Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

CÓ MỘT ĐIỀU

Có một ngày kì lạ lắm trong ta
Cứ lấp lửng giữa hai miền quên nhớ
Bão tố chiều nay lặng yên sao nỡ
Để cơn gió về rét lắm bàn tay

Có một chiều kì lạ lắm mây bay
Cứ hờ hững để nỗi niềm băng giá
Ai lãng đãng một mình nơi xứ lạ
Chẳng bao giờ buồn vì đã nhốt vào tim

Có một bão giông ta mãi đi tìm
Chiều trống vắng bão giông không về nữa
Như gian hàng chiều nay ta có quyền chọn lựa
Mua bình yên giông bão để cho đời
 Có một điều kì lạ lắm người ơi!
           HBT

LỜI RU NGÀY XA

Về đi nhé
Cuối ngày là hoàng hôn
Cánh chim đã mỏi phía xa nguồn
Phố chiều vội vàng xe cộ
Rập rình góc chợ
Bà hàng lập trình cho một ngày qua.
Giúi vội nụ hôn vào gió
Thênh thang một đường mây
Xòe bàn tay xóa nét đa tình.
Xa một ngày vui,vui một ngày xa
Mắt ai không đành
Cuối con đường chân trời cỏ mọc
An ủi một ngày xanh.
                  Nguyễn Tấn Ái

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

TRƯỜNG THCS QUANG TRUNG VỚI CUỘC THI KHKT DÀNH CHO HỌC SINH TRUNG HỌC TOÀN QUỐC


Ngày 02/12/2013, trường THCS Quang Trung chuyển nộp về Phòng GD&ĐT Tiên Phước sản phẩm dự thi của em Lê Quang Trường, học sinh lớp 9/1 và em Nguyễn Thành Vin, học sinh lớp 9/2 thuộc trường hưởng ứng cuộc thi  khoa học – kỹ thuật dành cho học sinh Trung học trên địa bàn toàn quốc.
           Sản phẩm có tên gọi “Xe cắt cỏ đa năng” với cấu trúc, gồm: 4 môtơ; lưỡi cắt cỏ; gạt cỏ; bộ nam châm hút đinh, sắt vụn; pin và các bộ phận cấu thành xe. Xe có công dụng vừa cắt cỏ, cào cỏ vừa nhặt sắt vụn, đinh ốc để giúp người lao động đỡ tốn kém sức lực và khỏi gặp phải nguy hiểm đạp đinh, sắt rỉ khi tham gia lao động.
       Sau ba tháng triển khai cuộc thi, đây là sản phẩm duy nhất của hai học sinh trường THCS Quang Trung trên tổng số 4.588 học sinh THCS toàn huyện.
            Chưa nói đến sản phẩm sẽ được Hội đồng giám khảo quốc gia chấm chọn với kết quả thế nào, chỉ riêng số lượng duy nhất sản phẩm dự thi lần này và với thành tích “giải đặc biệt sản phẩm Rôbôt nâng hàng, vận chuyển và cứu hỏa” do em Đoàn Lê Công Khang, học sinh lớp 8 của trường đã đạt trong năm học 2011 – 2012 và “giải nhất sản phẩm Rôbôt phá mìn điện tử; giải nhì sản phẩm chế tạo ổ khóa tự động” cũng do em Công Khang, học sinh lớp 9/2 đạt được trong năm học 2012 – 2013, em Công Khang được khen thưởng xứng đáng và đại diện cho thanh thiếu niên Quảng Nam và Việt Nam tham quan học tập tại Malaysia, em Công Khang đã mang về niềm tự hào cho đất học Tiên Phước, cũng đủ để thấy được tiềm năng, sự đam mê, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu và tinh thần khám phá khoa học của thầy và trò tại trường THCS Quang Trung thật đáng để nhiều trường ngưỡng mộ, học tập.
Tác giả bài viết: AN SƠN

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

GIÁO DỤC VIỆT NAM THUYẾT PHỤC THẾ GIỚI

GD&TĐ) - Chia sẻ niềm tự hào, vui sướng và cả bất ngờ về kết quả khảo sát PISA, đại diện Bộ GD&ĐT cũng đã hoàn toàn thuyết phục báo giới trước băn khoăn: Liệu đây có phải kết quả hoàn toàn chính xác, khách quan?

Chủ trì buổi họp báo chiều 4/12, chính thức thông báo kết quả Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, kết quả PISA lần này đã thực sự tiếp thêm niềm tin cho ngành Giáo dục.
Bước tích cực để giáo dục Việt Nam hội nhập quốc tế
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển:
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Kết quả PISA 2012 tiếp thêm niềm tin cho ngành Giáo dục.
Trả lời câu hỏi: Kết quả khảo sát PISA lần này có ý nghĩa như thế nào đối với việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết:
- Một trong những giải pháp đột phá nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo là đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục, trong đó có đánh giá các kỳ thi, kiểm tra. Đổi mới lần này sẽ chuyển đánh giá thiên về việc học sinh học được gì sang đánh giá năng lực học sinh vận dụng kiến thức kỹ năng. Chúng ta sẽ chuyển từ chương trình tiếp cận nội dung sang chương trình yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học.
Từ PISA, chúng ta học tập được kinh nghiệm quốc tế về đánh giá chất lượng giáo dục, nhất là đổi mới về kỹ thuật và phương pháp đánh giá, đưa ra cách tiếp cận mới về dạy – học, thi và đánh giá. Đơn cử như việc thiết kế đề thi như thế nào để đánh giá được năng lực họcsinh, chúng ta cũng học được nhiều từ PISA.

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế. Chính PISA  góp phần trả lời giúp chúng ta rằng, học sinh Việt Nam đang mạnh hay yếu ở điểm nào và liệu cần bổ sung mạnh mẽ nhất những gì để có thể hội nhập với khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, lâu nay việc thi và kiểm tra tra đánh giá của ta chỉ đánh giá được từng người học, không đánh giá được khái quát một đơn vị, địa phương và cả nước; cũng chưa phân tích được yếu tố nào ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Chính PISA giải quyết được những việc đó.
Vì vậy, sau khi tham gia PISA, chúng tôi sẽ phân tích kỹ báo cáo kết quả này để xác định đúng các yếu tố ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập của học sinh, từ đó có chính sách thúc đẩy các yếu tố tích cực, khắc phục yếu tố tiêu cực nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, trước mắt là chất lượng giáo dục tiểu học và THCS.
- Liệu có nảy sinh tâm lý chủ quan sau kết quả PISA rất đẹp này không, thưa Thứ trưởng?
- PISA không đánh giá được toàn bộ năng lực của người học mà chỉ đánh giá 3 kỹ năng, đó là: đọc hiểu, toán học và khoa học. Không qua kiểm tra, đánh giá thì chúng ta cũng biết học sinh của mình còn đang yếu so với thế giới về năng lực giao tiếp, hợp tác hoặc các kỹ năng cần thiết để chuẩn bị cho nghề nghiệp trong tương lai. Chính vì vậy, sắp tới, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo đối với học sinh phổ thông đặc biệt quan tâm đến việc này; làm thế nào tăng cường giáo dục cho học sinh các năng lực cần thiết. Chúng ta phải chuyển từ nền giáo dục mà học sinh chủ yếu ngồi trong lớp sang các lớp học linh hoạt, nhà trường gắn với cộng đồng xã hội; không chỉ học lý thuyết mà tăng cường thực hành, tăng hoạt động xã hội, giúp học sinh, sinh viên phát triển toàn diện.
Trải qua quy trình khắt khe, nghiêm ngặt, Việt Nam đã thuyết phục thế giới
"Quan niệm các nước kinh tế kém phát triển thường kết quả không cao nên khi chạy dữ liệu OECD đã rất bất ngờ trước kết quả Việt Nam đạt được. Do đó, trong hơn 2 tháng trời, họ đã chất vấn Việt Nam và bị thuyết phục" - Bà Lê Thị Mỹ Hà - Giám đốc Trung tâm đánh giá giáo dục (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD) 
Trước những ý kiến còn băn khoăn về tính nghiêm túc và khách quan của kết quả PISA, giám đốc Trung tâm đánh giá giáo dục (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD) Lê Thị Mỹ Hà cho biết:
PISA – Chương trình đánh giá học sinh quốc tế" do Hiệp hội các nước phát triển (OECD) khởi xướng và chỉ đạo, nhằm tìm kiếm các chỉ số đánh giá tính hiệu quả – chất lượng của hệ thống giáo dục của mỗi nước tham gia, qua đó rút ra các bài học về chính sách đối với giáo dục phổ thông.
Hiện PISA được coi là chương trình có uy tín nhất về đánh giá kết quả học sinh trên thế giới. Những nước nào muốn biết chất lượng giáo dục của mình so với thế giới như thế nào đều đăng ký tham gia vào chương trình PISA.
Khi tham gia PISA, Việt Nam phải tuân thủ toàn bộ mọi quy trình kỹ thuật và hướng dẫn của OECD. Ví dụ như việc chọn mẫu. Tất cả các nước phải xây dựng một hệ thống dữ liệu mẫu nộp cho OECD.
Đây là mẫu dân số của học sinh tuổi 15. Tức tất cả học sinh nào độ tuổi này đã đến trường, ở bất kỳ loại hình cơ sở giáo dục nào có tên trong danh sách hệ thống giáo dục quốc dân đều phải xây dựng dữ liệu mẫu và có thể lọt vào danh sách được lựa chọn dữ liệu mẫu để khảo sát PISA. Toàn bộ học sinh tham gia chương tình khảo sát đều được tính toán trọng số và được lựa chọn bởi OECD.
- Đề thi và quy trình kiểm tra PISA tại Việt Nam liệu có đảm bảo tính khách quan?
- Trên mỗi trang bìa của đề thi PISA đều niêm yết tên tuổi, ngày tháng năm sinh của học sinh và mã đề thi. Nếu có học sinh không tham gia, bộ đề đó sẽ được giữ nguyên vẹn để lưu giữ tại văn phòng PISA. Năm 2012, Việt Nam có 13 bộ đề thi. Như vậy, với lượng học sinh khoảng 35 em trên lớp tham gia thi, mỗi lớp chỉ có 2 -3 học sinh có đề thi giống nhau.
Bên cạnh đó, các học sinh cũng phải ngồi theo đúng vị trí sắp xếp do OECD quy định. Nếu phát hiện ra 2 học sinh cùng trường có câu trả lời giống nhau họ sẽ không tin cậy, không chấp nhận kết quả của chúng ta. Do đó, kết quả khảo sát PISA là hoàn toàn khách quan, đáng tin cậy.
- Vậy còn công tác chấm thi thì sao, thưa bà?
- Có thể khẳng định rằng, quy trình chấm bài thi vô cùng nghiêm ngặt. Chưa bao giờ giáo viên Việt Nam phải trải qua một đợt chấm phức tạp như vậy. Họ quy định rất rõ về chấm bội và chấm đơn. Mỗi một câu hỏi có đến 5 người chấm và 5 người này sẽ nhập phiếu chấm song song với nhau và nhập bằng phần mềm riêng của OECD. Do đó, các nước không thể sửa hay thay đổi dữ liệu.
Chúng tôi cũng phải tuân thủ nguyên tắc giữ bí mật. Bởi, kỳ thi PISA sau có thể sử dụng câu hỏi của kỳ khảo sát trước nên tất cả những người tiếp xúc với đề thi PISA đều phải ký vào một cam kết bảo mật, không được sử dụng câu hỏi này với bất kỳ mục đích nào khác. Nếu phát hiện bất cứ quốc gia nào để lộ câu hỏi, quốc gia đó sẽ bị hủy kết quả.

Quan niệm các nước kinh tế kém phát triển thường kết quả không cao nên khi chạy dữ liệu OECD đã rất bất ngờ trước kết quả Việt Nam đạt được. Do đó, trong hơn 2 tháng trời, họ đã chất vấn Việt Nam và bị thuyết phục. Điều đó càng cho thấy, kết quả đạt được hôm nay là thực sự trung thực, chính xác.
Hiếu Nguyễn (ghi)

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

HỎI ĐÁ CÓ BUỒN KHÔNG?














Tung giữa đời như cánh chim bạc gió
Trái tim ta đã bao lần bỏ ngỏ?
Hỏi gió có về chốn nhỏ ta yêu
Cho ta gửi theo một mảnh hồn chiều
Gửi theo cả bao điều chưa kịp nói
Một sớm đông về làm tim ta đau nhói
Tắt nắng chiều rồi hỏi đá có buồn không?
    



                       






  

                         HBT

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

GÂU CỦA MẸ

 Đã mấy hôm con không đi nhà  trẻ 

 Ừ đông đã về mẹ  
                     cái rét ghét trẻ con 
 Con lại ốm chiều nay con lại sốt 
  Ngực bé nhỏ  phập phồng,hơi thở  thóp thoi  

   Con của mẹ vẫn mãi còn nhỏ nhoi 
   Dẫu  là cả ,là anh  nơi trường  trẻ 
   Con chưa  thể bắt đầu tiếng gọi mẹ    
    Bài  học "  chữ  đau" con lại thuộc nằm lòng 

   Hết  thức lại ngồi bế ẳm năm canh 
   Mong con thở đều,  mong con bớt  sốt
   Giá mẹ có thể đau giùm con một chút 
    Để con chóng cười, chóng nghịch nay mai 

   Gâu của mẹ không sánh với mặt trời 
    Không là  ánh  trăng ,sao  
   Gâu  là Gâu để mẹ yêu nhiều nhất  
    Để mẹ biết cuộc đời có buồn vui 
    Có chia sẻ ,yêu thương và có đợi chờ 
    Có niềm tin 
                        thao thức trong giấc mơ... 
                                
                                Bích Trâm 
    

HAI NỖI NHỚ

  
Sinh nhật năm nay mình con viết thiệp
Ba ở nơi xa không về kịp nữa rồi
Giọng con giòn tan sao ba lại rối bời
Con thôi nói từ lâu ba vẫn ngỡ…
Điện thoại vẫn nằm bên tai ba
                           chờ giọng con nhắc nhớ
Một thoáng ưu tư một thoáng thẫn thờ

Phố Kì đêm nay ba lại ngẩn ngơ
Con ơi! Nhớ cũng là hạnh phúc
Nếu lựa chọn giữa hai bờ trong đục
Con hãy yên lòng ba mãi nhớ về con!
                    
  ( HBT - Viết tặng cha con Nguyễn)


Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

THƠ TÌNH NHẠC SĨ TRỊNH

Chiều 22/11 tại Gác Trịnh (số 203/19 tầng 2 nhà C khu tập thể đường Nguyễn Trường Tộ, TP Huế) Có một lá thư từ cô Ngô Vũ Dao Ánh, người yêu của Trịnh Công Sơn xưa kia lần đầu tiên gửi tặng từ bên Mỹ về. Bức thư viết tay do Trịnh Công Sơn viết gửi cho Dao Ánh ngày 23 tháng 9 năm 1965.
Dao Ánh khi 16 tuổi, (ảnh dưới) đang là nữ sinh cấp 3 trường Đồng Khánh (Huế) đã là nàng thơ của Trịnh Công Sơn. Mối tình kéo dài từ năm 1964 đến 1967, chất chứa biết bao hoài niệm. Chúng tôi xin giới thiệu một bức thư tình tuyệt hay của Trịnh gửi Dao Ánh…
Bức tranh Dao Ánh do Đinh Cường vẽ
                                                                                      
Bức thư tình tuyệt hay Trịnh Công Sơn gửi người yêu 16 tuổi
B’lao, 23 tháng 9/ 1965
Ánh

Buổi trưa anh không ngủ được nên lang thang ra phố. Mưa nhỏ rồi lớn dần đuổi anh về đây. Anh đang ngồi ở câu lạc bộ sát bờ hồ. Bờ hồ bây giờ đã điêu tàn lắm. Người ta đã chặt bỏ những cây khô sống bao nhiêu năm nay trong hồ. Có một vài chỗ nước rút xuống chỉ còn bùn đen.

Buổi chiều gió thật lạnh. Anh đã mặc áo ấm suốt ngày ở đây.

Anh nhớ Ánh lắm mà ngôn ngữ thì quá chật hẹp, quá cũ kỹ không chuyên chở nổi sự nhớ nhung này. Nên anh đã nói đã nhắc mãi mỗi ngày mà vẫn chưa đỡ nhớ tí nào.
Ngồi ở đây nhìn ra từng ô cửa kính rất lớn anh mơ hồ thấy mình như lạc về một vùng đất nào mới sơ khai. Cả thành phố chỉ xanh rì những cây cối và từng khoảng đất đỏ.

Hiện giờ ở Tỉnh đang có một buổi văn nghệ sẽ tổ chức vào cuối tháng. Anh phụ trách chương trình này nên bây giờ vẫn còn được rỗi rảnh không làm việc gì cho đến cuối tháng
           Anh nhớ Ánh lạ lùng đó Ánh. Mà Ánh thì chỉ mong anh chóng đi xa, anh nghĩ thế. Mùa thu hầu như không có trên miền này. Ở đó lá đã bắt đầu vàng chưa Ánh.
Những bụi bờ dọc theo những con dốc đất đỏ ở đây anh vừa đi qua ban sáng và thấy lá của hoa mặt trời xanh um. Anh ngắt gửi về 
Ánh một ngọn. Hoa thì vẫn chưa nở. Có lẽ đợi hôm nào có mặt trời thì hoa mới bắt đầu hiện diện và cũng là mùa mà anh đã gọi là mùa sinh nhật của hướng dương.
Anh đang nhớ thầm về những buổi chiều thứ năm ở đó. Chỉ mới có vài ngày mà tưởng chừng như ngàn đời qua đi trên anh. Anh chợt nghĩ rằng cuộc đời buồn bã như thế này sao chúng mình không tha thiết với nhau hơn.
Những ai chưa bao giờ đi, chưa bao giờ sống qua nhiều nơi, sống qua những ngày mưa ngày nắng trên bao nhiêu vùng đất khác nhau, chưa bao giờ nhìn sâu vào bên sau của con người thì hẳn mới còn đua đòi vào những hời hợt nhạt nhẽo của đời sống được.
Buổi trưa trời âm u và hơi lạnh.
Anh vẫn không thể nào không thấy sự lạc lõng của mình nơi đây.
Ở trường Đồng Khánh giờ này chắc Ánh đang mài miệt với những bài vở mới. Sân trường đã có những cây hoa vàng, tím mọc nhoi lên trên từng bãi cỏ xanh. Đúng không. E cũng phải mất đến hằng mấy tháng anh mới tạm ổn mình được vào với thành phố này lại.
Bây giờ anh không còn làm người gác hải đăng, Ánh cũng thôi làm người mang lửa. Chúng mình làm sao níu cho được tay nhau trong suốt mùa Đông này?
Cơn mưa như thác đổ ngoài trời. Đồi trà bây giờ mù mịt không còn thấy gì.
Anh đang có Ánh – tuổi – nhỏ trước mặt trong chiếc hộp nhỏ anh mang theo đó.
Mưa rất buồn. Như một điệp khúc dai dẳng trong mấy tháng mùa Đông này.
Ánh ơi
Nếu còn sự yêu thương và nhớ nhung nào trong Ánh thì hãy gửi làm quà cho anh để anh coi thường những tháng ngày ẩm mục nơi đây

Nhớ vô ngần
Thân yêu, yêu dấu
Trịnh Công Sơn (ký tên)
                 (ST)

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

ĐÔNG KHA CỦA MẸ

 Con của mẹ tập làm họa sĩ
Tập vẽ ước mơ những vòng tròn chân lí
Con vẽ hoài mà chẳng tròn đâu
Bởi cuộc đời còn lắm những nỗi đau
Gió cuốn phong ba làm sao con vẽ được

Mẹ chỉ mong con vẽ tròn bao mơ ước
Của những kiếp người đội gió đội mưa
Con vẽ tiếp giấc mơ của mẹ ngày xưa
Khi mẹ đã tàn đêm tỉnh mộng
Con ơi! Giữa bầu trời cao rộng
Cứ vẽ thỏa thích vào
                                   dù đó chỉ là mơ…!

Tặng con trai yêu - HBT



                                













LẠC GIỮA PHỐ CHIỀU

Ta lạc vào chiều giữa chốn phồn hoa
Lấm láp thương yêu nâng niu lời hẹn
Vụng dại vo tròn cuộn mình nằm trong kén
Chờ sợi tơ trời vương vải giữa chiều xa
Gió cuốn lời bay cho đời nỗi phong ba
Giữa phố chiều nay em nhìn gà hóa phượng
Vẫn vô tư trẻ con và ngang bướng
Cho phủ dụ phố chiều cho dịu bớt ngu ngơ

Ta lạc vào chiều lạc giữa cơn mơ
Một thoáng buồn vui thấm vào nghe rạn vỡ
                  
Ta lạc vào ta giật mình rơi ...
                                               nỗi nhớ!
Gửi lại phố chiều những mảnh vỡ không tên











  Thương Thương                   

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Bạn chọn ai làm người thầy cuộc đời mình?

Ngày 20/11 sắp đến gần. Nhìn các bạn học sinh tay hoa, tay quà, tung tăng vào trường mừng lễ thầy cô, bất giác tôi tự hỏi: khi còn nhỏ, chúng ta đều được học chung từ những người thầy, người cô nơi bục giảng, vậy khi vào đời, bạn chọn ai làm người thầy dẫn dắt tiếp chặng đường đầy phong ba bão táp phía trước?Chọn thầy để học - Điều quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta. Tôi có đọc được một bài viết trên mạng, đại ý trong cuộc đời, có 4 lựa chọn quan trọng nhất: chọn nghề để làm, chọn bạn mà chơi, chọn thầy để học và chọn người để lấy. Tôi muốn thêm vào điều này: chọn thầy để học là điều quan trọng nhất. Nếu bạn chọn được đúng thầy để học, bạn tìm ra sức mạnh bản thân, bạn nắm rõ điều gì tốt hay không tốt cho mình, bạn biết lẽ sống cao đẹp để vươn lên...Rồi bạn sẽ chọn đúng những điều còn lại.

 Khi bạn đang ngồi trên ghế nhà trường, chọn thầy để học rất quan trọng. Tôi chứng kiến nhiều bạn trẻ coi bạn bè là người chỉ đường cho mình, sa ngã vào những thói hư tật xấu và rồi làm cho mình trở nên tồi tệ. Cũng có bạn, vì một đôi thầy cô giáo đối xử tệ với mình (các bạn cho là vậy), mà bất mãn, khó chịu, rồi bỏ học triền miên, rồi các bạn cũng tự đánh mất mình trong những vũng lầy của tệ nạn.
 Khi lớn lên, rời khỏi ghế nhà trường và giảng đường - nghĩa là bạn thôi có những người thầy đứng trên bục giảng để dẫn dắt nữa, lựa chọn một người thầy làm kim chỉ nam cho cuộc đời bạn lại vô cùng cần thiết. Cái thời điểm mà bạn chập chững bước vào đời, với bao bỡ ngỡ và va chạm, một tấm gương sáng để bạn noi theo, có thêm nghị lực bước tiếp, thật giống như chiếc phao giữa dòng khi bạn đang gặp nạn.

                                                            

Vậy nên chọn thầy như thế nào?
 Tôi nói đến đây, có bạn sẽ nghĩ "thầy ta chắc hẳn là những nhân vật cao siêu, uyên thâm, thành đạt, lừng danh..." - cũng chưa hẳn các bạn nhé. Người học trò giỏi là người biết chọn người để học tập, ngay cả khi người đó không có gì nổi bật hay xuất sắc trong xã hội. Học tập từ những bài học nhỏ người khác, coi những người xung quanh là thầy, đáng để học hỏi mới là sự rèn luyện đích thực.
 Tôi từng đọc một câu chuyện rất hay về Hasan - một nhà hiền triết Hồi giáo nổi tiếng. Khi có người hỏi ông: “Thưa Hasan, ai là thầy của ngài?”
 Hasan đã đáp: “Những người thầy của ta nhiều vô kể. Nếu điểm lại tên tuổi của các vị ấy hẳn sẽ mất hàng tháng, hàng năm, và như thế lại quá trễ vì thời gian của ta còn rất ít. Nhưng ta có thể kể về ba người thầy sau của ta.”
 Và sau đó là câu chuyện về những người thầy vĩ đại đã làm thay đổi cuộc đời ông. Một lần nọ, khi Hasan đi lạc trong sa mạc, duyên phận đưa đẩy thế nào ông lại kết bạn và tá túc cùng một tên trôm suốt một tháng ròng. Mỗi đêm khi ông ta trở về Hasan đều hỏi: "Có trộm được gì không?" Ông ta đều vui vẻ đáp: "Hôm nay thì chưa nhưng ngày mai tôi sẽ cố, có thể lắm chứ". Nhiều năm sau, khi Hasan rơi vào tình trạng tuyệt vọng, ông lại chợt nhớ đến tên trộm, kẻ hằng đêm vẫn quả quyết: "Ngày mai tôi sẽ làm được, có thể lắm chứ!". Chính người ấy đã dạy cho ông cách sống lạc quan, tin tưởng vào ngày mai để không bao giờ phải tuyệt vọng. Đó là người thầy đầu tiên.
 Người thầy thứ hai là một...con chó.  Khi ra bờ sông, Hasan quan sát thấy có một con chó cũng đến uống nước nhưng nó nhìn thấy cái bóng của mình, tưởng đó là một con chó khác và hoảng sợ bỏ chạy. Không lâu sau, nó bèn quay lại, nhảy xuống sông và cái bóng biến mất. Và chính con chó ấy đã đã dạy ông phải biết vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân bằng những hành động cụ thể.
 Và người thầy thứ ba, các bạn có đoán ra đó là ai không? Là một đứa bé. Hasan thấy đứa bé trên tay cầm một cây nến dã thắp sáng bèn hỏi: "Con tự thắp cây nến này phải không?" Đứa bé đáp: "Thưa phải." Ông lại hỏi: "Lúc nãy nến chưa thắp sáng, nhưng chỉ một thoáng sau đã cháy sáng. Vậy con có biết ánh sáng từ đâu đến không?"  Đứa bé nghe vậy cười to, thổi phụt ngọn nến và nói: "Ngài thấy ánh sáng đã biến mất, vậy ngài bảo ánh sáng đã đi đâu?" Lúc bấy giờ, Hasan mới nhận ra sự dốt nát của bản thân và hiểu được rằng kho tàng kiến thức là vô tận.
 Thế mới thấy, quan niệm về người thầy thật ra rất rộng. Người thầy ngày nay không chỉ gắn liền với phấn trắng, bảng đen mà còn là người định hướng, dẫn dắt chúng ta vào những bài học rất đỗi sâu sắc trong cuộc sống. Đó có thể là một cuốn sách - tại sao không nhỉ, đôi khi chỉ vì một cuốn sách mà chúng ta thay đổi cả thế giới của chính mình.
 Đừng từ bỏ kiếm tìm một người thầy dẫn dắt cuộc đời bạn
 Hồi đại học, tôi từng nghiện game khá nặng. Năm đầu tiên, hầu như suốt ngày tôi chỉ cắm đầu vào game, và coi như là lẽ sống đời mình. Thật xấu hổ, nhưng phải thừa nhận với các bạn rằng tôi đã từng mắc những sai lầm như thế. Rồi một ngày, tôi được nghe buổi nói chuyện của một doanh nhân nổi tiếng, và trong tôi như vỡ ra tất cả những khát khao tuổi trẻ, những ước mơ, dự định trong tương lai. Và tôi thấy thời gian qua thật sao vô bổ, lãng phí và thừa thãi. Tại sao tôi lại tự chôn vùi mình trong những thú vui dễ dãi và tiêu cực như thế - trong khi tôi, một người trẻ tuổi, có học hành, có sức khỏe, đáng lẽ phải làm được những điều ý nghĩa hơn, tốt đẹp hơn?
 Nhờ vị doanh nhân ấy, tôi đã tìm được con đường đúng đắn cho bản thân mình.
 Bạn thì sao? Dù bạn là ai, đang rất ổn định với công việc hay còn băn khoăn tìm một hướng đi cho mình, hãy chọn một người thầy, một tấm gương để noi theo và học tập. Và những lúc tưởng như mệt mỏi giữa dòng đời, nghĩ đến vị thầy đáng kính của mình, bạn sẽ mạnh mẽ hơn và luôn lạc quan tiến về phía trước.
             Chúc bạn sớm tìm ra - Người thầy soi sáng cuộc đời mình!


                                               Nguyễn Thanh Minh.

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

NGƯỜI THẦY CỦA LÀNG TÔI

Lớp học bình dân học vụ đã làm nên cái tên một người thầy giáo, xóm làng trân trọng gọi: giáo Tân.
            1975, tháng tư, cả nước thống nhất. Độc lập rồi, hết đau thương mà còn rất đỗi tang thương: ruộng đồng hoang hóa, gia đình li tán côi cút từ hai phía, cái đói đang rình rập…Nửa nước như con đại bàng rũ cánh đứng dậy từ tro tàn hãy còn nghi ngút khói, dựng nhà, vỡ hoang…Ngày làm tối họp. Không họp sao hiểu được tinh thần chủ trương mới, mà quá mới, của Đảng và nhà nước đối với những người dân miền Trung vừa lóp ngóp từ khu tị nạn trở về. Đụng đến cái họp mới phát hiện ra một lỗ hổng lớn trong dân: thiếu chữ. Họ không đọc được sách báo chỉ thị, không hiểu mô tê, không biết cộng trừ có nhớ! Hóa ra mấy mươi năm hết cách mạng rồi quốc gia, hết quốc gia rồi cách mạng, người dân quê cứ ngả nghiêng từ trụ bám sang khu dồn, từ khu dồn về trụ bám, cố bám lấy cái sống đã là may, chuyện chữ nghĩa truyền thống mấy mươi năm gặp binh lửa chiến tranh như đã thiêu rụi rồi. Vậy là làm lại. Một phong trào bình dân học vụ cấp thời dấy lên, tự giác và tự phát. Cả làng gom lại được mấy thầy giáo già đã hết khí lực, vài vị tú tài bán, gia tài trí thức của cả làng xã thật còm cỏi.
            Những đêm bình dân học vụ  thật nức lòng, ê a tiếng học bài trên bờ ruộng, trên nương rẫy, cứ như cả làng hóa trẻ thơ. Lòng người cũng hóa trẻ thơ, phơi phới, quên cái nhọc, cái đói, trong câu chuyện phiếm giờ nghỉ bao giờ cũng là những ông giáo bình dân, dần quy tụ về một cái tên: Giáo Tân. Giáo Tân bao giờ cũng đúng giờ như cái kim đồng hồ. Giáo Tân nghiêm như cây thước kẻ. Giáo Tân kẻ vở cho cụ Hóa, cầm tay con Tình tập viết, cấm thằng Hoàng còn liếc gái thì đừng bước vào lớp học… Nghiêm vậy mà không hiểu sao cả làng đều thích. Suốt hai năm làm người thầy giáo không ngạch bậc, chiến công là cả làng được ủy ban xã tuyên dương thành tích xóa mù.  Giáo Tân được tổ bình dân cử nhận giấy khen của xã . Xong vụ, người thầy ấy lại lui cui về làm một lão nông lấm láp song đến tận bây giờ cái danh hiệu ông giáo trót mang vác theo thời vụ của anh vẫn được cả làng trân trọng nhắc nhỏm. Tôi thật ngưỡng mộ nên đến tận bây giờ vẫn không nguôi tò mò về con người kì lạ ấy.
            Ông giáo ấy cũng đặc biệt quý tôi, người thầy duy nhất của làng đã nhiều phen đem chuông đi đánh xứ người, vậy nên mỗi khi tôi lân la gợi chuyện, anh thường vui vẻ tâm tình như bè bạn dù khoảng cách tuổi tác của tôi với anh cũng gần một thế hệ. Càng lúc tôi càng hiểu ra điều làm nên phong cách người thầy chân quê ấy là một khát vọng tri thức cứ cháy không nguôi.  Trên tấm vách ván nhà anh thường chọn lọc vài câu ngạn ngữ bằng tiếng anh làm tôi tò mò tợn, con người mở vách cửa đi ra rồi khi về lại khép vách lại ấy quyết không lòe đời bằng tân học. Lò dò tôi đọc:
            Great mind think alike
            Think before you speak
            God is love
Hỏi thì được biết anh sợ quên thứ vốn liếng tiếng anh ít ỏi hồi còn đi học nên tự ôn đó thôi. Để làm gì? Câu trả lời của anh thật bất ngờ: Để tự nhắc nhở mình là người có học! Chao ôi, tôi chợt giật mình, liệu cái ý thức căn bản ấy đến nay mấy phần trăm giới trí thức còn ý thức nhỉ?Tôi học ở anh sự chín chắn về tri thức, từ hồi còn là sinh viên, đôi khi gần gũi, tôi cũng ba hoa nhiều lắm. Như có lần tôi khẳng định bác Hoàng Quý viết Cô Láng Giềng để tặng người yêu cũ khi đi kháng chiến, 1954 hòa bình lập lại, đoàn tụ với người xưa, nhạc sĩ nói bài hát không dành tặng cho mình nữa mà dành tặng cho những đôi lứa dang dỡ!!! Anh lặng nghe, không bình luận gì. Một thời gian sau anh cho tôi mượn quyển nhạc tiền chiến đã cũ vàng mà anh còn cất giữ. Lật từng trang sách, tôi đọc được dòng chữ đã gạch chân bằng bút đỏ: Nhạc sĩ Hoàng Quý mất năm 1946! Mới biết ông Hoàng Quý mà mình tóm được ở cửa miệng mấy chàng sinh viên trường nhạc là hàng dỏm. Rồi càng già tuổi đời tôi càng thích gần gũi anh hơn, mỗi khi đàm luận về cầm kì thi họa, về cuộc sống xã hội, bao giờ trong anh cũng là một tri thức chắc lọc và chắc chắn. Tôi hiểu vì sao khi làm thầy, anh được cả làng mến yêu đến thế.
Tôi thích cách sống ngăn nắp, thư thả, cẩn trọng của anh. Tôi thì không thế, cứ tất bật tới tấp những dự định mà có đến quá nửa là hoang phế, có lúc cuống cả người lên vì những tự hối thúc không đâu. Tôi tìm ở anh một lời khuyên, một quan niệm. Anh tĩnh tại: Em à, cái đích cuối cùng của mỗi người đều đã định sẵn, vội vã hay thư thới đều để đi đến cái chết. Vậy mà lắm người cứ cuống cuồng chạy đến một cái đích không mong muốn. Vậy nên với anh sống là sắp xếp đời mình ngăn nắp để về đích gọn gàng mà thanh thản nhất. Câu chuyện với anh đã sáng ra trong tôi bao nhiêu điều, hình như đâu tôi đã loanh quanh hoài, đã tiệm ngộ để giờ nên đốn ngộ. Tôi yêu mến anh, yêu mến thầy giáo làng ấy, có lẽ đây là bài học mà anh sở đắc nhất, và chỉ chân truyền cho những học trò mà anh cho rằng có tư chất nhất.
Nói về anh, tôi chợt nhớ một tứ thơ, của ai thì cũng đã quên rồi:
            Về trời một nẻo nôn chi
            Gã già thư thái vừa đi vừa thiền!
           
Nguyễn Tấn Ái



Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

THẦY TÔI - N.T.A

                       Nhớ thầy Trương Vũ Thiên An

Con về gần bên Thầy
Tìm chút ấm lúc xưa theo Thầy học bao điều mới lạ
Bể tri thức biết là mênh mông quá
Ấm bàn tay Thầy dìu dắt con.

Gần ba mươi năm đủ để một bể dâu
Những mất những còn trong Thầy mặc tưởng
Sợ con buồn, Thầy vẫn cười rất sướng
Giọng cười giòn (đâu rồi sắc khinh bạc thuở xưa?)

Đã già đi chăng? Ước gì, xin chưa
Vẫn hào khí hào hoa Thầy con ngày cũ
Bán mấy bộ áo quần giữa ngày còn lam lũ
Đem về những “Đỏ và đen”

Con đã theo dáng thầy ngày đó lớn lên
(Đã hân hoan trong quĩ đạo mà như Thầy
                                                không muốn thế)
Thầy kính yêu! Thầy đừng buồn, có lẽ
Con xin lỗi Thầy đã nói chuyện không vui!

Mỗi đêm nhớ Thầy con ước không thôi
Được theo Thầy về ngày xưa huyện nhỏ
Ánh sáng đèn dầu lớp học thời Nghiêu Thuấn

Và lũ học trò theo Thầy đi lên!
    
            Nguyễn Tấn Aí