Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

VIẾT CHO CON ĐÊM TRUNG THU

Mẹ ngày xưa đâu có bánh trung thu


Chỉ có chiếc đèn lồng ngoại làm cho mẹ vui
                                                 đêm rằm tháng tám
Trung thu này con nơi nào thăm thẳm
Trăng mười lăm Cuội có hẹn con về?
Mẹ mãi mê tìm nơi chốn đồng quê
Cánh diều nhỏ ngang lưng đồi mộng mị
Mẹ làm gió làm mây làm mưa làm chị Hằng tri kỉ
Cho cánh diều mơ bay cao mãi lưng trời
Trung thu về con thỏa thích rong chơi
Bờ vai mẹ chờ con tựa vào khi cô đơn mỏi mệt
Gửi tặng con những thánh năm ngờ nghệch
Có trăng vàng đùa gió mát mùa thu…!

              HBT -Trung thu 2015
        


                              










VƯỢT QUA CẢM GIÁC QUÁ TẢI TRONG CÔNG VIỆC VỚI 5 MẸO NHỎ

DOAN NHUNG thân mến,
William James nói "Không gì mệt mỏi hơn cứ mãi lơ lửng với một công việc chưa hoàn thành". Hẳn là chúng ta ít nhiều ai cũng từng trải qua cảm giác đó đúng không bạn?
Vấn đề ta thường gặp là, có quá nhiều thứ muốn làm xong: Gửi các email, hoàn thành công việc tồn đọng, tìm hiểu hàng tá kỹ năng mới, đọc các cuốn sách và xem tất cả bộ phim hay, dành thời gian cho gia đình hay bạn bè... Cuối cùng ta không làm được việc nào hiệu quả và cảm thấy bị quá tải.
Dưới đây là một vài gợi ý có thể giúp bạn cải thiện mỗi khi rơi vào tình trạng đó:
1. Bỏ bớt việc ra khỏi ham muốn của bạn. Chỉ giữ lại việc quan trọng nhất theo thứ tự ưu tiên
Đừng cố làm tất cả. Nhiều khi ta không hoàn thành công việc không phải vì lười biếng hay làm việc thiếu hiệu quả, mà vì cái gì cũng muốn ôm đồm.
Không đủ thời gian cũng như năng lượng trong ngày để dành cho tất cả mọi thứ. Bạn phải tập trung ưu tiên cho việc quan trọng nhất. Hãy chọn ra việc đó, chấp nhận gạt những việc khác sang một bên.
2. Hãy tập trung: Toàn tâm toàn ý cho mỗi việc mình làm, dù là việc nhỏ
"Việc nhỏ" đó ví dụ như là một bữa ăn thôi chẳng hạn. Có khi nào bạn vừa gặm bánh mì vừa ngồi máy tính chưa? Thật lãng phí nếu bạn qua loa với mọi thứ. Bữa ăn sẽ trở nên tuyệt vời khi bạn thực sự thưởng thức nó.
Tương tự vậy, tập trung vào từng khoảnh khắc của cuộc sống cũng như công việc. Thời khắc bạn đang làm việc gì đó, bạn biết rằng bạn chỉ có duy nhất công việc đó mà thôi. Hoàn thành xong, bạn bắt đầu 1 công việc khác và tiếp tục giữ sự chú ý vào nó như vậy. Bạn sẽ có một ngày mà mọi thứ đều hiệu quả.
3. Đơn giản hóa: Đừng cố gắng trở nên hoàn hảo
Hãy làm việc tốt nhất có thể chứ không phải cố làm mọi thứ trở nên hoàn hảo. Khi bạn quá kỳ vọng vào sự hoàn hảo, thường thì nó sẽ không được như mong đợi, và bạn hoặc là phung phí thời gian, hoặc là không còn tâm ý để hoàn thành nó.
4. Không cố để kiểm soát hết tất cả mọi thứ
Kể cả khi bạn giữ kỷ luật, gắng làm theo kế hoạch nhất có thể, chúng ta cũng không hoàn thành hết một nửa số việc mà chúng ta muốn làm.
Ta thường hi vọng mình sẽ làm xong nhiều việc hơn là khả năng thực tế ta có thể làm được. Đó là lý do mọi thứ thường không đúng như kế hoạch, khiến ta mất hăng hái. Vậy nên hãy cứ thư giãn. Tập trung vào từng việc một. Đừng cố kiểm soát hết mọi thứ.
5. Chia mục tiêu lớn thành nhiều công việc nhỏ
Bạn sẽ không bị quá tải khi làm từng việc nhỏ. Hãy chia mục tiêu lớn của bạn thành những phần việc nhỏ phải làm mỗi ngày. Như vậy bạn sẽ thấy công việc của mình được thực hiện một cách suôn sẻ và nhanh chóng hơn nhiều.
Cuộc sống, công việc đôi lúc buộc ta phải chấp nhận áp lực và không thoải mái. Tuy nhiên đừng để mình chật vật với nó quá lâu. Đến cuối cùng, bạn phải chọn ra điều bạn thực sự muốn dành thời gian cho nónhất, vì sáng tạo chỉ đến khi bạn sống và làm việc với niềm cảm hứng. Như 1 status Trâm vừa đọc được trên facebook sáng nay - cũng là điều cuối Trâm muốn chia sẻ trong thư này:
"Không ai là bận rộn trong thế giới này. Tất cả là thuộc về những ưu tiên". Nếu thực sự ưu tiên việc gì đó, bạn sẽ dành thời gian cho nó. Có thể là các mối quan hệ, công việc, tình bạn hay bất cứ thứ gì, miễn là bạn thực sự muốn, bạn sẽ dành thời gian cho nó.
Bạn đồng ý với điều đó chứ?
Chúc bạn luôn vui và tràn đầy cảm hứng.
Thân mến,
Quỳnh Trâm

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

NGÀY HỘI SỐNG XANH


“Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Ngày hội sống xanh”, “Ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải”,…đó là những phong trào hưởng ứng chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” của đông đảo cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong toàn huyện. Hòa trong khí thế đó, ngày 19/9 vừa qua, trường THCS Nguyễn Viết Xuân đã hưởng ứng chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” với phong trào “Ngày hội sống xanh” được CBGVNV và học sinh trong toàn trường tham gia với tinh thần tự nguyện, tích cực, lấy phương châm “Hãy hành động vì môi trường sống xanh”
“Ngày hội sống xanh” được diễn ra với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực và hữu ích như: làm vệ sinh môi trường trên các tuyến đường, nghĩa trang…trồng cây xanh ở nơi công cộng, chăm sóc các bồn hoa cây cảnh trong khuôn viên trường học…
Ngày hội đã diễn ra sôi động không chỉ đem lại hiệu quả trong hành động mà từ những hành động nhỏ ấy đã nâng cao được nhận thức lớn của CBGVNV và học sinh về bảo vệ môi trường; lên án và đấu tranh với những hành vi làm ảnh hưởng đến cuộc sống xanh của toàn nhân loại. Một môi trường xanh, sạch, trong lành sẽ đem lại một cuộc sống khỏe, an toàn cho bạn. Chúng ta hãy cùng hành động để “Làm cho thế giới sạch hơn”!
      Tác giả bài viết: ĐOÀN NHUNG
                 

                              

NHƯ HOA LÔNG CHÔNG











Sư phụ bảo mình giống hoa lông chông
Một loài cỏ dại
Hình quả cầu gai
Nhốm màu vàng khô cỏ úa
Thích quay cuồng trong gió
Có lúc dừng
Có lúc ngập ngừng lăn
Lúc tít tắp trốn vào đâu chẳng biết
Mải mê chơi trò trên bờ cát lặng im
Thích bão tố
Thích trùng khơi
Thích chơi vơi bên triền cát trắng
Hoa lông chông lăn hoài trên biển vắng
Lạc vào nơi cõi đa mang...
HBT

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

SỰ NGHÈO KHÓ LUÔN CHO TA NHỮNG BÀI HỌC ĐẮT GIÁ

Khi bạn giàu, bạn khó có thể biết được ai là bạn chân thành, ai là ngụy quân tử. Thế nhưng, nếu bạn nghèo, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra điều đó trong vòng một nốt nhạc!
Bạn đã cho đi rất nhiều khi bạn giàu, thế nhưng bạn vẫn trắng tay khi bạn nghèo
Không phải ai cũng có những người bạn tồi tệ “khi vui thì vỗ tay vào/đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai” như vậy. Thế nhưng, những câu chuyện “tham phú phụ bần” ở xã hội hiện đại vẫn nhan nhản như một minh chứng về sự bạc bẽo của những người đã từng tung hô nhau là bạn bè chí cốt, thân thiết.
Bạn chớ vội đau đớn, thất vọng. Cuộc sống luôn là một chuỗi bất công và bạn phải học cái sống chung với nó. Điều quan trọng không phải là bạn từ bỏ hết các mối quan hệ bạn bè mà là phải biết “gạn đục khơi trong”, bạn bè luôn là “vàng”, việc của bạn là phải đãi cát để tìm. Sự giàu có mang lại cho bạn nhiều cát, nhưng sự nghèo khó sẽ cho bạn những cục vàng thực sự, hãy tin vào sự tử tế của chính mình sẽ được đền đáp bởi lòng chân thành thực sự!
 Đồng tiền luôn là xương máu!
Khi bạn kiếm tiền quá dễ dàng, có khi là do mánh lới, có khi là ăn may, bạn nhanh chóng trở nên giàu có. Bạn tiêu tiền như rác, thậm chí coi khinh đồng tiền. Bạn sẽ nhận ra đồng tiền thực sự là xương máu, là thành quả lao động trí óc và mồ hôi của mình khi bạn tay trắng. Chắc chắn khi bạn nghèo, bạn sẽ thấy mùi của đồng tiền có mùi mồ hôi, trí tuệ, danh dự và tự trọng của chính mình trong đó!
Người cuối cùng mà bạn có thể dựa vào chỉ có thể là người thân của bạn
Bạn có thể có rất nhiều huynh đệ cắt máu ăn thề, bạn có thể có hơn một người tình thề non hẹn biển, thế nhưng khi bạn cùng đường, người cuối cùng có thể ở bên bạn, giúp đỡ bạn vượt qua sóng gió lại chỉ là những người thân của bạn.
Họ có thể gây mâu thuẫn với bạn ở một số quan điểm nào đó trong cuộc sống, thậm chí có thể gây áp lực với bạn, nhưng khi bạn thất bại, họ sẽ luôn là người nâng bạn dậy!
 Tham vọng là thứ gây nghiện
Mọi thứ gây nghiện đều khiến bạn bị lệ thuộc, kể cả tham vọng, thứ đưa bạn đến thành công. Đến một ngày bạn nhận ra, tất cả những tiền tài danh vọng vẫn chưa phải là thứ bạn cảm thấy đủ thì tức là bạn chưa bao giờ có được hạnh phúc. Sống ở trên đời, giàu có, danh vọng chưa bao giờ là thứ khiến con người cảm thấy hạnh phúc thực sự, nó chỉ là phương tiện giúp bạn có được cảm giác na ná như hạnh phúc mà thôi.
Nhưng nếu bạn biết “đủ”, mọi thứ như vậy là đủ, không thiếu, không hơn, thì có nghĩa là bạn đang hạnh phúc! Sự “đủ” không phụ thuộc vào giàu có hay nghèo khó, mà phụ thuộc vào tâm thái của bạn.
Không có gì là mãi mãi
Chắc hẳn bạn cũng đã từng chứng kiến cái chết của người khác? Bạn thấy tất cả những người giàu có hay nghèo khó, khi qua đời họ có mang được của cải, vật chất theo không?  Có thể bạn nghĩ “ừm, mình không mang theo được nhưng mình để cho con cái hậu thế!”. Điều đó không sai, nhưng chẳng đúng. Khi mà mọi thứ chẳng là mãi mãi, thì việc bạn cần làm là học cách buông tay những thứ ngoài kiểm soát của chính mình: Tình yêu, tình bạn, tiền bạc…vẫn biết buông bỏ một thứ gì đó mà ta tin yêu và thậm chí thèm khát thì đau lắm, thế nhưng khi bạn nghèo hoặc khi bạn chết đi rồi, chẳng phải mọi thứ sẽ chẳng bao giờ thuộc về bạn hay sao? Vì thế, hãy buông những thứ không thực sự thuộc về mình, bạn sẽ nhanh chóng biết được cái gì không thuộc về mình khi bạn nghèo, thật đấy!
 Cuộc đời luôn như một hình Sin
Nếu bạn đang ở trên đỉnh, chớ cười ngạo nghễ, nếu bạn đang ở dưới đáy sẽ có ngày bạn bước lên trên. Ai giàu ba họ, ai khó ba đời. Chỉ cần niềm tin của bạn còn nguyên đó, chỉ cần trí tuệ của bạn còn nguyên đó…sẽ có ngày bạn “quật khởi”. Cuộc sống vô thường, lòng người bình thản và đi qua đúng/sai, giàu/nghèo là chuyện đương nhiên. Nhưng dù giàu hay nghèo, bạn hãy luôn cho mình bài học “giàu chưa hẳn đã sang, và nghèo chưa hẳn đã hèn”. Luôn giữ vững tâm thái sống như thế, bạn sẽ luôn luôn có “đủ” mọi thứ, và bạn sẽ luôn hạnh phúc ngay cả khi bạn nghèo.
 

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

NHỮNG LỜI CHƯA NÓI

 “Con vẫn nhớ từ những bài học làm người đầu tiên cô dạy cho chúng con, những kĩ năng sống cần thiết mà mỗi người cần phải có. Nhưng ngày ấy con đã nghĩ cô làm điều đó hơi sớm, vì có chăng những cô nữ sinh mới lớn phải học quá nhiều về cách sống? Bây giờ khi con mới thực sự hiểu được ý nghĩa của những bài học mà cô dạy ngày đó… Chúng không là quá sớm, chúng không hề khô khan, cứng nhắc và ngược lại, nó rất hữu ích cho chúng con. Thế là, con đã cố gắng trở về quá khứ, lục tìm lại tất cả những gì cô đã dạy. Con hiểu rằng có những thứ đã trôi qua thì không thể lấy lại được, cũng không thể bằng cách trở lại quá khứ mà có thể tìm lại được… Vậy là con đã bỏ lỡ mất quá nhiều, nhưng ít ra con vẫn còn nhớ một số, và trong đó có bài học đầu tiên mà con khôgn thể quên – bài học về nói lời cảm ơn, xin lỗi…”
Con nhớ những khi con cần lắm một ánh mắt cảm thông, chia sẻ trước những khó khăn mà con vấp phải. Lúc ấy con chỉ ước rằng có cô bên cạnh, chỉ cần cô thôi cũng đã đủ giúp con củng cố được niềm tin của mình để vượt qua mọi chướng ngại vật trước mắt… Hay là những giây phút mệt quá con đã gục xuống bàn học mà chỉ cần nghĩ tới lời động viên của cô là có thể tiếp tục gượng dậy để cố gắng học nốt bài. Đó là khi không còn đủ sức để gánh trên vài mình tất cả các môn học cùng lúc mà con thì luôn cố gắng để hoàn thiện tất cả, khi mà khối lượng bài tập quá nhiều… Và lúc đó, cô lại xuất hiện trong suy nghĩ của con… Cô quan trọng với con lắm, và còn quan trọng hơn khi những lời nhắc nhở và động viên của cô cứ vang lên trong đầu con như vây lấy con vậy… Khi ấy con biết là mình sẽ không thể chùn bước, không thể nào từ bỏ được những gì là ước mơ, là khát khao mà mình đã đặt ra cho bản thân… Cố gắng, và rồi lại cố gắng thêm chút nữa. Cũng giống như khi con nhìn thấy sự cố gắng của cô trong cuộc sống, con đã suy nghĩ rất nhiều…
Cũng nhờ có sự động viên của cô con mới hiểu được giá trị của sự thành công lớn như thế nào. Con biết mình còn cần cố gắng rất nhiều mới có một vị trí tốt ở bến đỗ sắp tới. Và con cũng biết bên cạnh mình đã có cô, đã có một người đặc biệt, người con đã đặt trọn niềm tin, một người đã cho con biết nhiều hơn những gì về cuộc sống và chính bản thân mình. Con mong rằng nếu con cập bến thành công thì cô sẽ là người đầu tiên bước tới bên con và thưởng cho con một món quà thật ý nghĩa xứng đáng với sự cố gắng lớn ấy cô nhé!”.
Điều cuối cùng muốn nói là: “Con cảm ơn cô thật nhiều! Con muốn nói lời cảm ơn cô vì tất cả. Mọi thứ cô mang lại cho con đều là những gì tốt đẹp nhất mà có lẽ đến trong những giấc mơ ngọt ngào nhất con cũng không thể mường tượng ra. Và, con có nên cảm ơn cuộc sống không cô nhỉ? Chắc vậy rồi. Cảm ơn cuộc sống vì đã mang cô đến với con.
Nguyễn Thùy Linh



Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

HOA VÀ CUỘC SỐNG

Chiều nay chơi với những thứ không bao giờ biết làm ta buồn...!!


                 





Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

MỘT NGƯỜI TUỔI CAO, GƯƠNG SÁNG

Kính tặng bác Nguyễn Khế
Quê tôi có một vị lão thành cách mạng chân chất, mộc mạc là một Xã đội trưởng trong thời chiến với bản chất của người chỉ huy du kích năm xưa gần gũi, hòa đồng. Bản chất ấy vẫn nguyên sơ, thánh thiện trong cả thời chiến lẫn thời bình, từ tuổi hai mươi cho đến khi tóc bạc. Người đó không ai khác ngoài bác Nguyễn Khế.    
           Bác Nguyễn Khế sinh năm 1935, hiện đang sinh sống tại tôn 3 Tiên An, Tiên Phước, Quảng Nam và sinh hoạt trong Chi bộ Đảng thôn 3 trực thuộc Đảng bộ xã Tiên An là người mẫu mực đi đầu trong mọi lĩnh vực công tác tại địa phương. Bác luôn định hướng cho thế hệ trẻ về phương thức làm ăn, cần cù sáng tạo, chấp hành đường lối  chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bác là  hội viên Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, như một ngôi sao sáng trong làng nhưng không xa vời mà lại rất gần gụi và thân thiện đến vô cùng.
Bác năm nay đã ngoài 80 tuổi vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, và luôn có mặt trong các buổi sinh hoạt quần chúng cũng như Chi bộ Đảng. Trong các buổi sinh hoạt ấy bác thường trao đổi với bà con, đồng chí của mình về những câu chuyện của thời chiến tranh ác liệt mà một thời bác đã đi qua, hay những câu chuyện làm ăn như trồng cỏ nuôi bò, trồng bắp để chăn nuôi,…Từ những câu chuyện ấy của bác đã làm cho các buổi sinh hoạt thêm sinh động hơn, sự có mặt của bà con làng xóm đầy đủ hơn ở nơi nhà sinh hoạt cộng đồng. Mỗi khi được tiếp thu chủ trương, chính sách của các cấp, bác liền vận động bà con và áp dụng vào thực tế cuộc sống của mình. Công việc hàng ngày bác vẫn thường hay làm nhất đó là giúp cụ bà tráng bánh để tìm thu nhập và đó cũng là niềm vui sống của gia đình bác. Cứ mỗi ngày như thế bác vẫn thường mang những bao bánh tráng thơm giòn đến bỏ ở các cửa hàng tạp hóa trong thôn. Bánh tráng của bác đã trở thành thương hiệu của xã Tiên An. Ai cũng biết, cũng thích và cũng mua bánh tráng của “Cô Hai Đương”-tên gọi người vợ thân thương của bác. Bác rất vui và thường nở nụ cười thân thiện đầy tự hào với thương hiệu ấy.
Ngoài ra, gia đình bác có hai sào đất bạc màu. Bác đã mạnh dạn cải tạo chuyển mô hình từ trồng cây lạc sang trồng ngô lai cho năng suất cao để làm thức ăn gia súc, gia cầm. Bác còn đăng ký làm theo mô hình trồng tiêu tập trung trên 100 chói theo nghị quyết XVIII của HĐND huyện. Đàn gà của bác có đến trên 100 con, mỗi năm bác thu nhập từ đàn gà khoản 20 triệu đồng. Bác còn là nhân vật chính trong mô hình trồng cỏ nuôi bò của gia đình, tuy diện tích không lớn lắm. Đàn bò của bác chỉ vẻn vẹn 5 con nhưng cũng đủ để cho ta thấy được cả một sự cần cù, chịu khó trong đó có cả niềm đam mê tăng gia, sản xuất của một vị lão thành cách mạng.


Ngoài những lúc rảnh rỗi bác còn cải thiện đời sống bằng cách nuôi một ao cá nhỏ và trồng những bụi chuối lùn sau vườn sai quả cũng đủ để bác đem bán ở những buổi chợ một vùng quê. Bác là động lực là niềm tin là chỗ dựa vững chắc cho cô con gái của bác là Nguyễn Thị Tân - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tiên An hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một cán bộ quản lý. Với hàng xóm láng giềng, bác Nguyễn Khế là một tấm gương mẫu mực, một cây cao bóng cả trong làng. Người làng tôi thường noi gương bác trong việc xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa.      
Từ những việc làm bình dị, chân chất của những người nông dân nơi làng quê quen thuộc trong bao đời nay tưởng chừng như đơn giản ấy của bác, lại có ý nghĩa thiết thực và hữu ích không chỉ để xây dựng gia đình, làng xóm, quê hương ngày càng đơm hoa kết trái mà điều cần nói là sức mạnh của sự cảm hóa và lan tỏa nơi cộng đồng dân cư của một người tuổi cao gương sáng như bác.
Ấy vậy mà đã làm nên tên tuổi của bác Nguyễn Khế.
 Bác được trao tặng huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Bác là Đảng viên nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bác đã được tặng kỉ niệm chương của giai cấp nông dân Việt Nam.
Năm 2011 Ban đại diện Hội người cao tuổi tỉnh Quảng Nam công nhận cụ Nguyễn Khế là hội viên người cao tuổi đạt danh hiệu tuổi cao gương sáng xuất sắc.
Và gần đây nhất bác được tặng giấy khen của Chủ tịch của UBND huyện công nhận ông Nguyễn Khế là gia đình người có công cách mạng gương mẫu trong việc chấp hành tốt chủ trương pháp luật của Nhà nước (số 2050, ngày 20/ 7/ 2012).
          Với phong cách của một vị lão thành cách mạng, bác Khế chia sẻ: “Để tuyên truyền, vận động bà con mình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trước tiên mình phải làm gương. Trước hết tôi học tập ở Bác tính cần kiệm vì có siêng năng tiết kiệm thì cuộc sống mới được cải thiện, qua đó tôi động viên, khuyến khích bà con trong thôn, trong xã cùng cần kiệm siêng năng tăng gia sản xuất, đặc biệt là lớp trẻ bây giờ đa số còn lơ là trong việc làm ăn…”
          Việc làm hàng ngày của bác tuy nhỏ nhưng so với tuổi cao lại là một sự trân trọng lớn nên ngày ngày hình ảnh đời thường của bác, những việc làm của bác đã trở thành một bài học không lời đối với mọi thế hệ trong thôn xóm.
Tin chắc rằng trong vô vàn những tấm gương thực hiện tốt lời dạy của Bác trên mọi miền đất nước, trong đó bác Nguyễn Khế vẫn là tấm gương điển hình đầy xúc động, chúng ta học tập bác mà không cần phải lật trang sách nào, học bác để biết, để làm và để sống hữu ích  hơn.
                                                                              Người viết

                                                                                   Đoàn Thị Nhung

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

10 BÍ MẬT ĐỂ THÀNH CÔNG VÀ BÌNH AN THEO WAYNE DYER

Bạn thân mến,
Ai sống trên đời cũng muốn được thành công và bình an trong tâm hồn. Mất bình an là một bể khổ khôn nguôi, vì vậy bình an luôn là một điều mà chúng ta khao khát đạt tới. Cũng thế, thành công là một tiêu chí để mọi người đánh giá bản thân ta, và chẳng ai sống mà lại muốn mình bị thất bại.
Song, làm thế nào để thành công và bình an thật sự thì không phải ai cũng biết cách hết, chính vì vậy mà Tiến Sỹ Wayne W. Dyer một nhà giảng thuyết về động viên khuyến khích tinh thần hàng đầu thế giới đã cho ra đời tập sách nhan đề "10 Secrets for Success & Inner Peace". Theo đó, tập sách lần lượt trình bày 10 bí quyết như sau:
1. Open Your Mind - Hãy Mở Mang Tâm Trí Bạn: Bí quyết này tác giả muốn giúp ta biết sống rộng rãi hơn trong suy nghĩ của mình về mọi việc diễn ra trong cuộc sống. Theo đó, mở mang ra nghĩa là hãy sống rộng lượng hơn, cởi mở hơn, thoáng hơn trong suy nghĩ, và đừng vướng mắc bởi điều gì cả. Cuối cùng, ông kết luận một tình yêu đích thực là một tình yêu dám yêu người khác với tất cả con người mình yêu, không mong đợi họ trở nên gì và cũng không áp đặt một mô hình phát triển nào nơi họ cả.
2. The Music Remains In You - Đam Mê Vẫn Ở Trong Bạn: Bí quyết thứ 2 mà Tiến Sỹ Wayne W. Dyer chỉ ra cho mỗi người chúng ta để được thành công và hạnh phúc là bạn hãy lắng nghe theo cảm xúc của mình, hãy lắng nghe nhịp đập trái tim mình để xem ta đang yêu thích điều gì, đam mê điều gì, và hãy sống với nó đừng lý luận.
3. You Can Not Give What You Don't Have - Bạn Không Thể Cho Cái Bạn Không Có: Điều này quá rõ ràng, chúng ta không thể cho đi cái mình thật sự thiếu thốn và không có. Chính vì vậy, tác giả gợi mở cho bạn một nguyên tắc sống mới là hãy biết sống có mục đích, có định hướng. Mà mục đích ấy, định hướng ấy là gì nếu không phải là bạn được sinh ra với tất cả khả năng của mình, vậy hãy biết cống hiến cho cộng đồng những gì bạn có bằng một đời sống có định hướng đúng đắn.
4. Embrace The Silence - Hãy Biết Sống Trong Cô Tịch: Cuộc sống càng hiện đại thì con người càng bị quay cuồng bởi những cái ồn ào cả bên ngoài lẫn bên trong con người bạn. Bên ngoài chúng ta chịu ảnh hưởng bởi cái ồn ào của âm nhạc, của những tiếng xe máy, cãi vã,... bên trong chúng ta chịu ảnh hưởng của cái ồn ào của lòng tham, ích kỷ, ghen tuông, hận thù... Vì vậy, tác giả mời gọi chúng ta hãy biết thinh thặng, biết thiền, biết cầu nguyện để suối nguồn bình an ngự trị trong tâm hồn chúng ta.
5. Forget Your History - Quên Đi Quá Khứ: Chúng ta có thói quen sống hoài niệm, nghĩa là luôn nghĩ về quá khứ, nghĩ về kỷ niệm dẫu nó ngọt ngào hay đắng cay. Dù ngọt ngào hay đắng cay, vinh quang hay thất bại... tất cả đều đã qua. Bạn hãy biết sống với giây phút hiện tại cách tròn đầy, đừng ngồi đó nguyền rủa quá khứ, hoàn cảnh...
6. You Can Solve The Problems With The Same Mind Creatively - Bạn Có Thể Giải Quyết Vấn Đề Với Cùng Một Tâm Thức Sáng Tạo: Theo đó, cuộc sống của mỗi người chúng ta không thể không có sai lầm và thiếu sót. Ai cũng phải đối diện với vấn đề của riêng mình. Theo Tiến Sỹ Wayne W. Dyer thì vấn đề chỉ mãi mãi là một ảo tưởng của chính những suy nghĩ nơi mỗi người chúng ta. Chỉ cần thay đổi thái độ, thay đổi niềm tin, thay đổi lối nghĩ về cái mà ta cho là "Vấn Đề" thì vấn đề sẽ lập tức được giải quyết triệt để.
7. There are no Justified Resentments - Không Có Sự Oán Giận Nào Là Chính Đáng Cả: Cuộc sống của mỗi người không phải là một hoang đảo - nơi chỉ có ta với ta, mà là một cuộc sống cộng đồng - nơi ta sống và tương giao với mọi người khác ta. Trong các mối tương giao với người khác, chắc chắn không tránh khỏi những va chạm làm ta bị tổn thương và mất mát, từ đó gây ra bực tức và thù hận tùy theo mức độ đau đớn và mất mát mà ta trải nghiệm. Nguyên tắc này giúp ta nhận thức một sự thật là "không ai có quyền làm ta bị ảnh hưởng nếu ta không cho phép", nghĩa là ta sẽ chẳng bị tổn thương hay có cảm giác mất mát nếu ta không cho phép điều đó xảy ra. Vì vậy, để sống bình an và thành công, ta cần biết "yêu thương tất cả, tha thứ tất cả" cho chính mình và cho người khác để rồi ta cũng được tha thứ và yêu thương.

8. Treat Yourself As You Already Are Who You Would Like To Be - Hãy Sống Như Thể Bạn Đã Là Người Bạn Muốn Là: Ai sống trong đời mà chẳng có ước mơ, có người mơ thành bác sỹ giỏi, có người muốn là thầy giáo giỏi, là phi công, phi hành gia, doanh nhân thành đạt, cầu thủ nổi tiếng, diễn viên nổi tiếng... Và bạn cứ để ý hồi nhỏ khi ta mơ ta là ai thì ta tìm mọi cách để sống như ta là người ấy. Ví dụ, hồi bé ta mơ làm bác sỹ, ta hình dung trong đầu hình ảnh của một bác sỹ, ta chơi trò chơi bác sỹ - bệnh nhân, ta mặc áo blue, ta cư xử hòa nhã với một bệnh nhân... Đây là nguyên tắc mà Tiến Sỹ Wayne W. Dyer trình bày cho chúng ta nếu ta muốn thành công.
9. Treasure Your Divinity - Hãy Biết Trân Quí Thần Trí Của Bạn: Một cánh quạt đang quay, một bóng điện đang sáng,... nếu ngắt khỏi nguồn điện thì nó lập tức sẽ ngừng lại ngay, vì nguồn điện là tác nhân để cho chúng hoạt động có hiệu quả. Hay nói một cách khác, nếu bạn chỉ là một giọt nước và đại dương là Thượng Đế, thì bạn sẽ hiểu mối tương quan giữa bạn và Thượng Đế - Đấng Tạo Dựng của bạn. Khi ta tách mình ra khỏi Thượng Đế, nghĩa là ta muốn trở thành thượng đế bởi cái Tôi của mình thì lúc đó bạn chỉ còn lại khổ đau, trống rỗng, mất mát, và vô nghĩa dù bề ngoài có vẻ như bạn có quyền lực, có tiền của, có địa vị. Nguyên tắc này giúp bạn nhận thức rõ ràng hơn về mối tương quan giữa bạn và Thượng Đế và sự cần thiết của mối tương quan này để bạn có thể thành công và bình an.
 10. Wisdom Is Avoiding All Thoughts That We Can Use - Tránh Những Suy Nghĩ Tiêu Cực. Suy nghĩ chính là kẻ thù lớn nhất của chúng ta. Ta có khuynh hướng nghĩ về những thứ tiêu cực, hủy diệt, khổ đau, bệnh hoạn, chết chóc,... nói chung là nghĩ lung tung. Điều quan trọng là không ai bắt bạn phải nghĩ như thế, không ai đặt vào trong đầu bạn mấy loại suy nghĩ nguy hiểm này, và không ai có thể chọn lọc giúp bạn nếu bạn không khôn ngoan đủ để biến loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực này ra khỏi cuộc sống của mình. Hãy khôn ngoan để biết suy nghĩ sao cho đúng đắn và tích cực nhất.
Joseph C. Pham
Kyna.vn sưu tầm


Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

NGƯỜI THẦY CỦA ĐẠO ĐỨC, TỰ HỌC VÀ SÁNG TẠO

 Không ít lần tôi ngồi trước máy vi tính, tâm trí luẩn quất dòng tên “Trương Vũ Thiên An”, nhưng rồi lại chẳng biết phải bắt đầu từ đâu trước những ý nghĩ, xúc cảm bộn bề. Cho tới một hôm, đi tìm gương điển hình nhà giáo ở Quảng Nam, được Sở Giáo dục và Đào tạo giới thiệu về anh,  NGƯT Trương Văn Quang,  Tổ trưởng Tổ chuyên môn Ngữ văn-Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Vâng, với một người thầy theo đúng nghĩa thầy, lại có sức cảm hóa sâu sắc đối với tâm hồn, tình cảm của trò như thầy giáo văn chương thi phú này thì làm sao có thể không chú tâm được chứ !
 Xin được bắt đầu từ bút danh “Trương Vũ Thiên An” của thầy giáo Trương Văn Quang. Một người học trò cũ (hiện đang là đồng nghiệp của thầy Quang, dạy tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) đã viết những dòng như thế này trong một truyện có tựa đề Thầy tôi: “cuộc đời tôi, vui và buồn, thất bại và thành công…như được an bài từ một người thầy dạy văn: thầy Trương Vũ Thiên An. Hơn hai mươi năm tuổi nghề, bao nhiêu khóa học trò đã đến và đi, vậy mà mỗi khi nhớ lại những giờ văn của ba mươi năm trước, bây giờ cũng như bao giờ, lòng cứ mênh mang như sách vở.”.
Ba mươi năm trước, thầy giáo Trương Văn Quang rời giảng đường đại học về với một ngôi trường nghèo của một huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Đạp xe trên những đoạn đường lổn nhổn đá cục, ổ gà, tâm hồn đầy mộng mơ của thầy giáo trẻ vẫn nhận ra những nếp nhà tranh buồn như cổ tích, ẩn hiện giữa ruộng đồng, đồi núi. Thế cho nên, khi đứng trước ngôi trường mái ngói cấp 3 mái ngói rêu phong, khai sinh từ thời kháng chiến, thầy thấy nó bệ vệ, uy nghi hơn hẳn. Chính ngôi trường cấp 3 Quế Sơn (nay là trường THPT Quế Sơn) đã lưu đậm dấu ấn những bài giảng đầu đời còn vẹn nguyện chất lửa say mê của anh.
Nhiều đồng nghiệp cho rằng, dường như Trương Văn Quang sinh ra thì tố chất của một vị thầy văn chương đã có sẵn trong máu thịt. Với phong cách ung dung, tự tin, giọng nói trầm ấm và ánh nhìn trầm tư, thăm thẳm, đã đủ để thầy có thể thu hút sự tập trung của lũ học trò vốn được gọi là “nhất quỷ nhì ma”. Nhưng khi bài giảng đã bắt đầu thì đúng là văn ra văn, thơ đích thị là thơ thật. Những bài giảng văn của thầy giáo Quang vượt thoát ra khỏi khuôn khổ hạn hẹp của sách giáo khoa hay tài liệu giáo học pháp. Những trang sách, tác phẩm văn học kinh điển thế giới mà thầy mua bằng sự dành dụm những đồng lương tháng ít ỏi của mình ngày ấy đã mở ra cho học sinh vùng quê nghèo của mình những chân trời khát vọng. Thầy giáo Ngô Tấn Ái, người học trò lớp đầu tiên của NGƯT Trương Văn Quang còn nhớ vẹn nguyên cảm giác của những ngày ấy:
“Sách, niềm hân hoan đầu tiên là sách. Đứa trẻ nghiện sách là tôi cứ như trong mơ lạc vào thế giới kì bí xây bằng sách. Ngày ấy giá mỗi bộ sách như Đất vỡ hoang (M.Solokhov ), Bà Bô-va-ry (G.Flaubert) hay Nhà thờ Đức Bà (V.Hugo) giá bằng hai tháng lương của thầy. Lên lớp, thầy dỗ dành lũ tôi: thầy có sách mới, hay lắm, đọc đi!”, và rồi anh đã thốt lên đầy niềm biết ơn chân thành, thiêng liêng: “ Để mở ra cho chúng tôi những chân trời mới, thầy đã âm thầm đóng lại những cửa nhỏ đời mình”…
Những cánh cửa nhỏ của đời mình-sự ví von khá lý thú này về sự hi sinh thầm lặng của thầy giáo Trương Văn Quang làm tôi nhớ tới việc không biết bao lần thầy đã từ chối những lời gọi mời hấp dẫn hơn ở chốn phồn hoa đô thị hay là ở một vị trí mà nhiều người mơ ước. 31 năm công tác, thầy có 27 năm đứng trên bục giảng, hầu hết là những ngôi trường vùng quê Quảng Nam. Một chàng trai xứ Huế lại chọn Quảng Nam là quê hương thứ hai của mình chỉ vì một lẽ là quá yêu thương, gắn bó với trò quê lam lũ, ham học-nghe tưởng như là đơn giản. Nhưng đó lại là sự thật, bởi chính tình yêu thương đã thắp lên trong thầy ngọn lửa nhiệt thành trong từng bài giảng, làm nảy sinh những sáng kiến mới mẻ, dẫn dắt các em đi từ say mê khám phá này đến say mê khám phá khác.
Một học trò cũ khi nhớ lại những bài giảng như thế của thầy đã tâm sự :”Lũ học trò cứ thế ngẩn ngơ theo lời thầy, tìm một đáp án trong đa dạng đáp án. Mặt sáng rỡ sau mỗi giờ văn nghe thầy phê tặng: Đáp án tối ưu!. Cứ thế, từng trang sách mở ra, từng đáp án mở ra, từng cuộc đời mở ra. Những năm trung học khép lại bằng thành quả ngọt ngào: Hơn nửa lớp đỗ vào đại học. Năm 1986 ở một vùng quê trung du - một kì tích làm dậy cả một vùng huyện nhỏ”. Trong bài thơ “Cuối cùng của đầu tiên” độc thoại về nghề, người thầy giáo thi sĩ Trương Vũ Thiên An đã viết: “Trên tấm bảng đời em tôi đã viết bài giảng đầu tiên/ Bài giảng cuối cùng là gì tôi chưa thể biết/Tôi là người của bao la xanh biếc/ Nhưng người học trò – em là ai?”. Trong quan niệm của người kỹ sư tâm hồn, thì mỗi học sinh là một thế giới phong phú, đa chiều mà người thầy không có điểm dừng chuyển tải tri thức. Cảm động thay khi đọc những dòng thầy Quang tự họa chân dung mình ở đầu một tập sách: “32 năm dạy học là 32 năm tự học, được là thầy của chính mình; không bao giờ bằng lòng với những gì mình đã nghĩ, đã dạy; luôn cố gắng đi tìm một cách đối thoại đơn giản, dễ hiểu để giúp học trò dễ nhớ và nhớ lâu”…Thầy Quang quan niệm, thất bại nhất của người thầy là làm cho học trò mệt mỏi và buồn nản trước dung lượng kiến thức trong mỗi tiết học. Bằng tố chất của nhà sư phạm pha trộn nghệ sỹ, thầy luôn đem vào trong từng bài giảng hơi thở mới, chất liệu mới của hiện thực cuộc sống. Ở Quảng Nam, nói tới nhà thơ Trương Vũ Thiên An thì không ai không biết vì thầy là Hội viên Hội VHNT của tỉnh với nhiều tác phẩm thơ, truyện ngắn, phê bình văn học, tiêu biểu là tập “Gác chân lên cô đơn” (được Giải thưởng Đất Quảng năm 2013). Nhưng có lẽ còn ít người biết đến thầy còn là tác giả của 6 đầu sách tham khảo về dạy Ngữ văn ở các khối lớp Trung học phổ thông do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành.
Người gieo trồng cần mẫn như con ong làm mật say mê ắt có ngày bội thu. Những danh hiệu Chiến sĩ thi đua, phần thưởng cao quý các cấp, đặc biệt là danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2014 do Chủ tịch nước phong tặng là nguồn cổ vũ động viên lớn lao với NGƯT Trần Văn Quang. Nhưng vào năm học 2013-2014, khi thầy Quang được Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam mời tham dự Lễ tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 2008-2013 nhằm “biểu dương, tôn vinh những nhà giáo có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động tạo khí thế mới trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương VIII khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam”, sau buổi được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt tại Phủ Chủ tịch, trở về với ngôi trường thân thuộc nơi quê hương yêu dấu, anh cho rằng, phần thưởng cao quý nhất cho những nỗ lực của mình chính là những giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia hàng năm, là khi được làm đồng nghiệp của chính những học trò thầy đã dạy dỗ ngày nào.
Còn rất nhiều điều mà trong phạm vi trang viết không thể nào tải hết. Xin mượn cụm từ “đạo đức, tự học và sáng tạo” (từ Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” của ngành Giáo dục và Đào tạo) để khái quát về những phẩm chất của Nhà giáo Ưu tú Trương Văn Quang. Sức sống của sự đam mê nghề nghiệp, đam mê văn chương cũng như tình yêu nghề, yêu người của người tổ trưởng chuyên môn đã lan tỏa tới các đồng nghiệp, để rồi cụm từ “đổi mới phương pháp dạy học” không hề xa lạ, không những thế, còn thường trực trong mỗi giờ lên lớp ở Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Học sinh chuyên văn của Trường cũng thực sự là những cá thể sáng tạo, sớm đưa trang sách ra cuộc đời để góp phần làm đẹp thêm cho xã hội.
Trương Văn Quang: Bút danh: Trương Vũ Thiên An (Hội viên Hội VHNT Quảng Nam). Giải thưởng, danh hiệu: Nhà giáo ưu tú; Giải ba bình văn do Tạp chí Kiến thức Ngày nay tổ chức (1996), Giải tư truyện ngắn do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ GDDT tổ chức (2006), Giải nhất thơ, truyện do Sở GD&ĐT Quảng Nam tổ chức (2011), Giải B Tặng thưởng Văn học nghệ thuật Quảng Nam (2013)
Uyên Phương