Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

KÍ ỨC HOÀNG HÔN


Cứ mỗi độ hoàng hôn
Giọng hò ấy đưa con về với mẹ
Chiều quê nay có còn cơn mưa nhẹ
Như ngày nao con mẹ trở về






Nước mắt khô rồi sau những tái tê
Bỗng tuôn tràn trên vai con nóng bỏng
Đề chiều nay từ trong sâu thẳm
Dáng mẹ về xao động cả hoàng hôn


Con thương mỗi hoàng hôn
Có bước chân mẹ về vội vã
Khói bếp nhà ai như lời giục giã
Lo cho con lỡ bữa cơm chiều

Mẹ đã dành hết thảy tình yêu
Trong đôi chân mỗi hoàng hôn bước vội
Nên chiều nay thương câu hò quá đỗi
Biết gởi nơi nao cho vợi nỗi niềm


Con thương mỗi hoàng hôn
Ngày con đi mẹ gạt thầm nước mắt
Lặng lẽ nhìn con khi nắng chiều vụt tắt
Để giọng ai hò xao xác cả chiều nay

Ầu ơ…” Chiều chiều ra đứng ngã sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều “
Ước chi con có thật nhiều
Ngã sau ấy để mỗi chiều con trông
                    








  T.T

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

MỖI TUẦN MỘT CUỐN SÁCH

Tặng em một đời ngọt ngào – Thập Tứ Lang

Đọc xong câu chuyện không đâu ra đâu này, bạn sẽ hiểu hai điều:
Thứ nhất, tuổi trẻ thật đáng sợ và gia đình mãi mãi là bến đổ bình yên. Những đứa con nổi loạn sau khi thoát ra vòng tay cha mẹ sẽ biết sự vùi dập tàn nhẫn của cuộc đời, giống như Đàm Thư Lâm, như Chúc Hải Nhã. Đừng mãi mãi nghĩ bạn có lý, bạn luôn đúng, khi mà thế giới này góc cạnh, bạn chỉ nhìn từ một ô cửa sổ vuông vuông…
Thứ hai, phức tạp nhất là con người, mâu thuẫn nhất cũng là con người. Xin hãy gìn giữ chính mình, đừng quá tin vào cảm giác hay tình yêu chưa từng được chứng minh. Cuối cùng thì mỗi người sẽ nhận ra, đời bạn chỉ có mình bạn, may mắn tìm được người đồng hành cũng chưa chắc sẽ nắm tay nhau, cũng chưa chắc sẽ không gặp ngã rẽ… Lý trí – bình tĩnh, hai thứ này không giết chết tình yêu, nó chỉ khiến tình yêu thêm đẹp và đáng quý mà thôi!
90164

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

XIN ĐỪNG ĐỂ THƠ BUỒN


Em đi qua cánh cổng TỰ DO
Lạc vào miền RÀNG BUỘC
Ở nơi ấy muôn phép màu phù thủy
Là miền đất mơ nhưng thực nhất trên đời
 Sẽ quên hết những gì muốn nhớ
Sẽ nhớ rõ rành cái chỉ muốn quên
Cứ mông mông mênh mênh 
Giữa hai miền hư thực...

Có thể em không tin đấy là điều có thực
Có khi nào ý thức bị thôi miên?
Có những nỗi buồn không thể gọi tên
Có những niềm vui cuộn tròn như dấu hỏi
Khóc là cười và lặng im là nói
Buồn cứ như vui và vui lắm lúc cũng như buồn?...

Ngoài kia bầu trời và những cánh chim 
Mà em đã như con thuyền mắc cạn
Con sóng vô tư và cánh buồm phiêu lãng
Đã mờ xa khuất lấp đáy tận cùng
Thơ sẽ đi tìm em trong thất vọng tột cùng
Rồi gục xuống bên dấu chân mờ cát...

 Em ở đâu?... Có nghe đời đang dạo nhạc
Phức điệu tâm hồn vẫn mãi hát gọi em.

   (Phạm Hùng)

Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

QUÀ TẶNG CỦA CON NIỀM VUI CỦA MẸ

    BÀI VĂN VIẾT VỀ MẸ CỦA HỌC TRÒ VÀ QUÀ TẶNG CỦA CON TRAI
"Mọi người chúng ta ai cũng được sinh ra và lớn lên trong vòng tay âu yếm của mẹ hiền. Vẫn biết bên mình có biêt bao nhiêu người thân yêu - đến trường ta có bạn bè thân thương, có ngôi trường thương mến, có thầy cô kính yêu hằng ngày vỗ về, dạy dỗ ... nhưng chắc chắn có ai không cảm nhận được tình yêu thương đầy ắp, nồng ấm của người mẹ hiền đi theo ta đến suốt cuộc đời là cao cả nhất.
Tình yêu đó cứ lớn dần theo năm tháng, đến bây giờ khi bước chân vào trường trung học phổ thông ta mới phần nào hiểu được tình yêu thiêng liêng của mẹ.
Một sớm mai thức dậy, ta đã cảm nhận được bàn tay mẹ hiền ôm ấp đêm qua, giờ đây lại chuẩn bị nắm cơm buổi sáng trước lúc ta đến trường. 
Khi ta vào lớp, bàn tay mẹ lại tần tảo nắng mưa ngoài nương rẫy lo cho ta buổi cơm thường nhật, từng mảnh áo ấm trong những tiết trời lập đông. Cứ thế, tình mẫu tử luôn hiện hữu, cứ mãi chở che, mơn trớn, vỗ về, yêu thương, trìu mến trên mỗi nẻo đường con đến lớp.
Tình mẹ tràn đầy, trinh trắng như mặt nước hồ thu buổi sớm mà vẫn chân chất, mộc mạc, gần gũi tinh tươm tựa trang giấy học trò. Có lẽ khi con người còn chưa biết mặt chữ thì tình mẫu tử đã thể hiện đủ đầy, lung linh như ánh trăng rằm trong những câu ca dân gian xưa. 
Nay trên tất cả các phương tiện trao đổi thông tin, nghệ thuật, hình ảnh người mẹ lại càng được tôn vinh hơn nhưng chắc vẫn chưa bao giờ đủ để nói lên sự hy sinh và tình yêu người mẹ dành cho ta.
Từ tấm bé, khi biết cảm nhận cuộc đời, tình mẹ luôn dần lớn lên bên con theo năm tháng...
“ Ầu ơ ... ví dầu cầu ván đóng đinh, Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi, Khó đi mẹ dắt con đi...”
Câu hát ru con bất ngờ của nhà ai hàng xóm trong đêm sâu quạnh quẽ của miền quê có lẽ cũng đủ đưa ta theo nguồn yêu thương của tình mẹ bao la! Tình mẹ thể hiện mọi nơi trên trái đất nầy với bất kỳ không gian nào.


Một sớm mai trong bài giảng của thầy ở lớp, vẫn còn nhớ như in câu hò đầm ấm, du dương mà mênh mông tình mẫu tử:
“Hò ơ! Mẹ già như chuối chín cây, Gió lay mẹ rụng... gió lay mẹ rụng ... con phải mồ côi”.
Buổi chiều về, đem cảm xúc nầy thổ lộ với ba, con lại nghe ba sụt sùi tiếc thương đã một lần lầm lỡ khi vô tình để mẹ buồn lúc tuổi thời cắp sách. 
Ba rất sợ mồ côi chăng? Có lẽ thế! Mồ côi với tình yêu thiêng liêng bất tận! Mồ côi bàn tay chăm bẵm tự buổi sơ sinh! Mồ côi sự chở che từ tấm bé! Mồ côi ngay cả lúc đã là người lớn như ba! Mồ côi sự nuông chiều trong thời thơ dại! Mồ côi cả trong buổi xế chiều!... Ba chỉ ngậm ngùi đọc câu ca dao xưa cũ:
 “Công cha như núi Thái sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Ta chợt rùng mình sợ hãi thật sự nếu trên đời nầy, ta hay bất kỳ ai lỡ thiếu vắng đi một tình yêu thương của mẹ hiền!
Một đêm sốt xoàng thôi ta đủ biết mẹ chẳng bao giờ yên giấc, bàn tay mẹ nhẹ nhàng sờ trán thăm khám nhiệt độ, đắp chăn, tất tả lo thuốc men, rồi mẹ nấu lá xông mà khi nhỏ ta cứ ngỡ nồi lá xông là thuốc thần để con hết bệnh!
“Con ho lòng mẹ tan tành. Con sốt lòng mẹ như bình nước sôi”.
Cơn sốt của con đã là cơn lửa đốt lòng mẹ! Cơn ho của con chắc đã làm khuôn mặt mẹ thêm hằn những vết chân chim!
Hình ảnh người mẹ luôn bên đời ấm áp, mãi hy sinh, chở che! Cất tiếng khóc đầu tiên chào đời là ta đã nằm trọn trong tình yêu thương đó. Từng bước đi chập chững trước tiên của đời người, ai đã cầm tay ta dắt đi từng bước một? khi lỡ ngã đau, ai lên tiếng xít xoa? 
Cảm nhận được nổi đau lúc nầy là ai ngoài mẹ? Ai mừng vui nhất khi ta cất tiếng nói bi bô? 
Khi bước chân vào trường, đằng sau ta không bao giờ thiếu vắng cặp mắt dõi theo đầy lo lắng của mẹ hiền! Và có ai tả được ánh mắt mừng vui của mẹ mỗi khi ta được điểm mười ?
Giờ đây, khi ngồi trên ghế nhà trường với những trang sách mới thơm tho như còn phảng phất mùi hương lúa mới đồng quê và những giọt mồ hôi tảo tần của mẹ, với bộ trang phục màu xanh hôm nay đây chắc không thiếu đi niềm hy vọng cho con nên người tự miền quê xa lắc. 
Khi phố lên đèn ta chắc mẹ mới rời công việc đồng áng, thoăn thoắt bước chân về nhà dưới làn sương đêm mà mẹ chưa một lần ta thán.
Còn nhớ như in những lúc học bài khuya, mẹ vẫn thức cùng con và ngồi bên may vá, khâu lại từng chiếc khuy, đắp bạ từng mãnh vai áo đã sờn. 
Ngồi bên con, chắc mẹ sợ con thức khuya không đủ sức mai dậy sớm đến trường, mẹ lại tất tả lo cho con từng ly nước cam ngọt lịm tình yêu thương. Đến khi con chim nhạn lạc bầy kêu sương đâu đó giữa không gian miên mang của đêm miền quê xứ Quảng, con lại lo rằng để mẹ cùng thức quá khuya làm sao ngày mai mẹ tiếp tục ra đồng dưới nắng?
Cũng đã có nhiều lần phạm lỗi, sau cái nhìn nghiêm khắc của mẹ, ta vẫn nhận được sự vỗ về bằng những lời khuyên mộc mạc, chân tình nhưng lắng sâu nỗi bao dung. Mỗi lần như vậy, con như lớn thêm lên, cứng cáp hơn lên và tự hứa với lòng sẽ không bao giờ phạm lỗi. 
Ta có biết đâu tuổi thơ vẫn cứ êm đềm trôi đi trong lúc lưng mẹ ngày thêm còng xuống theo dấu ấn nghiệt ngã của tháng năm, lỗi lầm xưa con e rằng chưa có dịp nào chuộc lại, tóc mẹ lại trắng thêm khi ta chưa kịp nên người.
Ngày tựu trường phổ thông trung học chuyên, hai mẹ con rụt rè trên phố như không
khí “ngày tựu trường đầu tiên” của Thanh Tịnh. Trong trang phục của quê nghèo lạ lẫm tại góc phố phồn hoa nhưng con vẫn cảm nhận được sự rắn rỏi, cứng cáp của mẹ để con vững tin mà tiếp xúc môi trường mới mẻ.
Có ai đó thì thầm xót xa, ái ngại nhưng có gì đâu? Người ta có thể có nhiều thứ hơn nhưng con vẫn tin rằng con đã có một gia sản quí nhất trên đời chưa chắc ai sánh kịp đó là tình mẹ của con.
Hôm nay trên chiếc xe đạp mẹ mua cho con vẫn còn thơm mùi sơn mới, con đến trường trong niềm hân hoan như đang trong vòng tay mẹ, con đã tiếp cận môi trường mới, thầy cô mới, bạn bè mới trong veo tuổi thơ học trò, con chắc vẫn không bao giờ thiếu sự lo lắng, nhớ thương của người mẹ hiền tần tảo.
Cuộc đời mẹ là cả một đời mãi hy sinh cho con, tình yêu của mẹ dành cho con mênh mông như trời biển vẫn như câu ca dao xưa đó thôi: “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, và nước trong nguồn vẫn luôn chảy mãi như để tình mẹ luôn tồn tại vĩnh hằng.
Giờ đây, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tưởng như báo đáp công ơn trời biển của mẹ bằng cả sự quyết tâm học hành của con! Con hứa với mẹ con sẽ giữ mãi màu xanh đồng phục của con bên cạnh bạn bè con, của trường con luôn trong sáng như niềm tự hào của chính con, như niềm hy vọng ngọt ngào vô tư của mẹ hiền dành cho con.
Mẹ ơi! Tình mẹ thật bao la! Con chỉ là đứa bé thích luôn được nằm trong vòng tay âu yếm, trìu mến của mẹ, của gia đình! Con nguyện sẽ gắng học thật tốt để rèn luyện bản thân con nên người, góp một phần nhỏ bé cho xã hội, đem lại nguồn vui, niềm hy vọng cho mẹ, cho gia đình thương yêu của mình.
      Chia sẻ: HBT

BIẾT BAO LẦN MUỐN BỎ NHỚ TÌM QUÊN

Là khi, 
phía buổi chiều thả rơi vầng lõa thể
Khi sương mù buông trễ nhạt nhòa đêm
Là khi, 
những thao thức không tên 
tự do mọc trên triền mình hoang dại
Lại rưng rức hơi thở em của những ngày xa ngái…
Người đàn ông trong anh 
cựa quậy 
yếu mềm.
Biết bao lần muốn bỏ nhớ tìm quên
Co chân chạy thật xa rồi vùi mình vào đêm lạnh
Chúng ta không thể cùng rót trăng như lời hẹn
Hành trình đến với nhau
dừng bước
thẫn thờ.
Biết bao lần anh xé vụn giấc mơ
Thả rơi tứ tung quanh bóng mình nhập nhoạng
Vậy mà, 
vẫn cứ ngày cứ tháng... 
ĐÔNG PHƯỚC HỒ

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ LUẬN XÃ HỘI



* Đề 1 :
            Trả lời câu hỏi điều tra của nhà bác học Han tơn, nhà bác học Đacuyn nói về kinh nghiệm thành công của mình như sau:
                “ Tôi nghĩ rằng tất cả những gì có giá trị một chút, tôi đều đã thu nhận được bằng cách tự học”
                  Anh /chị hãy viết một bài văn ngắn trình bày những suy nghĩ của mình về câu nói trên.
ĐỊNH HƯỚNG
I/Mở : Nêu được vấn đề cần nghị luận...
II/Thân :
1/ Giai thích câu nói của Đácuyn : chân lý về sự  tự học giúp người ta làm những điều có ý nghĩa.  Tự học là thực chất của sự học, tích cực chủ động đế với kiến thức, là tìm kiếm tri thức ngoài sách vở nhà trường…
2/Bàn luận ( phân tích, chứng minh, bình luận ...):
-  Con người biết tự học là con người có ước mơ, hoài bão, có lí tưởng đóng góp cho cuộc sống, vì :  
    + Có hoài bão, có mục đích ta mới có phương hướng để tự học,tìm tòi, biết học có phương pháp ( d/c)
    + Có hoài bão con người mới có kiên trì, bền bỉ tự học, có nghị lực vượt qua khó khăn (d/c)
      ( Đác uyn : việc học của ông gắn liền với hoài bão khoa học của ông)
-Muốn có kiến thức thực sự thì học sinh phải tự học ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường: xác lập hoài bão, mục đích để định hướng tự học, rèn luyện thói quen tự học, chuẩn bị tinh thần tự học, tận dụng các điều kiện để tự học (sách, báo, internet…)
III/ Kết bài : - Đánh giá , nhận xét vấn đề: phát biểu của Đácuyn là một kinh nghiệm quý báu....
                      - Rút bài học và liên hệ bản thân :  chúng ta phải biết tự học để thành tài, lập nghiệp cho mình và đóng góp cho đất nước
* Đề 2 :
            M. Farađây có nói: Mọi thứ rồi sẽ qua đi, chỉ còn tình người ở lại”.
            Hãy viết một bài văn ngắn  trình bày suy nghĩ của anh/chị  về câu nói trên.
ĐỊNH HƯỚNG
I/ MỞ BÀI : Nêu được vấn đề cần nghị luận
II/ THÂN BÀI :
 1/Giải thích:
 -  Khi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình, rất dễ dàng để nhận ra mọi việc đều đến rồi đi. Niềm vui, nỗi đau, sự khen ngợi, chê trách, khó khăn, dễ dàng, thành đạt, thất bại và bao nhiêu điều khác nữa.
-  Tình người là những tình cảm đẹp đẽ của con người, gắn kết những trái tim. Nó có thể là tình cảm lứa đôi, tình cảm gia đình, bè bạn, và cao hơn cả là tình người nói chung. Đó có thể là những tình cảm bình dị nhất, gần gũi nhất từ sự quan tâm, chăm sóc nhau trong cuộc sống đến những tình cảm lớn lao hơn mang tính giai cấp, cộng đồng.
2/  Bàn luận ( phân tích, chứng minh, bình luận, bác bỏ...)
-  Câu nói trên có tác dụng như một sự nhắc nhở rằng mọi thứ đều có không gian, thời gian nhất định của nó, một quy luật cơ bản là không có điều gì tồn tại mãi mãi.
-  Cuộc sống chỉ tồn tại lâu bền nhất khi được nuôi dưỡng bởi suối nguồn của tinh người.(d/c)
- Thực tế, có những con người chạy theo quyền chức, danh lợi... sốngthiếu chân thành, đề cao cái tôi cá nhân,  lợi dụng hoặc xu nịnh kẻ khác mà đánh mất nhân tâm, đánh mất tình người...--> một lối sống ti tiện và thiếu tình người.( d/c)
III/KẾT BÀI :  Bàn học nhận thức và hành động:
-   Ý nghĩa của câu nói: Hãy sống yêu thương nhau. Đó là đạo đức của con người. Sống với tấm lòng rộng lượng, vị tha, sẵn sàng tha thứ, bỏ qua mọi lỗi lầm, sai phạm của người khác và không bao giờ nhắc đến...
- Liên hệ và bài học cho bản thân về động cơ sống và cách sống sao cho tình người còn mãi.
* Đề 3:
Trong truyện ngắn “Đời thừa”, Nam Cao để cho nhân vật Hộ bộc lộ suy gẫm: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của mình”.
Ý kiến của anh - chị ? 
ĐỊNH HƯỚNG
            Đề yêu cầu kiểm tra kiến thức xã hội của học sinh trong quan hệ ứng xử, khơi gợi lòng nhân ái về cách sống ở đời. Học sinh có thể đưa ra nhiều cách suy nghĩ, nhận định, bình giải về câu nói của Nam Cao và bày tỏ quan niệm sống, cách ứng xử của cá nhân (không yêu cầu nói về tác giả và tác phẩm Đời thừa), tựu trung cần đạt được những nội dung cơ bản sau: 
I/ Mở bài :
   - Trong truyện ngắn “Đời thừa”, Nam Cao để cho nhân vật Hộ bộc lộ suy gẫm: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của mình”.
  - Phải chăng qua sự suy gẫm trên của Hộ, chúng ta cùng trao đổi và hiểu như thế nào về quan niệm, cách ứng xử của con người trong cuộc sống  hiện nay.
II/ Thân bài :
    1Giai thích, phân tích và chứng minh  nội dung suy gẫm của nhận vật Hộ:       
         a/ “Kẻ mạnh” là gì?Tại sao lại nói :  “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỷ”?
             - Kẻ mạnh là kẻ có đầy đủ điều kiện vật chất và tinh thần.....
 - Trong cuộc sống, cũng lắm kẻ “ích kỷ”, chỉ biết lo cho chính mình, cố tạo uy thế (sức mạnh) cho cá nhân nhằm đạt đến những ham muốn quyền lợi riêng tư như về địa vị, chức vụ, vật chất, ... không quan tâm đến bất cứ ai quanh mình. Để tạo quyền lực cho bản thân, lắm kẻ dùng nhiều thủ đoạn thô bạo, đê tiện như: chèn ép, trù dập, chà đạp lên quyền lợi của người khác, gây bè phái nhằm hạ bệ lẫn nhau, “giẫm lên vai người khác” để ngoi lên, nhằm “thỏa mãn lòng ích kỷ”.
à Nam Cao phủ nhận cách sống ấy, xem những kẻ tạo sức mạnh cho mình bằng con đường như thế không phải là kẻ mạnh của một con người, xem đó là những kẻ không có tính người.
                b/ Quan niệm của Nam Cao: “Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của mình”. Nghĩa là: 
                 -  Kẻ mạnh trước tiên là kẻ có tình người, biết quan tâm, chỉa sẻ, nghĩ đến người khác, biết tương trợ, nâng đỡ những người khi gặp khó khăn, hoạn nạn ... bằng khả năng có được của chính bản thân một cách chân thành, trân trọng, xem đó còn là trách nhiệm (trên đôi vai của mình).
  Kẻ mạnh ở đây còn có nghĩa là vẻ đẹp về sức mạnh tinh thần, giàu lòng nhân ái, biết yêu thương đồng loại, biết làm những nghĩa cử cao cả đem lại lợi ích cho kẻ khác, như thế mới là con người.
            2. Ý nghĩa câu nói của Nam Cao và rút ra cho bản thân một cách sống đẹp.
              - Phê phán quan niệm và lối sống ích kỷ . thủ đoạn ...
           - Khơi gợi lòng nhân ái về cách sống cao cả và chân chính, không vụ lợi ...cho riêng mình...
à đó là cách sống đẹp “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
III/ Kết bài : 
            - Tóm lược , khẳng định ý nghĩa của câu nói.
            - Bài học liên hệ bản thân và mọi người : không dùng thủ đoạn để đạt mục đích mà làm hại đến người khác.Phải nhận thức đúng về lẽ sống...
-------------------------------------------------------
ĐỀ 4:  
Mara nói: “Người ta có vẻ lớn đối với chúng ta, bởi vì chúng ta quỳ. Chúng ta hãy đứng lên !”. 
            Ý kiến của anh, chị về câu nói trên ?
ĐỊNH HƯỚNG
            Học sinh có thể trình bày bằng nhiều cách để bộc lộ vốn kiến thức của mình về một vấn đề xã hội – về kĩ năng sống ; nhưng bài viết cần phải làm sáng tỏ những nội dung cơ bản sau:
I/ Mở bài :
     - Bàn về nhận thức, thái độ, hành động sống sao cho có ý nghĩa của mỗi người trong cuộc đời, Mara có câu:
 “Người ta có vẻ lớn đối với chúng ta, bởi vì chúng ta quỳ. Chúng ta hãy đứng lên !”. 
     - Với câu nói trên , Mara đã phê phán lối sống tự ti, hèn hạ của một số đông thanh niên hiện nay, từ đó tác giả cất lời động viên, kêu gọi mọi người hãy tự khẳng định mình bằng một lối sống mạnh mẽ, bản lĩnh … 
 II/ Thân bài :
1. Giai thích  làm rõ nội dung câu nói của Mara :
a. Ý thứ nhất: : Người ta có vẻ lớnvà  chúng ta quỳ”.
- Chữ “lớn” và chữ “quỳ ở đây không có ý nói về vóc dáng, hành độngbên ngoài, mà nói về tư cách, vị thế của những con người đó.
- Chữ “quỳ” nên hiểu: Là tự hạ mình, tự ti, thiếu niềm tin vào khả năng của chính bản thân trước người khác, thậm chí hèn nhát không dám thể hiện đúng thực lực bản thân.
b. Ý thứ hai: Lời khuyên, lời kêu gọi của Mara : “Chúng ta hãy đứng lên”. Chữ “đứng lên” ở đây là nhằm nói đến sự tự khẳng định bằng ý chí, nghị lực, niềm tin để vươn lên
2. Phân tích, c/m những biểu hiện,nguyên nhân của lối sống “quỳ” :
Biểu hiện :
   + Đó là lối sống ươn hèn, ỉ lại, lười biếng…trong học tập và trong cuộc sống( c/m)
   + Đó là lối sống tự ti , không tin vào chính mình…( d/c)
Nguyên nhân: khiến bản thân thua kém người khác (như về địa vị, chức vụ, kinh tế hay về một năng lực nào đó v.v…) là do chính bản thân chúng ta đã tự hạ mình, thiếu cố gắng, không có tinh thần vượt khó nên mới thấy người khác vượt trội hơn ta.  
 3Bính luận ý nghĩa câu nói của Mara :
     - Khẳng định tư cách, ý chí, nghị lực vượt qua những khó khăn thử thách của mỗi con người trong mối quan hệ cuộc sống.Tài năng của con người được tạo bởi nhiều yếu tố:
    + Yếu tố bẩm sinh (thiên phú), nhưng thiên phú mà không biết cách phát huy thì tài năng kia cũng mai một, lụi tàn.
    + Ýếu tố tự rèn là yếu tố quan trọng để đi đến thành công. Để thấy mình không thấp hơn người khác, bản thân phải có sự lao động chăm chỉ, cần cù, không chùn bước trước gian nguy, phải biết tự tin vào chính bản thân trên bước đường đời.
              - Là lời động viên, kêu gọi lòng tự tin vào ý chí, năng lực để thể hiện thái độ, tư cách, vị trí của chính mình trong mối quan hệ cộng đồng, khác với tự kiêu, tự phụ, hống hách. Đứng lên” không phải bằng cách chèn ép, bôi nhọ, chà đạp người khác để được đứng lên trên nhằm thỏa mãn lòng ích kỷ cá nhân.
 -  Mở rộng ra là vấn đề dân tộc, đất nước trong mối tương quan quốc tế.
III/ Kết bài :
           - Tóm lược...
           - Bài học hành động cho bản thân và cho mỗi người.
*ĐỀ 5:
            “Người ta thường nói văn học là nhân học. Tôi công nhận. Nhưng với riêng tôi, văn học không chỉ là môn khoa học về con người. Cái cốt lõi của nó là lòng nhân ái”.
                       (Rasul Gamzatop – Theo báo Văn nghệ số 45 ngày 5/11/2011).
            Ý kiến của anh – chị về quan niệm trên.
ĐỊNH HƯỚNG
Yêu cầu học sinh hiểu được ý nghĩa văn học là nhân học và lòng nhân ái trong văn học, cần làm rõ các nội dung cơ bản sau:
I/ Mở bài
    - Rasul Gamzatop  : Người ta thường nói văn học là nhân học. Tôi công nhận. Nhưng với riêng tôi, văn học không chỉ là môn khoa học về con người. Cái cốt lõi của nó là lòng nhân ái”.
     - Câu nói trên của Rasul Gamzatop  đã khẳng định ý nghĩa văn học là nhân học và lòng nhân ái trong văn học...
II/ Thân bài :
            1. Giai thích làm rõ nội dung câu nói   :
              a.Vì sao lại nói : Văn học là nhân học : nếu dừng lại ở từ “nhân học” có nghĩa văn học là môn khoa học về con người. Môn khoa học về con người thì đòi hỏi tính chân lí khách quan. Điều đó không sai. Nghĩa là nhà văn miêu tả, phân tích, khám phá, phát hiện các mặt về đời sống con người từ sinh lí đến tâm linh ở góc độ khách quan một cách chân thực.
             b.Vì sao lại nói : văn học không chỉ là môn khoa học về con người. Cái cốt lõi của nó là lòng nhân ái”?
        -  Rasul Gamzatop không phủ nhận điều đó, nhưng nếu chỉ dừng lại ở một môn khoa học khám phá về con người là chưa đủ. Ông bổ sung và khẳng định rằng cái cốt lõi của văn học là lòng nhân ái. Bởi lẽ : ngoài việc miêu tả, phân tích, khám phá về con người,… nhà văn còn phải sử dụng ngòi bút thể hiện lòng thương người, phải biết đau với cái đau của cuộc đời, của nhân loại, của thời đại, biết lên án cái ác, ngợi ca cái thiện, phê phán cái xấu, biểu dương cái đẹp, biết nâng niu bảo vệ sự sống, quý trọng, tôn vinh nhân cách và phẩm giá con người.
            2.. Phân tích, chứng minh những biểu hiện của lòng nhân ái trong văn học xưa và nay : Dựa vào kiến thức đã học trong chương trình (như về Nguyễn Du, Nam Cao, Hồ Chí Minh (Nhật ký trong tù), Thạch Lam, Kim Lân, Banzac, Victor Hugo, Sôlôkhôp…), cũng như kiến thức về tác phẩm văn học đọc thêm ngoài chương trình để dẫn chứng, phân tích, chứng minh làm rõ:
a. Những tác phẩm có giá trị về nội dung tư tưởng lớn và nghệ thuật cao được công nhận và sống với thời gian là những tác phẩm (dù khai thác ở góc độ nào đi nữa) vẫn thể hiện ở đó lòng yêu mến, đồng cảm, sẻ chia của nhà văn đối với con người.
b. Ngược lại, cũng có những nhà văn có năng lực, nhưng khám phá, khai thác con người ở góc độ trần tục, thấp hèn, nhầy nhụa, hoặc thông qua lăng kính chủ quan áp đặt làm cho hình ảnh con người trở nên trần trụi, méo mó,… thiếu tình người, không mang tính nhân văn, tác động xấu đến nhận thức, tâm hồn người đọc.., đều bị phê phán, lên án.
3.Bình luận Ý nghĩa của câu nói :
   - Câu nói của Rasul Gamzatop đã khẳng định  để làm rõ thêm về quan niệm: “Văn học không chỉ là môn khoa học về con người. Cái cốt lõi của nó là lòng nhân ái” là có cơ sở.
   - Từ đó , câu nói làm rõ thêm chức năng , nhiệm vụ của văn học với con người và đời sống.
III/ Kết bài :   
-         Tóm lược nội dung đã nghị luận.
-         Thấy được vai trò và  ý nghĩa của văn học với đời sống …và trách nhiệm của nhà văn…
            Lưu ý: Ở nội dung 1, chỉ yêu cầu học sinh nêu rõ “văn học là nhân học” mà “nhân học” là một môn khoa học về con người, không yêu cầu chứng minh. Nội dung 2 và 3, không yêu cầu phải tách ra từng phần như trong đáp án, học sinh chỉ cần nêu ra luận điểm rồi phân tích chứng minh cho từng luận điểm là chấp thuận.
*ĐỀ 6:
          Những người bạn giả dối giống như những chiếc bóngchúng theo gót ta ra ngoài nắng ấm, và rời bỏ ta ngay khi ta bước vào bóng râm. (C. Bôvi)
Ý kiến của anh – chị ? 
ĐỊNH HƯỚNG
            Đề yêu cầu kiểm tra kiến thức xã hội của học sinh trong quan hệ ứng xử, tình bạn, tình người, về cách sống ở đời. Học sinh có thể đưa ra nhiều cách suy nghĩ, nhận định, bình giải về câu nói của Bôvi và bày tỏ cách nhìn nhận, đánh giá, ứng xử và rút ra bài học cho bản thân, nhưng tựu trung cần đạt được những nội dung cơ bản sau: 
I/ Mở bài :
  - Bàn về thái độ và cách ứng xử trong tình bạn...C.Bovi có câu : Những người bạn giả dối giống như những chiếc bóng: chúng theo gót ta ra ngoài nắng ấm, và rời bỏ ta ngay khi ta bước vào bóng râm.
 - Câu nói của Bovi phải chăng đã phê phán bản chất của những kẻ cơ hội, thiếu nhân cách trong tình bạn của một số người đang diễn ra trong cuộc sống hiện nay.
II/ Thân bài :
1.Giai thích làm rõ nội dung của câu nói :
  a. Giả dối” là không chân thực, nhằm mục đích đánh lừa. “Những người bạn giả dối” là những người sống với bạn không thật lòng, chỉ dựa trên danh nghĩa tình bạn để lợi dụng bạn nhằm thực hiện những mưu đồ lợi ích riêng tư cho chính bản thân.
 b.   ..iống như những chiếc bóng: chúng theo gót ta ra ngoài nắng ấm, và rời bỏ ta ngay khi ta bước vào bóng râm.
  - tường minh : khi ta ra ngoài nắng ấm thì chiếc bóng luôn luôn xuất hiện ở bên cạnh ta; khi ta vào trong bóng râm , phản chiếu của ánh nắng không còn thì bóng ta sẽ mất đi. Đó là một hiện tượng vật lý khách quan mang tính tất yếu.
Hàm ý “nắng ấm có thể hiểu đó là khi ta có cuộc sống có thể là thành đạt, khá giả, sung túc, vinh quang… thì lúc ấy “những người bạn giả dối” bám theo ta để nương tựa, nhờ đỡ, lợi dụng ta vì lợi ích nào đó cho chính bản thân.Ngược lại bóng râm có thể hiểu đó là lúc ta rơi vào cảnh thất cơ, lỡ vận, khó khăn, hoạn nạn,… thì sự giả dối ấy của họ tất yếu hiện hình, lộ rõ, rời bỏ ta vì biết rằng bám theo ta cũng không có thêm được lợi ích gì. 
2.Phân tích, chứng minh những biểu hiện của sự giả dối :
   - Trong học tập…
   - Trong cuộc sống…
                3. Bình luận mở rộng về tình bạn và ý nghĩa câu nói của Bôvi.  
a. Tình bạn hiểu đúng nghĩa là người quen biết, có quan hệ gần gũi, do hợp tình, hợp ý, cùng chí hướng … là sự kết nối tình cảm thiêng liêng, tạo nên sự gắn bó mật thiết, để nương tựa giúp đỡ cho nhau cùng tiến bộ, cùng nhau tâm tình chia sẻ những nỗi niềm khi vui cũng như khi buồn, giúp nhau để vượt qua những lúc hiểm nghèo, khó khăn, hoạn nạn… 
 b. Câu nói của Bôvi là nhằm lên án, phê phán bản chất của những kẻ cơ hội, đó không phải là tình bạn chân chính, mà là những con người dựa trên danh nghĩa tình bạn để lợi dụng cho cá nhân một cách thấp hèn, ích kỉ, không có nhân cách. Qua đó vừa cảnh báo về cách chọn bạn để sống, vừa nhắn nhủ với người đời hiểu đúng về tình bạn và sống với bạn cho ra nhân cách con người.
(Khi liên hệ mở rộng, học sinh cũng có thể đưa ra ví dụ như những người trước đây đang có quyền chức thì bao nhiêu người xum xoe gần gũi, nhưng khi về nghỉ hưu – cái ánh nắng sáng lên quyền lực ấy không còn thì chẳng mấy kẻ đến thăm, … đều được chấp)
III/Kết bài :
-         Tóm lược nội dung….
-         Bài học cho việc xây dựng tình bạn chân chính.
   
ĐỀ 7: Bersot nói: “Trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan đẹp nhất là trái tim của người mẹ”.
        Ý kiến của anh/chị về câu nói trên?   
ĐỊNH HƯỚNG
            Đề yêu cầu bình luận về một vấn đề đạo lý – đó là tình cảm thiêng liêng nơi trái tim người mẹ. Học sinh có thể cảm nhận và trình bày nhiều cách khác nhau, nhưng yêu cầu phải nêu cho được những ý cơ bản sau:
I/ Mở bài :
   - Bàn về vẻ đẹp của tình mẫu tử, Bersot nói: “Trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan đẹp nhất là trái tim của người mẹ”.
   - Câu nói của Bersot đã ca ngợi và khẳng định tình cảm thiêng liêng trong trái tim của người mẹ dành cho con trong cuộc đời.
II/ Thân bài :  
1. Giai thích nội dung câu nói của Bersot:  
    - Hiểu nghĩa của kỳ quan (có thể là một công trình kiến trúc hoặc cảnh vật) đẹp đến mức kỳ diệu hiếm thấy.
    - Bersot nói: “Trong vũ trụ có lắm kỳ quan” có nghĩa cái đẹp đến mức kỳ diệu hiếm thấy (ở những công trình kiến trúc hay cảnh vật tự nhiên) là không ít, nhưng kỳ quan tuyệt hảo nhất là trái tim người mẹ.
à Nội dung chính của câu trên là nhằm nói về trái tim người mẹ: kỳ quan tuyệt hảo nhất.
 2. Phân tích , chứng minh để thấy được vẻ đẹp tuyệt hảo và thiêng liêng của tình mẹ:  Trái tim người mẹ ở đây là tình cảm của mẹ dành cho con. Đó là tình yêu thiêng liêng nhất không gì có thể sánh được (học sinh có thể liên hệ với thực tế để nói về đức hi sinh của mẹ suốt đời cho con).
        - Mang nặng đẻ đau…
        - Chăm nuôi con khôn lớn…
        - Gần gũi chia sẻ những buồn vui với con …
        - Lo lắng, dõi theo con từng bước trong cuộc đời..
à Hy sinh cho con tất  cả mà không hề tính toán
3.Bình luận :
    - Trong thực tế , người mẹ nào cũng luôn yêu thương con mình.Bởi lẽ, những đứa con chính là món quà vô giá mà Thượng đế ban tặng cho họ.Nhưng không phải người con nào cũng hiểu được sự thiêng liêng vô giá từ tình thương của mẹ .
 - Tuy nhiên, trong thực tế cũng có những bà mẹ bỏ rơi con cái của mình từ khi mới sinh ra, hoặc vì một ham muốn tầm thường, thấp kém nào đó mà lợi dụng con cái của mình – nhưng đó là hiện tượng cá biệt cần phê phán.  
 - Câu nói của Bersot là lời khẳng định và ngợi ca, tôn vinh sự cao đẹp của tình mẹ. Thức tỉnh những người làm con nào còn vô tâm, bất hiếu với bậc sinh thành ra mình…  
 III/ Kết bài :
             - Đây là một câu nói hay, sâu sắc và ý nghĩa…về đạo lý ở đời của tất cả những ai là con trên thế gian này với người mẹ của mình.
- Chúng ta cần phải có những suy nghĩ, tình cảm, trách nhiệm đúng mực của mình để đáp lại tình cảm thiêng liêng của mẹ đã dành cho con.
    Nguồn: Phanchutrinh.vn

THIẾU NIỀM TIN SẼ MẤT TẤT CẢ
Sự thiếu vắng niềm tin dẫn đến thái độ tiêu cực, không chịu cố gắng hành động nên không thể phát huy được nguồn sức mạnh tiềm tàng của mình, dẫn đến kết quả yếu kém và càng làm suy giảm thêm niềm tin.
Đó là yếu tố lớn nhất cản trở con người vươn tới thành công.
Niềm tin giới hạn có thể làm thui chột những người thông minh nhất cho dù họ hoàn toàn có khả năng đạt được kết quả vượt trội.
Nhiều người đã sống với những niềm tin sai lạc về bản thân mình dẫn đến thái độ cam chịu trước những bất lợi của ngoại cảnh.
Điển hình của loại niềm tin sai lạc là tin vào lời bói toán, dẫn đến những tác hại không lường đáng tiếc trong cuộc sống.
Nhiều mối tình tan vỡ, bỏ việc, nghi ngờ vô cớ, mất tiền…chỉ vì tin theo lời thầy bói.
Niềm tin tiêu cực hoặc giới hạn khiến con người không đạt được những gì thật ra họ hoàn toàn có thể, ngay cả khi họ nắm giữ đầy đủ những điều kiện thuận lợi nhất. Biểu hiện phổ biến nhất của căn bệnh thiếu tự tin thể hiện qua cụm từ “ tôi không thể ” khi xuất hiện cơ hội hay khả năng nào đó.
Vì thiếu niềm tin, họ không dám nghĩ đến việc lớn, nên thường hay ngụy biện là phải tỏ ra mình “ có đầu óc thực tế ”.
Khi đó họ tìm đủ mọi lý do để biện minh cho sự né tránh hành động, mà thực chất là tự đóng chặt cánh cửa tiến thân tiềm tàng của bản thân.
Niềm tin tiêu cực về bản thân làm cho không ít người cam phận với cảnh nghèo khó hay cuộc sống tầm thường, tự mình triệt tiêu mọi nổ lực vươn lên.
Chính họ đã biến niềm tin tiêu cực của mình thành sự thật.
Điểm yếu chung của con người là thói quen để tâm trí dễ dàng tiếp nhận những ảnh hưởng tiêu cực từ người khác.
Nhà tâm lý học Bungary Geogi Lozanov nhấn mạnh: “ Khi sinh ra chúng ta đều là thiên tài, nhưng trong quá trình lớn lên, chúng ta mất khả năng thiên phú của mình từ việc lắng nghe ý kiến tiêu cực của kẻ khác ”.
Lòng tự tin sẽ bị tổn hại nghiêm trọng, nếu cứ quá chú trọng những lời nhận xét hay đánh giá tiêu cực về mình của những người khác. Nhiều điều mà con người biết về bản thân mình là những niềm tin hạn chế về năng lực của mình, đúng như nhận xét của
Shakespeare: “Chúng ta biết mình là ai, nhưng không biết mình có thể là gì”.
Vậy hãy tự hỏi: mình đã thật sự hiểu đúng về bản thân, đánh giá đúng bản thân chưa?

DANH NGÔN VỀ NIỀM TIN


Tình yêu đến với những ai vẫn hy vọng dù đã từng thất vọng, vẫn tin tưởng dù từng bị phản bội, vẫn yêu thương dù từng bị tổn thương.
~*~
Lạc quan là niềm tin dẫn tới thành tựu. Bạn chẳng thể làm được điều gì mà thiếu đi hy vọng và sự tự tin.
~*~
Đôi khi cuộc đời sẽ ném gạch vào đầu bạn. Đừng đánh mất niềm tin.
~*~
Chúng ta bảo tình yêu là sự sống; nhưng tình yêu không có hy vọng và niềm tin là cái chết đau đớn.
~*~
Nghi ngờ không phải một trạng thái dễ chịu, nhưng tin chắc thì thật ngu xuẩn.
~*~
Tất cả chúng ta đều có cuộc đời riêng để theo đuổi, giấc mơ riêng để dệt nên, và tất cả chúng ta đều có sức mạnh để biến mơ ước trở thành hiện thực, miễn là chúng ta giữ vững niềm tin.
~*~
Chúng ta thường dễ tin người chúng ta không biết bởi họ chưa bao giờ lừa dối chúng ta.
~*~
Bạn không thể kết nối các điểm trong đời bạn khi nhìn về phía trước; bạn chỉ có thể kết nối chúng khi nhìn lại phía sau. Vì vậy bạn phải tin tưởng rằng các điểm đó rồi sẽ kết nối trong tương lai. Bạn phải tin vào cái gì đó - lòng can đảm, vận mệnh, cuộc đời, nghiệp chướng, bất cứ điều gì. Cách tiếp cận này chưa bao giờ khiến tôi thất vọng, nó đã tạo nên tất cả sự khác biệt trong cuộc đời tôi.
~*~
Vượt lên phía trước là một công việc đòi hỏi lòng tin tưởng khát khao vào bản thân. Đó là vì sao vài người với tài năng tầm thường nhưng có chí tiến thủ lớn lao lại đi xa hơn nhiều những người với tài năng vượt trội hơn hẳn.
~*~
Để làm được những điều to lớn, chúng ta không những phải hành động mà còn phải mơ mộng, không những phải có kế hoạch mà còn phải có niềm tin.
~*~
Lạc quan là hạt giống gieo trồng trên mảnh đất của niềm tin; bi quan là hạt giống cất giữ dưới căn hầm ngờ vực.

~*~
Hãy tin rằng đời đáng sống, và niềm tin của bạn sẽ giúp thiết lập sự thực đó.
~*~
Tôi tin vào mọi thứ cho tới khi nó bị bác bỏ. Vì vậy tôi tin vào tiên, thần thoại, rồng. Tất cả đều tồn tại, thậm chí dù nó chỉ ở trong tâm trí bạn. Ai dám nói rằng giấc mơ và ác mộng không thực như điều ở đây lúc này?
~*~
Để làm được những điều to tát, đầu tiên bạn phải tin vào nó.

~*~
Bạn nhắm mắt lại. Đó là điều khác biệt. Đôi lúc bạn không thể tin điều mắt thấy, bạn phải tin điều mình cảm nhận. Và nếu bạn muốn người khác tin tưởng mình, bạn phải cảm thấy mình cũng có thể tin tưởng họ, thậm chí ngay cả khi bạn ở trong bóng tối. Ngay cả khi bạn đang rơi.
~*~
Niềm tin cần thiết cho con người. Thật thống khổ cho ai không tin tưởng.

~*~
Niềm tin là sức mạnh có thể khiến thế giới tan vỡ xuất hiện trong ánh sáng.

~*~
Thế giới tưởng chừng như thật điên rồ mà chúng ta đang chứng kiến là kết quả của một hệ niềm tin không hoạt động. Để nhìn thế giới khác đi, chúng ta phải sẵn lòng thay đổi hệ niềm tin của mình, để quá khứ trôi qua, mở rộng nhận thức về hiện tại và làm tan chảy nỗi sợ hãi trong tâm tưởng.
~*~
Hãy sống theo niềm tin cùa mình, và bạn có thể xoay chuyển cả thế giới.
  
~*~
Người ảnh hưởng tới bạn là người tin vào bạn.
~*~
Hạt giống niềm tin nhỏ bé nhất cũng tốt hơn nhiều trái hạnh phúc to lớn nhất.
~*~
Luôn luôn, ở bất cứ đâu, và đối với bất cứ ai, thật sai lầm khi tin vào bất cứ thứ gì khi không đủ bằng chứng.
~*~
Niềm tin... phải được gia cố bằng lý lẽ... khi niềm tin mù, nó sẽ chết đi.
~*~
Tin tưởng là biết ngoài kia là đại dương bởi mình nhìn thấy suối.
~*~
Hãy theo đuổi con đường mà bạn có thể đi với tình yêu và lòng tôn kính, dù nó có hẹp và quanh co đến mức nào.
~*~
Xã hội tồn tại nhờ niềm tin, và phát triển nhờ khoa học.

Đôi khi bạn phải tin vào niềm tin của người khác cho tới khi tìm được niềm tin của riêng mình.
~*~
Người có lòng tin thì mạnh mẽ; người lắm nghi ngờ thì yếu ớt. Niềm tin mãnh liệt vượt lên trên những hành động to tát.
~*~
Một lượng nhỏ những tinh thần quyết tâm được nung nấu bởi niềm tin son sắt vào sứ mệnh của mình có thể làm thay đổi dòng lịch sử.
~*~Cuồng tín là sự bồi thường quá đà cho ngờ vực.

Người ta sống nhờ tin vào điều gì đó: không phải nhờ bàn luận và tranh cãi về quá nhiều thứ.

~*~
Con người cần ít đổ rắc rối của mình lên môi trường xung quanh, và học cách thể hiện ý chí - trách nhiệm cá nhân trong lĩnh vực niềm tin và đạo đức.

~*~
Ai cũng phải tự mình làm lấy hai điều; niềm tin của chính mình và cái chết của chính mình.

Niềm tin thấy đóa hoa yêu kiều trong một cái nụ, khu vườn xinh đẹp trong một hạt giống, và cây sồi lớn trong một quả sồi.


~*~Ai không sống theo đức tin của mình cũng sẽ không tin tưởng.

~*~
Sự trung thành với chính mình cần thiết cho hạnh phúc của mỗi người. Thiếu trung thành không nằm ở việc tin hay không tin mà nằm ở việc tự cho là mình tin điều mình không tin..

Niềm tin tạo ra hiện thực.

~*~
Để có sự phản bội, đầu tiên phải có sự tin tưởng.