Doan Nhung thân!
Bạn có biết rằng mỗi một người chỉ có một cuộc đời để sống, đừng để những thứ vô nghĩa nhưng đã trở thành thói quen làm tổn hao thời gian và sức lực của bạn trong hiện tại. Hãy học cách buông bỏ để cuộc sống của bạn may mắn, thành công và hạnh phúc hơn.
Đây là lúc để bạn dừng lại và tự hỏi mình: "Trong thời gian qua mình đã lãng phí quá nhiều thời gian cho điều gì?".
Đó có thể là thời gian mà bạn buôn chuyện phiếm quá dài ở văn phòng khiến bản thân không thể tập trung cho công việc? Là lúc bạn tự hành hạ bản thân mình, là lúc bạn đang cố ép mình vui trước mặt mọi người, là lúc bạn che giấu những nỗi buồn của mình bằng những cảm xúc không có thật, là những lần bạn say sưa mua sắm mất vài giờ đồng hồ...?
Rõ ràng những việc đó đã làm tiêu tốn quá nhiều thời gian của bạn mà không mang đến những lợi ích về kinh tế hay sức khỏe nào cho bạn cả. Sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu bạn biết mình sẽ đi về đâu trong cái vòng lẩn quẩn của cuộc đời này, biết mình sẽ sống vì điều gì, một cuộc sống ý nghĩa ra sao. Hãy vạch ra đích đến, những giá trị cần đạt được và kiên quyết thực hiện nó bằng một ý chí sắt đá, một tính kỷ luật và bằng một lương tâm trong sáng, nhất quán, kiên định.
Khi bạn không nhận ra được giá trị cuộc sống của mình, nó sẽ trở nên tẻ nhạt và vô nghĩa lắm. Đừng làm lãng phí thời gian, sức lực của mình cho những hờn giận, thù hằn nào đó đã xảy ra với bạn. Có một câu nói rất hay mà tôi đã đọc: "Không ai có quyền làm tổn thương bạn, nếu bạn không cho họ cái quyền đó", thế nên bạn hãy luôn giữ một thái độ đúng đắn, tích cực trước mọi sự việc và đừng trao cho ai cơ hội làm tổn thương bạn cả.
Và cũng đừng tự đày đọa hay trách cứ bản thân vì những thất bại trong quá khứ.
Một số người thường bị mắc kẹt và ôm khư khư lấy quá khứ để sống hoặc dựa dẫm, dò xét tương lai. Con người thích tự cao kể về những thành tích, những giá trị tốt đẹp mà ta đạt được với mọi người, nhưng lại cảm thấy hổ thẹn và tự ti về những tội lỗi trong quá khứ, ta im lặng và sợ hãi khi nghĩ đến nó. Trong mỗi người chúng ta ai cũng luôn tồn tại những khuyết điểm, thay vì cảm thông và cố gắng để hoàn thiện bản thân thì chúng ta lại có cảm giác mặc cảm, để cho những cảm xúc tiêu cực ấy có quyền làm chúng ta đau khổ, rồi ta tự giày xéo và trách móc bản thân mình.
Chúng ta lại thường có cảm giác dễ cảm thông cho những lỗi lầm của người khác, trong khi đó lại cảm thấy "ghét" và dằn vặt chính bản thân mình. Trong cả hai vấn đề, ta đều cần tự mình nhìn lại, suy xét và dũng cảm đối mặt với những khuyết điểm và lỗi lầm, biết cảm thông, bao dung và yêu quý chính mình hơn là chọn những cảm xúc tiêu cực để tự làm mình đau khổ. Chính vì biết tự nhìn lại chúng ta mới không còn thích phán xét người khác, vì biết cảm nhận được sự mặc cảm, tự ti của chính mình, chúng ta mới giàu lòng trắc ẩn để thấu hiểu và thông cảm cho họ.
Do đó, trước khi muốn đánh giá người khác thì nên đánh giá chính mình trước, muốn yêu quý người khác thì chính mình cũng cần được yêu thương trước đã. Nếu ngay cả bạn cũng không đủ bao dung và tha thứ cho bản thân thì sẽ rất khó lòng bao dung và tha thứ cho người khác. Chỉ khi chúng ta rút ra được kinh nghiệm từ những điều này thì cuộc sống lúc đó mới cởi mở và hạnh phúc hơn, những cảm giác tiêu cực về sự phán xét hay mặc cảm chắc chắn sẽ không còn.
Biết tha thứ cho ta, cho người lại chính là động lực thúc đẩy mỗi cá nhân tự cố gắng để hoàn thiện chính mình. Nỗi sợ hãi sẽ chỉ đeo bám khi ta không dám đối mặt và tìm giải pháp cho vấn đề, cứ loay hoay tìm cách trốn chạy và né tránh nó. Nên vấn đề sẽ không còn là vấn đề nếu chúng ta có một thái độ đúng đắn để xử lí. Hãy buông bỏ những thứ đã qua và những điều chưa tới, đây là thời điểm bạn cần sống cho hiện tại và hết lòng vì nó.
Cảm ơn Quỳnh Trâm!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét