Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

SO SÁNH YÊU CẦU ĐỌC HIỂU CỦA PISA VÀ CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN THCS Ở VIỆT NAM


VNTN - PISA (Programme for International Student Assessment”) là “chương trình đánh giá học sinh quốc tế có uy tín và phổ biến nhất hiện nay” (2) do Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng, chỉ đạo nhằm tìm kiếm các chỉ số đánh giá tính hiệu quả của hệ thống giáo dục ở mỗi nước tham gia, qua đó rút ra các bài học về chính sách đối với giáo dục phổ thông.PISA thu thập và cung cấp cho các nước tham gia những dữ liệu có thể so sánh được ở tầm quốc tế cũng như sự tiến bộ về khả năng Đọc hiểu, Toán học và Khoa học của học sinh ở độ tuổi 15.
Nhận thức được vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng của các chương trình đánh giá quốc tế trong việc hoạch định chiến lược và chính sách phát triển giáo dục quốc gia, năm 2012 Việt Nam đã quyết định tham gia vào chương trình PISA. Kết quả khảo sát của PISA được đánh giá là tốt nhất để nhận định về năng lực tư duy của học sinh. Việt Nam sẽ sử dụng kết quả khảo sát năm 2012 để làm cơ sở cho đề án phát triển giáo dục từ năm 2015.
ở nước ta, trong môn Ngữ văn, năng lực được tập trung đánh giá là năng lực đọc hiểu, vì: “Nó không chỉ là một yêu cầu trong suốt thời kỳ trẻ thơ ở nhà trường phổ thông mà nó còn trở thành nhân tố quan trọng trong việc xây dựng, mở rộng những kiến thức, kỹ năng và chiến lược của mỗi cá nhân trong suốt cuộc đời khi họ tham gia vào các hoạt động ở những tình huống khác nhau trong mối quan hệ với người xung quanh, cũng như trong cả cộng đồng rộng lớn” (3). Có thể nhận thấy năng lực đọc hiểu có ý nghĩa thiết thực và tầm quan trọng lớn với sự trưởng thành của con người.
So sánh yêu cầu đọc hiểu của PISA và chương trình Ngữ văn trung học cơ sở Việt Nam sẽ cho chúng ta thấy rõ chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn về đọc hiểu đã đáp ứng được yêu cầu của quốc tế ở mức độ nào và phải bổ sung, thay đổi gì để có thể hội nhập theo hướng “thống nhất trong đa dạng”. Trong bài viết, tôi chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt giữa yêu cầu đọc hiểu của PISA và chương trình Ngữ văn trung học cơ sở Việt Nam trên một số phương diện sau: 
1. Mục tiêu đọc hiểu
Phần đọc hiểu bậc học trung học cơ sở môn Ngữ văn Việt Nam có những mục tiêu cụ thể là:
- Cung cấp cho học sinh những kiến thức phổ thông cơ bản, hiện đại, có tính hệ thống về văn học, phù hợp với trình độ phát triển của lứa tuổi và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Hình thành và phát triển ở học sinh các năng lực tiếp nhận văn học, cảm thụ thẩm mĩ, phương pháp học tập, tư duy, đặc biệt là phương pháp tự học; năng lực ứng dụng những điều đã học vào cuộc sống.
- Bồi dưỡng cho học sinh tình yêu văn học, văn hóa; tình yêu gia đình, thiên nhiên, đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, lí tưởng xã hội chủ nghĩa …, giáo dục cho học sinh trách nhiệm công dân, tinh thần hữu nghị và hợp tác quốc tế, ý thức tôn trọng và phát huy các giá trị văn học của dân tộc và nhân loại.
Ba mục tiêu trên đã thể hiện rõ định hướng phát triển chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn trong thời gian qua. Mục tiêu này thể hiện ở ba phương diện: cung cấp kiến thức; hình thành và phát triển kĩ năng; bồi dưỡng và giáo dục học sinh những tình cảm tốt đẹp, trách nhiệm của bản thân với gia đình và cộng đồng. Trong đó cung cấp kiến thức cho học sinh được coi là số một. Từ đó cho thấy, chương trình đọc - hiểu môn Ngữ văn trung học cơ sở vẫn “nặng” về trang bị kiến thức hơn là yêu cầu rèn kĩ năng, năng lực nhất là kĩ năng sống, tư duy sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu. “Hơn thế nữa, các khái niệm “cơ bản, hiện đại” và “tính hệ thống” đã tạo điều kiện cho các tác giả chương trình và sách giáo khoa nghiêng về trang bị các kiến thức hàn lâm, buộc các học sinh phải tiếp nhận một khối lượng kiến thức quá cao sâu chưa cần thiết đối với học sinh phổ thông” (4).
Trong khi đó, mục tiêu đọc hiểu của PISA là hướng đến sự phát triển năng lực, đánh giá khả năng giải quyết các vấn đề mà một học sinh 15 tuổi (độ tuổi được coi là kết thúc giai đoạn giáo dục bắt buộc ở hầu hết các nước thành viên OECD) cần có để đối diện với những thách thức của cuộc sống. Bởi, cách đánh giá trình độ đọc của PISA xuất phát từ yêu cầu của xã hội đối với hệ thống giáo dục, những kĩ năng cần thiết cho cuộc sống tương lai. Đây là điểm khác biệt rất lớn giữa yêu cầu đọc hiểu của PISA và chương trình Ngữ văn trung học cơ sở Việt Nam. Vì vậy, học sinh của Việt Nam tuy có kiến thức nhưng kĩ năng giải quyết các vấn đề của cuộc sống còn kém, khả năng thích ứng với những đòi hỏi của nhu cầu xã hội còn nhiều bỡ ngỡ. 
2. Đối tượng đọc hiểu
Chương trình đánh giá học sinh quốc tế - PISA và chương trình Ngữ văn trung học cơ sở ViệtNam đều chú ý tới văn bản (Text), đặc biệt là văn bản viết. Tuy nhiên, PISA cho rằng: “Văn bản được hiểu bao gồm tất cả những gì liên quan đến văn bản ngôn từ sử dụng các hình thức biểu tượng: viết tay, bản in và dạng điện tử. Chúng cũng bao gồm cả các sản phẩm thị giác như biểu đồ, tranh ảnh, bản đồ, bảng biểu, đồ thị và tranh hài hước, châm biếm kèm theo ngôn ngữ viết” (5) chỉ loại trừ văn bản âm thanh (nghe qua tai) như ghi âm giọng nói, nó cũng không phải là các văn bản như phim, hình động, hoạt hình, tranh hội họa (không chữ). Như vậy, đối tượng đọc hiểu củaPISA không chỉ có văn bản in mà còn bao gồm văn bản điện tử. Qua đây cho thấy, đây là chương trình mang tính phổ thông, cơ bản. Với mục tiêu trang bị kĩ năng sống cần thiết nhằm đáp ứng những đòi hỏi của thực tế, PISA thực sự chú trọng tới việc phát triển năng lực, kĩ năng cho học sinh hơn là mục tiêu thưởng thức văn chương nghệ thuật theo nghĩa hẹp, chuyên sâu.
Với chương trình Ngữ văn trung học cơ sở Việt Nam, đối tượng đọc hiểu cũng là văn bản, nhưng văn bản được hiểu theo nghĩa hẹp hơn, chủ yếu là văn bản (liền mạch) và đại đa số là văn bản văn học. Trong văn bản văn học, chương trình quá chú trọng tới văn bản hư cấu như truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, kịch…, các loại văn bản báo chí, văn bản đời thường mà học sinh thường tiếp xúc và sử dụng hàng ngày lại ít được chú ý. Hơn thế nữa, chúng ta cũng chưa đặt ra vấn đề đọc hiểu các văn bản điện tử (electronic texts) - loại văn bản đã trở nên thông dụng và thịnh hành trong nhà trường cũng như xã hội ngày nay.


3. Yêu cầu đọc hiểu
Điểm giống nhau về yêu cầu đọc hiểu của hai chương trình PISA và Ngữ văn trung học cơ sở ViệtNam là đọc phải hiểu nội dung văn bản, bao gồm nghĩa đen và nghĩa bóng (hàm ẩn). Song, với những yêu cầu khác mà PISA nêu lên thì chương trình Việt Nam chưa chú ý đúng mức, cụ thể như: “lọc ra được chủ đề chính của câu chuyện; tìm ra lý do cho việc lựa chọn của tác giả” hoặc “phát triển kĩ năng bình luận văn bản, giữa việc kết hợp thông tin và đọc biểu đồ; kết hợp thông tin giữa hai văn bản không liền mạch với nhau; phân biệt mối liên hệ giữa các dữ liệu với nhau” hay “đánh giá cách hiểu về hình thức tác phẩm, nhận ra được thể loại của văn bản”; “đòi hỏi người đọc đóng một vai trò tích cực trong việc đọc và tự rút ra kết luận, lấp đầy khoảng trống” (5).
Nhìn chung, PISA xác định trình độ đọc dựa trên ba phương diện: Thu thập thông tin, phân tích, lí giải văn bản, phản hồi và đánh giá. Trong khi đó, chương trình đọc hiểu của môn Ngữ văn ViệtNam chủ yếu tập trung xác định trình độ dựa vào việc phân tích và lí giải văn bản (nội dung và hình thức), trong đó nội dung được chú ý hơn. Vì vậy, chúng ta có thể nhận thấy yêu cầu đọc hiểu củaPISA cao và sâu hơn nhiều so với chương trình của Việt Nam.

4. Cách thức kiểm tra, đánh giá
Về cách thức kiểm tra, đánh giá của PISA và chương trình đọc hiểu môn Ngữ văn trung học cở sở Việt Nam hiện hành có sự khác biệt rõ rệt. Các đề kiểm tra đọc hiểu của chương trình Ngữ văn trung học cơ sở Việt Nam phần lớn sử dụng hệ thống câu hỏi tự luận; còn các đề kiểm tra của PISA bao gồm hai phần: trắc nghiệm và tự luận.
Xuất phát từ tinh thần chung của PISA khi dạy là dạy cách thức, là trang bị phương pháp đọc hiểu dựa trên những văn bản cụ thể; khi kiểm tra, đánh giá phải dựa trên khả năng đọc hiểu văn bản cùng loại nhưng chưa được học, chưa biết. Cho nên, tất cả các văn bản đọc hiểu mà PISAđưa vào đề kiểm tra không có một văn bản nào học sinh đã được học. Văn bản mới được cung cấp và các câu hỏi được nêu lên xung quanh văn bản đó, học sinh tự đọc văn bản và trả lời. Học sinh chỉ có thể dựa vào năng lực suy luận và trình độ hiểu biết về ngôn ngữ, văn cảnh, tình huống cụ thể để đưa ra cách hiểu của mình; không có một sự trợ giúp nào khác. Ngoài ra, PISA chú ý nêu các câu hỏi, hình thức kiểm tra nhằm đánh giá được trình độ nắm vững phương pháp đọc; coi trọng việc vận dụng phương pháp đọc hiểu (siêu nhận thức) và đọc tích cực (động cơ, thái độ, cách ứng xử… khi đọc). Chỉ như vậy, PISA mới đánh giá được chính xác năng lực và trình độ của mỗi học sinh.
Trong khi đó, các đề kiểm tra đánh giá vào lớp 10 môn Ngữ văn trên địa bàn cả nước có 100% các tác phẩm trong đề thi đã được học trong chương trình trung học cơ sở (99% tập trung ở chương trình Ngữ văn lớp 9). Vì vậy, phần lớn học sinh luôn lệ thuộc, bị bó hẹp với những kiến thức thầy cô dạy trên lớp, trong sách tham khảo, không thể phát huy được năng lực sáng tạo, cảm thụ của bản thân. Hơn thế nữa, hệ thống câu hỏi trong các đề thi đọc hiểu của chương trình Ngữ văn trung học cơ sở Việt Nam chưa có được sự đa dạng. Tuy PISA và chương trình Ngữ văn trung học cơ sở Việt Nam đều giống nhau ở điểm trong các đề kiểm tra, đề thi đọc hiểu đều sử dụng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, song ở Việt Nam số đề thi sử dụng câu hỏi trắc nghiệm còn ít, đặc biệt ở một số Sở Giáo dục và Đào tạo, đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn không có câu hỏi trắc nghiệm.
Ví dụ: Năm học 2011 - 2012, qua khảo sát, tôi nhận thấy chỉ có bốn tỉnh thành phố trong tổng số 30 tỉnh thành sử dụng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm và tự luận trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn, đa số các Sở Giáo dục và Đào tạo còn lại chỉ sử dụng hệ thống câu hỏi tự luận trong đề thi.
Cách đưa ra đáp án chấm điểm các đề kiểm tra đọc hiểu của PISA và chương trình Ngữ văn ViệtNam cũng có sự khác biệt. Với PISA, phần đáp án nêu lên mục đích câu hỏi nhằm phản ánh về hình thức văn bản: nhận ra được những đơn giản, nhưng có những đáp án rất phức tạp theo hướng mở. Điều đó đòi hỏi người giáo viên phải không ngừng suy nghĩ, nâng cao trình độ, phải hình dung và bao quát hết được các khả năng học sinh có thể trả lời để đánh giá chính xác trình độ của học sinh.
Đổi mới chương trình, sách giáo khoa; phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu phát triển năng lực là một định hướng mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra. Định hướng này đã có những thay đổi tích cực dựa trên các kết quả của chương trình đánh giá quốc tế, trong đó cóPISA. Việc nhận thức rõ điểm giống nhau và khác nhau giữa yêu cầu đọc hiểu của PISA và chương trình Ngữ văn trung học cơ sở Việt Nam sẽ góp phần thay đổi tích cực đối với chương trình, sách giáo khoa Ngữ văn THCS nói chung và phần đọc hiểu nói riêng. Các nhà sư phạm sẽ lựa chọn những phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá phù hợp nhằm phát triển tốt năng lực đọc hiểu cho học sinh.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét