Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

BIỂN CHIỀU THÁNG SÁU

Tháng sáu nhộm màu thờ ơ
Cánh phượng khép hoài nỗi nhớ
Bằng lăng dững dưng rụng vỡ
Ve sầu thôi hát miên man

Tháng sáu sắp tàn có phải
Thời gian đi qua còn lại
Mình ta cát bụi phủ nhòa

Tháng sáu lạnh lùng lơ đễnh
Như là con sóng chiều nay
Lăn tăn quên tìm bờ cát
Chạm vào nỗi buồn sa mạc
Biển chiều tháng sáu lặng im
HBT


Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

TỪ IM LẶNG ĐẾN VÔ NGÔN

   Mộc Nhân Lê Đức Thịnh

Ngôn ngữ là một trong nhiều phương tiện phản ảnh hiện thực, là công cụ giao tiếp, tư duy có vai trò quan trọng trong đời sống.
          Ngôn ngữ một mặt làm cho con người hiểu biết nhau nhưng cũng có khi làm cho người ta hiểu nhầm và xa cách nhau.
          Ngôn ngữ có thể sinh ra hòa bình, yên vui, thấu hiểu nhưng cũng có khi gây nên bất hòa, bất hạnh.
Một lúc vô ngôn tại Trúc Lâm Thiền viện - Đà Lạt
          Vậy nên có những khi cần phải nói để mang lại thấu hiểu, chia sẻ, hoà hợp, cảm thông hoặc để bảo vệ chân lý. Tuy nhiên, có đôi khi lại cần im lặng hơn là đôi co, suy diễn, tranh cãi.

          Người xưa nói “im lặng là vàng” hay dặn dò nhau “một điều nhịn chín điều lành”. Bản chất của những lời răn này là dạy con người ta tiết chế cảm xúc, biết hành xử vừa phải, đúng mực, đúng lúc, đúng chỗ…
          Đó là đặc ngữ của sự im lặng, một loại văn hoá ứng xử tinh diệu, nhưng không dễ thực hiện bởi “người ta thường hối hận về lời nói của mình, hiếm khi hối tiếc vì mình đã im lặng”.
          Thomas Man nói “Người khôn ngoan mang tất cả tài sản vào trong đầu”, đó chính là giá trị của sự im lặng.
          Buồn với người khác trong thấu cảm bằng sự im lặng bởi “buồn khóc cả ngày vẫn thấy nên, còn cười một lúc đã thấy nhạt”.
          Chớ phá vỡ khoảnh khắc mà người đang tư duy trong im lặng bởi “Tài năng được nuôi dưỡng trong cô tịch” (W. Goethe).
          Sự im lặng trí tuệ và sức mạnh được ví như con đại bàng sải cánh giữa bầu trời trong tư thế bình thản; trong khi bầy gà loanh quanh trên mặt đất, làm đầy không gian với những tiếng ồn ào.
          Nhu cầu chia sẻ ai cũng có nhưng khi người khác không hiểu mình bằng ngôn ngữ vật chất thì chúng ta vẫn có thứ ngôn ngữ im lặng bởi “Sự im lặng hùng biện hơn lời nói” (Thomas Carlyle).
          Chỉ những ai biết buông xả giữa đời sống vô thường thì mới thẩm thấu đẳng cấp văn hóa im lặng.
        Nhân dân ta khuyên: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe” – vậy nên tốt nhất là chỉ  nói những điều mình biết rõ, và nên im lặng lắng nghe. Đó là tư duy minh triết mà Socrates diễn ngôn: “Tôi không biết gì cả, đó là điều tôi biết rõ nhất”.
          Người nào hiểu ý nghĩa của sự im lặng thì mới biết ứng xử bằng im lặng vì đôi khi sự im lặng khiến ta có thể nghe thấy tiếng thì thầm của thánh thần.
          Sự im lặng trong tuệ giác còn được nhà Phật nâng lên thành “Vô Ngôn”; khi đó con người giác ngộ đã vượt qua mọi hình thức ngôn ngữ thì chỉ còn lại tâm ngôn - nhìn thế giới và con người trong tĩnh lặng, không suy diễn, không phân biệt, không động tâm so sánh, không ham muốn, không thị phi…
          Vô ngôn gần với thiền, nơi mà tánh giác hiển lộ.
          Thực hành vô ngôn là hành thiền thanh tịnh tránh được khẩu nghiệp, ý nghiệp, tránh được phô trương tự ngã.
        Chúng ta không chối bỏ sự cần thiết của ngôn ngữ trong cuộc sống vì ngôn ngữ là phương tiện giúp con người thể hiện trí năng. Nhưng vô ngôn là Đạo. Bồ đề Đạt Ma(Bodhidharma) nói: “Lời không phải là Đạo, Đạo là vô ngôn, người đạt được vô ngôn thì đạt Đạo”.
          Từ văn hóa im lặng đến phi ngôn triết học, thần học hay vô ngôn Phật học, Đạo học là những gạch nối kéo dài trong đời người không dễ gì vươn tới.
          Có đạt được điều ấy hay không còn tùy vào Tâm – Tánh - Trí của mỗi người; nhưng chỉ cần khởi phát từ sự thấu hiểu chúng ta đã thấy hạnh phúc, yên bình và thanh thản - không chỉ riêng cho mình.

TÔI CHỌN CON ĐƯỜNG NÀY

(Con đường thứ tư- NTDTV)

Bạn là người phóng khoáng, không thích những thứ có tính nguyên tắc áp đặt, bạn yêu thích những thứ mới lạ và đặc biệt. Cuộc sống của bạn có thể nói là rất phong phú đa dạng và nhiều màu sắc. Cá tính và tư duy độc đáo của bạn là điểm dễ dàng hấp dẫn người khác. Đối với mọi người mà nói, bạn là một người rất đặc biệt.
Bạn lựa chọn con đường rộng lớn và rợp bóng cây như thế này, điều này chứng tỏ thay vì chú tâm vào đường đi thì bạn lại để tâm đến những điều xung quanh. Nhưng trên đường có thể sẽ xuất hiện một cái gì đó, hãy nhớ chú ý quan sát, đừng bỏ lỡ. Có thể bạn sẽ sợ hãi đối mặt với những sự việc sắp xuất hiện, nhưng bạn đừng trốn tránh, bởi vì sự việc xảy ra là luôn luôn tốt đẹp hơn so với tưởng tượng của bạn.
Mọi người xung quanh thích sự hài hước hóm hỉnh đặc biệt được ẩn giấu trong bạn và sự nghiêm túc, tính trung thực và lòng chân thành không thể thiếu trong  con người bạn. 
(HBT tracnghiemtinhcach) hjhjhjhjhjhj

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

IM LẶNG...!

         Tuân Tử dạy: “Im lặng, lắng nghe, ghi nhớ, hành động và khôn ngoan là 5 cung bậc khác nhau của trí tuệ”. Có thể coi đây là ngũ-cung-sống của cuộc đời.
Im lặng là một nghệ thuật kỳ diệu và là cách thể hiện văn hoá cao cấp. Cibbon nói: “Đàm luận khiến người ta hiểu biết, nhưng im lặng là trường học của sự khôn ngoan”.
   Im lặng không phải là hàm ý bởi nó vô ngôn nên ta không có quyền suy ra dù đó là một im lặng cố ý. Ta sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong cách dạy của ông bà "Học ăn học nói..." mấy ai dạy ta cách im lặng để làm người?
 Lắng nghe để hiểu, dừng lại để yêu thương, nhìn lại mình để biết cảm thông và tha thứ. Nhưng mấy ai làm được, mấy người thích cách sống bất cần, buông bỏ ngạo mạn, coi đời sống là ngắn ngủi, vô thường bất chợt, coi cuộc đời này là những tháng ngày ở trọ trần gian. . .

    Người im lặng thì ít, người thích nói thì nhiều. Từ cuộc họp cho đến quán cà pê, bàn tiệc hay trong bàn nhỏ với ly rượu chiều. Ai cũng tranh nhau nói như là ngày tận thế người nói thì nhiều nhưng người nghe thì ít. 
 Nghĩ lại có khi ta vô cùng ích kỉ nói như cơn bão đi qua không hề nghĩ đến lời nói ta đã làm tổn thương người khác. Thậm chí, hay gân cổ cãi lại mỗi khi có vấn đề gì đó về quan điểm. Người sai rồi, ta đúng! Rồi... ta đã được gì trong "đúng - sai" đó? 
 Người ta càng về già càng thấy cô đơn, hay hoài niệm về thời son trẻ rồi bới tìm, rồi thở dài... Có lẽ, họ tiếc nuối điều gì của ngày đã qua. Người trẻ thì nôn nao mong cho ngày mau tới, sẽ vứt bỏ nếu không thích, cần gì người khác hiểu. Và dĩ nhiên không bao giờ chịu im lặng!
       Cuộc đời như trò chơi xếp hình. Ai cũng được phát cho 1000 miếng, ai cũng có thời gian hoàn thành giống nhau. Chỉ có điều là con người ít khi kiên nhẫn chịu xếp cho mình đến mảnh cuối cùng để tận hưởng vẻ đẹp thực sự nằm bên trong đâu đó.
        Có  người khuyên rằng: "Hãy đón nhận những người đến trong đời bạn một cách vô điều kiện. Đừng đòi hỏi hay suy xét. Trước một sự lặng im cần thiết đủ dài, bạn hãy tận dụng suy nghĩ và coi đó là một món quà nhỏ mà cuộc sống dành tặng bạn." 
       Dẫu biết im lặng là trường học của sự khôn ngoan và nhiều thứ hay ho nữa nhưng sao có lúc tôi cảm thấy giật mình bởi sự im lặng. Lúc có bão giông ta cầu mong một chút yên bình trong lặng im nhưng mặt nước hồ thu đẹp nhất, thích ngắm nhìn nhất vẫn là lúc có lăn tăn gợn sóng. Bởi hạnh phúc luôn có sự hiện diện của phép màu. 
Im lặng...một nghệ thuật sống! Nhưng tôi vẫn thích một góc tâm tình để trút bỏ lòng mình để sẻ chia yêu thương và tha thứ...!











HBT





Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

THƠ MÙA HÈ

 Có một mùa hè chứa đựng điều sâu thẳm 
Tóc gió thôi bay... 
Lối em về mưa nắng đâu hay
 
Có một ngày
 
Em chợt thấy thoáng lòng ngoài tầm với...
 

Nên dẫu thời gian trôi chẳng hề biết đợi
 
Năm tháng đây, vơi...
 
Hạ vẫn tặng em nơi lòng mình mềm mại
 
Se chỉ...
 
Luồn kim....
 
Có chú ve mải miết đi tìm
 
Tấm khăn kỷ niệm...
 

Và hôm nay có một điều màu nhiệm
 
Sẽ đến với em và hiện diện giữa đời
 
Giữa mùa hè - Một chiều lá tả tơi
 
Đêm mưa cuối - Thay cho lời hát cuối...
 

Có một mùa hè bình yên không tiếc nuối
 
....

TT

Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

Một trưa Vinahouse Space

Cuộc đời chỉ là một chuỗi những cơ hội ngẫu nhiên. Cái khó là nắm bất cơ hội mà hành động. Đừng bao giờ để vuột mất. Không phải ngày nào bạn cũng gặp cơ may đâu. - George Besnard-Shaw
Cảm ơn em đã đưa ta đến Vinahouse Space một trưa đầy nắng! "Cuộc đời cần có những hương vị, và như thế này gọi là hương vị đó chị"
Chúng ta có thể trưởng thành từ những đau thương, học cách quý trọng từ những mất mát, sau những ồn ã mới biết tĩnh lặng cũng là hạnh phúc. (Giang Vũ Hạm)
Mọi thứ rồi sẽ qua đi, chỉ còn tình người ở lại. Người ta có thể quên đi điều bạn nói, nhưng những gì bạn để lại trong lòng họ thì không bao giờ phai nhạt.
Con người ta thường không biết hiện tại quý giá nhường nào cho đến khi nó trở thành quá khứ

Người xin lỗi trước là người dũng cảm nhất.
Người tha thứ trước là người mạnh mẽ nhất.
Và người lãng quên trước sẽ là người hạnh phúc nhất.
HBT - 10/6/2015

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

7 ĐIỀU SẾP CỦA BẠN SẼ KHÔNG MUỐN BẠN LÀM

"Bạn phải thực hiện rất nhiều những nỗ lực nhỏ nhoi mà không ai thấy hay tán thưởng trước khi bạn đạt được những thành quả đáng giá.” - Brian Tracy
DOAN NHUNG thân mến!
Hãy xây dựng sự thành công nhờ sự chú ý và theo gương sếp của bạn. Trên thực tế, có những điều sếp của bạn thường không làm, và chắc hẳn cũng không bao giờ muốn bạn làm những điều đó. Theo bạn thì đó là những điều gì? Cùng tham khảo qua bài viết dưới đây bạn nhé:
1. Gửi email dài dòng và nhiều chuyện    
Nên viết email bằng những câu ngắn, mạch lạc. Chỉ cho biết cái gì đang cần chứ không nên dài dòng lê thê về mức độ cần thiết của nó. Dùng những lời lẽ xúc tích đi thẳng vào vấn đề. Làm vậy không chỉ giúp người nhận thấu hiểu sự chính xác của bức thư, mà còn tiết kiệm được thời gian của bạn cũng như người khác.
 2. Quá thụ động
Hãy nói ra khi bạn cần sự trợ giúp hoặc có 1 ý tưởng cần chia sẻ. Nếu chỉ im lặng hoặc gật gù đồng ý, tầm quan trọng của tiếng nói riêng của bạn sẽ dần bị đánh mất. Đừng để người khác dẫn dắt hoàn toàn câu chuyện. Hãy nói ra để tạo nên những thay đổi có hiệu quả.
  3. Không lập kế hoạch cho công việc
Những kế hoạch cho tương lai có thể giúp bạn tránh phạm phải sai lầm lớn hoặc gặp phải những cái bẫy trong công việc. Kế hoạch càng chi tiết cẩn thận bạn càng dễ tránh khỏi những thiếu sót hoặc những tai nạn nghề nghiệp không đáng có.
Hoặc là bạn cũng có thể tưởng tượng và lập kế hoạch về những viễn cảnh mang thành công. Việc lập kế hoạch này sẽ giúp bạn thấu suốt rõ hơn các vấn đề bên trong cũng như mở rộng tầm nhìn về phía trước trong việc phát triển sự nghiệp của mình.
 4. Sợ đảm nhận trách nhiệm, sợ làm lãnh đạo
Khả năng đảm nhận trách nhiệm phản ánh năng lực và thái độ nghiêm túc trong công việc của bạn. Điều này rất được đánh giá cao. Bạn không nhất thiết phải chịu trách nhiệm về cả một tập thể, nhưng nhất thiết phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trong mỗi việc mình làm, dù là việc nhỏ nhất. 
Hãy nuôi dưỡng niềm đam mê, tính chân thật và sự tôn trọng trên con đường hướng tới sự lãnh đạo. Khi nghiên cứu về sếp hãy tự hỏi: “Những phẩm chất nào đã làm họ trở thành lãnh đạo như hôm nay?”Hãy trau dồi tỉ mỉ những phẩm chất ấy trong cuộc sống của bạn.
 5. Thiếu chủ động trong sự nghiệp
Chủ động trong công việc nghĩa là tự vạch ra con đường dẫn tới thành công của bạn. Bạn hoàn toàn biết được cánh cửa cơ hội đóng hay mở. Hãy viết ra giấy bạn nhìn thấy bạn đang làm gì, ở đâu trong hai hoặc ba năm nữa trong sự nghiệp. Có làm quản lý không, hay một chức vụ khác? Bạn cần làm những bước nào để đạt tới được đó? Hãy viết ra và hành động.
Bạn phải sẵn sàng cam kết hành động một cách nghiêm túc, và đón nhận kết quả trong một tâm thế vững vàng nhất. Dù kết quả tốt hay không tốt, chắc chắn rằng bạn đã có một trải nghiệm và bước tiến vượt bậc hơn so với những người cứ mãi làng nhàng trong vùng an toàn của công việc.
 6. Bỏ qua những chi tiết nhỏ nhất
Những sai lầm khủng khiếp nhất vẫn thường nằm trong những tiểu tiết. Hướng đến chi tiết giúp bạn không sót lỗi, cũng như không bỏ lỡ những cơ hội khi chúng đến. 
Khả năng này sẽ được trau dồi qua thời gian và thông qua rèn luyện. Nhiều lỗi sẽ được phát hiện sớm và sửa chữa trước khi tạo nên những kết quả tồi tệ hơn. Hãy nhớ, phải thể hiện tính kỷ luật và sự tử tế của bạn với công việc - trong từng chi tiết nhỏ.
 7. Suy nghĩ tiêu cực
Lời khuyên suy nghĩ tích cực nghe có vẻ rập khuôn sáo rỗng. Nhưng bất kể bạn đến nơi đâu cũng sẽ nghe lời khuyên thông thái này. 
Thực tế là những gì bạn nghĩ sẽ điều khiển hành động của bạn. Suy nghĩ tích cực sẽ hướng bạn đến những cư xử và hành động tích cực. Có đôi lúc ta sẽ rơi vào cảm giác thấy mình kém hơn người khác, nhưng chính những hành động tích cực là điều giúp ta phát huy được hết năng lực của mình. 
 ** Có thể sếp sẽ không nhận ra mỗi nỗ lực, đóng góp nhỏ nhất mà bạn làm. Nhưng sau cùng, sự nghiêm túc và những cố gắng của bạn, dù không ai thấy hay tán thưởng, chắc chắn sẽ tạo nền tảng để bạn gặt hái thành quả to lớn trong tương lai. Giữ một thái độ tốt, và bạn sẽ thành công.
Chúc bạn luôn may mắn và thuận lợi trong công việc.
 Quỳnh Trâm