Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

CÁCH VIẾT ĐOẠN VĂN PHÂN TÍCH TÁC DỤNG CỦA BIỆN PHÁP TU TỪ

Nghị luận văn học là trình bày, nhận xét, đánh giá của người viết về tác phẩm văn học cụ thể. Mỗi loại văn nghị luận có một yêu cầu về nội dung và phương pháp khác nhau. Trong bài nghị luận văn học người viết thường vận dụng nhiều thao tác, kĩ năng (giải thích, chứng minh, phân tích, bình giảng,...) Các em cần biết trình bày một cách có lí lẽ, hấp dẫn những cảm nhận, suy nghĩ, đánh giá của mình về một vấn đề văn học. Bởi một bài nghị luận hay không chỉ  chinh phục khối óc mà còn rung động  trái tim người đọc. Muốn vậy bài văn nghị luận ấy phải vừa đạt lí lại vừa thấu tình; vừa có nội dung tư tưởng cao đẹp lại vừa có sức truyền cảm mạnh mẽ, thấm thía. Có thể nói không có văn nghị luận thì khó mà hình thành các tư tưởng mạch lạc và sâu sắc trong đời sống. Có năng lực nghị luận là một điều kiện cơ bản để con người thành đạt trong cuộc sống xã hội. Trong đó phân tích tác dụng của biện pháp tu từ là một trong những kĩ năng quan trọng trong nghị luận văn học nói chung và kiểu bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ nói riêng. Bởi khi “Đối diện với thơ ca ta đối diện với một đại dương mênh mông cảm xúc…Thơ ca thấm vào lòng người đọc bởi những cảm xúc trực tiếp và nhiều mối liên tưởng kín đáo, bằng ý tứ sâu xa và sức quyến rủ của thế giới nghệ thuật ngôn từ…đặc biệt là các biện pháp tu từ được nhà thơ vận dụng một cách tài hoa, sáng tạo” Nên trong quá trình củng cố, luyện tập hệ thống các kiến thức từ vựng tiếng Việt, tôi đã “Hướng dẫn học sinh phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong thơ” để nâng cao kĩ năng viết văn nghị luận văn học và các em khỏi lúng túng, ngỡ ngàng khi cảm thụ thơ ca.

***
“Khi nói và viết, ngoài những cách sử dụng ngôn ngữ thông thường còn có thể sử dụng ngôn ngữ theo một cách đặc biệt gọi là biện pháp tu từ. Biện pháp tu từ là những cách kết hợp ngôn ngữ đặc biệt ở một đơn vị ngôn ngữ nào đó trong một ngữ cảnh cụ thể nhằm mục đích tạo ra một hiệu quả nhất định với người đọc, người nghe như ấn tượng về một hình ảnh, một cảm xúc, một thái độ…So với cách sử dụng ngôn ngữ thông thường sử dụng biện pháp tu từ đúng sẽ tạo nên những giá trị đặc biệt trong biểu đạt và biểu cảm”. 
          Trong chương trình Ngữ văn 9 mức độ cần đạt ở tiết 59 trong đó có hệ thống kiến thức các biện pháp tu từ từ vựng. Tác dụng của việc sử dụng các phép tu từ trong các văn bản nghệ thuật. Về kĩ năng: nhận diện được các biện pháp tu từ từ vựng trong văn bản, phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong văn bản.
          Bên cạnh đó trong chương trình Ngữ văn 9 tập trung vào hai dạng nghị luận văn học tiêu biểu là nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) và nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ. Một trong những kĩ năng nghị luận về tác phẩm truyện và thơ là trình bày những nhận xét, đánh giá của mình về  nghệ thuật trong tác phẩm truyện được người viết phát hiện và khái quát. Còn thơ là nghệ thuật ngôn từ. Vì vậy quá trình nghị luận để rút ra những nhận xét đánh giá về tư tưởng tình cảm cũng như giá trị nội dung, nghệ thuật của bài thơ, đoạn thơ phải bắt đầu từ những khám phá về vẻ đẹp và ý nghĩa biểu đạt của ngôn ngữ thơ, hình ảnh thơ, giọng điệu thơ; đồng thời phải khai thác giá trị của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong bài thơ, đoạn thơ.
Bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ cần phải hội tụ cả hai yếu tố: năng lực cảm thụ văn chương, khả năng khám phá vẻ đẹp của tác phẩm văn học và phương pháp làm một bài văn nghị luận. Để đạt được yêu cầu đó học sinh không thể thiếu kĩ năng “Viết đoạn văn phân tích tác dụng của biện pháp tu từ ”

***
- Trong chương trình Ngữ văn 9 có 6 tiết dạy kiểu bài nghị luận văn học nhưng chưa có tiết nào hướng dẫn học sinh cách viết đoạn văn phân tích tác dụng của biện pháp tu từ; cũng như chưa đồng nghiệp nào đề cập đến vấn đề này một cách cụ thể.
- Theo chuẩn kiến thức và kỹ năng ở tiết 59 “Tổng kết từ vựng (Luyện tập tổng hợp)” như đã nêu trên. Nhưng hệ thống bài tập không có bài nào rèn kỹ năng nhận diện cũng như phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong văn bản chỉ đề cập đến ở phần hướng dẫn tự học.
- Kĩ năng viết đoạn văn phân tích tác dụng của biện pháp tu từ của học sinh còn hạn chế, bởi đây là một kĩ năng khó trong kiểu bài nghị luận văn học nên đa số học sinh không thể tự hình thành cho mình kỹ năng ấy.
- Yêu cầu của một bài văn nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ không thể thiếu các đoạn văn phân tích tác dụng của biện pháp tu từ.

***

 I. Ôn lại các biện pháp tu từ đã học  để tránh nhầm lẫn giữa biện pháp này với biện pháp khác.
1.So sánh:
Đối  chiếu  sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
VD: Xấu như ma
2. Ẩn dụ:
Gọi tên sự vật hiện tượng này bằng tên sự vật hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gơị cảm cho sự diễn đạt.
VD:   Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
         Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
3. Nhân hoá: Gọi hoặc tả con vật, đồ vật, cây cối bằng những từ ngữ vốn dùng để gọi, tả con người làm cho thế giới loài vật, cây cối, đồ vật ...trở nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ, tình cảm của con người.
VD: Ông trời mặc áo giáp đen ra trận...
4. Hoán dụ: Gọi tên sự vật, hiện tượng khái niệm bằng tên của sự vật ,hiện tượng, khái niệm khác có quan hệ gần gũi với nó để tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
VD: Áo chàm đưa buổi phân ly
    Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay
5. Nói quá: Phóng đại qui mô tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả để nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm cho sự diễn đạt.
VD: Lỗ mũi mười tám gánh lông
   Chồng yêu chồng bảo tơ hồng trời cho
6. Nói giảm nói tránh
Là một biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển, tránh gây cảm giác đau buồn, ghê sợ, nặng nề; tránh thô tục, thiếu lịch sự.
    VD: Bác đã lên đường theo tổ tiên
         Mác Lê nin thế giới người hiền
7. Điệp ngữ:
Khi nói hoặc viết, người ta có thể dùng biện pháp lặp lại từ ngữ (hoặc câu) để làm nổi bật ý, gây cảm xúc mạnh. Cách lặp lại như vậy gọi là phép điệp ngữ, từ gữ được lặp lại gọi là điệp ngữ.
VD: Học chim chóc cứ vừa bay vừa hót
        Học dòng sông vừa trôi vừa dào dạt
        Học bếp than hồng vừa cháy vừa reo
8. Chơi chữ: Cách lợi dụng đặc sắc về âm, nghĩa của từ để tạo sắc thái dí dỏm, hài hước làm cho câu văn hấp dẫn, thú vị.
VD:            Trùng trục như con bò thui
         Chín mắt, chín mũi, chín đuôi, chín đầu
II. Hướng dẫn học sinh cách làm bài.
Bước 1:
-         Đọc kĩ đề, gạch chân từ ngữ quan trọng để xác định rõ yêu cầu.
-         Tìm nội dung chính của đoạn thơ chứa phép tu từ
Bước 2:
-         Tìm những phép tu từ được sử dụng trong đoạn thơ  
-         Xác định từ ngữ có phép tu từ đó
Bước 3:
-         Chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ trong việc thể hiện nội dung tư tưởng của đoạn thơ
-         Trong đó phân tích kĩ biện pháp nào là hay, đặc sắc nhất gợi nhiều ấn tượng cảm xúc cho người đọc.
·        Có thể đặt những câu hỏi để tìm ý
Bước 4: Viết đoạn văn phân tích tác dụng của biện pháp tu từ. Đoạn văn có thể triển khai một trong các cách mà các em đã học: diễn dịch, qui nạp, tổng – phân – hợp.
Ví dụ: Xác định và phân tích giá trị biểu cảm của biện pháp tu từ được sử dụng ở tám câu cuối trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” (Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Bước 1:
-  Xác định yêu cầu là phân tích giá trị biểu cảm  trong tám câu cuối . 
 - Nội dung đoạn trích:  Nỗi buồn của Kiều
Bước 2: Tìm phép tu từ “Điệp ngữ”; từ ngữ chứa phép tu từ “buồn trông”
Bước 3: Chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ trong việc thể hiện nội dung tư tưởng của đoạn thơ.
“Điệp ngữ buồn trông đặt ở đầu mỗi câu lục nhằm khắc đậm, đồng thời thể hiện cái nhìn xa vắng, bộc lộ tâm trạng cô đơn của Kiều nơi đất khách quê người…”
Bước 4: Viết đoạn văn phân tích tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ.
   *Trong bài văn nghị luận nếu biết vận dụng kết hợp nhuần nhuyễn kỹ năng phân tích tác dụng các biện pháp tu từ này và đưa vào với một mức độ thích hợp thì bài viết sẽ đạt kết quả tốt hơn.

                                          GIÁO ÁN MINH HOẠ

  Tuần 12

TỔNG KẾT VỀ TỪ VỰNG
(Luyện tập tổng hợp)
 Ngày soạn: 2/11/ 2012
   Tiết 59
 Ngày dạy:  4/11/ 2012
A. Mục tiêu cần đạt:
   1Kiến thức:
- Hệ thống các kiến thức về nghĩa của từ, từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa…các biện pháp tu từ từ vựng.
- Tác dụng của việc sử dụng các phép tu từ trong các văn bản nghệ thuật.
  2. Kĩ năng:
- Nhận diện được các từ vựng, các biện pháp tu từ từ vựng trong văn bản.
- Phân tích tác dụng của việc lựa chọn, sử dụng từ ngữ và biện pháp tu từ trong văn bản.
B. Chuẩn bị của giáo viên và học sinh:
     GV: Giáo án
     HS: Củng cố kiến thức đã học
C. Phương pháp: Vấn đáp, thuyết trình, gợi mở, thảo luận, KT góc
D. Tiến trình tổ chức các hoạt động dạy - học
1.Ổn định
2.kiểm tra bài cũ – 4 phút
Câu 1: Kể tên các phép tu từ từ vựng đã học?
Câu 2: Câu sau sử dụng phép tu từ gì?  Xác định từ ngữ chứa phép tu từ ấy.
  “ Những ngôi sao thức ngoài kia
Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con”

Hoạt động 1: Giới thiệu bài
*Mục tiêu: Tạo tâm lí hứng thú cho HS
*Phương pháp: Thuyết trình
*Thời gian: 1phút
GV giới thiệu tiết luyện tập
Hoạt động 2: Luyện tập
*Mục tiêu:
- Nhận diện được các từ vựng, các biện pháp tu từ từ vựng trong văn bản.
- Phân tích tác dụng của việc lựa chọn, sử dụng từ ngữ và biện pháp tu từ trong văn bản
*Phương pháp: Vấn đáp, thuyết trình, gợi mở, thảo luận nhóm, KT góc
*Thời gian: 37 p
       Hoạt động của GV
 Hoạt động của HS
         Nội dung cần đạt
1 Luyện tập
GV gọi HS đọc BT 1
Cho HS so sánh hai dị bản và cho biết trong trường hợp nào thì thể hiện thích hợp hơn ý nghĩa cần biểu đạt  ?





GV gọi  HS đọc BT
Nhận xét cách hiểu nghĩa từ ngữ của người vợ ?


GV gọi  HS đọc BT 3
Yêu cầu Hs làm BT:
Các từ vai, miệng, tay, chân ,đầu, từ nào được dùng theo nghĩa gốc? từ nào được dùng theo nghĩa chuyển?
Nghĩa chuyển nào được dùng theo phương thức ẩn dụ ? nghĩa chuyển nào được hình thành theo phương thức hoán dụ?
GV gọi HS đọc BT
Yêu cầu HS thảo luận nhóm để phân tích cái hay trong cách dùng từ ở bài thơ?
GV: KL












Bài 7: Hướng dẫn thảo luận (bằng phiếu bài tập ghi nội dung từng khổ thơ), chia lớp thành 4 nhóm mỗi nhóm 1 khổ thơ. Thực hiện theo yêu cầu của đề theo hướng dẫn từng bước sau:
Bước 1:
- Tìm nội dung chính của đoạn thơ
- Tìm những phép tu từ được sử dụng trong đoạn thơ
- Xác định từ ngữ có phép tu từ đó
- Chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ trong việc thể hiện nội dung tư tưởng của đoạn thơ, Trong đó phân tích kĩ biện pháp nào là hay, đặc sắc nhất gợi nhiều ấn tượng cảm xúc cho người đọc.
GV: kết luận
Bước 2: Hướng dẫn HS thực hiện cá nhân theo yêu cầu:
 Chọn một phép tu từ có trong bài thơ  để Viết thành một đoạn văn phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đó. (Đoạn văn có thể triển khai một trong các cách mà các em đã học: diễn dịch, qui nạp, tổng – phân – hợp.)
GV kiểm tra, điều chỉnh

HS đọc BT 1

so sánh hai dị bản
nhận xét








HS đọc BT
 Nhận xét cách hiểu nghĩa từ ngữ của người vợ

đọc BT 3
làm BT- bảng
nhận xét








đọc BT 4
thảo luận
trình bày
nhận xét
















- thảo luận tìm phép tu từ theo yêu cầu đề ra


















- đại diện nhóm trình bày, nhận xét, bổ sung
- điều chỉnh kết quả thảo luận

- viết đoạn văn (5 phút)
1 HS viết bảng
Cả lớp viết vào vở
I. Luyện tập:
BT 1/158:
+Gật đầu: Cúi đầu xuống rồi ngẩnglên ngay(thường để chào hỏi hay tỏ sự đồng ý )
+Gật gù: gật nhẹ và nhiều lần (biểu thị thái độ đồng tình,tán thưởng )
Như vậy: gật gù thể hiện thích hợp hơn ý nghĩa cần biểu đạt :tuy món ăn đạm bạc nhưng đôi vợ chồng nghèo ăn rất ngon miệng vì họ biết chia sẻ những niềm vui đơn sơ trong cuộc sống
BT 2/158:
+Người vợ không hiểu cách nói chỉ có một chân sút
Cách nói này nghĩa là cả đội bóng chỉ có một người giỏi ghi bàn.
BT 3/158:
+Những từ được dùng theo nghĩa gốc:
miệng, chân, tay
+Những từ dùng theo nghĩa chuyển :
Vai (hoán dụ); đầu (ẩn dụ )

BT 4/159:
Các từ: đỏ, xanh, hồng, ánh, lửa ,cháy, tro tạo thành hai trường từ vựng: trường từ vựng chỉ màu sắc và trường từ vựng chỉ lửa.
Các từ thuộc hai trường từ vựng này có quan hệ chặt chẽ với nhau. Màu áo đỏ của cô gái thắp lên trong mắt chàng trai và bao người khác ngọn lửa, ngọn lửa đó lan toả trong con người anh làm anh say đắm ngất ngây (đến mức có thể cháy thành tro) và lan ra cả không gian làm không gian cũng biến sắc (cây xanh cũng ánh theo hồng)
Bài thơ gây ấn tượng mạnh với người đọc, nhờ đó thể hiện độc đáo một tình yêu mãnh liệt, cháy bỏng.
Bài 7: Nêu và phân tích giá trị biểu cảm phép tu từ được sử dụng trong từng khổ thơ của bài thơ « Viếng lăng Bác » - Viễn Phương.
* Nhóm 1 : Khổ 1
* Nhóm 2 : Khổ 2
* Nhóm 3 : Khổ 3
* Nhóm 4 : Khổ 4

Đoạn văn tham khảo:
         Hình ảnh dòng người « đi trong thương nhớ » cứ kết thành vòng tròn khiến nhà thơ liên tưởng như một tràng hoa lớn được dâng lên bảy mươi chín mùa xuân. Phép ẩn dụ dòng người như « tràng hoa » là một ẩn dụ gợi cho ta nhiều liên tưởng. Mỗi con người là một bông hoa « người ta là hoa đất » hay khi được ở gần Bác, mỗi người trở thành một bông hoa đẹp. những bông hoa ấy, những cuộc đời đẹp ấy, dưới sự dìu dắt, nâng đỡ của Bác giờ đây đang kết thành một vòng hoa kính cẩn, trang nghiêm, dâng lên Người. ( Những bài văn chọn lọc)
Hoạt động 3Củng cố - Hướng dẫn tự học
*Mục tiêu: Củng cố kiến thức được hình thành từ các bài tập
*Phương pháp: Thuyết trình
*Thời gian: 3 phút

-         Để viết được một đoạn văn phân tích tác dụng của biện pháp tu từ ta thực hiện những bước nào ?
-         Làm bài tập về nhà vào giấy nộp vào tiết 60
-         Sưu tầm những đoạn văn mẫu cùng dạng.(Tổng hợp theo nhóm)
-          Bài mới: Ôn tập Tiếng Việt theo hướng dẫn SGK
Bài tập về nhà:  Phân tích giá trị biểu cảm của biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ sau :
« Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ »
                  (Bếp lửa – Bằng Việt)

                               
 Qua việc áp dụng phương pháp này vào hướng dẫn học sinh viết đoạn văn phân tích tác dụng của biện pháp tu từ. Ngoài việc cảm thụ văn học các em còn có kĩ năng khai thác hiệu quả thẩm mỹ của các biện pháp tu từ được sử dụng trong trong tác phẩm; làm cho bài văn nghị luận sâu sắc hơn với việc bày tỏ quan điểm, lập trường, cách nhìn nhận, đánh gía...
Việc áp dụng đề tài trên vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn 9 đã giúp học sinh bổ sung vốn kiến thức và rèn được kĩ năng viết đoạn văn phân tích tác dụng của biện pháp tu từ. Nâng cao kĩ năng viết văn nghị luận cho học sinh, đặc biệt là học sinh trung bình - yếu.
          Các em hứng thú và say mê hơn trong tạo lập văn bản, hình thành thói quen tư duy, sưu tầm, tích lũy tư liệu Ngữ văn trong quá trình học tập. Ngòi bút nghị luận của các em đã được lớn dần từ bài văn đơn điệu, khô khan, nhiều bài viết đã khai thác được chiều sâu tư tưởng mang tính triết lý sâu sắc.
          Tác phẩm văn học là kết tinh của nghệ thuật ngôn từ. Ngôn ngữ trong tác phẩm văn học được chắt lọc từ ngôn ngữ giao tiếp và được cách điệu qua tài năng của người nghệ sĩ. Bởi vậy tác phẩm nghệ thuật là cái đẹp, ngôn ngữ trong tác phẩm nghệ thuật phải đẹp. Đó là chân lí. Một trong những yếu tố làm nên cái đẹp của tác phẩm văn học là biện pháp tu từ. Để thể hiện cảm xúc, xây dựng hình ảnh...các tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ như một vũ khí đắc lực. Vậy để cảm thụ hết được giá trị văn chương của một tác phẩm văn học chúng ta không thể không khai thác được hết tác dụng của từng loại vũ khí ấy. “Một người đọc tinh tế là người đọc biết chọn đúng, bình giá đúng giá trị biểu đạt, biểu cảm của biện pháp tu từ.”
                                          
                                                                  ***
           
                                    MỘT SỐ ĐOẠN VĂN THAM KHẢO
         1. Phân tích giá trị biểu cảm của phép tu từ so sánh được sử dụng trong phần lời của bài hát “ Quê hương”  Nhạc Giáp Văn Thạch - lời thơ Đỗ Trung Quân.
Bài hát “Quê hương” Nhạc Giáp Văn Thạch, lời thơ Đỗ Trung Quân là một bài hát hay. Điều làm nên sự thành công của bài hát này một phần là ở nghệ thuật so sánh trong phần lời của bài hát. Ở đây, Đỗ Trung Quân đã đem so sánh : “ Quê hương” với rất nhiều  hình ảnh thân thuộc (vế A) Quê hương là:
(vế B) -  Chùm khế ngọt
-  Con diều biếc
-  Cầu tre nhỏ
-  Con đò nhỏ
-  Là đường đi học...
-  Như là chỉ một mẹ thôi!...
Vế A: “ Quê hương” là một khái niệm trừu tượng, chỉ có một và lặp lại được đem so sánh với rất  nhiều vế B...là những hình ảnh, sự vật cụ thể rất đỗi thân quen, gần gũi gợi nhớ, chất chứa bao kỷ niệm, tình cảm thiêng liêng...Có thể nói Đỗ Trung Quân đã “định nghĩa quê hương” bằng một điệp ngữ kết hợp với nghệ thuật so sánh. Một sự so sánh bề ngoài thì “nổi” thì “ngang bằng” nhưng thực ra lại là “ chìm”, là “không ngang bằng”. Quê hương - một nội dung trừu tượng được so sánh với nhiều hình ảnh rất cụ thể: chùm khế; con diều; cầu tre; con đò; đường đi học; là… mẹ. Quê hương là tất cả...là một không gian rộng lớn. Có thể nói nhà thơ đã cụ thể hóa, “vật chất hóa” khái niệm quê hương, tích tụ thêm cho “Quê hương” thêm nhiều ý nghĩa, sinh động, gợi cảm, càng khơi gợi thêm cho mỗi một người nghe sự tự do liên tưởng, cảm nhận theo những cảm xúc, nỗi niềm, ký ức riêng có của mỗi người vô cùng phong phú. Chính sự  so sánh độc đáo đó đã làm cho lời hát trở nên sinh động, gần gũi, vô cùng hàm súc và luôn tươi mới gây được chú ý của nhiều người.
       2.   Phân tích nét nghệ thuật ẩn dụ độc đáo trong câu thơ sau:
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, em nằm trên l­ưng.
                                                          (Nguyễn Khoa Điềm)
       Bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có câu thơ ẩn chứa một hình ảnh ẩn dụ thật độc đáo.
          Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
        Mặt trời của mẹ, em nằm trên l­ưng.
         “Mặt trời” trong câu thơ thứ nhất là mặt trời của cõi tự nhiên vĩnh hằng đem ánh sáng nuôi sống muôn loài trên trái đất. Còn "Mặt trời" trong câu thơ thứ hai chính là em bé trên lưng mẹ. Em bé là mặt trời của mẹ cũng giống như mặt trời của cõi tự nhiên vĩnh hằng vô cùng cần thiết đối với muôn loài vậy. Đó là một ẩn dụ độc đáo. Ở đây, Cu Tai, đứa con tuy còn nhỏ đang nằm trên l­ưng mẹ như­ng là linh hồn của ng­ười mẹ Tà Ôi. Đứa con là nguồn sống, là nguồn động viên lớn lao đối với ng­ười mẹ, là ánh sáng của đời mẹ, đem lại cho người mẹ tất cả bao hy vọng ước mơ và sức mạnh vượt gian nan, cực nhọc nguy hiểm, làm cho người mẹ có một nghị lực phi thường tìm đến với cách mạng, phát rẫy, trỉa bắp, nuôi con, nuôi bộ đội, phục vụ kháng chiến…. Nguyễn Khoa Điềm đã dùng hình ảnh mặt trời để so sánh ngầm, coi đứa con là mặt trời trong tâm hồn của người mẹ. Đây cũng là một ẩn dụ độc đáo mới lạ đã thể hiện được tình cảm, sự gắn bó không rời giữa hai mẹ con, là tấm lòng của người mẹ, là tình mẹ đối với con, là niềm hạnh phúc của người mẹ được sống vì con…
         3. Phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ điệp ngữ nhóm trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt.
            Bốn từ nhóm đặt đầu mỗi dòng thơ không chỉ là nhác nhớ, khắc sâu mà còn tạo cảm giác như có gì đang cháy lên ấm ấp. Ba từ nhóm đầu là nhóm lửa, lửa của hoài niệm ấu thơ. Còn từ nhóm sau cùng là nhen nhóm tâm tình của hôm nay đang bồi hồi tìm về tuổi nhỏ…
         4.Phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ điệp ngữ ngọn lửa trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt.
           Tình cảm của bà đã được tượng trưng hoá với điệp ngữ “ngọn lửa”. Nếu nói bếp lửa e chưa thật trúng, còn nói “ngọn lửa” thì người ta cảm thấy cái linh hồn tình cảm đã nằm ngay ở đó. “Ngọn lửa” ấy phải chăng là tâm huyết, nhiệt huyết “chứa niềm tin dai dẳng”, phải chăng là tình yêu “Lòng bà luôn ủ sẵn”. Từ bếp lửa đến ngọn lửa có lẽ hành trình từ cái đơn sơ, giản dị đến cái thiêng liêng, cao cả, từ cái thực đến cái linh hồn. Một lần nữa hình ảnh bếp lửa hay ngọn lửa đã tiếp tục tôn cao thêm tấm lòng chân chất, tình thương giản dị mà sâu sắc đôn hậu của bà…
                                            (Những bài văn chọn lọc, Lê Minh Phương)
                    5.Phân tích giá trị nghệ thuật của từ lộc trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.
Sắc xuân đất trời, cỏ cây đi theo người lính vào chiến trường cùng với người lao động hăng say ngoài đồng ruộng. Từ “lộc” vừa là hình ảnh tả thực nhưng cũng là ẩn dụ. “ Lộc” là chồi non của cỏ cây trong mùa xuân người lính dùng làm lá nguỵ trang trong khi chiến đấu. “Lộc” trong lao động là những cánh đồng lúa xanh tốt. Nhưng “lộc” ấy còn là sức sống, là tuổi trẻ trong mỗi tâm hồn, người lính anh dũng chiến đấu, người nông dân hăng say sản xuất. “ Lộc” là thành quả hôm nay là niềm tin, lao động ngày mai.
        6. Tiếng sóng như báo trước sóng gió dữ dội của cuộc đời hay cũng chỉ là tiếng kêu đau đớn của Kiều đồng vọng với thiên nhiên. Kiều không chỉ buồn mà còn lo sợ, kinh hãi như đang đứng trước sóng gió, bão táp của cuộc đời này sắp đổ xuống đầu nàng. Cảnh được miêu tả từ xa đến gần, màu sắc từ nhạt đến đậm, âm thanh từ tĩnh đến động. Cảnh ngày một rõ hơn để diễn tả nỗi buồn từ man mác, mông lung đến âu lo, kinh sợ dồn đến bão táp nội tâm. Thiên nhiên chân thực, sinh động nhưng mờ ảo bởi nó được nhìn theo quy luật "cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Và đó cũng là hiện thân, là tang vật của quá khứ khổ đau, hiện tại lẻ loi bất hạnh và báo hiệu một tương lai khủng khiếp. Tất cả đều là hình ảnh về sự vô định, mong manh, vô vọng, sự trôi dạt, bế tắc. Đoạn thơ gồm bốn cặp câu lục bát cũng là bốn cảnh và cặp câu được liên kết nhờ điệp ngữ "buồn trông".
   "Buồn trông cửa biển chiều hôm

... Buồn trông ngọn nước mới sa
.....Buồn trông nội cỏ dầu dầu
......Buồn trông gió cuốn mặt duềnh".

"Buồn trông" là nhìn xa mà trông ngóng một cái gì mơ hồ sẽ đến làm thay đổi hiện tại nhưng trông mà vô vọng. "Buồn trông" có cái thảng thốt lo âu, có cái xa lạ cuốn hút tầm nhìn, có cả sự dự cảm hãi hùng của người con gái lần đầu lạc bước giữa cuộc đời ngang nửa. Điệp ngữ kết hợp với hình ảnh đứng sau cùng các từ láy đã diễn tả nỗi buồn với nhiều sắc độ khác nhau, trào dâng lớp lớp như những cơn sóng lòng. Điệp ngữ tạo nên những vần bằng, gợi âm hưởng trầm buồn man mác, diễn tả nỗi buồn mênh mang sâu lắng, vô vọng đến vô tận. "Buồn trông" trở thành điệp khúc của đoạn thơ cũng như điệp khúc của tâm trạng. Bằng một gam màu nhạt và lạnh, Nguyễn Du đã vẽ lên một bộ tứ bình tâm trạng hết sức độc đáo và xúc động. Khúc ca khép lại đầy dư âm với hòa tấu của sóng biển, "sóng lòng", "sóng đời" đang vang lên những tiếng gầm gào của hiểm họa như muốn hất tung, nhấn chìm người con gái cô đơn, tội nghiệp trên điểm tựa chiếc ghế đời mỏng manh. Lúc này Kiều trở nên tuyệt vọng, yếu đuối nhất để rồi sự bị lừa gạt và dấn thân vào cuộc đời "thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần". Để thể hiện tâm trạng phức tạp, mỗi nỗi buồn ôm trọn ba nỗi buồn: buồn nhớ người yêu, buồn nhớ cha mẹ và buồn cho chính mình. Nguyễn Du đã chọn cách thể hiện "tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này" thật độc đáo tạo nên đoạn thơ tuyệt bút với bút pháp tả cảnh ngụ tình.         7Trong khổ thơ thứ sáu, điệp từ "nhóm" được nhắc đi nhắc lại tới bốn lần và mang những ý nghĩa khác nhau. Nó cứ bồi đắp cao dần những nét kì lạ và thiêng liêng của bếp lửa. Từ "nhóm" đầu tiên: "Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm" “nhóm” là động từ thể hiện một hành động làm cho lửa bén, cháy bén, cháy lên ngọn lửa và một bếp lửa hoàn toàn có thật có thể cảm nhận bằng mắt thường để xua tan đi cái giá lạnh của mùa đông khắc nghiệt để nấu chín thức ăn và đó là một bếp lửa rất bình dị có ở mọi gian bếp của làng quê Việt Nam. Thế nhưng từ "nhóm" trong câu thơ sau "Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi - Nhóm nồi xôi gạo gạo mới sẻ chung vui - Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ" thì từ “ nhóm” lại mang ý nghĩa ẩn dụ. Có nghĩa là bà đã nhóm lên, đã khơi dậy niềm yêu thương, những kí ức đẹp, có giá trị trong cuộc đời mỗi con người. Bà đã truyền hơi ấm tình người, khơi dậy trong tâm hồn cháu tình yêu thương ruột thịt, tình cảm sẻ chia, tình đoàn kết với hàng xóm láng giềng và rộng ra nữa là tình yêu quê hương đất nước.  (Bài làm của  học sinh)
                                                                                                    Đoàn Nhung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét