Tiêu
Đình
NHỮNG
MẢNG GHÉP
Truyện ngắn
Vợ hắn từ lan can lầu ba nhảy xuống đất. Một đống
xương thịt nằm úp mặt trên máu. Nửa năm sau, cha con hắn dọn đến một ngôi nhà
thứ hai nằm trong khu đô thị được quy hoạch sát bờ biển.
Nhà bán như
cho. Với tôi, chỗ bạn bè thân tình, giá càng hữu nghị. Nó nói, cái chết ám ảnh
ghê quá nhưng kỷ niệm đẹp vẫn muốn giữ. Mày ở đây thỉnh thoảng tao còn có dịp
đến chơi, chứ qua tay người khác coi như là… đứt tiêu mất gốc. Hắn cố tránh
không đồ chuyện sống chung với oan hồn để canh giữ kỷ niệm, tôi vẫn nhìn thẳng
vào mắt hắn: “Dễ rồi, tao quá ớn nơi đông người ồn ào nên thấy ở đây hợp lắm.
Hơn nữa, sống chung với ma quỷ quen rồi, vứt đâu cũng chả sợ”.
Chiếc loa phóng thanh treo chót vót trên ngọn me tây
đánh thức tôi mỗi ngày. Có lúc tôi bất ngờ giật mình vì nhạc hiệu chưa kịp
chỉnh âm đã oang oang dội ngược vào giấc mơ thả diều bắt chấu. Có lúc tôi mở
mắt nằm chờ thứ âm thanh quen thuộc ấy như ngái ngủ, nghẹn lại ở đâu đó nghe
rin rít rồi mới bật ra thành nỗi niềm.
Lâu lắm tôi không còn nghe thứ âm thanh đồng hành cùng
ngày mới ấy nữa. Không biết do chiếc loa bị hư sau bão Nari chưa kịp sửa hay do
chương trình đã thay đổi giờ. Bị nghe mãi cũng phiền, nhưng vắng chúng lại thấy buồn. Thay vào đó, tiếng đập đá lanh
canh của chị Bình từ bờ hồ vọng lên như cố nhắc tôi rằng trời đã sáng. Đâu
chừng mấy phút sau, tất cả đều bị nuốt chửng trong xô bồ tiếng xe cộ qua lại,
tiếng học sinh vừa ăn sáng vừa đùa giỡn, tiếng nhạc mở hơi lớn từ quán cà phê
My love.
Tôi khởi đầu và kết thúc một ngày thường là từ trên
sân thượng. Sân rộng chừng hai mươi mét vuông, dễ nhận ra sự thiếu vắng bàn tay
chăm sóc. Bộ bàn ghế bằng đá có hàng chữ đề tặng của công ty Vina Stones nào đó
đóng bụi nham nhám. Mấy chậu sứ trắng, hoa giấy, mai tứ quý… héo nhàu vì thiếu
nước. Những chỗ trũng của nền gạch hoa đóng vàng ố màu đất bụi lâu ngày. Hồi
còn ba hắn, những chậu cảnh này được ông trồng hành, gừng, ớt, sả…. Đây cũng là
thế giới riêng của ông thiếu tá về hưu những buổi sớm mai, những tối sáng
trăng. Ông nói, dưới nhà gần đường quá, ồn ào, sống không quen!
Tôi thích ngồi lỳ một mình trên sân thượng lúc trời
chưa kịp sáng hay khi phố đã về khuya để nhìn xuống lòng hồ lung linh màu vàng,
đen, ánh bạc của đèn nê-ông, bóng cây, trăng sao…. Dấu hiệu dịch chuyển cuộc
sống bắt đầu từ đây với những người tập thể dục buổi sớm cứ nhiều dần, bờ hồ
nhạt bớt ánh đèn và mấy xe bán nước, bán quà vặt bắt đầu nhộn nhịp cùng đám học
trò của một ngôi trường gần đó. Hồi tôi mới đến, việc bán quà vặt trên vỉa hè
bị cấm ráo riết. Chủ của những chiếc xe nước cút kít kiếm sống mỗi ngày được
mời về phường để quán triệt chủ trương. Xe lại được đẩy gửi nhờ quanh đó. Vài
người vẫn liều mạng đập đá vừa canh chừng đội kiểm tra của thành phố. Rồi bỗng
một hôm, những gia tài di động ấy lù lù xuất hiện rầm rộ. Hiện ẩn, ẩn hiện rồi
cuối cùng chúng cũng tồn tại như một thứ triết lý mới: được quy hoạch thẩm mỹ
hơn quanh bờ hồ thoáng mát.
Khuôn mặt chị Bình, một trong những chủ xe nước, giãn
ra bớt nhăn nhúm hơn, mừng quá chú ơi, ảnh (chồng chị) đi làm thợ hồ trong Nam,
mỗi năm về được vài ba bận, hai đứa con giao hết cho tui. Cấm bán như vừa rồi tui biết lấy chi mà sống, chưa nói nuôi con.
Tôi nhớ hai mắt chị Bình mở tròn vo khi tôi giao hẳn cho chị một chìa khóa cổng
để tiện việc đẩy xe vào gửi trong sân: “Không dám, không dám đâu chú ơi. Lỡ mất
mát đồ đạc chi trong nhà…. ”.
Thi thoảng lại thấy chị Bình móc vào cửa nhà hoặc xe
máy của tôi một bọc ni-lông đựng gói bánh hay chai nước ngọt với hàng chữ
nguệch ngoạc ghi sai chính tả: “Gỡi chú mấy chiết bánh để uống trà”. Hôm Tết
chị trực tiếp mang biếu lít dầu ăn thì lại nói tránh đi là dầu nhà chứ không
phải mua bán chi….
Những xe bán nước không còn xếp đều cự ly trên bờ hồ
lố nhố dáng người, nhiều bóng bằng lăng. Hồ được trả về không gian yên ắng và
thơ mộng tự nhiên của nó, tôi vẫn ngồi trên sân thượng một mình để nhìn xuống
lấp lánh sắc màu bên dưới. Hình như chỉ lúc này đèn màu và bóng tối mới có giá
trị của riêng nó. Bằng chứng là đất trời đã cố lung linh hơn, các đôi nam nữ
còn rất trẻ vẫn thường hay tranh thủ bóng phượng sát chân tường rào để tình tự. Khi thấp thoáng thấy họ vùi nhau trên
cỏ, tôi bỗng giật mình nhớ đến hồn ma của chị Thức, vợ hắn. Nơi chị nằm hộc máu
tắt thở chỉ cách chỗ đôi nhân tình đang ôm nhau chừng mươi mét. Cái chết bí ẩn
của chị đã để lại nhiều chuyện kể như giai thoại dân gian. Người nói, ông ăn
chả mà chủ quan không biết rằng bà cũng ăn nem. Đến khi vỡ lẽ mới thấy mình mất
trắng cả chì lẫn chài. Thất vọng, đau buồn, quẩn trí…. Người lại kể, chị Thức
đoan trang hiền thục từ hồi tóc còn thắt tít lủng lẳng hai bên gáy trắng mịn
đến khi về làm dâu một gia đình gia phong bề thế. Chỉ tại chồng thờ ơ mà sinh
ra liều tình rồi liều thân. Như vậy ít nhiều chị vẫn còn chút sĩ diện làm
người, có đâu như những kẻ chỉ biết trơ mặt với cái xấu.
Hắn kể, vợ hắn vì giận đứa con gái rượu hư thân lại lỗ
mãn với mẹ nên làm bậy. Mình sinh con, trời sinh tính mày ơi. Ai đời chỉ mới
cấp 2 mà nó tiêu xài, ăn chơi, yêu đương như người lớn. Trẻ bây giờ không như
mình hồi xưa đâu. Mà khuyên chi cũng không chịu nghe. Hắn kể một thôi dài rồi
kết luận: “Con nít bây giờ dễ hư quá. Giữ như giữ trứng mà cũng chẳng xong”.
Thấy tôi tỏ vẻ không đồng tình với lối quy kết này, hắn im lặng một lát, rồi
tiếp: “Cũng có một phần trách nhiệm của tao trong đó. Tao chủ quan suốt ngày chỉ
lo làm ăn, ít để mắt xem vợ con đã sống thế nào”.
Nhà hắn có một người đàn bà góa trên 40 tuổi giúp việc.
Bà ta làm theo lịch ba buổi trên tuần. Quét dọn, lau chùi tất tần tật từ nhà ra
sân, từ toi-lét đến tủ lạnh. Lương tháng nghe đâu tương đương mức lương khởi
điểm của một đại học mới ra trường. Bà nói, lương chưa đủ nuôi thằng con xin
bên cô nhi viện nên phải chạy bàn thêm cho một quán cơm bình dân ở cuối phố.
Hắn dọn đi được một tuần thì bà đến gặp tôi xin lấy mấy bộ đồ và đôi giày còn
để trong nhà kho. Bà kể, trước hôm chị Thức chết, bà nghe vợ chồng hắn đóng của
phòng cãi nhau dữ lắm. Lúc đầu bà còn đứng bên ngoài cố nghe rõ đầu đuôi sự
việc nhưng khi chị Thức van khóc mắng chồng là đồ vô trách nhiệm, chị mà không
gặp được anh Thạch nào đó thì đời sẽ vô vị biết chừng nào, bà hoảng quá nhẹ
chân bước xuống cầu thang. Chuyện hoàn toàn bất ngờ đối với bà. Kết thúc lần
gặp ấy bà hỏi tôi, chú có cần giúp việc chi thêm trong nhà thì tui giúp cho,
trả công bao nhiêu cũng được chứ tui không đòi hỏi chi mô.
Đối diện với ngôi nhà vắng hai tầng, một sân thượng,
nhiều bóng cây là quán cà-phê-karaoke My love và quán cơm chay Tịnh Tâm. Đây là
những hàng xóm mà tôi hay la cà nhất. Quán cà-phê có mặt tiền khiêm tốn nhưng
chiều sâu khá tiềm năng. Tôi hay tiếp các bạn văn ở khu sân vườn, nơi có những
chậu cây cảnh thiếu nước mà thừa tàn thuốc. Còn hun hút bên trong thì bí ẩn như
kho báu trong truyện cổ. Trang thờ thần tài ở ngay lối ra vào có vẻ như được
chăm sóc kỹ hơn. Lúc nào cũng thấy có lon bia, dĩa trái cây hoặc gói bánh, điếu
thuốc con ngựa cắm vào cọng hương. Thường
thì về khuya những cô gái phục vụ tại đây mới ra ngồi hóng mát hoặc đứng vẫy
tắc-xi gần đường. Cô nào cũng da trắng mịn, nói giọng Nam bộ trong veo, mặc váy ngắn hở
đùi hở ngực. Chủ quán cà-phê là một phụ nữ trên ba mươi tuổi, dễ nhìn, không
chồng, một con, trưởng thành từ một chân tiếp thị bia Tiger. (Theo cách nói của
cô là bia “Tay quơ”). Cô thường đánh bài ngửa
với khách rằng “Không chồng mà chửa mới ngoan…” nên chẳng ai còn ham chọc ghẹo
thêm ba cái chuyện số phận ấy nữa.
Tôi ăn mặn ngày rằm và ba mươi nhưng ăn chay bất kỳ
ngày nào thấy thích. Chị chủ quán tên Tâm, có sức thu hút khách nhờ làn da đẹp,
khuôn mặt phúc hậu và cách giao tiếp ngọt như mía đường. “Khách ngược đời kiểu
như anh không ít, hình như bây giờ người ta ăn thịt nhiều quá, sợ mập, sợ bệnh
nên đổ ra ăn chay. Gọi là ăn chay phong trào ấy mà! Thôi thì phật tại tâm hay
tại xương da gì cũng tốt. Tui còn kiếm thêm được ít đồng.
Tôi thích ngồi lâu với chị Tâm không phải vì chị nói
cười duyên dáng mà vì thích nghe chị kể chuyện. Chị có nhiều chuyện hay từ cái
“quán cơm đời người” và cách kể cũng khá hấp dẫn. Mỗi lần ngồi với chị, tôi
thường thấy nhân vật của mình nhảy múa
tứ tung, chi tiết, ý tưởng trào ra ghi chép không kịp. Một buổi tối đến quán
rất trễ, tôi gặp chị dắt một người đàn ông tiều tụy gần 60 tuổi ra cổng. Hỏi
mới biết ông khách như người nhà này bị mù trên 50%, phải bán vé số hằng ngày
để nuôi thân. Tối nào ông cũng là người ăn cơm cuối cùng tại quán chị trước khi
về phòng trọ. Tiền bán vé số dành dụm được khoảng vài năm gần đây, ông đổ gửi
chỗ chị hai chỉ vàng gọi là để phòng khi đau ốm. Thương tình, chị ít khi lấy
tiền cơm mà thỉnh thoảng còn cho thêm ông mấy đồng để bồi dưỡng sức khỏe. Từ
chuyện người bán vé số bị mù, chị thao thao kể tiếp về một người ăn xin khỏe
mạnh đã lấy tiền của những người hảo tâm để đi ăn bún giò, uống bia. Tôi cười
khi nghe chị kết luận: “Ba cái loại người ấy hả, gặp tui, tui truy đến cùng rồi
chửi thẳng vô mặt cho bõ ghét”.
Cuộc sống hằng ngày của tôi chịu sự chi phối của nhiều
mảng ghép từ nhiều hướng trái, phải, đằng sau, phía trước. Âm ỉ là tiếng con
mọt gặm cánh cửa gỗ, là hơi thở của mặt hồ phả sương. Rõ nét là hổn độn loạn
ngầu những âm thanh rất khó phân biệt. Có thể đó là tiếng trống trường nhanh
chậm, lớn nhỏ mang tâm trạng buồn vui khác nhau của người cầm dùi. Tôi cảm giác
tiếng trống rất giống sóng biển, sóng có khác ở mỗi nơi mỗi lúc, nhưng muôn
thuở sóng vẫn là sóng. Có thể đó là giọng giảng giải đều đều một bài học đạo
đức của cô giáo phụ trách giáo dục ngoài giờ. Tôi thương cô cứ thỉnh thoảng
phải ngừng giảng, xẵng giọng nhắc nhở các em học sinh “giữ trật tự, giữ trật
tự”. Đôi khi giọng cô không đủ bình tỉnh vì phải nhắc đi nhắc lại điều đó nhiều
lần đối với một học sinh cá biệt. Cũng có lúc tôi như nghe được cả những âm
thanh chảy chìm trong các lớp học yên ắng. Ở đó, quê hương chập chờn trong sự
nhảy múa loạn xạ của những trò chơi game, đầu óc trẻ thơ mãi lãng đãng theo một
nhân vật hoạt hình nào đó. Chợt nhớ lời hắn: “Mỗi tuần con mình chỉ có một phần
ba thời gian ở trường, hai phần ba còn lại là của xã hội, khó khăn lắm!”.
Hắn đến chơi. Cúi mặt buồn buồn khi đi ngang qua chỗ
chị Thức hộc máu tươi nằm chết. Chúng tôi lên sân thượng ngồi uống trà. Hắn
khen hồ đẹp quá, những ngày sống ở đây, chưa bao giờ tao thấy hồ đẹp thế này.
Đúng là hồ về đêm đẹp quá, lung linh sắc màu, tĩnh lặng và thoảng gió mát mẻ.
Những mảng sáng tối đan nhau loang loáng, mênh mang và bí ẩn. Sóng chỉ lăn tăn
đủ để nghịch với chiếc lá đơn côi. Rồi hắn khen tôi giỏi chăm sóc cây cảnh,
không chí chu được như mày thì lan, sứ, mai, đào gì rồi cũng thành củi. Về việc
này tao tệ lắm. Bỗng hắn tỏ vẻ đăm chiêu: “Đời nhiều mảng ghép quá, nên mình cứ
bị cuốn hút vào đó xoáy tròn, đôi lúc muốn được thoát ra hay tịnh tâm một chút
cũng không dễ”.
“Lòng thật bình yên mà sao buồn thế?”. Tiếng nhạc từ
quán cà-phê My love khàn khàn vọng ra đường khi tôi tiễn hắn ra cổng. Chợt nhớ tuần
sau là tôi sẽ đưa luôn vợ con từ trên quê dọn xuống đây ở. Một ngã rẽ cuộc đời
mà bạc đầu lăn lộn mới có được! Vừa chín tuổi đời, con gái tôi đã nói thích
chơi với con chó Vàng, thích trèo cây khế, thích ra đồng bắt cá với anh Huy,
thích lên gò hái sim với chị Ngân…. Đủ thứ thích! Đêm không nói để tôi biết
hành trang chuẩn bị cho bước rẽ này còn thiếu những gì. Nhưng chắc tôi phải
mang theo con Vàng, con vật hiền lành, trung thành và thủy chung của gia đình.
“Lòng thật bình yên mà sao buồn thế?”. Tiếng nhạc dội
một bên, một bên kia, hồ vẫn lăn tăn sóng. Bóng lá, bóng trăng nhập nhòa sáng
tối.
Tiêu
Đình
(Hội VHNT Quảng Nam . Đt: 0908545656)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét