1. Đẹp như cổ tích!
Những giấc mơ lãng mạn thường tự trang điểm cho mình vẻ hồng phấn cổ trang rằng đẹp như cổ tích.
Mà cổ tích đâu chỉ có đẹp, cổ tích còn là những niềm đau. Mà sao chưa ai gọi tên những nỗi đau là đau như cổ tích?
Phải chăng công năng của cổ tích là xóa đi cái đau giữa đời thường để
chỉ còn cái đẹp lên ngôi, thăng hoa, rồi phảng phất giữa đời thường?
Phải chăng là như một giấc mơ, đằng sau những trang đời cổ tích, sau những giọt đau luôn tỏa sáng những ánh cười?
Và nước mắt với nụ cười đã là những hấp dẫn của huyền thoại cổ xưa.
2. Đau như nước mắt!
Nước mắt trước hết là kết tinh của những nỗi đau. Chính những nỗi đau
đã thấm đầy cổ tích hóa thành nước mắt. Không là nỗi trăn trở miên viễn
về kiếp người hư ảo có không, không là nỗi niềm tội lỗi của bản năng con
người cần một thông điệp cứu sinh như trong triết học hay tôn giáo,
nước mắt cổ tích là nước mắt của những cuộc đời, của những con người rất
thực. Họ là kẻ mồ côi, người nghèo khó hay những phận người không lành
lặn mà bị đời đày đọa, hắt hủi, khinh miệt.
Giữa những trang cổ tích là cô Tấm lấm láp giữa ao làng, là cô Tấm cô
đơn bên bờ giếng, là Tấm tấm tức tủi thân khi hội làng náo nức…Là Sọ Dừa
lăn lóc, cô Cóc bị coi khinh, người em khó nghèo với gia tài chỉ là cây
khế nhìn trái chín dần vơi bởi chim phượng hoàng đến hái… Là người vợ
chờ chồng đến hóa đá ngóng trông. Kể sao xiết sao hết những phận người!
Nước mắt họ đã rơi. Những cuộc đời tắm trong nước mắt. Khóc vì bị cướp
đoạt, khóc vì bị lừa dối, khóc vì đã khó nghèo lại họa tai, khóc vì nỗi
chia ly. Ai đó đã có một tuyên ngôn thật buồn, rằng mọi dòng nước rồi sẽ
dần vơi duy chỉ có nước mắt con người là không bao giờ vơi cạn. Là chân
lý chăng, nhất là khi phát ngôn được rọi soi qua những ngày dài cổ
tích.
3. Đẹp như nước mắt.
Song nếu chỉ là những dằn vặt đau xé để lấm tấm trổ hoa đời bất hạnh
thì không thể giải thích hết sức hấp dẫn vĩnh hằng của cổ tích, hấp dẫn
ngay cả khi những giọt đau nhỏ xuống trang đời. Nước mắt còn là cái đẹp.
Không lãng mạn mà dọn một nẻo đi riêng lạ đời rằng cái buồn vốn đẹp,
song với tôi nỗi buồn cổ tích bao giờ cũng đẹp. Đẹp bởi nỗi buồn ấy
không chỉ chịu mình yếu đuối, bởi tiếng khóc không chỉ dừng lại ở ranh
giới bất hạnh, không chỉ kể đời mà là để thấu đời. Ta hiểu dẫu bị đọa
đày thì Tấm vẫn là tấm lòng thơm thảo, dẫu khốn cùng thì Chữ Đồng Tử vẫn
là người con hiếu thảo. Và càng bị coi khinh ngược đãi chàng sọ Dừa,
chàng Khoai càng rất mực siêng năng. Rằng trong bất hạnh chia ly người
vợ kia vẫn một tấm lòng thủy chung son sắt…Không một lời phẫn nộ đuổi
đánh khi phượng hoàng đến vỗ cánh trên cây khế, người em chất phát chỉ
một dạ tâm tình: Phượng hoàng ơi, tôi nghèo lắm, gia tài chỉ mõi cây khế
mà thôi. Chim ăn hết rồi tôi lấy gì nuôi thân!
Rằng tôi đã gặp được những tấm lòng đẹp, những ứng xử đẹp, những tâm
hồn đẹp ngay cả khi bí lối cùng đường. Như chức năng con người trên cuộc
đời này là phải đẹp dù có phải trải qua cay đắng vô ngần.
Và chính ở cái đẹp này ta thấm thía bao cảm thông, bao nâng niu trân
trọng đượm trong giọng kể ngày xưa của bà của mẹ…của những thế hệ bình
dân ngàn đời. Chính nơi đây những giọt nước mắt người dan đã chan hòa
cùng những cuộc đời bất hạnh. Họ khóc vì thương một phận người, hơn thế
nữa, họ khóc vì yêu những con người! Những thương yêu đâu chỉ dành cho
thế giới tưởng tượng, mà là yêu thương chính cuộc đời mình, bởi chưng cổ
tích chính là những hóa thân của đời thường, những cuộc đời tôi luyện
qua khó nhọc, qua nghèo đói, qua bất công. Chất nhân văn của dân tộc
phải chăng đã đầy đặn lên chính từ những giọt nước mắt vì đời đã nhỏ
xuống? Và với ước mong cuộc đời rồi sẽ đẹp hơn?
4. Chông chênh nụ cười.
Và, chính vì tình yêu là sức mạnh, nên những câu chuyện của tình yêu đã
không chịu số phận bi kịch dầm nước mắt, mà phía sau xa của gian truân
bất hạnh là hạnh phúc trổ hoa, như sau màn đêm là bình minh chim hót,
như cầu vồng lấp lánh sau những cơn mưa.
Diệu kỳ thay sức sống của những người bình dân, rằng trong trí tưởng
tượng của những đời người chỉ biết khó nghèo đã thấy thơm những bảy nong cơm ba nong cà làm
quà tặng cho người dõng sĩ. Trong giấc mơ hoa của những đêm lạnh không
chăn chiếu cô gái nào mơ mình trở thành hoàng hậu, và gian nhà xiêu tó
trong gió bão nào ước được chất đầy vàng ngọc để ban phát cho những
người nghèo?
Cô Tấm đã trở về với bà hàng nước để lần nữa tắm gội đời mình trong ân
tình nhân dân, chuẩn bị hành trang cho cuộc hóa thân thành hoàng hậu.
Rằng sau bao nhiêu lần cái chết, Tấm đã thực được sống bằng trọn vẹn mơ
ước của cuộc đời. Chàng Chữ Đồng Tử rồi cũng được gặp Tiên Dung, gặp
được những nhận thức đánh giá đúng giá trị con người, để vĩnh viễn không
còn là người con khó nghèo vùi mình trong bãi cát, để cánh đồng lau sậy
hốt nhiên thành cung điện nguy nga. Sọ Dừa, cô vợ Cóc hóa thành những
chàng trai cô gái đẹp như tiên cho đời mơ ước…Và cái xấu cái ác đã bị
trừng trị: mẹ con Cám xấu xa, lũ phú ông gian ác, Lý Thông nham hiểm và
cái kết bi đát của họ đáng để người đời suy ngẫm.
Cổ tích thường có cái kết có hậu đẹp như một giấc chiêm bao. Phải chăng
trong cuộc đời giàu nước mắt thì trong giấc mơ những người bình dân xưa
đã biết mỉm cười, rằng trong gian nan cuộc sống họ đã chuẩn bị tâm lý
đón nhận những nụ cười? Người ta thường nói ước mơ khi mãnh liệt tự nó
có năng lực như một hiện thực. Thật như thế, những giấc mơ của những câu
chuyện buồn xưa ấy cứ hiển nhiên như là đời sống. Ta không chỉ gặp một
giấc mơ mà như đã gặp một cái kết có hậu giữa đời thương. Giữa trần trụi
đời thường đã chói lói một giấc mơ. Phải chăng niềm tin ngây thơ và bất
diệt vào tính chiến thắng của cái thiện đã là thiên lương của những
người muôn năm cũ? Giấc mơ cổ tích vì vậy có một hấp lực vô ngần, giàu
khả năng củng cố niềm tin con người vào tương lai. Đó chính là sức mạnh
lạc quan của cổ tích.
Mà kỳ lạ thay, sau bao nhiêu ngất ngây vì hạnh phúc, người nghe chuyện
lại vẫn thấy nụ cười kia có gì đó chông chênh. Niềm tin thì thật mãnh
liệt, mà như có một chênh vênh giữa niềm tin và hiện thực. Rằng trong
cuộc đời vẫn những cô Tấm lấm láp, người nông dân nghèo khó, người bệnh
tật bơ vơ…Rằng như hiện thực đã từ chối những giấc mơ. Rằng khoảnh khắc
thăng hoa kia chỉ thật trong bầu không khí của mẹ, của bà, trong hề hà
câu chuyện để rồi vụt tan biến giữa đời thường. Hiện thực chưa mở ra một
nẻo về thiên đàng, và ngoài kia, đời hãy còn thô bạo vài bông hoa ác!
Dù sao, niềm tin và mơ ước vẫn cứ rất cần cho cuộc đời, cho cái thiện, cho thiên lương.
5. Bài học cho tôi, cho ai.
Đã
một ngày dài cổ tích, đã chìm trong vô hạn thời gian rồi đó. Giá trị
thời gian được nhân lên bởi chính những cuộc đời đi qua nó. Tôi đã một
ngày dài như thế kỉ với những vui những buồn. Tôi hiểu lời dặn dò cha
ông nhắn nhủ: Sẽ là phù du cuộc đời, chỉ có những ai biết sống đẹp mới
là tồn tại vĩnh hằng. Tôi hiểu đời vốn nhiều nước mắt nên mong rằng đừng
thêm nước mắt. Khẽ hỏi mình liệu trong va chạm với đời có khi nào tôi
đã chạm vào nỗi đau của một ai, và nước mắt đã chảy? Rằng trong ngông
nghênh non trẻ đời mình tôi đã dập tắt của ai đó một tiếng cười? Rằng
đang khi muốn làm người em hiền lành bên cây khế mà kỳ thực tôi đã hẹp
hòi như một người anh biển lận?
Ngẫm hoài câu chuyện trả thù của Tấm mà lắm lúc rùng mình: Tấm đem cái ác Tấm trả nợ đời, nợ đời cái ác còn nơi cô Tấm! Lẽ nào cũng là hành trình của tôi, của nhân loại bảy tỉ con người?
Con đường hướng thiện của nhân gian còn lắm nhọc nhằn, niềm tin vào
chính nghĩa trong đời đôi khi mang sắc màu bi quan.
Nên cổ tích hãy còn đây, nhắc nhở!
Rằng giấc mơ đẹp nhất của cuộc đời vẫn cứ là giấc mơ sống thiện.
Dù là nước mắt, hãy giàu niềm tin vào những nụ cười, hãy đặt niềm tin vào những nụ cười!
Nguyễn Tấn Ái
Nguyễn Tấn Ái