Nghỉ HèSung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết,
Ðoàn trai non hớn hở rủ nhau về.
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê,
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ !
Một nét mặt, trăm tiếng cười rộn rã
Lời trên môi, chen chúc nối nghìn câu
Chờ đêm nay, sáng sớm bước lên tàu
Ăn chẳng được, lòng nôn nao khó ngủ.
Trong khoảnh khắc, sách bài là giấy cũ.
Nhớ làm chi, thầy mẹ đợi, em trông.
Trên đường làng huyết phượng nở thành bông,
Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt.
Kiểm soát kỹ có khi còn thiếu sót,
Rương chật rồi, khó nhốt cả niềm vui.
Tay bắt tay, hồn không chút bùi ngùi,
Các bạn hỡi, trời mai đầy ánh sáng.
Xuân Tâm
Nhà thơ Xuân Tâm, tên thật là Phan Hạp, sinh ngày 01-01-1916 tại làng Bảo An, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Điện Quang, huyện Điện Bàn). Thuở nhỏ, ông học ở trường Quốc học Huế và đậu bằng Thành Chung. Có thơ in từ rất sớm. Tập thơ đầu tay của ông "Lời tim non" được xuất bản năm 1941, gồm những bài thơ của tuổi thanh niên, trong đó có bài Xuân Tâm sáng tác từ năm 1935, khi mới mười chín tuổi. Lúc ấy trong phong trào Thơ mới, Xuân Tâm xuất hiện với những lời thơ thật trẻ trung, đặc biệt là bài Nghỉ hè. Bài thơ
| |
Nghỉ hè được "Thi nhân Việt Nam" in lại là bài ông đã đoạt giải nhất trong cuộc thi thơ của báo "Bạn Đường", hè năm 1941. Những câu thơ của ông trong Nghỉ hè đã trở nên quen thuộc với bao thế hệ học sinh yêu đời và yêu thơ khắp trong Nam, ngoài Bắc. Những vần thơ của ông trong Lời tim nonhơn 60 năm qua vẫn còn sống mãi với thế hệ của những chàng trai 15 tuổi bước vào học đường trung học, náo nức trong buổi tựu trường và đón ngày nghỉ hè với bao hân hoan. Có thể các thế hệ học sinh hiện nay và sau này khó hình dung được những xúc cảm, những ấn tượng, những kỷ niệm của thế hệ học sinh hơn 60 năm trước. Bởi vì ngày ấy...vào trung học không đơn giản như bây giờ. Trường học ngày ấy rất ít, mỗi huyện chỉ có một trường tiểu học, tường đất, mái tranh. Còn trung học thì chỉ có ở thành phố, ở tỉnh lớn. Do đó những chàng trai được vào trung học phải xa nhà, rời nông thôn lên thành phố. Chín tháng trời đèn sách, xa nhà, xa quê, còn gì vui thú hơn, sung sướng hơn là ngày trở về với thầy mẹ, với em thơ, với vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt.
Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết
Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về
Chín mươi ngày nhảy nhót ở đồng quê
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ…
Rời Quốc Học, ông làm thông phán tại Kho bạc Tourane (Đà Nẵng). Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm giám đốc Sở Ngân khố liên khu Năm. Năm 1954, tập kết ra Bắc, ông công tác tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Công việc gắn liền với những con số có vẻ khô khan khiến "nàng thơ" xa lánh ông khá lâu. Năm 1977, đến khi ông về nghỉ hưu, "nàng thơ" mới trở lại cùng ông.
Từ bấy đến nay, sau Lời tim non tập hợp những bài thơ ông sáng tác từ năm 1935 đến 1941, ông còn có Hương giữa mùa, tập hợp bài sáng tác từ 1946 đến 1987, và Hoa cuối mùa là những bài từ 1988 trở về sau. Một số bài trong tập Lời tim non đã được in lại trong các tuyển tập. Tuy đời thơ của Xuân Tâm chưa kết thúc, nhưng thực tế cho thấy rằng Xuân Tâm giữ được chỗ đứng của mình trong nền thơ hiện đại Việt Nam".
Không những tiếp tục sáng tác thơ, năm 1999, tuy đã ở tuổi 84 nhà thơ Xuân Tâm còn dịch vở kịch "Le cid" của Pierre Corneilie từ nguyên bản tiếng Pháp sang thể thơ lục bát. Sách in bằng hai ngôn ngữ Việt và Pháp, được đánh giá cao về chất lượng. Cuộc đời ông còn được ghi dấu ấn bằng một tình yêu trong sáng giữa cậu trò xứ Quảng vào học tại trường Quốc học với cô nữ sinh trường Đồng Khánh ở Huế, thật đẹp giữa không gian của Sông Hương, núi Ngự. Mối tình bền chặt ấy đã trở thành tình bạn đời, nàng thơ của ông hơn 70 năm. Từ sau ngày nghỉ hưu, Xuân Tâm lặng lẽ sống cùng người bạn đời, cô nữ sinh Đồng Khánh năm xưa. Vợ ông, bà Phạm Thị Mua vốn là cô giáo, từng làm hiệu trưởng trường Bưởi nổi tiếng một thời. Hiện Ông Bà đang sống ở ngõ 234 Thụy Khuê Hà Nội, tuổi đã ngoài 90…
Xuân Tâm với cuốn "Thi nhân Việt Nam"
Tổng hợp
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét