Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

TRUYỆN NGẮN - TIÊU ĐÌNH

    TIN NHẮN LÚC O GIỜ

           Giấc mơ có con đường đầy bằng lăng nhuộm tím màu vàng bệnh hoạn của ánh đèn nê-ông, nhuộm tím màu xanh già cỗi của lá. Em, lúc nào cũng đến sớm hơn, đứng tựa vào bằng lăng, nấp vào bóng đêm chờ tôi như chờ chiếc máy sưởi thiên tạo. Chỉ cần em ngã đầu vào vai tôi, hay tôi dang hai tay ra ôm em vào lòng là cả trời đất ấm lại, quyến rũ mê hồn. Màu áo, màu mắt em đen lánh, làm nổi bật làn da thơm mịn trắng, thật sự trắng. Đen trắng tuyệt vời như chưa có bàn tay họa sĩ tài ba nào pha nổi thứ màu sắc linh diệu ấy.
 “Tuýt… tuýt…”. Tôi giật mình, giấc mơ vỡ tiếc hùi hụi như cái bong bóng hình con cá vàng đâm vào đầu gai nhọn. Một chữ B nổi trên nền trắng sáng của chiếc di động Nokia.
 Tin nhắn chỉ một chữ B viết hoa quen thuộc. Tôi vẫn thường nhận được những tin nhắn từ em với chỉ một vài ký tự như B., Nh., thậm chí chỉ là một dấu ! hay ?. Người trong cuộc với nhau, không cần suy nghĩ vẫn dễ hiểu được tín hiệu rộng lớn, thẳm sâu từ những tin nhắn như thế. Có cái gì giống hệt mùa đông vừa kéo qua cuộc đời em, ướt lạnh và xám đen. Ở một nơi xa xôi, tôi vẫn cảm nhận được đôi bàn tay run run đang cần ủ ấm.
Và mỗi lần như thế, tôi thấy một bóng đàn ông to lớn lầm lì, vồ vập xé toạc áo quần em ra, hì hục cấu cào, nghiến ngấu, vùi dập. Mồ hôi trên thân hình bụng to hơn mông của hắn nhễ nhại túa ra cái mùi chua chua nồng nồng, lẫn với mùi men.  Rồi hắn lặng lẽ, lạnh lùng bước ra khỏi phòng như sự lạnh lùng lặng lẽ trước khi bước vào. “Ầm”, cánh cửa đóng nghe khô khốc đến tàn nhẫn. Em không buồn, không vui mà rỗng như một pho tượng.
Tôi nhìn đồng hồ, đúng 0 giờ 00.
Không tài nào ngủ lại. Những tin nhắn hoang hoải nỗi buồn nhân sinh của em hầu hết đều đến với tôi vào lúc nửa đêm, khi tôi đang mơ về những ngày tháng quấn quýt bên em hay nghĩ về những cuộc truy hoan lạnh lùng cảm xúc, ả giang hồ nằm cười trong khi gã đàn ông không cần một động tác âu yếm. Sau đó, tôi còn lại một nửa đêm trắng trống huơ hạnh phúc và chật chội niềm trắc ẩn. Dường như đó lại là những sợi dây vô hình huyền nhiệm đã níu cột đời tôi vào đời em ngày càng chặt, chặt đến độ dù cố vùng vẫy vẫn không sao thoát ra khỏi nhau. Cuộc sống đã trở thành thói quen nghiện ngập sự gần gũi, sẻ chia. Những hẹn hò không thể không có, những bàn tay vuốt tóc- chỉ cần vuốt tóc- quan thiết như khí trời và hơi thở.
 Lại nhớ câu chuyện bên bờ sông Ly Ly trong đêm nhiều sao, gió thoảng nhẹ hương bồ kết trộn lẫn với mùi hoa dủ dẻ, nước riu ríu dưới chân như nỗi niềm mãi quanh quẩn. “Không phải Nhật không yêu em. Và em cũng vậy. Hai mươi tuổi, khi còn là sinh viên, một năm rưỡi trước khi cưới nhau, em nhẹ nhàng và hạnh phúc hiến dâng tất cả những gì trong trắng, thiêng liêng nhất của người con gái cho Nhật. Không một chút đắn đo suy nghĩ, không một mảy may buồn ân hận. Đơn giản chỉ vì em yêu anh ấy, yêu thật sự. Em nghĩ, chỉ có tình yêu thật sự mới giúp được con người sống bao dung và cao thượng hơn. Sẽ chẳng có sự toan tính, lừa dối nào ở đó. Đúng không anh? Em không có lỗi với mẹ.
Lần đầu tiên, em còn nhớ đôi mắt Nhật đầy lửa. Lửa đốt cháy từng đường chỉ khâu cúc áo. Cháy cho đến khi những cúc áo trên người em bung ra tất cả. Anh run run ngắm nhìn thân thể khát khao đang căng mọng sức sống của em như người sùng đạo đứng trước tượng chúa. Rồi anh quỳ xuống hôn khắp người em, từ sợi tóc đến những ngón chân thon mềm, từ vùng sáng da thịt đến những đường cong ẩn chìm. Anh nắn nhẹ những đốt xương lóng tay, sửa lại cho em từng sợi tóc vụng về ướt dính vào má, vào cổ. Anh lau cho em những đốm mồ hôi hạnh phúc. Em cảm giác như anh ấy là con của trời, lãnh sứ mệnh của trời để chăm sóc em. Bóng anh trùm lên đời em từ đó, vừa uy nghi vừa ấm áp lạ lùng”.
Tôi nghe đêm đang thở cuộc sống của riêng của bóng tối, tiềm ẩn bao điều bí mật và thú vị. Không hiểu khuất trong cỏ lá có bao nhiêu loài côn trùng đang thao thiết gọi nhau, rên rỉ oằn mình tìm đến với nhau, hay giấu chặt buồn đau vào nỗi xa cách? Em dúi đầu vào nửa bờ vai tôi mà kể. Giọng trong veo như con chim chìa vôi hót buổi sớm mai. Lúc đầu còn chút e ngại, sau tự nhiên nương tựa hẳn vào tôi. Bờ vai tôi nặng dần đến khi êm ái vì nỗi ấm áp được làm chỗ che, nơi tựa cho em. Tôi ước, tất cả các máy đồng hồ trên thế gian đều dừng ngay lúc đó, ít ra là cho tới khi em ngủ được một đêm thật say với giấc mơ êm ái như tơ trời. Không, nước vẫn chảy riu ríu dưới chân, đêm vẫn dịch chuyển theo tiếng dế thanh thé. Và em, lạ quá, em kể đó rồi khóc đó, tiếng khóc cố dằn nén lại, rịn ứa máu, như sợ ai đó nghe được. Rồi tiếng khóc vỡ ra loảng xoảng trăm nghìn mảnh vụn lóng lánh, sắc lạnh.
“Anh, có phải đàn ông thường chóng nhớ chóng quên, chóng thương  chóng chán không anh? Hay anh ấy đã có một người phụ nữ khác? Hay cuộc sống công nghiệp hiện đại đã cộm lên quá nhiều nỗi lo và sự toan tính làm cho con người ngày càng vô cảm, tình yêu ngày càng biến chất? Con đầu của em năm nay chỉ mới lớp 10 thôi, sống với nhau chưa đầy hai mươi năm mà sao anh ấy thay đổi nhiều quá? Anh, có phải khi tình dục chỉ còn là bản năng sinh tồn thì tình yêu cũng đã mất? Ôi, em thèm quá một bàn tay run rẩy của Nhật ngày nào đã sửa cho em từng sợi tóc lạc đàn bết dính vào má, vào cổ. Em nhớ không chịu nổi ánh mắt nồng nàn lửa của Nhật tỏa ấm nhẹ nhàng trên da thịt em đang chờ cháy. Em không thể nào quên được làn môi Nhật đắm say, run rẩy đã dẫn em bay lên và tan vào mây gió. Em đã mất hết rồi, đúng không anh Hoàng?”
Không, tôi nghe như không phải là em đang khóc mà uất nghẹn đang cố dìm tiếng khóc của em. Nhớ có lần em cũng đã nấc lên như vậy, tiếng không thành tiếng, khi kể về sự mất dần cảm xúc với Nhật qua những lần ân ái gượng ép trong nồng sặc men rượu. Em nói, em hận thù những ai đã xem tình dục như một trò chơi không cần tình yêu. Em lên án mọi thứ vuốt ve không cần đến cảm xúc. Em không tin có sự lạnh lùng, thô thiển trong tình yêu đích thực.
Tôi an ủi, em nè, không có sự toàn hảo trong cuộc sống và trong mỗi con người. Chỉ là tương đối thôi, được mất đan xen lẫn nhau. Sự bao dung và tôn trọng lẫn nhau trong tình yêu mới là điều đáng nói. Em vẫn khóc: “Anh là một đàn ông tốt”.
Tôi nghe nhồn nhột sau gáy. Suốt năm tháng bù đầu vào công việc,  hết công việc là những trận nhậu quên mình. Khoảnh khắc cho gia đình nặng như sự im lặng, khoảnh khắc cho em ngắn và đen như tiếng cú đêm, khoảnh khắc cho nhân vật truyện ngắn buồn rụng rời mấy đốt lóng tay. Mình còn ghét cả chính mình huống chi là…. “Một đàn ông tốt”, hay hiện thân đích thực của con người phức tạp, luôn tự làm đau khổ mình, làm rắc rối thêm cho mình? “Em, có khi nào em nghĩ trái đất sạch những rắc rối, phức tạp, cũng như con người không còn mâu thuẫn với chính mình thì cuộc sống sẽ trở nên quá đơn điệu hay không?”. “Em không nghĩ thế, nhưng biết đâu lại thế. Riêng tình yêu thì đích thực là một bài ca, phức điệu làm nên giá trị chứ không tự hủy giá trị…”.
Chỉ vì cái tin nhắn một chữ B viết hoa mà sáng hôm sau tôi phải chạy xe máy hơn chục cây số trong sương, lên đồi xuống dốc, vòng phải rẽ trái để sang phố núi với em. Dường như chuyện đó đã trở thành một thói quen hạnh phúc. Em chờ tôi cùng với những mảng sương thở gấp, những tia nắng chưa kịp thức giấc. Chủ quán vẫn còn ngái ngủ với chiếc váy và khuôn mặt nhàu úa như đôi mắt em. Thấy tôi, bỗng dưng đôi mắt ấy rực sáng kỳ lạ. Dường như  có một người đàn ông lạnh lùng, thô thiển vừa bước ra khỏi cuộc sống của em.
-Em đã nhân lên chưa?- Tôi hỏi thay cho lời chào buổi sáng.
Em vẫn mải mê theo đuổi một hạnh phúc bất chợt nào đó.
-Nhân 10 ấy mà.
Thay vì trả lời, em cười cười đọc thuộc lòng tin nhắn của tôi: “Em buồn 1 là anh buồn 10. Cứ thế mà nhân lên”.
Và rồi chúng tôi lại ngồi với nhau, cùng với sự tĩnh lặng và tinh khiết  của sớm mai vùng rừng núi. Ngồi cho đến khi phố lịch kịch bắt đầu cuộc sống minh triết của ngày mới. Và người đàn ông lạnh lùng trong em tan dần theo sương. Đến lúc nào thì ông ta trở lại, không cần biết. Chỉ cần biết có thể trưa nay, hay 0 giờ tối nay, tôi lại nhận được tin nhắn một chữ B. hoặc một chữ Nh. của em. Cho nên, chúng tôi rất cần những khoảnh khắc như lúc này, giống như con người cần khí trời để sống, hạnh phúc cần tình yêu để thăng hoa.
                                     
                                                                      T. Đ.
                                       (Hội VHNT Quảng Nam - ĐT: 0908545656)



           Tiêu Đình
                                TỪ BÓNG MÌNH NHÌN RA
                                                                                 Truyện ngắn

Tôi bay, bằng một kiểu bay rất lạ, như người bơi sấp bỗng chuyển sang bơi ngửa, bơi nghiêng, bơi đứng, lặn hụp, chao đảo, cuộn xoay, rướn cao, rơi nhẹ….
 Nhẹ tưng như vừa rủ bỏ được tất cả âu lo trần thế.
Tôi không còn nhớ hàng lô những con số di động phải nhớ, phải lưu, lịch công tác hằng tuần dày đặc những cuộc họp như nỗi ám ảnh khiếp hãi về một cái gì đó vô hình mà vô cớ đeo bám mãi cuộc đời. Tôi như con mối cánh nhỏ xíu trốn chui nhủi trong hang tối, gặp cơn mưa rào đã đời bay túa ra dọc ngang đầy sân, hả hê tắm mưa. Mặc cho sau đó chúng ướt cánh chui nhập xuống đất bùn nhão nhoét để làm mồi cho lũ cóc đói. Cảm giác thích thật! Ít ra cũng giúp tôi bớt thấy nhàm chán về cái trơn tru, mực thước và bình ổn đến tẻ nhạt.
Hình như là nó, chính nó - cái thằng Bồng dạy cùng trường. Vẫn nụ cười không biết thật hay đùa. Nó lẩn vào đám mây xanh rồi ôm chiếc cặp da cũ mòn dính đầy bụi phấn đĩnh đạc bước ra khỏi lớp học. Vẻ đạo mạo vụt mất, thoáng thay vào đó một chút nham hiểm, cao ngạo. Bằng phần người dính hai chân hơi lệch nhau do tác hại của chất độc da cam đi-ô-xin, nó dạo trên hành lang quen thuộc có lá vàng bay lăn tăn. Phần người còn lại của nó, mọc dài ngoẵng cánh tay kéo phét-mơ-tua, thắt cà-vạt, đánh bài tiến lên… nó bay theo tôi. Chắc là chúng tôi đang chơi trốn tìm. Nhưng nó tìm tôi hay tôi tìm nó thì chả biết. Vẳng nghe câu thơ của ai đó: “Suốt đời kiếm, suốt đời rơi, để tìm”. Có lúc chúng tôi nhập vào đường bay của nhau, rồi tách làm đôi với một nửa tôi và một nửa nó. Cũng có lúc bay riêng mỗi đứa một phương, tôi chẳng nhận ra nó và nó cũng chẳng nhận ra tôi. Chúng tôi bay cao khỏi mặt đất mù bụi, nhão bùn, bay thật xa bảng tên trường có gãy một nét chữ N đã hơn một năm nay, bay thật xa những phòng học có kích cỡ giống nhau như đúc, câu khẩu hiệu bằng đầu bằng đuôi và cùng một màu chữ trắng trên nền xanh. Đến khi nghe câu nói quen thuộc của đứa học trò cá biệt: “Thầy là thầy giáo chứ đâu phải thầy chùa” tôi bỗng giật mình, sững người như một chiếc xe bị thắng gấp. Tôi thấy bóng mình in rất rõ trên nền nắng chiều loãng gió với đầu tóc cắt ngắn ngô ngố như cái thằng bị “chập mạch”, áo trắng dài tay cài nút và nai nịt cẩn trọng, đôi san-đanh mòn vẹt, lõm in dấu vết những ngón chân của loài vượn cao cấp.
Xung quanh tôi đầy tăm tắp học trò, đứa nheo nhút, đứa quý tộc, đứa phệu má, đứa gió bay…. Tôi cảm thấy mình ngứa ngáy khắp thân thể, rồi từ mỗi lỗ chân lông mọc ra tua tủa những chiếc lông nhọn và cứng, như lông nhím, xù ra rùng rợn. Tôi trườn người tới định tát cho thằng học trò cá biệt một cái tát tai hết cỡ mạnh, nhưng tôi đã bị mất đà ngã chúi vào không trung, đầu chẳng đụng trời, chân chẳng chạm đất. Nói đúng ra là một chân đạp đất, một chân lơi khơi mây gió. Hắn biến đâu mất tiêu, thả rớt lại câu nói cùng với nụ cười vô thưởng vô phạt: “Mà thầy chùa bây giờ cũng xe máy, di động như ai…”     
Tôi mở mắt. Đầu nặng trịch, cổ khô đắng. Ánh sáng chụp xuống từ chiếc đèn nê-ông viền tua sắt mạ vàng làm chói mắt khó chịu. Tôi cầm chai nước lọc để sẵn trên bàn nốc một hơi đã đời thằng khát. Mát lạnh chạy vào tim gan phèo phổi, lên óc. Và tôi kịp nhận ra áo quần mình xộc xệch quá, không xứng với chiếc giường nệm trắng sạch phẳng phiu, thơm phức mùi nước hoa gợi cảm. Soi mình vào mảng gương lớn gắn trên tường tôi chợt nhớ hình như trong say-tỉnh-tỉnh-say tôi đã nhận ra mình có bộ râu rất giống với thằng Bồng. Bộ râu con đực lóng lánh sợi bạc vẫn phải kỳ công rà cạo hằng ngày, bộ râu chưa bao giờ chịu yên phận râu, dù đó là lúc đọc thơ trên bục giảng hay ăn thịt chó uống rượu gạo ngoài vỉa hè. Rồi đêm đêm, râu của tôi và nó vẫn thức để cố chui ra khỏi lớp vỏ bọc bằng da. Chỉ một sáng lơ đễnh quên cạo râu như con rắn quên lột vỏ sống đời là tôi và nó có thể sẽ trở thành hiện tượng lạ của trường lớp và của cái xóm trung du chỉ cần mở nút rượu gạo ở cực đông thì sau ba mươi giây ở cực tây mọi người đều say khướt. Có phải vì sự tương đồng ấy mà tôi thích cảm giác trốn tìm với nó trong mơ? Và sợ hãi khi đối diện với nó trong phòng họp hội đồng sư phạm? Nhất là ở những nơi ăn chơi quên đời như tại khách sạn năm sao này?
Thằng An, đứa học trò cá biệt của tôi, đã bỏ đi tự lúc nào. Có lẽ tôi nên gọi hắn trở lại để nói dứt khoát rằng tôi phải rời khỏi nơi đây, càng sớm càng tốt. Rõ ràng là tạng người của tôi không phù hợp với những nơi như thế này. Lúc nãy tôi chỉ thích chơi trò ú tim với thằng Bồng chút thôi. Cho vui. Còn bây giờ là lúc tôi đang tự ru mình bằng ba mươi năm dạy học với mười năm là giáo viên giỏi cấp tỉnh có gần hai chục sáng kiến kinh nghiệm được đẻ ra như gà đẻ trứng. Với tay định cầm cái di động, tôi bỗng nghe bên ngoài hành lang có tiếng dép lẹt xẹt. Tiếng dép vừa thoáng vẻ cam chịu của người mẹ thống khổ, vừa dè dặt so tính như bước chân nhẹ nhàng, đứt quãng của cô gái trẻ ngày đầu về nhà chồng. Chị tôi, cái thời hay dậy sớm nấu cơm đùm bằng mo cau cho cha lên rừng đốn củi, cũng sở hữu những bước chân tương tự như thế. Tiếng chân dừng lại sát cửa phòng, e dè. Trong sự yên lặng đột ngột, tôi thấy khuôn mặt thằng An cười rạng rỡ: “Em biết hồi xưa thầy không ưa gì em và em cũng chẳng ưa gì thầy. Chỉ vì em học dốt, lại nghịch mà thầy thì bao giờ cũng nghiêm khắc và mẫu mực quá chừng. Nhưng bây giờ lớn rồi, chuyện cũ đã qua, nghĩ lại em thấy thương thầy, thương thật sự. Không dễ gì có dịp gặp thầy ở đây, xin phép cho em được chiêu đãi thầy một trận cho ra trò…”.
Đèn phòng vụt tắt. Mùi phụ nữ tràn vào và cửa phòng khép tách một tiếng trong veo. Chưa kịp nghĩ ra phải thể hiện vai trò làm thầy, làm người của mình trong giây phút ấy như thế nào thì cái mùi vừa quen vừa lạ ấy trùm lên tôi. Đôi bàn tay mềm mại câm điếc lần cởi những hạt nút áo đang còn nồng mùi bia. Hơi thở trẻ trung khiến tôi bừng tỉnh, rạo rực như đang say đắm một phần bài giảng ngoài giáo án. Cả đời mình, đây là lần đầu tiên tôi nhận được sự chăm sóc bản năng một cách kỳ khôi như thế, sự chăm sóc của người khác giới mà mình không nhìn rõ mặt, trong im lặng rờn rợn của thứ bóng tối đồng lõa. Thú thật, tôi không quen với kiểu ve vuốt không cần lời, với cách âu yếm không cần biết khuôn mặt của nhau đen trắng thế nào.
- Bỏ tay ra, lại bật đèn lên. Ai cho cô tắt đèn!
Tôi hét lên bằng cái giọng của một thầy giáo khó tính đối với đứa học trò bướng nghịch. Đôi bàn tay giật mình, chững lại. Rạo rực nằm im xo ở một góc tối, rồi tan dần.  Hình như cảm giác đang nói thầm với cảm giác điều gì đó mãi bí ẩn. Như chỉ thấy bóng mà không thấy hình, thoảng nghe gió mà không thấy gió, nhìn biển mà vẫn không phát hiện ra dòng hải lưu dữ dội ẩn sâu dưới đáy. Bàn tay cụt hứng nằm im, rồi hình như run nhẹ và cuối cùng là hẫng hụt bỏ thỏng thờ xuống thành nệm. Không nghe tiếng thở dài hay tiếng cười tiếng khóc nào cả. Buổi trưa khô cong rồi bị xé vụn như con mực nướng sáng nay. Mùi đàn bà sệt đặc, chua lét. Im lặng rờn rợn nằm chống chọi giữa cột chặt và thả lỏng, âm mưu và trống rỗng.
Tôi lại trông thấy hắn, cái thằng An học trò cá biệt, đang bật nắp bia cụng mời và rút di động a-lô búa xua. Một tay hắn thọc sâu vào túi quần, tay kia điệu nghệ cầm ly, hơi nghiêng người, đá cốp vào ly người khác: “Xin mời, một trăm phần trăm, dô!”. Rõ là hắn đã trưởng thành hơn mức suy nghĩ của tôi, từ kiểu cách cầm ly, uống bia, đi đứng, nói năng cho đến… cười. Có phải con người ta khi thành đạt thường chọn cho mình một kiểu cười riêng, to và hãnh tiến hơn? Chả bù với hồi xưa, chỉ trừ mỗi sự nghịch ngợm tinh quái thì cái gì ở hắn cũng lù đù thấy mẹ. Rồi cũng chính hắn, bằng cái giọng đã ướt nhèm bia rượu, vừa tự mãn nói, vừa ấn vai thầy lọt vào bên trong cánh cửa phòng có mùi nước hoa gợi dục trước khi bước xuống cầu thang khách sạn: “Thầy yên trí, an ninh vùng này đã có em lo…”.
 - Không, chả ai lo được cho ai bằng chính mình lo cho mình - Tôi chưa kịp nói thì hắn đã biến mất.
- Bật đèn lên! Tôi đã nói bật đèn lên kia mà. - Giọng của tôi dứt khoát, tỉnh và dịu hơn.
Thay vì im lặng trùm lên im lặng, tôi nghe có tiếng khóc lớn dần. Tiếng khóc sao mà giống hệt tiếng khóc của mẹ tôi, chị tôi những năm tháng bao cấp phải mót lúa, ăn củ mà vẫn không đủ tiền nuôi tôi học tiếp. Rồi những bước chân vụt chạy ra khỏi phòng, không e dè như trước đó. Cánh cửa phòng chợt loáng sáng rồi lập tức bị đóng ầm, tối đen. Dường như có nỗi đau nào đó vừa được thắt thành dây dài, kéo lê theo những bước chân phụ nữ, từ chỗ chiếc giường có tấm phủ nệm trắng toát len qua cửa, ra hành lang sâu, xuống cầu thang và mất hút. Tiếng khóc cũng mất. Còn lại sau khi đã mất tất cả là tôi, đang cố nhớ  mình ở đâu, say hay tỉnh, còn sống hay đã chết? Thằng An đã đưa mình vào đây hay là ý thức tự chọn? Nhìn từ bóng  thì hắn là đứa học trò cá biệt hay là nhà doanh nghiệp thành đạt? Nhìn từ hình thì đời hắn và đời tôi có khác nhau không?
Tôi bấm số thằng An lần thứ hai vẫn nghe máy bận. Thôi đúng rồi, cái thứ cá biệt muôn đời vẫn cá biệt. Hắn đã lừa tôi? Tôi định bụng sẽ vơ vội tấm áo vét vứt bừa trên sa-lông, tông cửa thoát nhanh ra khỏi cơn mê muội vừa lỡ dại chui vào thì bỗng nghe có tiếng gõ cửa. Ông chủ khách sạn năm sao bụng phệ, mặt tròn, lùn tịt, mặc áo lụa nền xanh hoa đỏ cúi chào lễ phép: “Xin lỗi ngài, em út còn nai tơ quá nên e ngại, xin ngài chờ cho giây lát rồi em sẽ lên hầu ngài!”. Gì nữa đây? Lại một cuộc chơi trốn tìm trong mơ với thằng Bồng? Giữa lúc đang lớ ngớ như bị mất giáo án, tôi thấy số máy của  thằng An sáng lên. Mừng quá! “A lô, thầy hả? Ông chủ vừa cho em biết sự cố. Thầy cứ bình tỉnh án binh bất động ở đó đi nhé, em sẽ đến ngay…”
Không còn cách nào khác là phải chờ hắn đến. Cơn say vừa tan thật nhanh, nhanh đến độ tôi đủ bình tỉnh để tự vệ bằng cách chỉ hé cửa phòng quan sát động tĩnh bên ngoài mà không dại gì ngang nhiên bước ra ngoài thứ ánh sáng lắm điều trong tư thế của một đấng mày râu dại dột. Trong cơn say tôi vẫn biết sợ ai đó sẽ trông thấy mình, trông thấy một nhà giáo mẫu mực đã gò khép mình để sống hơn ba mươi năm như một nhà sư. Có tiếng khóc nửa trẻ con nửa người lớn từ dưới lầu một vọng lên. Hình như tiếng khóc đang bị kéo lê, nó chơi vơi, gãy khúc, nhão nhũn, ướt nhòe…Hai người, một đàn ông mặc đồ bảo vệ và một phụ nữ son phấn, mập phệ, đang kéo hai tay một em bé độ mười chín đôi mươi lên từng bậc cầu thang. Mái tóc cháu hoe vàng xòe phủ cả vùng lưng nửa kín nửa hở. Tiếng khóc như tiếng thét, hai gót chân trần nứt nẻ màu bùn khoèo vào tam cấp trì lại khiến cho cặp đùi non lồ lộ bị kéo căng thêm, một mảng bụng hở trắng. Đến khi mặt cháu xoay về phía tôi thì mấy hạt nút áo bị đứt xạch, cả vùng ngực cháu gần như mở toang. Khuôn mặt quen quen, cái nốt ruồi như giọt máu đen khô đọng dưới mắt trái.
Tôi đóng sầm cửa. Ông Định đang đứng đối diện với tôi từ lúc nào trong phòng kín. “Chào thầy giáo”, vẫn giọng đàn ông nhỏ nhẻ như phụ nữ và nụ cười hiền như đất cục. Ông Định bị dị tật từ hồi còn bé, một chân đi như người ta đứng đinh tấn, kéo lê chân sau như dài hơn, như không có xương bánh chè đầu gối nên thẳng cứng giống khúc củi; tay phải cầm xấp vé số, tay trái thả thõng thượt rung rung như người mắc bệnh kinh phong. Chiếc mũ nỉ trên đầu hình như mua đâu từ thời Bảo Đại mới chui ra khỏi bụng mẹ. Ông Định vẫn lê thân như thế với xấp vé số trên tay, với trang phục có vẻ lập dị như người tâm thần, suốt từ những quán ăn nhậu nhập nhòe tối sáng đến những sạp bán hàng ngoài chợ xã, những con hẽm bụi bùn nhiều hơn không khí. Có khi chỉ thấy ông nhìn đất, không biết có trời trên đầu. Có khi chỉ thấy ông nhìn trời, nào hay biết đất là gì. Có khi thấy ông gối đầu nằm nghỉ trên cỏ, dưới bóng cây ven đường. Người dân trong vùng không ai lạ gì về một ông Định với tư thế sống như vậy. Họ chỉ lạ một điều là sao không ai lo giúp ổng một chế độ trợ cấp xã hội nào đó, như chế độ nạn nhân chất độc da cam chẳng hạn. 
Buồn cười, vậy mà lý lịch nhân thân của ông đen thui như lọ nghẹ. Sau khi nước nhà thống nhất vào năm 1975, ông bị công an xã gọi lên tra hỏi và bắt viết bản tường thuật, kiểm điểm nhiều lần vì ông có tên trong danh sách đảng viên đảng Dân chủ của chính quyền cũ. Hóa ra ông Định làm CIA gì đó cho địch, dân làng ngớ ra, trố mắt nhìn nhau, số bênh vực, số thêu dệt thêm đủ sắc màu. Ông Định lúc đầu hoảng quá, da mặt tái xanh như lá chuối, sau lại cười hề hề: “À, tui biết rồi, rứa là tui bị ghi tên hồi mô không hay. Số là tui có làm liên gia trưởng một thời gian, chức vụ như ông đội trưởng đội sản xuất bây giờ đó mà. Chữ nghĩa chi mô mà làm, chỉ vì thanh niên bị vét ra chiến trường hết, còn lại thằng què này như không chó phải bắt mèo ăn cứt. Tui không làm gì có tội với bà con, xóm làng đâu”. Chính quyền xã lúc đầu còn hằm hè với ông dữ lắm, sau biết tỏng mọi việc xề xòa cười hòa nhau cả làng. Còn người dân trong xóm thì phán một câu đanh gọn như lời chửi đổng, chẳng biết là chửi ông trời hay ai đó: “Ác thiệt!”
Trước khi tôi đi xa chuyến này ông Định có gặp tôi khoe về con Chút: “Nó học cái gì, à trung cấp nghề. Xong, xin việc miết không được nên đành phải quay về cuốc đất lật cỏ với mẹ nó. Ai cũng nói thời đại ni cái bằng trung cấp chỉ để cho bò gặm, người ta đại học tràn tràn ra đó còn thất nghiệp. Bữa ni tui nói cho thầy giáo mừng, nó xin được việc rồi. Thỉnh thoảng có gửi tiền về cho gia đình. Việc chi không rõ, nghe nói cũng khổ cực lắm nhưng có được đồng ra đồng vào. Không như vợ chồng tui, đất ruộng nằm chềnh ềnh ra đó mà đồng tiền đi đâu vắng hoét, mỗi lần có đám đình là bí xở. Không lẽ mình hốt đất đi ăn giỗ hay mừng đám cưới nhà người ta. Thôi, ly nông ly hương gì đó vợ chồng tui cũng vui rồi, có nhắm mắt cũng thỏa mãn”. Nói những câu này, mắt ông Định sáng lạ lắm, tay trái vẫn rung rung như thường ngày nhưng trông lại giống đang vui nhịp khúc ngày mùa: “Ngày mùa vui thôn trang, lúa reo như hát mừng…”.
Bài học địa lý từ sách giáo khoa, rằng đồng bằng miền Trung dài và hẹp, đất xấu, nắng nứt đất, mưa rục lúa. Gia tộc ông Định vận dụng đã mười hai đời nông nghiệp mà vẫn không khá nổi. Đến đời con Chút khả năng mọi việc sẽ thay đổi, như thằng An đã bỏ quê từ hồi dang dở cấp 3, bây giờ trở thành sếp của một công ty trách nhiệm hữu hạn về địa ốc. Ai còn dám nói hắn là đứa cá biệt học không ra chữ, tuần nào cũng bị thầy cô phê bình dưới cờ? Ai dám nghĩ nó không biết ơn thầy cô khi chẳng chút đắn đo quẳng tiền như lá chiêu đãi thầy cũ từ A đến Z? “Tui nói cho thầy giáo mừng…”, tôi nên mừng hay nên buồn cho ông Định, thằng An, cho con Chút đang van khóc ngoài hành lang vì một lẽ đổi đời? Còn tôi, nên lột vứt đi cái bóng hay giữ nó lại như một kỷ vật, giống như ông Định thà chịu héo khô một đời như củ khoai cây lúa bị nắng hạn chứ nhất quyết không bỏ đất.  
- Mở cửa Thầy ơi!
Thằng An vừa nói vừa gõ cửa lộp cộp. Trông thấy bộ mặt lá héo của tôi, hắn tròn mắt: “Em xin lỗi thầy, vì phải có việc gấp với đối tác nên đã bỏ thầy một mình. Con nhỏ hồi nãy hình như biết thầy từ lúc bước vào khách sạn nên không dám tiếp. Em đã dàn xếp với chủ đổi một em khác cũng chân quê dễ thương lắm, thầy gặp là thích ngay. Em biết tính thầy mà!”. Tôi nhìn chăm vào đôi mắt thằng An và chợt nhận ra trong đó cái lém lỉnh của một đứa học trò cá biệt đã được thay bằng sự trải đời bao dung và chững chạc hơn, ít ra là lúc đang nói chuyện với tôi. Đến nỗi nào cứ như tôi nghĩ hắn đang chơi trò tặng con Thúy hoa khôi của lớp một gói kiến lửa bỏ trong bao ni-lông.
- Không, thầy không thấy hứng thú nữa, em đưa thầy về đi.
- Sao vậy, thầy! Hồi xưa thầy nổi tiếng là người có lập trường mà bây giờ lại thay đổi ý kiến xành xạch như thế. Lâu lắm em mới gặp lại thầy, không lo được cho thầy em thấy áy náy lắm.
Ông chủ khách sạn năm sao lùn tịt cúi chào lễ phép với lời xin lỗi lịch sự. Chiếc Cevic đời mới vèo ra khỏi khách sạn. Bên ngoài màn kính đục, phố buổi chiều đặc người xuôi ngược. Bên trong, ông Định đang băng qua cái hàng rào bằng gai tre khô và cỏ dại đi tắt vào nhà tôi. Chỉ một vài nhà trong xóm còn lại cái hàng rào gai tre như di tích một thời tàn của đời sống cộng đồng. Hầu như tất cả đều đã thay bằng hàng rào xây gạch, trụ xi măng, gắn lưới B40. Tôi nghiệm ra từ tín hiệu phố hóa ấy, người ta dần dần ít qua lại với nhau hơn, cổng nhà đóng kín nhiều hơn là sống cái thời bình “cửa thường bõ ngõ”. Con gà con chó cũng tuyệt nhiên không thể nào chui qua bốn bức tường gạch. Vợ tôi thấy người ta rầm rộ xây hàng rào cũng giục, hay ông tiết kiệm bớt khoản nào đó để xây luôn cho rồi. Tôi chần chừ vì mình và ông Định cũng nhờ còn lại được cái hàng rào không ra hàng rào ấy mà thân nhau hơn. “Thầy giáo ơi, con Chút nhà tui học hành tối dạ quá, trăm sự nhờ thầy giúp đỡ. Nói thiệt với thầy, vợ chồng tui chỉ có nó, kiếm được ít chữ nghĩa may ra nó còn được sướng hơn đời cha mẹ. Tui lê la than già khắp nơi vậy đó mà mỗi ngày có kiếm được bao nhiêu tiền đâu, còn mẹ nó thì dầm mưa dãi nắng suốt cũng không đủ tiền lo chuyện phải không với bà con xóm làng”. Dáng ông Định khi băng qua lối mòn tấp hờ gai tre vẫn như chân trước kéo theo chân sau nặng nề, đau khổ, thân hơi nghiêng về một bên, tay trái dài thỏng, rung rung, lúc như múa, lúc như đang lên cơn kinh phong.
-Thầy ơi, ngày mai thầy mới có công việc, chừ còn sớm quá về lại nhà khách phí thời gian lắm. Hay thầy cứ đi chơi tiếp với em đi, thầy muốn gì em chiều cả. Lâu lắm và cũng căn duyên lắm thầy trò mình mới có dịp gặp nhau nơi đất khách quê người đúng vào lúc em đang rảnh việc.
-Thôi, chơi như thế đủ rồi. Từ sáng đến giờ chứ đâu phải ít. Thầy nghe không khỏe trong người, về nghỉ sớm là tốt hơn.
-Thầy lúc nào vẫn vậy, khép mình mẫu mực quá mau già người thầy ơi. Tụi em hả, đã chơi là chơi cho đến bến, mới cảm thấy đời nhẹ nhàng, cuộc sống thoáng đãng. Từ chơi mà làm ra tiền thầy ạ. Thầy mà xả hết stress làm việc mới có hiệu quả.
Đến bến là tới đâu? Hình như tôi thích chơi với bóng mình hơn, nên sau đó trong căn phòng khách mà Sở Giáo dục tỉnh bạn bố trí, tôi với thằng Bồng lại tiếp tục đuổi bắt nhau bằng cách bơi sấp bơi ngửa theo gió, rồi lượn lờ theo mây. Nó chao về hướng Tây, tôi rẽ sang hướng Đông. Hai thằng lúc đầu còn cười vui như sáo tập nói, sau buồn chán tôi lại nhập vào nó thành một lắp ghép lạ đời. Nửa đầu tôi dính vào đầu nó hóa thành hình thù nửa quỷ nửa người. Một tay tôi thõng thượt, xoay tít như máy, chân phải thẳng đơ giống chân tay ông Định. Con Chút hiện ra với mái tóc khét nắng được nhuộm hoe vàng. “Không, em không phải là con Chút, em là Lan, Ngọc Lan”. “Đừng có mà dối trá, thầy đã nhận ra em rồi, bác đã nhận ra con rồi: đôi bàn chân nứt nẻ mùi bùn, màu da đất cát hở toang một vùng bụng và cái nốt ruồi ở má trái như giọt máu đen khô quánh. Lại tiếng khóc, tiếng van xin quen đến đau lòng ấy thì không thể nhầm lẫn vào đâu được. Cháu là con ông Định bên xóm chứ gì?”. Nghe đến đó con Chút bỗng khóc thét lên như đứa con nít bị quất roi mây vào mông, nước mắt chảy tràn ra từ đôi mắt ông Định. Rồi hai cha con ôm nhau cùng khóc. Thằng Bồng vẫn bình tâm như chưa hề xảy ra sự cố, còn tôi bỗng tan biến mất tiêu như hạt mưa vừa rơi phạch xuống nền sân đất.
Tôi nhớ lời ông Định kể về con gái mình, nó xấu xấu thinh thinh như thế nhưng được cái là có hiếu lắm. Nó quyết kiếm cho được thật nhiều tiền để tôi đừng đi bán vé số nữa, mẹ nó khỏi phải nướng thân trên nóng dưới nóng. Tui thì chỉ mong nó có chồng con cho rồi, xấu tốt gì đó lấy đại một thằng rồi lo làm ăn. Nhưng nó cứ lắc đầu, hồi mô đổi đời được, cha không còn lê cái thân dị tật ấy đi bán vé số khắp nơi con mới lấy chồng, không thì người ta sẽ khinh mình. Nghĩ cũng đúng thầy giáo hỉ, thời mô nghèo cũng khổ, cũng bị người ta khinh.
Ông Định, thằng An, thằng Bồng, Con Chút cứ theo tôi suốt cả chuyến tham quan không mấy thú vị. Ngày mai tôi lại phải đến lớp với học trò, với công việc quen như hằng ngày cầm đũa gắp thức ăn. Và cái mặt ngạo đời của thằng Bồng. Và cái bóng của tôi. Cố dỗ một giấc ngủ cho nhẹ đầu óc, nhưng bên kia tường rào bằng gạch tiếng nhạc mở quá cỡ vẫn oang oang: “Ta mơ một mái nhà tranh, ta mơ một túp lều tình, đời mình đẹp mãi với anh và em…”. Con Vàng bỗng giật mình sủa lên hai tiếng rồi im bặt. Ngồi dậy nhìn ra, tôi thấy con Vàng đang hướng mắt về phía nhà ông Định, ngoắc đuôi. Con Chút, đúng là con Chút. Nó xuất hiện hơi bất ngờ khiến tôi chưa kịp nghĩ là nên lùi vào trong bóng tối hay bước hẳn ra vùng sáng ngoài sân để tiếp nó.
-Con chào thầy!
Im lặng. Cả tôi và nó đều im lặng. Như nó đã nhận ra tôi từ lúc mới bước vào khách sạn năm sao và tôi đã nhận ra nó từ cái nốt ruồi và tiếng van khóc quen thuộc. Mỗi lần bị cha mẹ mắng mỏ nó vẫn thường hay van khóc như vậy. Sự im lặng rờn rợn như căn phòng được tắt hết ánh đèn. Tôi bước ra ngoài hiên còn héo hắt chút nắng cuối ngày. Nó bỗng quỳ xuống:
-Em van thầy, em xin thầy, thầy đừng nói với cha mẹ em…
Không phải tôi đang quỳ mà đôi chân tôi bỗng khuỵu xuống, như không chịu đựng nỗi sức đè của bóng mình. Hai tay cầm phấn hơn ba mươi năm trời mở ra đỡ lấy đôi bờ vai run run của con Chút. Nó khóc òa, tiếng khóc nửa người lớn, nửa đúng là của đứa con nít bị quất roi vô mông. Nước mắt giàn giụa. Bóng tôi mất tiêu trên nền sân gạch lỗ chỗ bóng lá. Buổi chiều nhão mềm như nước mắt.
                                                           
                                                              Tiêu Đình
  Ghi chú về tác giả:  Tên thật NGUYỄN ĐÌNH QUÝ
   Hiện đang công tác tại Hội VHNT tỉnh Quảng Nam
     Đt: 0908545656. Email: tieudinhdq@gmail.com                                             
 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét