Hạnh phúc từ cái bình dị
Quan niệm hạnh phúc là những gì hết sức đơn sơ mình có được. Biết cách đứng dậy sau những lần vấp ngã là một hạnh phúc rất lớn. Ai dám cam đoan, hãnh diện tự hào rằng trong cuộc đời chưa từng lầm lỗi, chưa từng thất bại. Chỉ có những bậc thánh vốn đã qua đời. Chúng ta là phàm, do đó đứng dậy sau vấp ngã là điều đáng tán thán. Hạnh phúc đó rất đơn sơ mà chúng ta có thể làm được.
Quên đi nỗi đau thì hạnh phúc có mặt trong tầm tay. Nỗi đau về cảm xúc, thân quyến, bệnh tật, nỗi đau về sự nỗ lực mà không thành công… hàng trăm nghìn nỗi đau hầu như ai cũng có. Hạnh phúc là làm sao quên được những nỗi đau đó để không gian trong tâm chứa đựng niềm vui của cuộc đời.
Năm 2008, nữ diễn viên nổi tiếng Hàn Quốc Choi Jin Sil tự tử chết. Cô vốn là một diễn viên tỷ phú tài sắc vẹn toàn, đã thành công sau hàng trăm bộ phim truyền hình và rất được khán giả hâm mộ. Chỉ vì sự thất bại trong tình yêu với chồng. Ly dị năm 2004, suốt bốn năm sống độc thân, bao nhiêu búa rìu dư luận, truyền thông báo chí nhắm vào đời tư của cô. Cảm thấy cô đơn, chán nản, cô tìm đến cái chết, bỏ lại hai đứa con thơ cho bà ngoại chăm sóc. Mấy ngày sau, hiện tượng tự tử tập thể từ cái chết của Choi Jil Sil dẫn đến rất nhiều cái chết, vì không tìm thấy được niềm vui.
Đức Phật dạy, quên nỗi đau như cách thức chúng ta mở ống khói của căn nhà để tất cả khí CO2 thoát ra, bằng không chúng ta sẽ bị ngạt thở. Phần lớn khổ đau không phải vì thiếu tài sản mà do không giải quyết được bế tắc mà mình đang gặp phải trong cuộc đời. Biết tiến về phía trước là một hạnh phúc. Đứng tại chỗ là lạc hậu, vì thế giới này thay đổi đến chóng mặt. Cách đây vài chục năm, vài trăm năm, để có kiến thức người ta phải mất năm, mười năm. Hiện nay chỉ cần một giờ trên các phương tiện truyền thông, chúng ta có thể thu nạp kiến thức của cả một giai đoạn lịch sử. Hầu như kiến thức hiện nay nằm trong lòng bàn tay chúng ta. Chỉ cần tiến phía trước, bỏ lại sau lưng những bóng tối, những ám ảnh, chúng ta sẽ có cả một tương lai. Cứ hướng đến hạnh phúc và tương lai, tự khắc chúng ta sẽ quên quá khứ với những khổ đau. Muốn vậy thì không nên quan trọng hóa nó, thay thế nó bằng việc khác có ý nghĩa hơn, dù đơn sơ mộc mạc chân thành, nhưng có thể chu cấp được hạnh phúc. Càng với cao lại càng khổ đau nhiều.
Thay đổi thái độ, từ bi quan yếm thế, chán chường thất vọng trở thành lạc quan. Người lạc quan thấy rất rõ mình có thể làm được tất cả, chỉ cần nghĩ trong cuộc đời này có bao nhiêu người thành công, sống bằng nỗ lực chân chính thì mình cũng có thể làm được như thế. Đừng tự khinh bản thân mà bỏ cuộc, biến mình trở thành kẻ mặc cảm tự ti dẫn đến tình trạng an phận thủ thường. Trạng thái tâm lý mặc cảm tự ti giống như bánh xe không hề có hơi trong đó. Chiếc xe dù có các chi phần hoạt động tốt nhưng nó vẫn không thể đưa người ngồi trên đi đến đích điểm. Khi đánh mất sự lạc quan và yêu đời, chúng ta hãy kịp thời nạp vào nó năng lượng cần thiết để hướng đến niềm hạnh phúc. Nhờ bạn bè khích lệ hướng dẫn với những lời khuyên và hãy nghĩ tới những người thành công để bản thân không chán nản trong cuộc đời.
Hãy thực tập sự so sánh điểm tích cực của người thành công, với tới ở một phương diện tích cực nào đó, bản thân chúng ta sẽ đạt được ít nhiều. Ví dụ muốn có giọng hát cải lương ngọt ngào như Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ, chúng ta chỉ mở băng tập hát theo những nghệ sĩ tài danh này. Kiên trì bền bỉ, trước sau gì chúng ta cũng giống được 60%, 70%, thậm chí vượt trội hơn. Không có gì không làm được. Hãy thực tập với những tấm gương đã thành công. Nhận xét bản thân có sở trường, sở thích nào thì tìm người thành công trong lĩnh vực đó để làm dấu mốc phấn đấu.
Bình dị hơn là hãy tìm một cái gì đó để làm. Không nên suy nghĩ tiêu cực theo cách, lao động không lương thì lao động làm gì để người khác hưởng. Mặc dù không có việc để làm, thì hãy tìm cỏ mà nhổ, tìm đất mà cuốc, tìm chỗ mà trồng khoai… Những việc làm tuy đơn sơ nhưng rất ý nghĩa vì đó là cơ hội vận động, sức khỏe theo đó được tăng trưởng. Thái độ tâm lý con người lệ thuộc rất nhiều vào hành động. Trong khi cuộc sống của cỏ cây hoa lá trời mây non nước vốn rất tẻ nhạt, thì con người có ý thức, đôi bàn tay, truyền thông chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, vậy tại sao không tìm việc gì đó để làm. Nói theo đạo Phật, khi dấn thân bằng tâm hoan hỷ để phục vụ thì phước báu gia tăng rất nhiều, đừng nghĩ rằng phải có lương bổng mới làm. Dấn thân như cách thức phục vụ người thân của mình, ý nghĩ đó giúp chúng ta sống lạc quan yêu đời hơn.
Hãy tìm ai đó để yêu thương, chăm sóc và chia sẻ. Tình yêu, tình thương ở đây không chỉ giới hạn trong giới tính mà có thể những người lớn tuổi thương những đứa cháu của mình như con ruột, truyền cho chúng kinh nghiệm, khích lệ chúng có tương lai vững chắc và thành công hơn. Hoặc người trẻ thương yêu các bác lớn tuổi như ông bà cha mẹ mình. Thể hiện lòng thương yêu với sự chăm sóc vô cùng đơn giản và có ý nghĩa. Nhân quả sẽ có mặt, giúp người tất sẽ có người giúp ta. Sống thương người tất sẽ có người thương yêu trở lại.
Hạnh phúc không phải được người thương yêu mà ta biết cách thương yêu và chăm sóc người khác. Đây là cách nỗ lực gieo nhiều hạt giống để có được kết quả ngay hiện tại và tương lai. Đức Phật nói, thay vì ngồi mơ có một đàn gà thì tốt nhất hãy mơ có một con gà mẹ đẻ trứng, sau đó nỗ lực cho gà mẹ ấp. Bỏ bớt những ước muốn không thiết thực. Thay thế bằng những hành động cụ thể, làm những việc cụ thể, chúng ta sẽ gặt hái được thành công.
Chấp nhận sự thay đổi
Thay đổi là tiến trình diễn ra từng giây phút. Không có cái gì trong cuộc đời này không thay đổi với thời gian. Chiều thời gian cũng là một tiến trình thay đổi. Cho nên, thay vì tức tối bực dọc với những chuyện đổi thay, thì hãy thực tập thói quen mới là sống chung với chúng để tự thay đổi nhận thức và thái độ của chính mình. Nói cách khác, nếu không chọn sự thay đổi tích cực thì đến lúc nào đó những sự thay đổi sẽ chọn lựa chúng ta. Lúc đó chúng ta sẽ trở thành kẻ hoàn toàn bị động và nô lệ vào chúng.
Thay đổi tích cực như thế nào, hãy quan sát những chiếc lá lục bình trôi bồng bềnh trên sông nước không bao giờ đứng yên một chỗ, nay chỗ này mai chỗ khác. Sự thay đổi đó là sự thay đổi tiêu cực, vì nó chạy theo vận mệnh không làm chủ được bản thân. Còn thay đổi tích cực là biết nhìn thấy sự thay đổi diễn ra như một quy luật, làm quen, sống chung và hòa mình với nó, chấp nhận nó một cách tích cực để tìm cách thoát ly, tìm mọi cách làm mới và khắc phục những cái không mang lại hạnh phúc.
Đời không hoàn toàn buồn chán khổ đau như người ta thường nghĩ. Chỉ có bản thân mình buồn rồi quy kết cuộc đời là buồn chán. Nguyễn Du đã viết “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Khi thái độ tâm lý trở nên tiêu cực thì những cảnh vật xung quanh, mặc dù rất vui, như hoa nở, gió thổi, thông reo, chim hót cũng không được người đó thừa nhận. Bất cứ cái gì diễn ra trước mặt cũng tạo cảm giác buồn chán và không thiết sống. Hãy thấy rõ trên đời có khổ lẫn vui. Bên cạnh thất bại có thành công, bên cạnh bóng tối vẫn còn ánh sáng. Phải có cái nhìn khách quan để vươn tới hạnh phúc, bỏ qua những chán nản thụ động. Trạng thái tiêu cực của tâm lý tạo tiền đề dẫn đến bệnh tật vật lý mà y học ngày nay không thể phủ định.
Vào năm 2003, chúng tôi tham quan các trung tâm AIDS tại Thailand. Có người chỉ vương vào chứng bệnh này ba năm mà đã không thể ngồi dậy nổi. Trong khi đó, một số người khác vương vào chứng bệnh này mười năm nhưng vẫn khỏe mạnh, mập mạp vì nụ cười luôn hiện diện trên môi. Như vậy, thái độ lạc quan, tích cực, yêu đời sẽ làm tâm chúng ta trẻ hơn, sức khỏe nhờ đó có được đề kháng chống lại chứng bệnh vật lý khác. Do đó, đừng để trạng thái bực bội chán nản tạo ra bệnh hoạn hành hạ bản thân.
Đừng vì chán nản bực dọc mà sống với thái độ nguyền rủa cuộc đời, con người và bản thân. Tất cả sự nguyền rủa, đổ lỗi không phải là giải pháp. Theo đạo Phật, thất bại chỗ nào, chúng ta phải quán sát tìm kiếm nguyên nhân gốc rễ sâu xa của nó. Thay vì trút đổ cơn giận, thì hãy suy nghĩ cặn kẽ nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp, tìm sự bình an sáng suốt để có một tương lai với giải pháp trong lòng bàn tay. Có rất nhiều trường hợp thất bại nhiều lần, sống trong trạng thái giới hạn, dù nỗ lực đến đâu chăng nữa cũng không thể vượt qua, chẳng hạn người bệnh bán thân bất toại. Đừng để trạng thái giới hạn đó ám ảnh khống chế bản thân.
Ngay cả khi bị bệnh cũng hãy luôn để tâm trạng khỏe mạnh hoạt động, có như vậy, khi gặp thầy thuốc giỏi, chứng bệnh vật lý sẽ được khắc phục rất nhanh. Người giữ trạng thái tâm lý quá tiêu cực thì dù thầy hay thuốc giỏi cũng không thể chữa trị được. Do đó, tâm lý đóng vai trò rất quan trọng trong mọi nỗ lực để hướng tới hạnh phúc. Hãy thay đổi từ bên trong. Nếu sau khi nỗ lực nhiều lần mà chúng ta không thay đổi được môi trường, hoàn cảnh, điều kiện xung quanh thì hãy hoan hỷ chấp nhận nó, vì kháng cự nó làm cho chúng ta tổn tâm hao trí, mất sức khỏe. Chấp nhận nó, hòa mình với nó, sống chung với nó và tìm hạnh phúc từ nó. Đó là sự thay đổi nội tại một cách tích cực, khác hoàn toàn với chiếc lục bình vốn không làm chủ được mình.
Hài lòng tích cực
Hài lòng tiêu cực thủ thường, dù có khả năng nhưng lại không tin vào khả năng của chính mình. Thay vì nỗ lực để thành công, người đó sẽ không làm gì cả, nghĩ rằng số phận đã an bài, thân phận như thế thì chấp nhận sống với nó. Ai có quan niệm này là sai lầm.
Chúng ta hài lòng vì đã nỗ lực một cách chân chính, còn kết quả ra sao thì cứ ra, đừng quá bận tâm mà hãy bận tâm về phương pháp nỗ lực. Chẳng hạn khi được phân công trồng lúa, trồng cây, trồng đậu thì chúng ta nỗ lực có phương pháp, làm hết mình. Nếu vụ mùa năm nay không thuận lợi, không ai có thể quở trách, vì chúng ta đã làm hết trách nhiệm và tấm lòng. Hãy tập thói quen hài lòng và chấp nhận thành quả mà mình đang có. Như vậy là chúng ta đánh tất cả tiêu cực ra ngoài, không để nỗi buồn vì sự không thành công ám ảnh, lúc đó chúng ta mới có tâm sức để hướng đến những điều tốt đẹp hơn. Làm việc cùng với người không có tâm lý hiểu biết này, chúng ta có bị la rầy chửi mắng thì cũng đừng vì thế mà buồn, vì không ai là hoàn hảo.
Đừng đòi hỏi quá nhiều, cũng đừng cay cú với những gì mình không có. Hận đời, trả thù đời sẽ làm nghiệp tội ngày càng nặng hơn. Ai có lỗi với chúng ta, nếu luật pháp không nghiêm trị thì trước sau gì nhân quả cũng không tha thứ. Chúng ta hãy sống, quý trọng hạnh phúc của mình. Không nên tự ý thay thế luật pháp, tòa án, người phán xét để hành xử và biến mình xấu giống người kia.
“Một đứa cộc cằn thêm đứa nữa
Thì hai đứa cộc cũng như nhau.
Vì thế nên ta phải nhịn người
Dù ai mắng chửi cũng vui tươi”.
Đó là thái độ hài hòa trong sự bình an, hài hòa trong hạnh phúc. Như thế, chúng ta không phải là kẻ bạc nhược yếu hèn mà là người có bản lĩnh. Người chịu đựng được là người có bản lĩnh. Người hung hăng bên ngoài lại là người quá kém, không có sức chịu đựng, phải dùng bạo lực để vượt qua nỗi sợ hãi bên trong. Người bản lĩnh sẽ thản nhiên vững chãi trong cuộc đời.
Nếu đến vườn bách thú thử nghiệm một phản ứng nho nhỏ của con cọp hoặc con báo, chúng ta sẽ thấy, dù cầm dao chĩa ngay trước mắt con cọp với thái độ hung tợn, thì con cọp hay con báo vẫn đứng yên không chớp mắt. Cầm gạch chọi ngay cạnh nó, nó vẫn thản nhiên đứng tại chỗ. Nhưng với một con chó, chỉ cần giậm chân là nó sẽ sủa vang. Hành động sủa đó biểu hiện sự sợ hãi. Chúng ta cần tập bản lĩnh như loài sư tử, cọp, thản nhiên trước mọi thách thức, hãm hại của người khác. Điều này ai cũng có thể thực tập được, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.
Ta phải thấy rõ sự sai biệt trong cuộc đời, người giàu kẻ nghèo, người mạnh kẻ ốm yếu, người sống thọ kẻ chết yểu,… không phải tự nhiên mà có, mà đều do hành động, lời nói việc làm, tư duy của chúng ta hiện đời và nhiều đời trước. Tin sâu nhân quả để sống có trách nhiệm với bản thân. Nếu đời này chúng ta không đi đến hạnh phúc, không làm lại cuộc đời thì đời sau sinh ra cũng tiếp tục như thế. Bởi vì hiện tại là nhân cho kết quả ở tương lai. Xây dựng đời này hạnh phúc thì tương lai ta mới có hạnh phúc. Chán nản bỏ cuộc giữa chừng thì tương lai sẽ chẳng là gì. Cho nên, đừng bao giờ cho phép bản thân mình chán nản, thất vọng hay có ý niệm tự tử. Vì không ai giống ai nên không cần phải ghen tỵ, so bì mà hãy làm tất cả có thể để xây dựng hạnh phúc cho chính bản thân.
Rộng mở tấm lòng
Ai cũng có thể mở tấm lòng vì tấm lòng, là không biên giới. Tâm hướng về tha nhân ở phương diện tích cực 5%, có nghĩa là chúng ta mở được năm cánh cửa, hướng 100% là chúng ta mở được một trăm cánh cửa. Hướng trọn vẹn bằng cả trái tim và tấm lòng, nghĩa là chúng ta trọn vẹn với cuộc đời. Hướng mở như thế sẽ giúp chúng ta hạnh phúc.
Bản chất của hạnh phúc là sự chia sẻ, thậm chí chia sẻ chỉ bằng lời chào hỏi vào mỗi buổi sáng gặp nhau, kể nhau nghe những chuyện vui để nỗi buồn quá khứ không kéo đến. Thấy ai làm việc tốt cũng không tiếc lời khen tặng, vì ai cũng thích được khen. Thực tập cười tươi với cảnh vật và mọi người xung quanh. Khi cười, sự phấn chấn tạo ra kháng thể làm cho ta sống lạc quan hơn, khỏe mạnh hơn. Thực tập trở thành người mang ơn và người chia sẻ những gì mình đang có, dù đơn giản, chúng ta sẽ cùng hạnh phúc. Bảo vệ môi trường sinh thái, gìn giữ đất, nước, cỏ cây thì cuộc sống sẽ quý trọng chúng ta. Đó là nhân quả, là sự bù trừ thích đáng. Hãy nghĩ đến hạnh phúc bằng cách ban phát hạnh phúc, chia sẻ hạnh phúc, nhận thức hạnh phúc thì hạnh phúc sẽ có mặt. Ai ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân, người đó sẽ không bao giờ được hạnh phúc.
Như vậy hạnh phúc có mặt trong lúc chúng ta sống tích cực ban cho hơn là hưởng thụ nó. Đời đã quá khổ, bỏn xẻn cho mình thì đời sẽ khổ hơn. Sống được như thế là chúng ta đang xây dựng hạnh phúc trong tầm tay và đang cùng chia sẻ hạnh phúc trong tầm tay đó. Nó rất có ý nghĩa và mang đến niềm vui một cách lâu dài.
.
TT Thích Nhật Từ
Theo Đạo Phật Ngày Nay
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét