Mộc Nhân
( Kỉ niệm 73 năm ngày mất thi sĩ Tản Đà : 07/ 6/ 1939 – 07/ 6/ 2012)
Tản Đà sáng tác nhiều tác phẩm mà chỉ đọc tên, chúng ta thấy rõ tính độc đáo, mộng mơ, lãng mạn : Khối tình con, Giấc mộng lớn, Giấc mộng con.
Bài thơ “Muốn làm thằng cuội”trong tập thơ “Khối tình con” được coi là độc đáo nhất, được nhiều người biết đến trong văn nghiệp của tác giả. Bài thơ là một ước muốn kì quặc, một giấc mơ kì thú, ngông nghênh, lãng mạn thể hiện cái tài, cái tầm, cái tâm, cái tôi của người nghệ sĩ mà một thời trở thành tâm điểm của những công kích cả về văn chương lẫn tính cách.
Trong bài thơ “Muốn làm thằng cuội” tác giả muốn lên cung trăng, muốn thoát li cuộc đời trần thế để sống với chị Hằng ở miền tiên cảnh ? Tại sao nhà thơ lại ước muốn như vậy, điều ấy có ý nghĩa gì ? Biết bao câu hỏi thú vị hấp dẫn lôi cuốn chúng ta.
Hai câu thơ đề là nỗi buồn nhân thế của thi sĩ được bộc lộ trực tiếp :
“Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi !
Trần thế em nay chán nửa rồi”
Nét độc đáo dễ thấy là cách dùng hai đại từ nhân xưng “chị” – “em”nghe thật duyên dáng, tạo nên một mối quan hệ bất ngờ, thân mật, gần gũi để dễ dàng tâm sự, chia sẻ nỗi niềm.
Cũng vì thân mật, gần gũi nên thi sĩ đã bộc bạch tâm trạng “buồn”, “chán” của mình. Cái buồn của trời thu và nỗi niềm văn chương, nhân thế lại đi vào lòng thi sĩ mà thốt ra thành lời thơ.
Đất nước lầm than, dân tộc nô lệ, người nghệ sĩ chẳng làm được gì cho đời. Chẳng biết tâm sự cùng ai nên ông đành than với đất trời, trăng sao; và dường như chỉ có “chị Hằng” mới là người tri kỉ, thấu tỏ nỗi lòng của thi nhân trần thế.
Với trái tim đa tình của mình, Tản Đà đã thấy ở chị Hằng là một mỹ nhân có thể kết bạn tâm giao. Cái cách dẫn dắt trò chuyện của nhà thơ cũng thật khéo léo bằng lời cầu xin của “em” khiến cho “chị” khó chối từ :
“Cung quế đã ai ngồi đó chửa ?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Có bầu có bạn can chi tủi
Cùng gió cùng mây, thế mới vui.”
Bốn câu thơ dầu chưa thật chuẩn theo thi pháp thơ Đường nhưng ngôn ngữ vẫn trôi chảy, ý thơ khoáng đạt, mạch thơ phát triển tự nhiên thể hiện sự cách tân thơ cũ, tình ý của thi sĩ được tung phá, cái tôi được thỏa sức bay bổng.
Ban đầu nhà thơ hỏi, chị Hằng chưa kịp trả lời thì thi sĩ đã tiếp tục cầu xin được “lên chơi” cùng chị bằng cây cầu “cành đa”. Chưa biết chị Hằng có đồng ý cuộc chơi này hay không nhưng tác giả lại tưởng tượng ra những điều thú vị khi được ở bên chị để “bầu bạn – gió mây”.
Cái độc đáo Tản Đà chính là ở chỗ “xin” mà vui chứ không lụy. Đồng thời ông cảm nhận được nỗi u buồn của Hằng Nga trong không gian quạnh quẽ chốn Quảng Hàn. Giữa Hằng Nga và Tản Đà là mối quan hệ của hai tâm hồn cô đơn đang cần tìm đến nhau. Khi hướng về “cung quế”, có lẽ thi nhân cũng hiểu thấu nỗi niềm Hằng Nga chăng?
Bản chất đa tình của thi sĩ đã hé lộ. Câu thơ không chỉ diễn tả tâm trạng từ một phía mà nhà thơ cùng lúc diễn tả hai tâm trạng: một là của Hằng Nga – người cung Quảng Hàn, một là của Tản Đà – trích tiên nơi trần thế. Nét phóng khoáng tâm hồn thi nhân đâu chỉ là cái ước vọng lên trăng để vượt thoát cảnh trần đầy chán ngán, mà chính là được làm bạn cùng san sớt nỗi buồn với giai nhân cung quế bằng cái tình của tri âm tri kỷ!
Dường như Tản Đà càng lúc càng mạnh bạo hơn trong chuyển đổi mối quan hệ với chị Hằng : từ “chị em” sang “bầu bạn” một cách tự nhiên và cuối cùng là chuyện “gió mây”. Dân gian có cách nói ẩn dụ “chuyện mây gió”, “chuyện mây mưa” để chỉ về chuyện quan hệ nam nữ. Phải chăng trong giấc mơ, trong tưởng tượng của mình, Tản Đà xem chị Hằng như người tình để rồi“cùng gió cùng mây thế mới vui” ! Câu thơ thể hiện rõ sự thỏa thuê, vui sướng, quên đi nỗi sầu khổ trần gian trong niềm vui nơi tiên giới.
Câu thơ hóm hỉnh trong ý tứ, âm điệu của ngôn ngữ toát lên sự niềm vui, ngông nghênh mà rất tình tứ.
Tản Đà quả là người có tâm hồn đa sầu đa cảm, trái tim đa tình, tính cách ngông ngạo hiếm thấy. Có thể nói tâm hồn lãng mạn của nhà thơ đã tìm được một địa chỉ lí tưởng để thoát li.
Nhưng ước nguyện của Tản Đà không chỉ hoàn toàn là trốn chạy, xa lánh hiện thực. Đó chính là những giấc mơ, những khát vọng chân chính của một con người luôn gắn bó với cuộc đời, luôn mong muốn niềm vui, hạnh phúc cho mình và cho người, luôn mong muốn được giao tiếp, sẻ chia với người tri kỉ.
Dấu ấn thời đại và tầm xa của trong hồn thơ Tản Đà được đẩy thêm một bậc ở hai câu kết:
“Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.”
Nhà thơ “cười” có thể vì đã đạt được những ước mơ, thỏa mãn những khát vọng. Cũng có thể vì đã đứng ở vị trí tầm cao, đứng trên mọi thứ nhỏ bé thấp hèn nên nhà thơ đã nhìn rõ những xấu xa, bẩn thỉu, đáng cười, đáng khinh của cõi thế. Cũng có thể đấy là cái cười theo kiểu tự trào vì đã chơi ngông khác đời.
“Muốn làm thằng Cuội” là một sự kết hợp của mộng và thực, để ta nhận ra chân dung của con người dám lấy cái ngông như một sự thách thức với cuộc đời ô trọc, một con người đã dám phô bày cái tôi đầy cá tính của mình như là một cách để phản ứng lại xã hội vốn có quá nhiều điều khiến ông chán ngán buồn bực.
Xuân Diệu đã nhận xét : “Tản Đà là người thứ nhất đã có can đảm làm thi sĩ, đã làm thi sĩ một cách đường hoàng bạo dạn, dám giữ một bản ngã, dám giữ một cái tôi.”
Rốt lại thì cái tài, cái tầm, cái tâm, cái tôi của Tản Đà mới là điều cốt yếu để nhà thơ và tác phẩm của mình còn lại trong lòng người.
MN- 06/ 6/ 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét