Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

TRĂNG BẠC

         Thanh chợt nhận ra lí do em trai luôn chờ đợi để nghe cái âm thanh ồn ã này...

Dù bị tổn thương, dù làm ra vẻ phớt lờ, dù cố tình quay lưng ...

Nhưng đến cuối cùng, cả ba, cả mẹ, cả Nam lẫn nó, đều chờ đợi một nơi để trở về.

*

Thanh bước vào nhà, lẳng lặng cất cặp rồi trở ra. Đã hơn sáu giờ chiều. Nó im lặng lướt qua hai người lớn đang to tiếng với nhau trong phòng khách, bước thẳng xuống bếp. Tiếng la hét của ba mẹ dội từng nhịp vào màng nhĩ, nghe thật giống một bản Hard Rock ồn ào và hỗn độn.

Họ lại cãi nhau.

Thanh không quan tâm những âm thanh lởn vởn bên tai mà chỉ chuyên chú nấu ăn. Nó dồn sức tập trung vào việc nhặt nhạnh từng cọng rau, cắt từng lát thịt. Nó cố gắng thu hẹp lại thế giới của mình, thật nhỏ, thật nhỏ. Tựa như ngoài gian bếp, mọi thứ đều không tồn tại. Nó làm mọi việc mình có thể nghĩ ra: nhẩm trong đầu lời hát một bài nhạc tiếng Anh đang nổi, đếm những viên gạch lát sàn, tìm xem có bất cứ việc nào trong bếp có thể khiến nó bận rộn hay không.

Nó chịu đựng thời gian trôi.

Khi Thanh nấu xong bữa tối, tiếng cãi nhau vừa dứt, thay vào đó là tiếng sập cửa cùng tiếng xe máy lao vội ra đường. Cả căn nhà chìm vào yên tĩnh.

Thanh sắp xếp chén bát ra bàn. Nó nhìn bốn cái chén nằm yên tĩnh, đột nhiên thấy mắt mình cay cay. Hai người họ giống như một thói quen khó bỏ. Gặp mặt sẽ bắt đầu tranh cãi, đổ lỗi, rồi lời lẽ sẽ càng lúc càng nặng nề ... Cuối cùng họ sẽ bỏ đi, đâu đó, và thường chỉ im lặng trở về sau nửa đêm.

Mọi việc bắt đầu khoảng ba năm trước. Và Thanh không bao giờ có thể ngờ rằng mọi việc lại ngày càng tồi tệ như thế này. Ba mẹ cãi nhau mỗi ngày, có lúc, họ còn ném đồ đạc vào nhau thay cho tiếng tranh luận chứa đầy thương tổn.

Thanh từng nghĩ có lẽ, đối với cha mẹ, việc nhìn mặt nhau mỗi ngày là một sự chịu đựng. Còn đối với Thanh, chịu đựng việc họ miệt thị nhau mỗi ngày đã trở thành nỗi đau ám ảnh vào tận xương tủy.

Thanh đã làm mọi việc có thể trong ba năm qua. Nó gào khóc. Nó đã nói chuyện nhẹ nhàng với cả hai. Nó cố tình bỏ bê việc học, gây sự với bạn bè, làm bản thân sa sút.

Nhưng rồi chẳng có gì thay đổi. Từng ngày trôi qua, Thanh bắt đầu học được cách lẳng lặng chịu đựng.

Im ắng, dửng dưng như một người ngoài.

Nó tự lừa bản thân rằng chỉ cần không để tâm, mọi chuyện sẽ như chưa từng xảy ra.

*

Thanh nhìn đồng hồ đúng lúc tiếng mở cửa vang lên ồn ã. Nó mỉm cười với đứa em trai thua mình hai tuổi đang uể oải bước vào nhà.

"Ăn cơm đã!" – Thanh nói.

Nam liếc qua bốn cái chén xếp ngay ngắn trên bàn bằng ánh mắt không cảm xúc. Thằng bé vứt cặp qua một bên, cau có ngồi xuống – "Em ghét đồ ăn có hành!"

"Em ở nhà bạn đến giờ này hả?" – Thanh không quan tâm nhận xét của em trai. Nó vừa xới một chén cơm đầy đặt ở trước mặt thằng bé vừa hỏi.

"Chứ còn ở đâu được!" – Nam gắt, sau đó bê chén cơm, bắt đầu ăn.

Thanh thở dài nhìn đứa em trai đang ở tuổi nổi loạn. Nó nhỏ hơn Thanh, nên tổn thương nó phải chịu có lẽ cũng lớn hơn Thanh rất nhiều. Trong cái gia đình này, Thanh tự hỏi, không biết có bất kì ai hạnh phúc không nữa.

Thanh nhớ lại cuộc trò chuyện giữa hai chị em ba năm trước. Lúc ấy ba mẹ tụi nó mới bắt đầu bất hòa. Có một ngày, giữa tiếng tranh cãi ồn ã cùng tiếng đồ đạc vỡ vụn, hai đứa cuộn người ở góc phòng ngủ, thì thầm cùng nhau:

"Em với chị bỏ nhà đi đi!"

"Làm gì?"

"Nếu mình đi ba mẹ chắc không cãi nhau nữa đâu, vì phải tìm mình mà!"

"Đi đâu được?"

"Đến chỗ nào có rừng cây rồi hái quả ăn, bắt thỏ nướng như trong phim ấy!"

"Từ mai em đừng coi phim kiếm hiệp nữa!"

"Em không thích ở nhà, ngày nào ba mẹ cũng cãi nhau"

"Mấy năm nữa chị lớn, rồi chị kiếm tiền, lúc đó hai chị em mình đi nha!"

"Nếu ba mẹ không cãi nhau nữa, mà li dị như bác Ba hàng xóm, cũng tốt chị ha?"

Thực tình lúc ấy cả hai chị em nó đều nghĩ như vậy. Dù đã rất lâu, nhưng đoạn đối thoại ngày đó luôn từng chữ từng chữ hiện lên trong đầu nó. Những câu nói ngớ ngẩn ấy luôn làm Thanh đau đến thắt lòng. Nếu được chọn giữa thiếu thốn tình thương và bị nỗi đau dằn vặt hàng ngày, nó thà chấp nhận ba mẹ li dị. Nhưng mà, đối với người lớn, có nhiều vấn đề quan trọng hơn mong ước của con cái.

"Em đừng trốn học nữa!" – Thanh quở nhẹ, trong khi gắp cho thằng bé một ít rau xào – "Hôm trước cô chủ nhiệm gọi về nhà đấy!"

"Chị nói nhiều quá!"

Thanh cụp mi, thấy trong mắt đứa em trai sự ương bướng của mình nhiều năm trước.

"Em tự biết, chị không cần lo!" – Nam nhìn qua chị gái, nhận ra mình vừa cáu gắt không lí do. Thằng bé cúi đầu, lẩm bẩm câu gì đó dạng như "Em ghét hành!"

Thanh cười khẽ, với tay lấy thêm cơm cho thằng bé. Rồi nó thu dọn bàn ăn, rửa chén bát, sau đó trở về phòng. Bật nhạc, đeo tai nghe, Thanh bắt đầu tập trung giải đề. Kì thi Đại Học chỉ còn chưa đầy ba tháng. Nó nhìn đống tích phân cùng hình học không gian, hít một hơi sâu, cầm bút.

Thời gian đều đặn đếm nhịp.

Hơn một giờ khuya, Thanh vươn vai ngáp dài. Nó vốn định đi ngủ nhưng lại đổi ý. Nó trèo lên sân thượng.

Tháng Năm, bầu trời là tiếng cười khanh khách trong trẻo. Trăng tròn uể oải ngủ vùi trên nền sao yên tĩnh. Đâu đó, tiếng ve rả rích như thứ nhạc khó nghe cứ nện thẳng vào tai, kì dị.

"Đi ngủ đi, khuya rồi!" – Thanh nhìn bóng đứa em ảm đạm dưới ánh trăng, không khỏi phiền lòng. Không biết từ lúc nào, Nam đã hình thành thói quen đứng lặng người trên sân thượng, chờ đợi đến khi tiếng xe ba mẹ đỗ xịch trước nhà mới chịu đi ngủ. Cũng không biết từ lúc nào, Thanh bị nhiễm cái thói quen ấy. Hai chị em thường đứng cạnh nhau, im lặng nhìn trời. Cho tới khi nghe thấy tiếng xe máy quen thuộc, cả hai mới lẳng lặng vào nhà.

"Họ vẫn chưa về" – Nam không nhìn chị gái, chỉ thông báo đơn giản.

"Mấy hôm nay gần sáng ba mẹ mới về, em ngủ trước đi!" – Thanh nói nhỏ.

Nam không trả lời.

Có lẽ bởi từ hướng nhìn của Thanh, lưng thằng bé quá cô độc, nên Thanh cũng theo đó mà yên lặng. Nó nhẹ nhàng ngồi xuống ghế, ngẩng đầu nhìn trời. Vầng trăng tròn tỏa ánh sáng bạc lấp lánh chảy qua từng kẽ tay Thanh. Nếu có thể dửng dưng như thứ ánh sáng lạnh lẽo này thì tốt biết mấy.

"Hôm qua có ông nào đó tìm chị!" – Thiên đột nhiên quay người lại, gợi chuyện – "Cao, hơi gầy, đeo kiếng nữa!"

"À" – Thanh nhíu mày một lúc rồi nhớ ra – "Chắc mượn sách ôn thi"

"Chị toàn chúi đầu học hành thì bao giờ mới có người yêu!" – Nam cố tình thở dài để trêu chọc chị gái. Thanh cảm thấy lòng mình động một chút ấm áp. Đã bao nhiêu lâu rồi em trai nó không lộ ra nụ cười thản nhiên như vậy.

"Xúi dại! Em lo mà bỏ mấy con nhỏ đang cặp kè đi. Vớ vẩn, có gì hay ho đâu không biết!"

"Cho đỡ chán thôi mà!" – Nam rút điếu thuốc trong túi, châm lửa, rồi lại dụi tắt khi bắt gặp ánh mắt nhíu chặt của Thanh. Thằng bé bắt đầu hút thuốc từ một năm trước, khi nó mới mười lăm tuổi – "Coi như giết thời gian. Thích thì quen, không thích chia tay. Đơn giản"

"Không biết mấy con nhỏ đó thích gì ở em nữa!" – Thanh chán nản gắt nhẹ em trai. Nói vậy, chứ nó biết, cũng như nó, Nam không tin vào tình cảm nam nữ.. Hai con người từng thề hứa yêu thương nhau, bỏ hết gia đình để cùng nhau chung sống, lại có thể giày vò nhau mỗi ngày. Cái thứ gọi là tình yêu có thể ấu trĩ đến vậy ư?

Chỉ là, cách phản ứng của hai chị em nó khác nhau. Thanh kiêng kị mọi thứ tình cảm lại gần mình, còn Nam, nó đơn giản coi đó là trò chơi lúc rảnh rỗi.

"Chị sẽ rời khỏi nhà nếu đậu Đại Học. Vậy, còn mỗi em ..." – Thanh càng nói càng ngần ngừ. Dạo gần đây nó hay suy nghĩ về chuyện này.

"Em hay nghĩ, chị em mình kiên cường hơn bất cứ ai ..." – Nam cười, nụ cười phảng phất như có như không. Thằng bé tiếp tục nói về vấn đề tưởng như không ăn nhập gì đến câu chuyện của chị gái – "Chị bình thản, còn em ngang ngược. Cứ như vậy ..."

Thanh cúi đầu, bóng tối không với được tới đáy mắt. Đối với chị em nó, ngôn từ của ba mẹ nói với nhau có sức sát thương như hàng nghìn mũi dao nhọn. Đó là một loại thương tổn có thể theo đến suốt đời. Chẳng gì có thể khiến họ đau lòng hơn được nữa.

"Nên chị cứ cô gắng đậu Đại Học đi. Rồi rời xa cái nhà này một chút" – Nam tiếp tục nói.

Vẫn cúi đầu, Thanh chỉ có thể nhìn thấy lưng em trai thẳng tắp đến lạnh lùng. Nhiều khi nó chẳng thể hiểu nổi suy nghĩ của thằng bé mới mười sáu tuổi đầu này. Nam cúp học, nhưng tính toán đủ số ngày để không bị đuổi. Nó chơi bời lêu lổng, nhưng bao giờ cũng về nhà đúng giờ để ăn bữa cơm cho chị gái nấu. Bây giờ, nó lại dửng dưng bảo Thanh không cần lo lắng cho nó.

"Chị lo cho mình hơn" – Thanh ngẩng đầu nhìn vầng trăng tròn đến viên mãn, đôi mắt long lanh không biết vì ánh sáng phản chiếu hay do nỗi sợ đã bắt đầu ướt át – "Lo mình sẽ vui vẻ rời đi mà quên mất em còn ở lại!"

"Một lúc nào đó ba mẹ sẽ dừng việc cãi cọ ..." – Thanh nói gần như thì thầm – "Sẽ có lúc họ dừng lại, nhìn chúng ta, và hối hận. Chị chắc chắn. Nhưng em còn phải đợi đến bao giờ?"

"Ai biết!" – Nam quay lưng, dựa cánh tay vào lan can, cười nhạt – "Nhưng em không mong đến lúc đó. Chịu thương tổn, em với chị đủ rồi. Lúc họ hối hận họ sẽ tự dằn vặt và tự làm bị thương mình. Thà cứ như bây giờ, tranh cãi, tự cho bản thân là đúng. Như thế lại tốt hơn!"

Thanh sững người nhìn Nam. Cảm giác như thể nó chưa từng biết đứa em trai này. Rồi khóe mắt nó ướt nhòe. Trong lòng nó có gì đó tràn ra thành muôn ngàn giọt trăng lấp lánh ánh bạc. Trong phút chốc, Thanh đã ngỡ ngàng.

Nó tự hào về em trai mình.

Trầm mặc. Bình tĩnh. Đau khổ.

Nhưng vẫn luôn yêu thương.

Thanh khép mắt, để giọt nước lành lạnh lướt qua gò má.

"Em mạnh mẽ hơn chị. Nên em sẽ không sao đâu!"

Khuôn mặt Nam nhìn thẳng lên mặt trăng, tiếng an ủi vụng về phát ra từ người thiếu niên còn chưa trưởng thành. Ánh sáng bạc nhảy múa trên đỉnh đầu thằng bé và tạo một cái bóng đổ dài trên nền xi măng lạnh.

Dưới nhà vang lên tiếng lạo xạo của chiếc khóa cổng trước.

Mẹ, hoặc ba đã trở về.

Thanh chợt nhận ra lí do em trai luôn chờ đợi để nghe cái âm thanh ồn ã này...

Dù bị tổn thương, dù làm ra vẻ phớt lờ, dù cố tình quay lưng ...

Nhưng đến cuối cùng, cả ba, cả mẹ, cả Nam lẫn nó, đều chờ đợi một nơi để trở về.

Nơi đó, người ta gọi là : "Gia đình"

Redo

Thêm nhận xét... (Được chia sẻ công khai)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét