Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

NGƯỜI THẦY CỦA LÀNG TÔI

Lớp học bình dân học vụ đã làm nên cái tên một người thầy giáo, xóm làng trân trọng gọi: giáo Tân.
            1975, tháng tư, cả nước thống nhất. Độc lập rồi, hết đau thương mà còn rất đỗi tang thương: ruộng đồng hoang hóa, gia đình li tán côi cút từ hai phía, cái đói đang rình rập…Nửa nước như con đại bàng rũ cánh đứng dậy từ tro tàn hãy còn nghi ngút khói, dựng nhà, vỡ hoang…Ngày làm tối họp. Không họp sao hiểu được tinh thần chủ trương mới, mà quá mới, của Đảng và nhà nước đối với những người dân miền Trung vừa lóp ngóp từ khu tị nạn trở về. Đụng đến cái họp mới phát hiện ra một lỗ hổng lớn trong dân: thiếu chữ. Họ không đọc được sách báo chỉ thị, không hiểu mô tê, không biết cộng trừ có nhớ! Hóa ra mấy mươi năm hết cách mạng rồi quốc gia, hết quốc gia rồi cách mạng, người dân quê cứ ngả nghiêng từ trụ bám sang khu dồn, từ khu dồn về trụ bám, cố bám lấy cái sống đã là may, chuyện chữ nghĩa truyền thống mấy mươi năm gặp binh lửa chiến tranh như đã thiêu rụi rồi. Vậy là làm lại. Một phong trào bình dân học vụ cấp thời dấy lên, tự giác và tự phát. Cả làng gom lại được mấy thầy giáo già đã hết khí lực, vài vị tú tài bán, gia tài trí thức của cả làng xã thật còm cỏi.
            Những đêm bình dân học vụ  thật nức lòng, ê a tiếng học bài trên bờ ruộng, trên nương rẫy, cứ như cả làng hóa trẻ thơ. Lòng người cũng hóa trẻ thơ, phơi phới, quên cái nhọc, cái đói, trong câu chuyện phiếm giờ nghỉ bao giờ cũng là những ông giáo bình dân, dần quy tụ về một cái tên: Giáo Tân. Giáo Tân bao giờ cũng đúng giờ như cái kim đồng hồ. Giáo Tân nghiêm như cây thước kẻ. Giáo Tân kẻ vở cho cụ Hóa, cầm tay con Tình tập viết, cấm thằng Hoàng còn liếc gái thì đừng bước vào lớp học… Nghiêm vậy mà không hiểu sao cả làng đều thích. Suốt hai năm làm người thầy giáo không ngạch bậc, chiến công là cả làng được ủy ban xã tuyên dương thành tích xóa mù.  Giáo Tân được tổ bình dân cử nhận giấy khen của xã . Xong vụ, người thầy ấy lại lui cui về làm một lão nông lấm láp song đến tận bây giờ cái danh hiệu ông giáo trót mang vác theo thời vụ của anh vẫn được cả làng trân trọng nhắc nhỏm. Tôi thật ngưỡng mộ nên đến tận bây giờ vẫn không nguôi tò mò về con người kì lạ ấy.
            Ông giáo ấy cũng đặc biệt quý tôi, người thầy duy nhất của làng đã nhiều phen đem chuông đi đánh xứ người, vậy nên mỗi khi tôi lân la gợi chuyện, anh thường vui vẻ tâm tình như bè bạn dù khoảng cách tuổi tác của tôi với anh cũng gần một thế hệ. Càng lúc tôi càng hiểu ra điều làm nên phong cách người thầy chân quê ấy là một khát vọng tri thức cứ cháy không nguôi.  Trên tấm vách ván nhà anh thường chọn lọc vài câu ngạn ngữ bằng tiếng anh làm tôi tò mò tợn, con người mở vách cửa đi ra rồi khi về lại khép vách lại ấy quyết không lòe đời bằng tân học. Lò dò tôi đọc:
            Great mind think alike
            Think before you speak
            God is love
Hỏi thì được biết anh sợ quên thứ vốn liếng tiếng anh ít ỏi hồi còn đi học nên tự ôn đó thôi. Để làm gì? Câu trả lời của anh thật bất ngờ: Để tự nhắc nhở mình là người có học! Chao ôi, tôi chợt giật mình, liệu cái ý thức căn bản ấy đến nay mấy phần trăm giới trí thức còn ý thức nhỉ?Tôi học ở anh sự chín chắn về tri thức, từ hồi còn là sinh viên, đôi khi gần gũi, tôi cũng ba hoa nhiều lắm. Như có lần tôi khẳng định bác Hoàng Quý viết Cô Láng Giềng để tặng người yêu cũ khi đi kháng chiến, 1954 hòa bình lập lại, đoàn tụ với người xưa, nhạc sĩ nói bài hát không dành tặng cho mình nữa mà dành tặng cho những đôi lứa dang dỡ!!! Anh lặng nghe, không bình luận gì. Một thời gian sau anh cho tôi mượn quyển nhạc tiền chiến đã cũ vàng mà anh còn cất giữ. Lật từng trang sách, tôi đọc được dòng chữ đã gạch chân bằng bút đỏ: Nhạc sĩ Hoàng Quý mất năm 1946! Mới biết ông Hoàng Quý mà mình tóm được ở cửa miệng mấy chàng sinh viên trường nhạc là hàng dỏm. Rồi càng già tuổi đời tôi càng thích gần gũi anh hơn, mỗi khi đàm luận về cầm kì thi họa, về cuộc sống xã hội, bao giờ trong anh cũng là một tri thức chắc lọc và chắc chắn. Tôi hiểu vì sao khi làm thầy, anh được cả làng mến yêu đến thế.
Tôi thích cách sống ngăn nắp, thư thả, cẩn trọng của anh. Tôi thì không thế, cứ tất bật tới tấp những dự định mà có đến quá nửa là hoang phế, có lúc cuống cả người lên vì những tự hối thúc không đâu. Tôi tìm ở anh một lời khuyên, một quan niệm. Anh tĩnh tại: Em à, cái đích cuối cùng của mỗi người đều đã định sẵn, vội vã hay thư thới đều để đi đến cái chết. Vậy mà lắm người cứ cuống cuồng chạy đến một cái đích không mong muốn. Vậy nên với anh sống là sắp xếp đời mình ngăn nắp để về đích gọn gàng mà thanh thản nhất. Câu chuyện với anh đã sáng ra trong tôi bao nhiêu điều, hình như đâu tôi đã loanh quanh hoài, đã tiệm ngộ để giờ nên đốn ngộ. Tôi yêu mến anh, yêu mến thầy giáo làng ấy, có lẽ đây là bài học mà anh sở đắc nhất, và chỉ chân truyền cho những học trò mà anh cho rằng có tư chất nhất.
Nói về anh, tôi chợt nhớ một tứ thơ, của ai thì cũng đã quên rồi:
            Về trời một nẻo nôn chi
            Gã già thư thái vừa đi vừa thiền!
           
Nguyễn Tấn Ái



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét