” mà bây giờ gọi là trống báo thúc giục học sinh tới trường, vào tiết, ra tiết, ra tiết có nghỉ giải lao giữa buổi và hết buổi tan trường. Riêng trống khai giảng thì mỗi năm chỉ đánh có một lần, thường là do một vị quan chức cao nhất trong buổi lễ khai giảng hoặc chí ít do hiệu trưởng thực hiện.
Do không có một quy định nào nên trống khai giảng năm học mới thường được đánh nhiều kiểu: 3 hồi + 9 tiếng; 1 hồi + 9 tiếng hoặc 1 hồi + 3 tiếng. Có người cho rằng  đánh 3 hồi + 9 tiếng mới đúng. Tại sao phải là như vậy? Vì rằng, trước khi trống được đưa vào trường học thì vốn là “chiến cụ” để khai trận, thúc quân và mừng chiến thắng. Khi khai trận phải đánh 3 hồi + 9 tiếng.
Khai giảng năm học cũng là “khai trận” nên phải đánh như vậy. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở chỗ đánh mấy hồi, mấy tiếng mà những hồi trống, tiếng trống đó được đánh như thế nào. Có nhiều vị đánh nghe rất hay, có giai điệu, mẫu mực và khí thế hừng hực, nhưng cũng có vị lên đánh liên tục chừng chục tiếng đều đều nghe nhạt nhẽo, không khí thế.
Trống khai trường hay trống báo cho học sinh biết là đã đến giờ đi học có cùng một cách đánh, tức là phải đánh một hồi dài rồi sau đó đánh thêm 3 tiếng. Một hồi dài là bao nhiêu tiếng không xác định nhưng phải bảo đảm là đủ dài. Có người nói ít nhất là ba mươi sáu tiếng (33+3) theo nguyên tắc con số 9.
Người đánh trống phải chọn thế đứng hợp lý, vững chải và tay đánh phải khoan thai nhưng dứt khoát, rõ ràng. Hai tiếng đầu tương đối nhanh, để cho trống ngân vang rồi đánh khoảng chục tiếng trống tiếp theo, đánh thong thả, chờ cho âm thanh lan tỏa mới tiếp tục tiếng khác nhưng đến nửa hồi trống sau phải giục giã, gấp gáp nhưng âm thanh nhỏ dần báo hiệu cho những học sinh còn la cà nhanh chân đến lớp. 3 tiếng kế tiếp đanh, gọn và ngân vang biểu thị cho sự tiếp nối.
Còn trống tan trường (kết thúc buổi học) phải đánh như thế nào? Cũng đánh một hồi dài như trống báo nhưng ngắn hơn một chút (24 tiếng) và không thêm 3 tiếng, bởi đó là báo hiệu cho sự kết thúc. Trong thực tế, có nhiều người đánh trống báo và thậm chí là đánh trống khai giảng mà không đánh thêm 3 tiếng làm cho ý nghĩa của tiếng trống bị đảo lộn. Đánh 1 tiếng hoặc 2 tiếng thì không cần phải nói, nhưng đánh 3 tiếng thì phải tuân thủ quy ước: Hai tiếng đầu nhanh, để trống ngân vang rồi đánh tiếng thứ ba.
Hiện nay, do không có hướng dẫn thống nhất nên hiệu lệnh trống trong mỗi trường mỗi khác, không theo một chuẩn mực nào cả. Có trường phân công nhiều người đánh trống (giáo viên giám thị, nhân viên bảo vệ, học sinh trực…), mỗi người cách đánh khác nhau đến mức tùy tiện làm cho tiếng trống trường không còn có hồn, không nên thơ, nên nhạc và thiếu tính chuẩn mực, xem nó chỉ thuần túy là một công cụ vô tri làm công việc báo hiệu lệnh mà thôi, là một điều đáng tiếc.
Để khắc phục chuyện này không phải là một việc khó khăn nhưng thường rất ít được quan tâm, vì nhiều người cho rằng “tiếng trống không làm nên chất lượng dạy và học”. Cũng cần nói thêm, ngoài chuyện đánh sao cho tiếng trống có hồn, tức là nói đến giá trị tinh thần, thì tiếng trống được đánh đúng cách, đúng lúc, chuẩn mực, chính là nhịp điệu tạo sự nền nếp trong mọi hoạt động của nhà trường. Đó là một giá trị hết sức thực tế mà các nhà trường không thể không quan tâm.
Một năm học mới sắp bắt đầu, tiếng trống trường lại ngân vang, thấm sâu vào tâm khảm bao người. Giữ cho tiếng trống trường có hồn cũng là cách giáo dục về cái hay, cái đẹp và sự nền nếp, mẫu mực cho mọi người, nhất là học sinh.
LÊ MINH HOÀNG