Nó thường bắt chước anh giáo tuồng để tự vỗ ngực mình:
“Như ta đây là thằng Ổi Ghẻ. Ổi sẻ ổi trâu mỗi người tự biết. Nhưng là ổi
thiệt, dù ghẻ dù sâu. Quỷ thần ở đâu, xin về chứng giám…”. Nó cười hề hà sau
mỗi lần tự giới thiệu như thế, rồi bỗng dưng chùng mặt lạnh: “Là nói vui, làm
gì có quỷ thần. Mà có quỷ thần đi nữa cũng phải sống chung với nhau như cứt lộn
lên đầu con tôm sú”.
Nó nói, do giận
thần linh mà nó quay lại chơi với quỷ sứ. Nói như thơ ai đó thì “Từ đạo băng ra
giữa đời/ Lạnh tanh không nói nửa lời là ta… ”. Cơ bản vì làm thằng lương thiện
lâu quá rồi thấy không được chi, ngán ngẩm lắm nó mới thử làm kẻ bất lương. Kẻ
bất lương không thích đi theo đường mòn lối sẵn vì ghét tiếng chó sủa. Với nó,
tiếng chó sủa còn đáng sợ hơn vạn hùng binh. Một hôm, đi ve gái qua một khu
nghĩa địa, xong đến một cánh rừng vắng, hắn gặp một con chó to, răng nanh nhọn,
từ trong bụi rậm nhảy phóc ra tấn đường. Nó phanh xe cái kít, nhơn thần lạnh
toát. Con chó lại nhảy lên yên xe đạp của nó, chõi mõm về phía trước. Nó chỉ
nghe mùi chó mà không chạm được vào chó.
Sau ba mươi giây thất kinh, nó dừng xe, bước xuống,
bật chân chống, nhìn thẳng vào mặt chó:
-Mày là thần linh hay ma quỷ? Có là thần hay quỷ cũng
không được chơi ba cái trò tồi bại này nghe chưa? Việc gì mày cứ nói thẳng ra
xem, Tao có đi ăn cắp ăn trộm ai đâu mà dở trò rung cây nhát khỉ?
Con chó biến
mất, chẳng hiểu vì chán hay sợ nó. Về kể lại chuyện này với bạn nó, thằng bạn
trước còn rùng mình, sau lại cười ha hả, rồi đọc câu thơ hai đứa thường dọa
nhau hồi còn con nít: “Tau đi đường ni có bông có hoa/ Mi đi đường nớ có ma tấn
đường”. Số là tối hôm đó, dưới trăng mười bốn đẹp tinh khôi, hai thằng cùng đi
ve gái ở xóm Đông, nhưng mỗi thằng chọn một con đường riêng.
Người làng lại liên tưởng đến một chuyện trước đó về
nó, hồi mới mười một tuổi theo bà cô ruột đi xem bói. Tiếng đồn ông thầy bói là
người quá khứ tương lai nắm chắc trong lòng bàn tay, chỉ tính khí vui buồn đậu
bay hơi thất thường. Ai chơi xỏ nhờ xem bộ giò gà mái, hoặc có vợ rồi mà nói
chưa để thử ông là bị ông chửi cho một trận như bằm mắm, không chỗ chừa để vuốt
mặt. Có khi nhân danh thần linh ông bắt đứa ngạo mạn phải bò bằng hai tay hai
chân như con chó từ trong nhà ra sân rồi mới lên xe đạp, xe máy chạy re không
dám ngoảnh lại.
Chờ gần hết
buổi sáng nắng nóng toát mồ hôi hột, nó mới được ông thầy bói gọi vào gieo quẻ.
Quẻ phán rằng cha mẹ nó hưởng được phúc đức từ nhiều đời tổ tiên nên trường
thọ, giàu sang, con cháu thành đạt…. Mới nói tới đó nó đã đứng dậy vét hết dĩa
tiền công đức nhét vô túi rồi quay lưng bỏ về: “Ông nói sai, tui mồ côi cha mẹ
từ hồi mới bốn tuổi”. Chưa đã, ra khỏi cửa nó còn xua tay bảo mọi người đang
ngồi chờ chật sân: Về, về hết đi bà con ơi, thằng thầy bói này đểu lắm, nó
lường gạt bà con đấy!
Chuyện là vậy, như cái sẩy. Nhưng từ
cái sẩy đã nẩy ra nhiều cái ung, người ta viện dẫn đủ thứ phụ đề phụ bản để
giải thích cho những hành vi, sự việc có liên quan đến nó. Không biết khen hay
chê cái tính ngang bướng bất cần của nó, ai đó đã phán câu nói dân gian hết cỡ
bình luận: “Thần linh cũng kinh đứa ngộ”. Người ta lý giải, thằng này thuộc
loại trời đánh trật búa, ma chê quỷ sầu đây. Trên trời dưới đất nó có ngán chi
ai. Thôi thì tránh xa nó ra, như tránh con trâu điên là tốt hơn. Thấy nó lang
thang đủ đường, làm đủ nghề mà vẫn cứ là thằng Ổi Ghẻ khùng khùng điên điên,
giàu không giàu nghèo không nghèo, người ta lại cho rằng nó bị ma ám. Mà ở đời,
cái thứ bị ma ám thì có ngóc đầu dậy chi nổi. Nói chung là nghiệp chướng, cuối
cùng rồi không chết thành ma thắt cổ cũng là ma cù bơ cù bất dọc đường xó chợ.
Nhưng người đời chưa kịp tránh xa nó
thì nó đã bỏ làng ra đi sau cái đêm gây lộn với quỷ thần dưới ánh trăng mười
bốn trinh nguyên. Hồn xác chưa kịp tỉnh, vợ chưa kịp cưới và cái tủ thờ cha mẹ
chưa kịp đóng. Người thân nó kể rằng, nó đi như có ma đuổi, quỷ dẫn đường, chả
thèm thưa hỏi với ai lời nào. Mới gà gáy đầu đã thấy nó một mình băng qua khu
rừng ông Phi thay vì men theo đường chính để ra tỉnh lộ. Bó đuốc bã mía quơ lập
lòe trong đêm cuối tháng. Không có ai ở đó để níu áo nó lại, hay chí ít cũng
nhỏ được một vài giọt nước mắt bịn rịn. Không có con chó nào ở đó để đuổi theo bóng nó và những đốm tàn đuốc bay như bóng ma
trơi.
Sáng hôm sau, thấy con bồ nó ở xóm
Đông ngồi khóc sưng húp cặp mắt dao cau một mí. Vừa khóc ả vừa kể, cũng tại tui,
tại tui ảnh mới bỏ nhà ra đi. Thương chi cho lắm cắn nhau đau trời đất ơi! Xưa
nay ảnh vẫn là người tốt, có phải bạc tình bạc nghĩa chi mô. Ờ, mà phần cũng
tại cha mẹ tui. Tại ảnh nữa. Ôi trời, người chi đâu, cứ ưa phá phách cõi âm. Biết
tính cha mẹ tui hết lòng sùng bái quỹ thần mà vuốt mặt không chịu nể mũi một
chút cho êm chuyện. Ôi trời, người chi đâu, khuyên hoài không chịu nghe, cứ im
im lì lì như hến.
Chẳng biết những lời khống chỉ cho một đời người có ít
nhiều linh ứng vận vào số mệnh thằng Ổi Ghẻ hay không? Người làng Thượng đi làm
ăn trên Tây Nguyên, trong Nam
đều kể giống nhau về nó. Thỉnh thoảng vẫn gặp nó, gặp hôm nay hôm sau đã thấy
nó biến đâu mất tiêu. Cái túi xách bằng vải ca-ki lè kè lúc mang lúc xách đã bạc
màu, hỏng phéc-mơ-tuya. Nó đi tìm cái thứ gì mà ngày đêm băng đèo, lội suối dật
dờ dật dưởng như thằng mộng du. Dáng dấp quỷ ám trải bóng dài ngoẵng, tong teo
trên những ngóc ngách đời người buồn thiu. Người khẳng định nó đi nghiên cứu
phong thủy thì dựa vào cuốn kinh dịch luôn nằm trong túi xách. Người đoan chắc
nó đi tìm lại tình yêu đã mất thì chỉ vào cái xác không hồn tiều tụy như ma của
nó. Điều chung là họ kể về nó như sự minh họa cho nghiệp chướng bị quỷ thần
trừng phạt.
Vậy mà, thình lình ba năm sau nó trở về làng, dẫn theo
cô gái xinh đẹp nói giọng miền Nam
ngọt thanh như múi bưởi năm roi. Chiếc túi xách cũ rích, mái tóc dài và bộ râu
lười cạo biến mất. Thay vào đó có bàn tay con gái trắng thơm như trái chôm chôm
bóc vỏ để cầm, có cái kính cận để làm duyên và chiếc áo ca-rô dài tay che kín
hình con vật cầm tinh tuổi Dần được xăm ở cánh tay phải. Những vết đen lỗ chỗ
trên da mặt một thời làm nên biệt danh Ổi Ghẻ giờ hình như cũng đã lặn bớt nỗi
nhọc nhằn.
Về làng, việc nó làm đầu tiên là đóng một cái tủ thờ
để hương khói cha mẹ, thay cho chiếc bàn gỗ tạp què một chân phải kê nhờ vào
cục đá tán. Nó nói, việc nhỏ như con kiến mà nửa đời người lo chưa nổi, xấu hổ
quá. Mộ bà nội nó vôi vửa nát nhừ, lở móng chỗ này, sụt đá chỗ kia cũng được tu
sửa lại đường hoàng. Vợ chồng nó cũng chung sức giẫy cỏ, sửa sang mảnh vườn ông
nội để lại ra bờ, ra góc dễ nhìn hơn. Thấy vợ nó hở một mảng sườn trắng bóc
đứng cào cỏ, có đứa ngứa miệng đã hát khẽ: “Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba…
Nói sao cho vừa lòng/ Nói sao cho vừa thương”. Còn thấy nó đứng chống cuốc nhìn
đám cỏ khô cháy thơm mùi thuốc Bắc, dân làng Thượng cười cười với nhau rằng,
ôi, cái thằng Ổi Ghẻ đã phục thiện thật sự rồi. Tuy là mừng cho nó, cho làng,
nhưng một vài người vẫn chưa tin rằng con ngựa chứng đã quên đường cũ.
Xã đang trống một chân thu thuế nông nghiệp do lão
Hoạt phụ trách mảng này bị chết bất đắc kỳ tử vì một tai nạn giao thông. Tiền
lương ít, lại ngại dễ bị mang tai tiếng, việc “làm dâu trăm họ” này chẳng ai chịu
nhận thế chân ông Hoạt. Cuối cùng thì xã giao cho nó và nó đã vui vẻ nhận lời.
Vậy là vợ đẹp, nhà cửa, công việc… đều đã ổn định đâu vào đó trong ngoài đẹp
mặt, thằng Ổi Ghẻ dường như cũng không muốn gây sự với quỷ thần nữa. Chỉ tiếc
nó vẫn cứ nghèo khó quanh năm và chưa có được một đứa con để nối dõi tông
đường. Về cái sự nghèo, có người cho rằng vợ nó đã quen với cách sống của người
phương Nam ,
được đồng nào xào sạch đồng đó. Mà nó thì quá cưng chiều vợ nên trắng tay. Còn
về nạn không con, nhiều người vẫn khư khư là do trời đất không chịu buông tha
cho đứa dám buôn thần bán thánh. Nó xấp tay, gục gục đầu nói với mọi người:
“Tui lạy các ngài, đừng có đem chuyện xưa làm rối chuyện nay”.
Một hôm, nhân có thần nhập xác đâu bên xã láng giềng, nghe
nói tài giỏi lắm. Người gần xa nườm nượp dẫn nhau tới để xin được nghe thần dạy
bảo. Với tư cách là thằng bạn giúp nó về hồ sơ thu thuế (nó thu thì giỏi nhưng
không rành việc lập sổ sách báo cáo), nó rủ tôi cùng đi gặp vị thần “nói như
thấy” ấy để hỏi cho ra cái lẽ đời vô sinh. Đối thoại giữa nó với thần linh dài
dòng lắm, có đến vài tiếng đồng hồ nên tôi nhớ không hết. Chỉ những ý này thì
dù cố quên tôi cũng quên không nổi: “Tôi bị ông bà, cha mẹ quở trách ư? Sao lạ
vậy? Tôi đã làm gì ngoài thành tâm muốn cho việc âm dương trong ngoài ấm êm,
hòa thuận và đẹp mặt với thiên hạ. Ông bà, cha mẹ tôi hồi còn sống cũng thương
tôi lắm. Hà cớ gì lại đi quở trách con cháu? Vả lại, con cháu mà bị đày đọa
trầm trầy cả đời thì cha ông có vui nổi không? Mà người âm các ngài cũng lạ.
Người dương chúng tôi đôi khi vì hẹp lòng nhỏ tính mà trách nhau những chuyện
vụn vặt, còn người âm vô lẽ cũng không thể độ lượng để cầm tay con cháu mà chỉ
ra điều hay lẽ phải hay sao?”.
Tôi chưa lần nào được chứng kiến cuộc đối thoại âm
dương kéo dài thú vị như hôm đó. Không
khôn vặt hay phô trương, không ném đá giấu tay, không đập bàn lớn tiếng, không
lấy uy thần để bắt nạt người trần cô thế. Trí tuệ, đằm thắm và lịch duyệt. Vậy mà
cái xác dường như đã toát mồ hôi hột, mệt lả người, và cuối cùng là…cứng lưỡi.
Chỉ có tôi biết và kể lại chuyện trên đây cho người
làng Thượng nghe. Còn chuyện này thì sống để bụng, chết mang theo, dù vợ chồng
nó không còn hộ khẩu ở làng nữa. Và cũng chẳng biết bây giờ họ sống chết ra sao.
Có một lần đi thâu thuế ban đêm về, vợ chồng nó cãi nhau dữ lắm. Vợ nó khăng
khăng là nó có hẹn hò với con mụ nào chứ xưa nay đời nhà ai lại đi thâu thuế
vào ban đêm bao giờ. “Mụ không hiểu chi cả, ở nông thôn ban ngày nông dân người
ta ra đồng, lên rừng hết, lấy đâu ra mà thâu. Muốn có kết quả thì phải đi ban
đêm, đi buổi trưa, chứ mụ bảo phải làm sao đây”. Nó càng cố giải thích, chuyện
cãi nhau càng bốc lửa ngùn ngụt. Con vợ nó cứ một hai không chịu tin nó.
Nhưng đó chỉ là
cú đổ vỡ dọn đường. Chỉ đến cái lần nó thú nhận với vợ là có cho một mụ đàn bà
góa khó khăn tạm mượn tiền để nộp thuế cho kịp kỳ thì giọt nước mới thật sự
tràn ly. Con vợ trắng trẻo, có giọng nói ngọt thanh của nó mắng xối xả rồi bỏ
nhà ra đi: “Mượn mọ gì, có mà đưa tiền cho mấy con đĩ chó đó ăn…”. Câu nói vuốt
đuôi thay cho lời từ biệt của xóm làng đối với vợ nó nghiệt ngã như muối gừng
rải đầy đường đi: “Ba cái thứ gái quen tiêu xài vô tổ chức ấy mà, còn tiền thì
còn đổ gạo nấu chung, hết tiền là bỏ đi”.
Vợ nó ra đi tháng trước, tháng sau nó cũng mất tích.
Nó chỉ kịp nói với tôi, lần này Kinh Kha một đi không trở lại nữa đâu, đất Tần
bất trắc lắm. Tao đã tính sai con bài chủ rồi mày ạ. Ở đời, không phải lúc nào
cũng sống chủ quan với lòng tốt và sự trung thực của mình được đâu.
Hơn một năm sau, ở làng Thượng xuất hiện bài vè về Ôi
Ghẻ, trong đó có đoạn viết: “Ổi Ghẻ, ổi sẻ hay trâu?/ Lấm tấm quanh đầu những
chấm ruồi đen/ Ổi Ghẻ bị trời đất ghen/ Ngọt lòng xanh vỏ vẫn đen nốt ruồi…”.
Tiêu Đình
(Hội
VHNT Quảng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét