Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

THẦY GIÁO VÕ TRUNG LỢI_TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ LÒNG YÊU NGHỀ , TẬN TUỴ VÌ HỌC SINH

                                                  (Lớp Văn 13 chia sẻ cùng Hợp!)  
      
  Chủ nhật ngày 2/5/2010, trường THPT Lý Tự Trọng và nhân dân các xã vùng Tây Thăng Bình vô cùng thương tiếc tiễn đưa thầy giáo Võ Trung Lợi về nơi an nghỉ cuối cùng. Anh đã về cõi vĩnh hằng sau một tai nạn giao thông thật là oan uất tại thành phố Tam Kỳ. Cái mất đột ngột của anh để lại niềm tiếc thương vô hạn.

Quê hương anh ở thôn Quý Phước, xã Bình Quý. Đó là một vùng quê giàu truyền thống hiếu học.Anh thường tự hào rằng quê anh nghèo khó nhưng xưa nay rất nhiều nhân kiệt,nhiều tấm gương vượt khó đỗ đạt thành danh.Nhưng tôi nghĩ trong số những người đáng được ngợi ca ấy phải kể đến tên anh: thầy giáo Võ Trung Lợi, một tấm gương sáng về lòng yêu nghề,tận tuỵ hết lòng vì học sinh.
Ở Bình Quý có con đường sắt Bắc-Nam đi ngang qua.Đoàn tàu xình xịch cùng với những tiếng còi tàu réo gọi thường ngày luôn hiện hữu trong anh như những gì gọi là thuộc về quê hương.Anh thường vui kể chuyến tàu đầu tiên chạy thử trên con đường sắt sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975,anh đã có mặt trong ấy vì lúc đó anh là một trong số những thiếu niên ở ga Phú Cang cho đi “mở hàng” lấy hên.Vậy ra thưở nhỏ anh cũng đã làm được một công việc có ý nghĩa khai thông cho một con đường. Nhưng có lẽ đến khi làm một thầy giáo, với nhiệm vụ khai thông trí tuệ, anh là một con người đáng tự hào và trân trọng hơn.
Năm 1989,anh tốt nghiệp Sư Phạm với tấm bằng loại ưu cùng những lời phê của cô giáo chủ nhiệm: “một sinh viên năng nổ, nhiều triển vọng”. Thời điểm anh nộp đơn thi vào trường Sư Phạm cũng là thời điểm mà hàng loạt giáo viên xin nghỉ việc,chuyển ngành nghề bởi đồng lương quá hạn hẹp. Anh đã có hai tờ gấy báo nhập học cùng một lúc. Anh đã chọn làm một thầy giáo dạy văn thay vì làm phóng viên đài truyền thanh. Gốc rễ của lòng yêu nghề đã cắm sâu trong tâm hồn anh để rồi khi đã thực thụ là một giáo viên, lòng yêu nghề ấy đâm chồi nảy lộc xanh cây ra hoa và kết trái.
Năm ấy,sinh viên Sư Phạm ra trường thật bấp bênh. Chẳng ai được dạy,thôi thì đủ nghề,mạnh ai nấy bôn chen.                                                                                                                                                       “Trời mưa
                                                   Quả dưa vẹo vọ,
                                                     Con ốc nằm co  
                                                 Con tôn đánh đáo…
                                                 Con cò kiếm ăn!”
Anh là ”con cò” trên đồng ruộng, tần tảo theo đuổi công việc mà mình đã lựa chọn mặc cho bão táp phong ba. Anh xin dạy ở trường THCS Trần Quý Cáp Bình Quý thay chỗ cho thầy giáo Bạch Văn Thắng, người Đà nẵng, nghỉ việc về quê chuyển nghề. Anh dạy không nhận lương hơn một học kỳ, chỉ vì mong muốn được dạy học, được nâng cao tay nghề. Xét về mặt này, trong đội ngũ nhà giáo chúng ta anh là người duy nhất như thế. Anh ăn cơm nhà, phụ giúp gia đình công việc đồng án. Và anh lên lớp dạy học không nhận lương kiểu như người ta bỏ thời gian cho các thú đam mê của mình: đi câu, tìm cây cảnh…Điều anh làm tưởng chừng như giản dị ấy đã làm thầy giáo Nguyễn Minh Hoàng, lúc đó là Trưởng phòng giáo dục huyện Thăng Binh cảm động. Thầy đã bổ sung tên anh vào danh sách tuyển cán bộ công chức ngay sau khi thầy biết chuyện về anh qua một lần ngồi uống và phê nghe đồng nghiệp kể.Kiểu như sợ phải “phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”, tên anh bổ sung cuối danh sách ngay đợt tuyển ấy chứ không chờ đến đợt xét tuyển tiếp theo.
Như cây được tưới nước,bón phân,khi được nhận công tác về dạy tại trường THCS Nguyễn Bá Ngọc-Bình trị năm 1993,lòng say mê sự nhiệt tình phơi phới vươn lên trong lòng anh.
Trường Nguyễn Bá Ngọc lúc ấy là hai trường sát nhập: trường Bình Trị và trường Bình Lãnh. Anh vui vẻ nhận sự phân công dạy văn ở cả hai nơi. Có buổi anh dạy hai tiết đầu ở trường Bình Lãnh, mười lăm phút ra chơi, anh đạp xe bon bon vượt 5km đường đất đá xuống Bình Trị dạy hai tiết sau. Thế mà anh không một lời phiền hà, lại còn tự hào mình được nhiều học trò chứ có sao đâu. Từ trường THCS Nguyễn Bá Ngọc rồi đến trường THPT Lý Tự Trọng, theo đuổi với nghề, lao động không mệt mỏi, những đóng góp thầm lặng của anh cho giáo dục ở vùng Tây Thăng Bình đã được lớp lớp các thế hệ phụ huynh và học sinh ghi nhận.Rất nhiều người biết đến anh, phụ huynh có con học ở lớp anh họ rất yên tâm và ngập tràn hy vọng về sự tiến bộ của con mình. Học trò yêu quý và kính trọng anh theo đúng nghĩa cao đẹp của những từ này. Bởi tấm lòng tận tuỵ với học sinh của anh,cái tâm thành thật của anh được thể hiện rất rõ qua nhiều hành động.Tôi nghe anh hỏi học trò: “Em đau thế đã uống thuốc gì rồi? Bạn nào ghi bài cho em? Có theo kịp bài trên lớp không em? …”. Tôi thấy kiểu quan tâm của anh đối với học sinh lớp anh chủ nhiệm không chỉ là sự quan tâm của một người thầy mà còn là của một ngưòi cha, người anh.
Có một chuyện gì đó liên quan đến việc học hành ,trường lớp là phụ huynh cứ tìm anh nhờ giúp đỡ. Nào là một học sinh trốn học, một học sinh chuyển lớp, một học sinh không biết chọn thi trường nào. Đối với nhân dân vùng nông thôn vị trí vai trò của “người thầy” được mở rộng rất nhiều. Có lần tôi thấy anh cầm mấy tấm bằng tốt nghiệp của học sinh bị sai ngày tháng năm sinh vào Sở Giáo Dục để điều chỉnh, tôi ngạc nhiên sao anh phải làm những việc như thế, đâu phải phần việc của mình. Anh cười vui vẻ, bảo rằng mình tiện công việc giúp phụ huynh luôn,anh nghĩ những người dân quê đi tỉnh, rồi đến các cơ quan giải quyết chuyện giấy tờ đối với họ rất là vất vả, mình giúp được gì thì giúp. Như thế đó,không biết bao nhiêu chuyện giản dị như thế đó.Vậy mà đó chính là những viên gạch để xây được tượng đài về hình ảnh một người thầy yêu quý,kình trọng trong nhân dân.
          Có nhiều cách để làm đẹp tên tuổi của mình. Tôi thì hăng hái tham gia các phong trào để đem về những tấm giấy khen treo cho vui cửa vui nhà. Còn anh, anh đã làm đẹp tên mình bằng tình yêu thương của mọi ngưòi dành cho anh- một con người chịu khó, kỹ cương vô tư hết mình vì công việc. Anh đã làm việc không vì chức vụ, vị trí công tác ,công việc, thời gian, khó khăn thử thách. Anh được tín nhiệm cử làm thư ký hội đồng rất nhiều năm. Anh đã đóng góp cho nhà trường rất là nhiều việc,có những việc tưởng chừng như không có tên nhưng rất có ý nghĩa. Khi đựoc phân công làm công tác lãnh đạo các kỳ thi, anh chịu khó sắp xếp công việc tổ chức rành mạch, thông suốt kỹ cương. Những việc gì khó, những việc gì cần, việc không phải của mình vẫn luôn có anh và bất cứ việc gì có anh là có sự an tâm và kết quả tốt đẹp. Ở ngoài đời sự cần mẫn nhiệt tình chịu khó là một đức tính quý,càng đáng quý và đáng trân trọng hơn đối với công tác chuyên môn của một thầy giáo. Đồng nghiệp luôn tôn trọng và yêu quý anh, lấy anh làm gương học tập.
Anh đã cống hiến cho ngành giáo dục gần hai mươi năm. Anh đã đột ngột ra đi, bản khai thành tích công nhận kỷ niệm chương vì sự nghiệp Giáo Dục của anh đã viết xong nhưng chưa kịp ký tên. Thành tích chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh dở dang vào những ngày cuối cùng của năm học. Tên anh chưa kịp được ghi vào sổ khen thưởng của nhà trường.Vậy nhưng anh đã được vinh danh và ngời sáng trong lòng mọi người, nhất là lớp lớp học trò và ngàn ngàn phụ huynh học sinh. Điếu văn vĩnh biệt thầy giáo Võ Trung Lợi-Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam,thư ký hội đồng trường THPT Lý Tự Trọng, thầy Lê Cao Lan-hiệu trưởng nhà trường đã nghẹn ngào đọc trước hàng ngàn người tiễn biệt  
                      “Thầy Võ Trung Lợi đã đi xa,đi xa mãi mãi…Trên thiên chức một nhà giáo,đối với học sinh, từ trang giáo án, con chữ đầu tiên đã nhuộm thấm lương tâm của  một người thầy…Trong vị trí một cán bộ công chức, thật khó mà kể hết những đóng góp tận tuỵ, vô danh và thầm lặng của thầy đối với mọi hoạt động của nhà trường…Ở thầy,là lẽ sống giản dị kỷ cương tình thương trách nhiêm, là ý chí phấn đấu không mệt mỏi vì những mong muốn tốt đẹp cho mọi người. Tuy thầy chưa kịp được Bộ Giáo Dục và Đào tạo tăng kỷ niệm chương vì sự nghiệp Giáo dục nhưng trong lòng mỗi chúng ta, biết bao bạn bè thân hữu, biết bao đồng nghiệp và bao lớp học trò, các bậc phụ huynh, mỗi người trong tim mình đã dành một ngôi vị đẹp nhất dành cho Thầy: Sự tưởng nhớ-Lòng biết ơn ! “
Đất mẹ-Bình Quý mãi mãi ôm chặt vào lòng  người con ưu tú. Ngày ngày, những âm thanh của những đoàn tàu cùng tiếng còi tàu về ga vang vọng vỗ về ru anh vào giấc ngủ ngàn thu !
        Tháng 11/2010

           Người viết: Phạm Thị Hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét