Tiêu Đình
RIÊNG TRONG RIÊNG
Truyện ngắn
1*
Nhìn bề ngoài đó là một chiếc tủ bằng gỗ loại thường,
đánh vét-ni đẹp. Một cánh cửa tủ được gắn tấm kính chữ nhật có viền hoa văn
giống mấy mẫu chạm trổ trong cung đình nhà Nguyễn. Ở thị trấn Lập Yên cũng
nhiều nhà có kiểu tủ này, chẳng riêng gì giám đốc Hưng. Chỉ điều, ở công sở thấy
người ta ít dùng loại tủ vừa đựng tài liệu vừa đựng đồ dùng.
Đứng trước tủ, soi mình vào gương, có năm người đều
cùng vẻ mặt đăm chiêu ủ rũ: Đồng chí phó giám đốc, đại diện cao nhất cho cơ
quan, ông trưởng tộc Lê Viết, vợ và hai con của người quá cố: Giám đốc Hoàng. Riêng
ông trưởng tộc là do chị Toàn, vợ ông Hoàng, đề nghị mời. Theo ý chị, trưởng
tộc là người uy tín với con cháu và đang làm chủ tang lễ. Hơn nữa, Nguyễn Viết
là tộc to họ lớn, có nếp sống quy củ trên dưới từ bao đời và đã từng cấp học
bổng cho ông Hoàng bốn năm theo học đại học quản trị kinh doanh. Lỡ gặp tình
huống trắc trở nào đó, nhờ trưởng tộc nói vào một tiếng có thể mọi chuyện sẽ êm
xuôi.
Ổ khóa kêu tách một tiếng trong trẻo, êm tai. Đồng chí
phó giám đốc vừa hé cánh cửa thì mọi người đã nhận ra một mùi thơm lạ bị nhốt
lâu ngày trong tủ ào tràn ra. Đó là một phần mùi thơm của gỗ trộn với một phần
mùi thơm của loại nước hoa đắt tiền. Vì trân trọng sự thiêng liêng hay đang cố
tâm khám phá điều bí ẩn nào khác, không nghe ai nói gì về mùi thơm là lạ ấy.
Đồng chí phó giám đốc hơi khom người lật từng kỷ vật, nói điều không cần nói: “Đây
là tủ riêng của anh Hoàng nên hơn ba năm làm việc với ảnh, tôi chẳng biết có gì
trong đó”.
Tủ chứa linh tinh: Mấy cuốn sách quý, một giấy chứng
nhận ông Hoàng đã từng là tác giả đoạt giải thưởng trong một lần thi thơ cấp
tỉnh, vải vóc, áo quần ai đó tặng, hộp phấn son chưa kịp tặng ai đó, những bức
thư tình thời học trò, di ảnh của mẹ cha và ảnh của một phụ nữ lạ, các giấy tờ
quan trọng…. Đồng chí phó giám đốc chậm rãi lần giở từng kỷ vật cố để cho cả năm
nhân chứng đều tận mắt trông thấy. Im lặng. Hai cánh cửa tủ bây giờ đã được mở
toang nên không thể soi vào gương mà nhận ra sự biến đổi trên nét mặt của từng
người.
“Còn ngăn này nữa”. Vừa nói, đồng chí phó giám đốc vừa
đưa tay kéo hộp thọa vuông vức nằm sâu
trong đáy ngăn tủ dưới cùng. Không mở được ngăn riêng trong chiếc tủ riêng, anh
chuyển thế ngồi xổm trên nền gạch men, liến thoắng đôi tay lục tìm chiếc chìa
khóa. Không thấy, anh quay lại nhìn mọi người với ánh mắt dò hỏi. Chị Toàn sực
nhớ điều gì, vội lấy trong túi áo chiếc chìa khóa bé tí mà chồng chị đã ú ớ thả
vào lòng bàn tay chị trước khi tắt thở. Khi chiếc thọa nhỏ được kéo ra, mọi
người trông thấy một xấp bì thư chừng vài chục cái, đủ kích cỡ, đủ màu sắc, đủ
kiểu lôgô được xếp chồng lên nhau cẩn trọng. Bên dưới xấp bì là chiếc hộp nhỏ
đựng hai thỏi vàng, một số vàng không nhiều so với tài sản khá lớn của vị giám
đốc đang gửi tại ngân hàng. Mọi người hơi ngớ ra vì hình như cái họ cần tìm
không tìm thấy. Nhất là chị Toàn, không hiểu sao chị cứ đinh ninh rằng phải có
một cái gì đó đặc biệt hơn trong ngăn riêng của chiếc tủ riêng. Ví như một chúc
thư chưa kịp công chứng, hay một ngăn tim nào đó của chồng chị không thể, hoặc
chưa thể mở toang.
“Tội nghiệp, anh Hoàng ra đi đột ngột quá….”. Chị Toàn
bỗng òa khóc sau câu nói của đồng chí phó giám đốc, rồi lại thút thít, tấm tức.
Đứa con trai đầu lòng ôm vai mẹ, lắc lắc: “Thôi mẹ, bình tĩnh đi, mẹ!”. Hai mắt
đỏ hoe, chị Toàn đứng tựa vào con trai như cảm thấy đang chao vơi dễ ngã. Một
tay chị choàng qua cổ con gái học cấp 3 đang đứng nép sát vào người chị.
Ông trưởng tộc đề nghị thử mở một phong bì. Đồng chí
phó giám đốc rút phong bì có in tên một công ty tư nhân nằm ở góc trên. Bốn tờ
năm trăm nghìn phẳng phiu nằm gọn trong phong bì còn thơm mùi giấy mới. Một tờ
được rút ra soi trước ánh sáng rồi được vội vã bỏ vào lại. Phong bì khác, rồi
khác nữa…. Vẫn là tiền! Đến lúc không ai đề nghị anh cũng soi tiếp mấy phong bì
nữa ra ánh sáng, như muốn ướm xem trong đó có bao nhiêu tờ bạc mệnh giá cao
nhất. Yên lặng đến một âm vang sột soạt rất khẽ cũng có thể nghe được. Chị Toàn
giờ đã ráo mắt, nhận xấp bì từ tay đồng chí phó giám đốc rồi chuyển sang cho
con trai.
Mặc dầu chỉ có năm người thân biết rõ xấp phong bì bí
mật nằm trong ngăn riêng của chiếc tủ riêng, nhưng chiều hôm đó tại một quán
nhậu đông khách, chúng đã trở thành đề tài bàn luận sôi nổi. “Ông Hoàng chết
bất đắc kỳ tử, chưa kịp tiêu hết số tiền người ta bỏ bì”. “Không thể, vì chẳng
ai dại gì để nguyên tiền trong phong bì. Hay là ông muốn dành cho một hoạt động
từ thiện nào đó?”. “Dám lắm, tay này kín đáo, nhưng mực thước và tốt bụng”.
“Chắc gì, trong ruột ai chẳng có cứt, đã tốt thì tốt cho luôn, đừng nhận tiền
người ta. Tao nghĩ, chắc là ổng muốn giữ quỹ riêng cho những phi vụ riêng. Vợ
con dễ gì biết được những khoản ngoài trời đất này”. Câu chuyện cứ thế trôi
theo men rượu và nhanh chóng lan ra khắp thị trấn. Mỗi người một kiểu suy luận.
2*
Lễ
viếng tang đã sang ngày thứ hai, nhưng khách vẫn đông nghịt. Nhân lúc nghỉ
trưa, chị Toàn kéo tay hai đứa con vào buồng riêng. Ba chiếc áo tang chụm lại
bên nhau. Giọng chị nhỏ, xúc động và trang trọng:
-Sáng nay mẹ
vừa nhận được cái này của một người đàn bà lạ - Chị đưa sang cho hai đứa con tờ
giấy viết tay có chữ ký đều nét quen thuộc của người chồng vừa mất - Đây là xác
nhận của ba con về một đứa con rơi tên
Thạnh, Lê Viết Thạnh, đang học đại học trong Nam. Các con đọc đi, đúng
là chữ của ba con. Người đàn bà đến gửi tờ giấy và xin cho con mình được phục
tang cha….
-Bây giờ ý hai
con thế nào? - Chị Toàn đợi cho con trai đọc lướt qua tờ giấy rồi tiếp.
Con gái chị ngơ ngác nhìn mẹ rồi lại ngơ ngác nhìn
anh. Con trai chị dù đã đi làm và sắp cưới vợ, cũng không nói được nửa lời. Nó
lặng im ngước nhìn mẹ bằng ánh mắt tự vấn có nhiều màu trắng đục: Tại sao mẹ lại
có thể bình thản đến lạ lùng trước một
vấn đề trọng đại thế này?
-Thật ra thì mẹ cũng mang máng biết chuyện này rồi - Chị
Toàn chờ cho tiếng chiêng trống “bung bung, bầm bầm” đều đặn bên ngoài vừa dứt,
nói tiếp - Đàn ông thành đạt, có vị trí xã hội như ba con tránh sao khỏi cô này
cô kia đeo đuổi! Hơn nữa, ba con là người đàn ông tài hoa, tốt bụng và có trách
nhiệm với gia tộc. Chỉ buồn là ba đã giấu mẹ. Mẹ thì không muốn tìm hiểu vì
thấy chẳng ích chi, biết chỉ thêm lo lắng, hao tốn sức khỏe. Mà nếu mẹ biết cụ
thể cũng không thể xử trí một chuyện đã rồi giống như những phụ nữ khác. Con
nghĩ coi, vô lẽ mẹ đến cơ quan ba đập phá tanh bành, hay tìm cô ta mà sỉ nhục,
đánh đập. Còn công việc, uy tín của ba con với xã hội, cả tương lai của gia
đình và hai con nữa.
- Riêng việc để tang, ý mẹ là còn phải hỏi ý kiến tộc
họ - Chị Toàn chặm nước mắt rồi tiếp.
Trước di ảnh và bàn thờ ông Hoàng khói hương quyện
tỏa, đứa con trai cao to, trẳng trẻo quỳ lạy hai lạy rồi sụt sịt khóc. Khi ông
trưởng tộc Lê Viết giúp nó vấn khăn tang, mặc đồ tang, nó càng khóc to hơn.
Thân quyến, khách viếng, đều dồn mắt vào đó. Có người đưa tay vội quệt nước
mắt, có người quay mặt đi để cố giấu tình cảm riêng tư của mình. Chị Toàn và
hai con vẫn vẻ mặt u buồn đầy tâm trạng đứng ở vị trí số một, chính giữa và gần
nhất với bàn thờ ông Hoàng. Số đông còn lại dường như đang xê nhích dần đến chỗ
đứa con rơi của ông Hoàng. Hẳn là họ muốn xem mặt mũi nó ra làm sao, giống với
ông Hoàng ở điểm nào?
Người đàn bà nãy giờ đứng lẫn trong số khách đông ở
hàng sau được ông trưởng tộc hướng dẫn bước nhẹ vào giữa chiếu hoa. Trông chị
khá tiều tụy với bộ đồ và chiếc khăn choàng cùng màu đen chõi ra giữa nền tang
trắng. Riêng khuôn mặt quý phái của chị thì không thể nhầm lẫn vào đâu được. Đó
chính là người đàn bà trong tấm ảnh được tìm thấy dưới đáy ngăn tủ riêng của
ông Hoàng. Nhất là đôi mắt, đôi mắt ấy như có bờ nối với mông mênh trời đất.
Nước mắt chảy ròng, chị thắp hương khấn nhỏ nhưng cũng đủ cho vài người đứng gần
đó nghe được: “Em cám ơn anh đã bảo bọc đời em và con trai. Em đã lo xong những
điều anh dặn. Vĩnh biệt!”
Người đàn bà có đôi mắt đẹp bước thụt lùi ra khỏi
chiếu hoa. Chiêng trống vẫn dồn dập bung bung bầm bầm. Khách viếng càng lúc
càng đông thêm. Nhiều người cố chen đến gần chị ta hơn, như muốn tận mắt khám
phá một thiên thạch lạ. Rồi người ta xì xào nhỏ to gì đó với nhau. Cuối buổi,
không ai còn trông thấy người đàn bà có trang phục toàn màu đen đã vái lời
“vĩnh biệt” trước bàn thờ ông Hoàng. Đến lúc này, chuyện về chị bỗng được xới
xáo trở lại. Một cháu trai tộc Lê Viết làm ăn tuốt trong Nam tỏ ra hiểu hơn về chị: “Chị ta
nguyên là tiếp viên của một nhà hàng trong thị trấn này, bỏ học từ năm lớp 12
để đi làm kiếm tiền nuôi mẹ đang bị ung thư tủy. Sau, thình lình chị biến mất
khỏi thị trấn. Cho đến khi người ta thấy chị làm tạp vụ cho một công ty của bạn
ông Hoàng ở Sài Gòn…”.
Ông trưởng tộc men theo ý đứa cháu, một hôm đã kéo
thằng con rơi của ông Hoàng về nhà mình. “Thỉnh thoảng cháu có về Trung. Lần về
thắp hương cho bà ngoại, mẹ có đưa đến thăm “bác Hoàng”. Mẹ nói, đây là ân nhân
của gia đình ta, con chào bác đi. Những lần sau mẹ bảo không được khỏe nên cháu
chỉ về một mình. Mỗi lần như thế mẹ đều dặn đến thăm bác Hoàng. Và lần nào cũng
vậy, cháu cũng được bác dúi vào tay mấy phong bì đựng tiền mới toanh lấy trong
ngăn tủ riêng của bác….”
Ông trưởng tộc lặng im ngồi nghe kể. Thỉnh thoảng thấy
ông rung đùi rờ rờ vuốt vuốt mấy sợi râu bạc. “Cho đến ngày bác Hoàng mất, mẹ
mới cho con biết đó là ba của mình. Mẹ bảo, vì muốn giữ hạnh phúc và uy tín cho
một con người tốt”. Khi nghe đến câu này, ông trưởng tộc bỗng gật gật cười cười
rồi ôm đầu thằng cháu bỗng dưng mà có, nói nhỏ: “Từ nay cháu là cháu của dòng
tộc Lê Viết này rồi!”.
*3
Chuyện về ông giám đốc Hoàng, nhất là những
phong bì dày tiền dưới đáy ngăn tủ riêng và đứa con rơi về nhận cha trong ngày
tang lễ đã trở thành điểm nóng trong sinh hoạt của người dân Lập Yên một thời
gian. Sau chao đảo, sóng đời lưỡng phân đen trắng đã rõ. Nhiều người tỏ ra
thông cảm với ông giám đốc về đứa con riêng, tài khoản riêng trong ngăn tủ
riêng. “Chuyện đời mà! Nhiều khi con người đâu có lựa chọn được đường đi cho
chính mình. Làm lớn và giàu có như ông Hoàng không có của bổng và con riêng mới
là chuyện lạ. Thực tế ngoài đời cũng tràn tràn ra đó chứ riêng gì ông ta. Cuối
cùng thì chữ tài, chữ tâm kia mới là quan trọng”. Nhưng cũng không ít người chê
ông Hoàng là sống không thật lòng, là ăn cướp của dân: “Giả dối! Mấy ông lớn
thường chỉ được cái miệng. Giỏi thì cứ công khai trước thanh thiên bạch nhật
đi. Sao lại giấu nhẹm vợ con. Còn tiền của dân mà đã bỏ vô túi mình rồi thì có
dùng vào việc chi cũng có tội. Sao không dũng cảm từ chối ngay từ đầu để tạo
cho xã hội một thói quen lành mạnh?”.
Chiều nào cũng vậy, bất kể là hoàng hôn mưa hay nắng,
chị Toàn và các con đều ra nghĩa trang Gò Chùa thắp hương cho ông Hoàng. Có khi
chị ngồi lại một mình cho đến cuối ngày, khi mà Gò Chùa chỉ còn loáng thoáng
một rừng bia mộ lớn nhỏ đã thẫm màu. Hồi mới về làm dâu Lập Yên, nghe nói Gò
Chùa là chị nghĩ ngay đến một thế giới ma quỷ lộng hành quấy phá. Ma trẻ, ma già, ma thánh
thiện, ma cô hồn, ma oan nghiệt, ma an nhiên…. Đi ngang qua Gò Chùa bao giờ chị
cũng nghe lạnh gáy, ríu chân, cố đạp xe thật nhanh. Bây giờ chị không thấy sợ, cũng không thấy xa lạ với
Gò Chùa nữa, mặc dầu mộ xây, mộ cỏ phủ kín cả một khu đất rộng lớn. Hình như
người dân Lập Yên khi đã về với Gò Chùa mới thấy lòng thật sự thanh thản.
À ơi…Chính
chuyên chết cũng ra ma
Lẳng lơ chết
cũng khiêng ra Gò Chùa…
Vẳng trong chị lời hát ru đã ăn vào máu thịt của người
dân Lập Yên. Chị đứng dậy trở về, đầu óc rỗng không.
Chị Toàn vẫn không hay biết rằng sau khi chị trở về,
có một người đàn bà đội sương, đội bóng tối, len qua những hồn ma Gò Chùa đến
thắp hương cho ông Hoàng. Chiếc khăn choàng cổ màu đen của người đàn bà chồng
lên màu đen của đêm. Không phải chỉ hôm nay, mà từng ngày, từng ngày như thế.
Và chỉ sau khi chị đã rời Gò Chùa.
Tiêu Đình
(Hội VHNT Quảng Nam . Đt: 0908545656)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét