Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

GIỮ HỒN CHO TIẾNG TRỐNG TRƯỜNG

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh trống khai giảng  tại Trường
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh trống khai giảng
tại Trường THPT Chuyên Quốc học Huế  (Ảnh Internet).
Trường và tiếng trống là hai thực thể gắn bó với nhau như một sự mặc nhiên. Nói tới trường là người ta nghĩ ngay tới tiếng trống, nhưng không phải mọi tiếng trống đều làm cho người ta nghĩ tới trường học và hoài niệm về những niềm vui, nỗi buồn của thời áo trắng mộng mơ.
Tiếng trống trường có cái hồn riêng của nó, không lẫn lộn vào đâu được, trở thành dấu ấn không thể phai nhòa của bất kỳ ai từng trải qua những năm tháng cắp sách đến trường. Bởi vậy, tiếng trống trường đã trở thành một đề tài cho nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật đã được bao thế hệ học sinh nhắc đến.
Có một thời vì nghèo khó không ít nhà trường dùng mâm ô-tô hỏng, vỏ bom, vỏ đạn, một đoạn sắt dầm cầu… làm “kẻng” thay cho tiếng trống trường. Cũng có lúc, có nơi nhiều trường thay tiếng trống, tiếng kẻng để làm hiệu lệnh trong trường học bằng tiếng chuông điện “reng, reng”.
Ngày nay, hầu hết các trường học từ thành thị đến nông thôn đều sử dụng trống. Tiếng trống trường không đơn giản chỉ là âm thanh có chức năng hiệu lệnh, mà còn làm cho nhà trường mang đậm văn hóa truyền thống của dân tộc Việt. Tiếng trống trường không lẫn lộn với bất cứ một cơ quan, tổ chức hay lễ hội nào khác mà cũng có tiếng trống.
Có người bảo “đánh trống trường có gì khó, con nít đánh cũng được”. Thật ra đánh trống trường có mấy kiểu đánh: Một tiếng, hai tiếng, ba tiếng và một hồi dài, mỗi kiểu tương ứng với một hiệu lệnh: “Tựu” mà bây giờ gọi là trống báo thúc giục học sinh tới trường, vào tiết, ra tiết, ra tiết có nghỉ giải lao giữa buổi và hết buổi tan trường. Riêng trống khai giảng thì mỗi năm chỉ đánh có một lần, thường là do một vị quan chức cao nhất trong buổi lễ khai giảng hoặc chí ít do hiệu trưởng thực hiện.
Do không có một quy định nào nên trống khai giảng năm học mới thường được đánh nhiều kiểu: 3 hồi + 9 tiếng; 1 hồi + 9 tiếng hoặc 1 hồi + 3 tiếng. Có người cho rằng  đánh 3 hồi + 9 tiếng mới đúng. Tại sao phải là như vậy? Vì rằng, trước khi trống được đưa vào trường học thì vốn là “chiến cụ” để khai trận, thúc quân và mừng chiến thắng. Khi khai trận phải đánh 3 hồi + 9 tiếng.
Khai giảng năm học cũng là “khai trận” nên phải đánh như vậy. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở chỗ đánh mấy hồi, mấy tiếng mà những hồi trống, tiếng trống đó được đánh như thế nào. Có nhiều vị đánh nghe rất hay, có giai điệu, mẫu mực và khí thế hừng hực, nhưng cũng có vị lên đánh liên tục chừng chục tiếng đều đều nghe nhạt nhẽo, không khí thế.
Trống khai trường hay trống báo cho học sinh biết là đã đến giờ đi học có cùng một cách đánh, tức là phải đánh một hồi dài rồi sau đó đánh thêm 3 tiếng. Một hồi dài là bao nhiêu tiếng không xác định nhưng phải bảo đảm là đủ dài. Có người nói ít nhất là ba mươi sáu tiếng (33+3) theo nguyên tắc con số 9.
Người đánh trống phải chọn thế đứng hợp lý, vững chải và tay đánh phải khoan thai nhưng dứt khoát, rõ ràng. Hai tiếng đầu tương đối nhanh, để cho trống ngân vang rồi đánh khoảng chục tiếng trống tiếp theo, đánh thong thả, chờ cho âm thanh lan tỏa mới tiếp tục tiếng khác nhưng đến nửa hồi trống sau phải giục giã, gấp gáp nhưng âm thanh nhỏ dần báo hiệu cho những học sinh còn la cà nhanh chân đến lớp. 3 tiếng kế tiếp đanh, gọn và ngân vang biểu thị cho sự tiếp nối.
Còn trống tan trường (kết thúc buổi học) phải đánh như thế nào? Cũng đánh một hồi dài như trống báo nhưng ngắn hơn một chút (24 tiếng) và không thêm 3 tiếng, bởi đó là báo hiệu cho sự kết thúc. Trong thực tế, có nhiều người đánh trống báo và thậm chí là đánh trống khai giảng mà không đánh thêm 3 tiếng làm cho ý nghĩa của tiếng trống bị đảo lộn. Đánh 1 tiếng hoặc 2 tiếng thì không cần phải nói, nhưng đánh 3 tiếng thì phải tuân thủ quy ước: Hai tiếng đầu nhanh, để trống ngân vang rồi đánh tiếng thứ ba.
Hiện nay, do không có hướng dẫn thống nhất nên hiệu lệnh trống trong mỗi trường mỗi khác, không theo một chuẩn mực nào cả. Có trường phân công nhiều người đánh trống (giáo viên giám thị, nhân viên bảo vệ, học sinh trực…), mỗi người cách đánh khác nhau đến mức tùy tiện làm cho tiếng trống trường không còn có hồn, không nên thơ, nên nhạc và thiếu tính chuẩn mực, xem nó chỉ thuần túy là một công cụ vô tri làm công việc báo hiệu lệnh mà thôi, là một điều đáng tiếc.
Để khắc phục chuyện này không phải là một việc khó khăn nhưng thường rất ít được quan tâm, vì nhiều người cho rằng “tiếng trống không làm nên chất lượng dạy và học”. Cũng cần nói thêm, ngoài chuyện đánh sao cho tiếng trống có hồn, tức là nói đến giá trị tinh thần, thì tiếng trống được đánh đúng cách, đúng lúc, chuẩn mực, chính là nhịp điệu tạo sự nền nếp trong mọi hoạt động của nhà trường. Đó là một giá trị hết sức thực tế mà các nhà trường không thể không quan tâm.
Một năm học mới sắp bắt đầu, tiếng trống trường lại ngân vang, thấm sâu vào tâm khảm bao người. Giữ cho tiếng trống trường có hồn cũng là cách giáo dục về cái hay, cái đẹp và sự nền nếp, mẫu mực cho mọi người, nhất là học sinh.
LÊ MINH HOÀNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét