Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

Ô CỬA PHỤ - TRUYỆN NGẮN TIÊU ĐÌNH

Tiêu Đình
                                              Ô CỬA PHỤ
                                                                       Truyện ngắn

 Lão Ngô gọi là cửa sau, bà Ngô quen nói cửa hông, thằng Tài lại bảo cửa phụ. Tất cả đều là tên của nó - cánh cửa thường để lọt nắng chiều vào đến tận chiếc bàn ăn thoảng mùi nước mắm. Mùa mưa cửa đóng, mùa nắng mở toang. Buổi sơ khai chẳng có khách nào vào ra theo hướng đó. Cửa mở dường như chỉ để hứng gió núi từ phía Tây, vòng qua truông Chờ, lùa hương rừng ngan ngát về xóm Hạ.
Lão Ngô kể về lai lịch của nó: “Dành dụm hơn nửa đời người mà làm xong cái nhà thì sạch xơ xác mướp. Không tiền đóng cửa nên đành phải để thông thốc gió trước gió sau vậy đó. Mà của cải có nhiều nhặn gì đâu mà sợ mất! Một năm sau, đóng được cửa chính thì cửa phụ vẫn còn là những thanh tre tạm bợ đan nhau như chuyện giỡn chơi. Con chó con gà vào ra ung dung, con người thì chỉ cần co khom một chút cũng lọt qua được. Phải đợi đến dịp tết năm thứ ba sau đó mới chính thức hình thành cái khung gỗ sầu đông đóng áp miếng tôn hột mè…”. “Phát triển chậm nhưng mà bền vững”, lão Ngô kết luận với nụ cười khôi hài pha chút khinh bạc.
Thằng Tài, con lão Ngô, làm cán bộ gì đó dưới tỉnh, trông có vẻ cũng oách lắm. Cuối tuần có khi nó về bằng xe con, kéo theo đám lính trẻ xênh xang, khệ nệ mấy thùng bia ken, nhậu tưng bừng suốt ngày. Việc đầu tiên sau khi lão Ngô mất là nó thuê người sửa sang lại nhà cửa cho tiền hậu phải nhất nhất tương thích với vị trí xã hội của gia chủ. Ô cửa phụ, vì thế, bị phá tanh bành. Thước lỗ bang xù ra đo tính kỹ từng phân ly phúc thọ, tường hai mươi xây lại, gỗ mít ghép đóng láng cón. Nó nói, cửa phụ là cửa chính, của vô từ đây, của giữ được hay không cũng từ đây. Thời cha mẹ nó bị lỗi “cái khó bó cái khôn” nên cửa ngõ để dính cung “bạch trạch”, tiền của vô cửa trước ra sạch cửa sau, muốn giữ cũng không giữ nổi.
Nó đúng? Từ ngày mở rộng, chỉnh trang lại ô cửa phụ, gia đình nó ăn nên làm ra thấy rõ. Minh chứng đầu tiên là sự hình thành con đường bê-tông rộng, kiêu hãnh chạy thẳng một mạch từ tỉnh lộ vào sân gạch nhà nó. Xe con, xe tải cỡ nhỏ đều có thể chạy vèo vèo như ngoài quốc lộ. Nghe nói nó tự bỏ tiền ra mua đất, làm đường, không phải theo công thức nhà nước cộng nhân dân thành đường. Đúng là con đường đã góp phần làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn hiu quạnh suốt mấy đời cha ông. Hôm khánh thành, dân xóm Lập Yên được nó chiêu đãi một trận ra hồn.
Cao điểm (không phải chung điểm) phát triển thành đạt của gia đình thằng Tài là việc nó đã dám cày đổ cả căn nhà cũ của cha mẹ để lại xuống ao xã Đích, xây một ngôi nhà mới chấp cả nhà cụ cửu Thạnh, phú nông số một của làng. Tường rào kiên cố xây trước, nhà cửa xây sau. Xây xong, ai đi ngang qua ngoài tỉnh lộ cách đó hơn 300m cũng đều ngứa mắt muốn nhìn vào. Mái ngói đỏ tươi nhô cao vút, nổi rực rỡ trên phông nền là một dãy đồi xanh kín cây keo lá tràm. Nhà như không có cửa, chính xác là chỉ mở cửa phụ thông ra con đường bê-tông chính phủ vừa nối vào khu dân cư xóm núi. Còn cửa chính luôn đóng, thi thoảng mới thấy mở cho ô tô vào. Kín cổng cao tường quá nên người dân Lập Yên ít khi lui tới như thời lão Ngô còn để hoang hoác cửa trước cửa sau và cái hàng rào bằng gai tre không cản được con gà con vịt chạy rông. Thêm nỗi người ta sợ mấy con chó dữ lai béc-giê lúc nào cũng túc trực ngoài cổng, chỉ sủa chứ chưa cắn ai đã sợ.
Lão Ngô mất, để đời được mấy câu triết lý dân gian: “Nghèo quá như tui khó sống. Giàu quá như cửu Thạnh cũng khó sống. U u minh minh chi trung là khỏe. Ngủ giữa thì không cần đắp chiếu”. Từ ngày con lão phất lên giàu nhanh, có mấy người hay nhắc lại câu nói của lão khi thấy thiên hạ nổi lên khó chịu đủ điều, tọc mạch đủ kiểu chuyện riêng tư của gia đình nó. Chẳng hạn như thắc mắc của mụ Hòa, tiền lương nó thì mỗi tháng bao nhiêu, hung lắm bằng lương chủ tịch tỉnh. Mà Chủ tịch tỉnh thì cả đời chắc chi đã dành dụm đủ để xây ngôi nhà lớn như vậy. Ông Hà cố tỏ ra hiểu biết hơn, thằng Tài mà cần chi lương, chân phụ mới là chân chính, nó làm nhà nước cho vui vậy thôi, chủ yếu chạy thêm ở ngoài. Nó có cả mấy trăm héc-ta rừng đứng tên người khác trên kia kìa, gần chục cổ phần trong các công ty dưới xuôi kia kìa. Thu nhập ngoài phải gấp chín mười lần thu nhập trong. Dựa thế nhà nước để làm ăn thêm thì đố ai quy được nó vào tội tham ô hay hối lộ.
Ông Hà càng nói càng hăng như tướng chỉ huy, hết quơ tay trái về phía núi lại chỉ tay phải ra hướng biển. Ông còn lôi cả chuyện cũ rích xa xưa ra nói: “Con đường như quốc lộ 1 chạy thẳng vô nhà nó đấy, tôi cam đoan là tiền của người ta cả. Có qua có lại, các đối tác làm ăn, lính lát dưới quyền nó tranh nhau thả con tép để nhử con tôm. Nói sai, nó mà bỏ ra được đồng nào, tôi chịu đứt đầu ngay.
Là nói vậy chứ có rảnh đâu để người dân Lập Yên mãi ngồi tán phét chuyện gia đình thằng Tài. Ngày giỗ chạp, tết nhứt họ tụ về rồi sau đó tản cả lên rừng, xuống phố để quần quật mưu sinh. Người già và trẻ con ở lại cũng quen dần với cảnh sống “đèn nhà ai nấy tỏ”. Dịp tết nhứt thằng Tài mang về cho người này người kia chai rượu, gói bột ngọt… họ vẫn xuýt xoa cám ơn, chuyện cũ quên sạch. Ngay như ông Hà, phê phán cho đã cái miệng, rằng tâm lý con người thường dễ bị mua chuộc bằng tiền, rồi vẫn thấy chạy sang nhà thằng Tài ngồi nhâm nhi bia, rượu với chả giò, trứng lộn. Ông phân bua, già rồi hay nhứt mỏi tứ chi, sang nhà nó kiếm ly rượu ngâm rắn hổ mang uống về ngủ cho khỏe.
Thằng Tài vừa xây tiếp một căn nhà dưới tỉnh. Nghe đâu nhà dưới đó còn to hơn nhà trên quê nhiều lắm, vòng vèo cầu thang gỗ quý đi bắt mỏi chân, gạch ngoại trơn láng dễ bị trợt té như chơi. Ông Hà xuống phố ăn lễ khánh thành nhà mới của nó về kể nghe như vừa đi tây không bằng. Thằng Tài giải thích, đây mới chính hiệu là nhà làm bằng mồ hôi nước mắt của vợ chồng tui, nhà trên Lập Yên chỉ là nhà của cha mẹ để lại. Vô thế “bỏ thì thương vương thì nợ” nên phải tu sửa lại để làm kỷ niệm.
Từ đó vợ chồng, con cái thằng Tài thưa dần các chuyến đi về Lập Yên. Lui vào thế thái thượng hoàng, ngôi nhà càng trở nên cổ kính, thâm nghiêm và bí ẩn hơn. Thêm một người đàn ông làm vườn, canh cổng và một người đàn bà chăm sóc riêng cho mẹ già của thằng Tài. Cả hai đều là những người thân tín trong gia tộc, được hưởng thù lao ba triệu đồng trên tháng, tương đương với mức lương của một cán bộ bậc trung hồi đó. Một thời gian sau, bà chị chết chồng của nó ở xã bên cũng được điều về để tiếp thêm nội lực quản lý căn nhà. Chỉ thấy bà con, khách khứa vào ra bằng cửa phụ.
Ngày giỗ ông Ngô năm nay thằng Tài làm lớn lắm. Nó cho phá đám sắn trong vườn, thuê người dựng hai dãy rạp xanh đỏ tím vàng rực rỡ chẳng thua kém gì đám cưới. Cổng, cửa chính được mở hết cỡ như những nụ cười không cần phải e lệ. Ô tô, xe máy đông nghịt, khách quê, khách tỉnh có tới mấy trăm người. Nó thưa với bà con, cũng nhờ phúc đức ông già để lại nên nó mới có được ngày hôm nay, để tưởng nhớ công ơn trời bể ấy, nó mời bà con bạn bè ăn uống một trận chưa say chưa về.
Sau lần đó, gia vận thằng Tài bỗng suy sụp nhanh không cách nào gượng nổi. Đầu tiên là cái chết của mẹ nó. Bà Ngô chẳng biết vì lãng trí hay sống quá tù túng mà chỉ nhân một khoảnh khắc nhà mở cửa phụ, người nhà mải lo tiếp khách, bà lọt ra ngoài, bỏ đi mất hút. Cả nhà tìm, cả xóm tìm, thông báo tìm người thân được đưa lên đài huyện mà vẫn không tìm ra. Cuối cùng, người làng đã phát hiện xác bà Ngô cong cứng dưới một cái giếng lạng của làng. Tiếp đó là việc thằng Tài bị cách chức sếp trưởng, phải đền bù cho công ty nhà nước hơn chục tỷ đồng. Vụ này nghe nói nó không giỏi chạy chọt vớt vát thì dễ bị vào tù như chơi. Cuối cùng là việc nhà nó ở quê bị mất trộm vàng. Chuyện này vì sợ ảnh hưởng đến uy tín cán bộ nên được giấu nhẹm, cũng không báo cáo với công an. Ai dại gì đi làm cái việc “lạy ông tui ở bụi này”. Vậy mà cuối cùng vẫn bị lộ ra ngoài. Mỗi người kể theo một cách, không chứng cứ rõ ràng nhưng nhiều chi tiết ly kỳ hấp dẫn. Chung quy họ nói ai đó đã phá cửa phụ vào bỏ thuốc mê người nhà rồi đào lấy vàng  sạch trơn.
Nghe những chuyên này, dân Lập Yên có nhiều lời bình khác nhau. Đại loại như:
-Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai.
-Đúng, cửa phụ mới là cửa chính.
-Của đánh bạc để ngoài sân, của phù vân để ngoài ngõ.
-Không người thân tín thì ai vô đó mà lấy.
 Hoăc là “Chung quy phúc đức, oan nghiệt cũng từ cái cửa phụ mà ra!”. V.v…

           (Tiêu Đình – Hội VHNT Quảng Nam, Đt: 0908545656)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét