Trước hết, anh tin rằng em là người có đi học. Bởi vậy, hẳn nhiên em biết đến 2 đoạn chửi “kinh điển” trong văn học Việt Nam. Đầu tiên là đoạn chửi của Chí Phèo khi say rượu trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao. Và sau nữa là đoạn chửi của người đàn bà bị mất con gà trong “Bước đường cùng” của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Cả Chí Phèo và người đàn bà mất con gà đều là nhân vật văn học và đều bị nhà văn “bịa ra” để tuyên ngôn nghệ thuật. Họ là hạng “cùng đinh”, là “bước đường cùng”. Còn em, một đại úy CAND bằng xương bằng thịt, quan lộ đang thênh thang, lại đang chuẩn bị “cùng non sông cất cánh”. Thế nhưng đoạn chửi của em ở sân bay Tân Sơn Nhất chiều 11/8 đã thách thức tất cả các tuyên ngôn nghệ thuật. Ngôn ngữ bất lực, văn tài họ Nguyễn, họ Trần có đội mồ sống dậy cũng không thể hình dung nổi lại có một nhân vật ngoài đời “sống động” hơn cả trong văn. Rằng, xã hội bây giờ, nhà văn không phải khổ công đi tìm nhân vật. Hư cấu không còn là thuộc tính của nghệ thuật văn chương. Từ hôm qua 22/8, em đã chính thức trở thành một nhân vật của văn học “mạng”, một loại hình văn chương thời 4.0 không biên giới. Chỉ trong một nốt nhạc, nổi tiếng với tai tiếng sánh đôi thành một …cặp vần.
Đồng nghiệp cùng cơ quan anh, nhà báo Tử Hưng của tờ Congluan.vn giật một cái tít trên mục Diễn đàn là: “PHẨM GIÁ 200K”. Anh cho rằng đó là một cái tít báo cực ngắn nhưng là một nỗi ngao ngán dài lê thê. Mà cũng có thể đó không đơn thuần là cái tít mà là cái TÁT. Một cái tát kịp thời vào bộ mặt văn hóa ứng xử đang bị những người như em làm cho hoen ố! Thay vì dùng 200 ngàn đồng theo thói quen giao dịch bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, anh ấy dùng 200K. K là cách ghi giá thực đơn trong các quán nhậu vỉa hè, cháo đêm, trà chanh, kem xôi, ốc mút, sữa chua giải khát. Cách dùng từ ấy hoàn toàn là một dụng ý để biểu đạt sự rẻ rúng thê thảm của một thứ tưởng chừng như vô giá, ấy là PHẨM GIÁ. Khe hở pháp lý có thể che chở để em chỉ phải đóng 200k tiền phạt, tương đương 50 chục cái nem chua ở quê mình, hay 4 bát phở ngon ở Hà Nội. Nhưng nó có thể là nguồn cơn cho những cơn giận dữ bùng phát hoang dã giữa những chốn văn minh. Ừ thì cứ nộp 200k, rồi thích thì chửi, thì sỉ vả, mạt sát nhau…
Công an quận Đống Đa đã ghi điểm khi nhanh chóng báo cáo sự việc với Giám đốc Công an TP Hà Nội, đồng thời đình chỉ công tác có thời hạn 30 ngày đối với em. Chỉ tiếc duy nhất một điều, ông “đánh máy” nào đó không hiểu cố tình hay vô ý đã ghi quê quán em ở miền Sơn kỳ thủy tú: Cẩm Thủy, Thanh Hóa,nơi có suối cá Thần độc nhất vô nhị Việt Nam.Đây chỉ là văn bản hành chính thông thường, đâu phải lý lịch quân nhân, đảng viên mà cần phải lôi hang hốc, gốc gác vào? Phải chăng đất kinh kỳ hào hoa thanh lịch muốn “chối bỏ” một “vật thể lạ”. Rằng hoa nhài thì không thể cắm bãi phân trâu. Anh luôn rất lý trí để nghĩ rằng hành động đáng xấu hổ của em sẽ không ảnh hưởng tới hình ảnh người Thanh Hóa. Ở đâu cũng có người này kẻ nọ. Nhưng anh cũng có đủ cảm xúc để thảng thốt giật mình khi có ai đó lại nhân chuyện này để kỳ thị quê ta.
Chắc em xa quê đã lâu vì anh nghe giọng chửi không còn dấu hỏi dấu ngã quấn quýt, xô đạp lẫn nhau. Âm vực chửi của em không còn tiếng đá tiếng đồng, hổn hển mướt mồ hôi như giọng hò sông Mã. Thậm chí anh lại thấy phảng phất đâu đó “tiếng sông Hồng reo” trong từng cơn giận dữ chát chúa của em trút vào đám nhân viên hàng không bỗng hồn nhiên như thiên thần trên trời chứ không phải nhân viên mặt đất.
Em ra kinh kỳ đã lâu, cớ sao không học cái hào hoa thanh lịch của người thủ đô ngàn năm văn hiến mà lại đi gây hấn với bún mắng cháo chửi vỉa hè.
Em ạ! Quê mình đấy. Con sông Mã dù hung bạo, lắm thác nhiều ghềnh là thế nhưng về tới Cửa Hà, Cẩm Thủy quê em cũng phải nép mình vào núi, tạo nên một thắng tích sơn kỳ thủy tú đắm say lòng người. Đừng đổ lỗi cho thiên nhiên hung bạo tạo nên con người dữ dội. Cái nhọc nhằn của hò sông Mã càng tạo nên cái nhẫn nhịn, chịu thương chịu khó của người quê ta. Em từng uống nước Mã giang, cớ sao không hiểu nỗi niềm trong những câu hò, người trên bờ cũng ướt đẫm mồ hôi.
Thông thường anh vẫn tin những người khẩu xà thì tâm Phật. Nhất là phụ nữ, không phải cứ to tiếng thì mạnh mẽ. Biết đâu, ở nhà em lại là người phụ nữ dịu dàng, nhẹ nhàng như một cành liễu rủ ở Hồ Tây chiều thu. Chỉ cần một tiếng thở dài xao động cũng có thể khiến mặt hồ gợn sóng.
Và rồi anh chợt nghĩ: cuộc sống ai cũng mắc sai lầm. Sai lầm trả giá bằng tiền mặt luôn là sai lầm rẻ nhất. Còn sai lầm phải trả giá bằng PHẨM GIÁ luôn là đắt nhất. Hãy trả lại cân đai áo mũ về vườn. Bởi chỉ có vườn, nơi thiên nhiên hoang dã mới có có thể ươm mầm cho một tâm hồn như em đi về với thế giới văn minh.
Đại úy Hiền! Về…vườn đi em!
https://congluan.vn/pham-gia-200k-post66914.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét