Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

MỘT TUỔI THƠ BẤT HẠNH

Kết quả hình ảnh cho tuổi thơ bất hạnh            Có một viên ngọc quý thời gian dành riêng để ban tặng con người, đó là tuổi thơ. Viên ngọc màu nhiệm, trong sáng nhưng quá mong manh, không thể tìm thấy lần thứ hai trong đời. Và có những cuộc đời chưa bao giờ được cầm viên ngọc ấy trên tay. Bởi số phận không cho họ được quyền sở hữu. Vì thế chúng em luôn cần một mái ấm gia đình thật hạnh phúc để làm chỗ trú ngụ cho những giấc mơ, để làm điểm tựa nâng những bước chân lầm lỡ quay về… Và nhất là chúng em, những búp non còn bỡ ngỡ lạ lẫm trước sự đời, nên sâu thẳm trong suy nghĩ non nớt của chúng em luôn tồn tại hai ý nghĩ song song với nhau đó là sự ham học hỏi, sự tò mò của tuổi trẻ và sự sợ hãi lo lắng trước những giông gió, phong ba hay cám dỗ của cuộc đời… Nên chúng em cần lắm vòng tay yêu thương của người thân như ông bà, cha mẹ… Điều ước muốn của chúng em rất giản dị là mong sao cha mẹ mình hòa thuận, thương yêu con cái, chung tay xây dựng một gia đình hạnh phúc, thế là đã đủ rồi, chứ chúng em không dám mong chờ những thứ có giá trị vật chất cao sang gì đâu. Mà chỉ mong “Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc.” Nhưng điều đó cũng chỉ là mơ ước đối với bao tuổi thơ bất hạnh nên có những trang ký ức tuổi thơ, ký ức cuộc đời thường để lại những vết gai cào mà không thể nào xóa sạch theo năm tháng. Có thể đó là những chuỗi ngày dài với nỗi lo cơm áo, mưu sinh của những em bé bán vé số, bánh tiêu… mà tuổi thơ luôn bị cái nghèo đè nặng lên vai. Hay nỗi đau của sự mất mát, đau thương về những người thân yêu nhất…
                                            MỘT TUỔI THƠ BẤT HẠNH
        Bố mẹ Nam đến với nhau vì sự miễn cưỡng của gia đình hai bên. Kể từ khi lấy nhau bố mẹ Nam chưa ngày nào thôi gây gỗ, một phần nguyên nhân dẫn đến cuộc cãi vã là bố Nam rất bê tha, sáng xỉn, chiều say, về nhà là đánh vợ đập con. Không những thế mà còn bài bạc, đẩy gia đình đến cảnh túng quẩn nghèo khổ và mẹ Nam cũng quá sức chịu đựng  vừa tức tối trước những việc làm của chồng mình,  nên đôi lúc liều mạng cự lại, tệ hơn thế trong cơn say bố Nam còn lôi ba anh em Nam ra trút giận. Kể cả quyền được bảo vệ, chăm sóc của một đứa trẻ mà Nam cũng không thể hưởng được thật là tội nghiệp.
Đến năm Nam lên bảy tuổi là cái tuổi vui vẻ nhất mà những đứa trẻ cùng trang lứa như Nam được cắp sách tới trường. Nhưng khác với bạn bè cùng tuổi, Nam phải đối diện với vô vàng nỗi đau, trước tiên là nỗi đau mất bố, bố Nam vì say rượu nên bị tai nạn qua đời. Dù sao đó cũng là người chồng cùng chung sống với mình bao nhiêu năm nên sự đau khổ khi mất chồng của mẹ đã làm cái gánh nặng áo cơm trên vai mẹ Nam đã nặng nay càng nặng hơn. Vì phải lao tâm lao lực quá nhiều vì phải nuôi ba đứa con nên mẹ Nam đã lâm bệnh qua đời. Nỗi đau khổ tột cùng khi bị mất cả hai người thân nhất của mình là cha và mẹ lại ập lên đầu đứa trẻ mới bảy tuổi như Nam, thật nghiệt ngã và bất hạnh làm sao. Trong tâm trí Nam lúc này là toàn những tủi hận, đau đớn đến tột cùng, không bút nào tả xiết.
Sau đó ba anh em được đón về sống với ông bà ngoại, trong khoảng thời gian đó Nam phải chịu không biết bao nhiêu là vất vả, khổ cực, khi thì đi chăn trâu, chăn bò, chăn vịt thuê, kể cả cái lúc sáng sớm buốt giá của mùa đông, Nam phải cắn răng chịu đựng với cái lạnh giá ấy để lội xuống sông, xuống suối bắt từng con ốc, con cua bán kiếm tiền để trang trải cho việc học tập. Rồi cả những buổi trưa hè nóng bức Nam chỉ đội mỗi chiếc nón cời rách nát  chăn bò cho người ta để kiếm thêm chút tiền để mua thuốc giảm đau cho cái chân bị khớp của ngoại. Mọi người thấy rất quen thuộc với cái bóng nhỏ nhỏ, mà thoăn thoắt của cậu bé Nam và hàng xóm cũng rất tội nghiệp và thích lắm cái tính lương thiện, luôn nhiệt tình giúp đỡ mọi người của cậu và vô cùng thương cảm, luôn cho cậu quà nhưng Nam không nhận mà chỉ nhận công việc thế thôi. Điều mừng rằng là bốn năm liền cậu là học sinh giỏi. Nhưng đến năm lớp năm, cậu đã ý thức được là ông bà ngoại đã già lắm rồi  không đủ sức để lo việc học cho ba anh em Nam nên cậu đã nhường cái quyền đáng ra cậu phải có và cần phải có là quyền được giáo dục và việc hoàn thành bậc phổ cập giáo dục  cho hai em của mình. Còn cậu thì đi bán vé số, bán bánh tiêu, đánh giày… kiếm tiền nuôi hai đứa em và phụ giúp ông bà ngoại. Những việc làm của Nam không ai ngờ nỗi, không ai có thể tin được một cậu bé mới mười hai tuổi đã bôn ba ngoài đời kiếm sống.
Nhưng ai đâu biết rằng, xã hội phức tạp, biết bao nhiêu là cạm bẫy, tệ nạn cám dỗ, dụ dỗ cậu bé thơ ngây vào con đường nghiện ngập, nghiệt ngã. Vì tiền lời kiếm được hằng ngày từ chỗ báo, rỗ bánh tiêu, tiền công đi phụ quán, đánh giày không đủ để mua 1gram ma túy, làm cậu đói thuốc, dẫn đến nỗi đau vật vã, khổ sở khôn xiết trên thân thể một cậu bé mới mười hai tuổi, thì hỏi làm sao em có thể chịu được nên  cứ mỗi tối cậu phải đi ăn trộm, ban đầu là gà, vịt, chó, về sau là tiền và nặng hơn là vàng. Cậu càng ngày càng lún sâu vào con đường tội lỗi, vào con ma khủng khiếp gieo cái chết trắng đến bao nhiêu người. Đưa đẩy gia đình cậu tới cảnh nghèo túng càng làm nhân cách của một cậu bé luôn yêu thương quan tâm em nhỏ, hiếu thảo với ông bà, rộng lượng giúp đỡ bà con  trở thành con người vô đạo, bất nhân cuồng chí khiến ai cũng phẫn nộ.
Người ta nói “Kim gói trong bọc cũng có ngày lò ra”. Đúng thật, một hôm qua quá trình điều tra công an đã bắt được quả tang trong lúc cậu trộm một chiếc xe gắn máy  tại quán cà phê và được đưa vào trường giáo dưỡng lúc cậu mười bốn tuổi. Trước lúc đi vào trại cậu lo lắng ở nhà không ai thay thế vai trò trụ cột gia đình của cậu. Không ngờ ông trời còn thương xót cậu bé mồ côi đã từng lao lực rất nhiều nuôi hai em lúc trước nên đúng lúc ấy một người dì ruột của cậu lấy chồng Việt kiều về chăm sóc thật chu đáo cho ông bà ngoại  và hai đứa em của Nam. Vào đó cậu được các cô chú khuyên răng nên lương tâm thức tỉnh biết được cái sai của mình  và đã ăn năn hối cải. Cậu còn được giáo dục về văn hóa, còn học được nghề thợ mộc và làm đồ mỹ nghệ. Mỗi tuần ngoại và dì cùng hai đứa em  luôn vào thăm Nam khiến Nam tự tin hơn, quyết tâm phấn đấu hơn. Cậu vốn rất thông minh, chăm chỉ, nên học rất nhanh và hoàn thành mức phạt của mình được sớm và trở về với gia đình.
Sau khi ra trại cậu trở về nhà và mở một xưởng gỗ làm đồ mỹ nghệ, đem những kiến thức đã học ở trại giáo dưỡng áp dụng vào đời sống. Ngoài ra, Nam còn được Dì cho thêm tiền để mở rộng xưởng khiến công việc của Nam ngày càng phát triển, kinh tế gia đình ngày càng khá giả, giúp hai đứa em của Nam được học xa, học cao hơn và bệnh bà ngoại Nam được khỏi hẳn. Nam cũng một phần nào đó đền đáp được công ơn nuôi dưỡng của hai ông bà ngoại. Bà con lối xóm bây giờ cũng yêu mến Nam hơn. Bởi Nam đã trở về với cậu bé nhiệt tình, vui vẻ hay giúp đỡ người khác như lúc xưa.

“Một tuổi thơ bất hạnh” không phải là một câu chuyện cổ tích, mà là một câu chuyện có thật ở chốn trần gian, ở đó những con người tuổi nhỏ đã sớm mưu sinh, sớm lăn lộn với đời, cùng những tháng ngày đắng cay, tủi cực.
Không ai mong mình bất hạnh, chả ai muốn mình là trẻ lang thang. Bạn Nam là một con người như chúng ta nhưng chỉ có điều là Nam thiếu may mắn hơn chúng ta.…Nam muốn về nơi tổ ấm lắm, ước ao được nghe mẹ kể chuyện. Ước ao được đánh đòn, rồi được cho âu yếm. Nhưng Nam đã không có quyền đựợc lựa chọn cả hiện tại và tương lai của mình ngay từ buổi đầu tiên như các bạn cùng trang lứa. Những ngày tháng tuổi thơ của Nam không êm đềm như bao đứa trẻ có cha, có mẹ, có mái ấm gia đình…Trên con đường mưu sinh, vật lộn với bao cạm bẫy, bao cái xấu, cái ác, chúng không chỉ có mồ hôi mà còn là nước mắt và nỗi đau về thể xác cũng như tâm hồn. May mắn thay đã có một ngôi trường che chở, bảo vệ, giúp Nam học tập và rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, và em đã trở thành người có ích cho xã hội.
Tuổi thơ cần lắm những chỗ dựa cả vật chất lẫn tinh thần. Một trong những chỗ dựa vững chắc nhất đó là gia đình, là cha, là mẹ. Giá như Nam có được một điểm tựa như thế, thì chắc rằng Nam sẽ không sa vào con đường mưu sinh nhiều tội lỗi.
       Tình trạng trẻ em lang thang cơ nhỡ hiện nay, trong xã hội nói chung và tại địa phương chúng ta nói riêng, là vấn đề cần quan  tâm đặc biệt, vì thế hệ trẻ là những nhân tài cho xã hội, là nhân tố để xây dựng và phát triển  nền kinh tế của đất nước.
 Một người sống có lý tưởng, tôi mong các bạn, những con  người có được sự may mắn như tôi, sự may mắn khi có cha, có mẹ, có mái ấm gia đình, những con người được học tập vui chơi với một niềm vui trọn vẹn, cố gắng ra sức trau dồi vì bản thân, gia đình và vì xã hội, bên cạnh đó hãy quan tâm nhiều hơn đến những mảnh đời xung quanh chúng ta, làm những công việc mà một con người có trái tim và lòng thương người nên làm…nếu một bạn nào đó thiếu may mắn như bạn Nam trong câu chuyện thì phải biết yêu thương chính mình và tự làm chỗ dựa cho mình bạn nhé! Bởi tôi tin rằng
“Nỗi bất hạnh làm ra con người, còn con người thì làm ra hạnh phúc”
         HBT - Từ câu chuyện của Hứa Trọng Tường






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét