Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Một truyện ngắn lạ về Tấm Cám

- Truyện cổ tích Tấm Cám đã được nhiều thế hệ đọc và "giải mã" với nhiều góc độ khác nhau. Trong các bài giảng, giáo viên còn ra đề kiểm tra hoặc yêu cầu học sinh 'viết câu chuyện theo cách hiểu của mình". Theo dòng sự kiện những ồn ào vè chuyện sửa kết truyện Tấm Cám trong sách giáo khoa, VietNamNet giới thiệu một truyện ngắn lấy cảm hứng từ câu chuyện dân gian này. Với tác giả, hiện đang sống ở Đức, "đây là một cách nhìn lại giá trị cũ của mình". Dưới đây là nội dung truyện ngắn.


Tấm mệt mỏi đặt lưng nằm lại, nhắm mắt ơ thờ. Cám đi rồi. Còn lại những gác những lầu, những cột kèo, những hành lang vắng âm âm theo mỗi bước chân. Và đêm. Tối. Nặng. Như bùn. Như cỏ ướt. Hoang vu. Ngực Tấm cồn lên. Tấm nức khan. Tiếng nức của người không thể nào khóc được. Trống cầm canh dội. Tấm biết, vậy là với nàng thế đã một đêm.

*
Đã như thế lâu rồi. Đã bao đêm Tấm loanh quanh kiếm việc gì làm cố tình trốn giấc. Nàng sợ. Sợ phải một mình đối mặt với Cám. Sợ những lúc hổn hển gỡ mình khỏi cơn mơ, vã mồ hôi lạnh, mà không thể gọi ai, không thể gọi nhà vua, không thể gọi thị nữ. Nàng sẽ một mình chong mắt vào đêm tối, thở dốc, cổ khô khát. Nỗi kinh hoàng chế ngự nàng, ngày này qua ngày khác. Giống như một thứ bệnh âm không thể nào chữa khỏi, làm người ta kiệt lực mà vẫn đành phải tập chung sống với nó.    

Đã như thế lâu rồi. Mỗi đêm, Tấm tưởng như mình đã thản nhiên lắng nghe những tiếng động tắt đi ở đầu đằng kia hành cung, nơi bấy lâu nay nhà vua một mình một long sàng, đợi lúc phải vào giường, đợi thị nữ tắt đèn, đợi Cám. Chưa bao giờ Tấm mơ thấy Cám trong hình hài nguyên vẹn. Lúc nào cũng chỉ có cái đầu. Cái đầu Cám với thần thái của người sống, vẫn mắt môi, vẫn vành khăn vấn, vẫn thịt da tươi mởn như trước lúc chết, lềnh bềnh trong bóng đêm. Đáng sợ. Bởi quá đỗi kỳ quặc.  Bao giờ cũng vậy, trong mơ chỉ có một mình Cám nói. Trong mơ, Tấm tê liệt vì kinh hoàng và căm giận. Và giọng Cám, ai oán, ảm đạm sẽ như tiếng tinh nứa siết vào nhau làm Tấm choáng váng, đau buốt suốt cả ngày sau. Đó là một cảm giác thuần túy thể chất. Nó làm Tấm rã rời. Từng đêm... Từng đêm...

*
'Chị Tấm! Sao chị nỡ đọa đày mẹ con tôi đến thế. Sao chị nỡ bày ra cho mẹ con tôi cái chết tức tưởi thế này. Đã đành mẹ con tôi quá ác với chị. Nên nỗi oán oán chất chồng. ác giả ác báo. Đành rồi. Nhưng chị hãy nhìn tôi! Đâu thịt da tôi? Đâu xương cốt tôi? Tôi đâu dám nói gì. Song chị có bao giờ thử nghĩ thiên hạ mai sau sẽ nói gì?

Mắt Cám buồn rượi. Cái đầu Cám lắc lư trong không khí. Chỉ có độc cái đầu. Tấm nhớ lúc đó Tấm đã hét lên. Những cây cột chạm trổ sơn son thếp vàng trông đường bệ và tráng lệ là thế ban ngày mà lúc đó thì đứng sững như người trong một dáng vẻ tăm tối đầy hăm dọa. Không có nhà vua nằm cạnh Tấm. Chỉ có hai thị nữ rón rén bê đèn bước vào, rón rén vén rèm nâng Tấm dậy, rón rén nâng chén nước mời Tấm nhấp môi. Chén nước vối Tấm hằng quen và vẫn ưa dùng ngay cả lúc đã vào sống nơi cung cấm tỏa mùi hương lạc lõng.

*
 'Chị Tấm! Mẹ tôi gục chết bên hũ mắm làm từ thịt xương tôi. Chị có biết mình đã làm điều thất nhân tâm đến độ rồi không? Người mẹ nào cũng là hổ dữ khi bao bọc con mình. Chỉ khi ấy! Sao chị nỡ bắt một người mẹ phải ăn thịt con. Chị nghĩ gì khi lóc thịt xương tôi làm mắm. Tôi đã bao lần cố công triệt thân tâm chị trên cõi sống này. Đã giết vàng anh. Đã chặt xoan đào. Đã đốt khung cửi. Đã không thành. Chị tưởng làm được điều ấy với tôi ư? Xấu tốt gì tôi với chị cũng là người. Xương thịt  là do cha mẹ sinh thành. Nhưng trời đất định đoạt số phần. Việc của đất trời, người không làm được...'

Cám im. Mắt ủ rũ nhìn sâu vào đêm tối, lướt qua mặt Tấm, ơ hờ. Cái đầu lắc lư như không thể nào cố định nổi, bập bềnh trôi trong đêm xôm xốp và rất dính. Tấm cố hình dung phần thân thể Cám từ cổ trở xuống. Không thể. Cái tươi mát thịt da xưa của Cám chính tay nàng đã băm vằm. Không phải để triệt hậu họa, cốt hả căm hờn. Phải! Cốt hả căm hờn.

Nàng đã tích hờn căm ấy từ bao giờ? Từ buổi chiều ngồi bên gốc gạo âm thầm khóc vì bị Cám trút mất giỏ cá chăng? Mất giỏ cá, mất yếm đào! Có làm gì cái yếm đào khi nàng biết rõ các anh trai làng chỉ ưa nhìn ngang khe yếm các chị chiều chiều lúi húi rũ cỏ rửa bèo ở ao đình! Có làm gì cái yếm đào khi nàng ngày ngày phải xắn váy mốc theo trâu đồng sâu đồng cạn!

Nàng tích oán thù từ buổi ngồi bên bờ giếng khóc bống con ư? Bống con tội nghiệp. Nhưng bống có thương nàng thì cũng tựa con trâu Ngổ vẫn được nàng ngày ngày chăm bẵm thương nàng. Lúc nàng mất bống, nàng chỉ mới biết khóc tủi thân tủi phận.
Biết bao lần Tấm dằn vặt mình. Bao giờ, tự bao giờ nàng để oán thù kết lại? Bây giờ, năm tháng qua đi, nàng hiểu ra rằng nỗi căm hận mẹ con Cám đã bùng lên trong lòng nàng vào đúng buổi chiều gió ấy. Xóm làng xôn xao hội lớn. Trống thúc. Loa vang. Nàng gục mặt trên thúng thóc trộn lẫn gạo vừa giã, nước mắt lã chã hai hàng. Vì bất lực. Vì khao khát được đổ ụp lên đầu hai mẹ con Cám tất cả những ê chề nàng đã chịu đựng bấy nay. Và nhiều hơn thế nữa! Nhiều hơn thế nữa! Hơn thế nữa! Đến mức nàng không hình dung nổi. Nhưng nàng nhớ buổi chiều gió ấy, buổi chiều nàng để hận thốc lên. Khi ấy, Tấm không hề biết rằng hận đã nhen thì phải trả.

*
 'Chị Tấm! Chị thử nghĩ mà xem! Tôi có ác thì tôi cũng đâu có tự tay giết chị. Tôi lấy mất của chị giỏ cá. Tôi gièm chị với mẹ tôi. Tôi làm cho chị phải ăn roi vọt. Nhưng tôi không giết chị. Tội của mẹ tôi, tôi phải gánh. Sao chị không cho đuổi tôi về. Như thế đã đủ ê chề sau những ngày tháng tiền hô hậu ủng dập dìu ngựa ngựa xe xe. Sống giữa sự khinh khi dè bỉu của xóm làng, không chồng không con, không còn gì cả, còn dám ngửa mặt nhìn ai! Vậy cũng cầm bằng như chết! Sống vậy đã chắc gì tôi còn dám sống! Sao chị không làm như thế? Dù sao chị cũng có lại tất cả rồi.             Tôi giết vàng anh. Tôi chặt xoan đào. Tôi đốt khung cửi. Nghĩ cho cùng cũng chỉ là để xua đuổi tà ma. Chị lúc ấy là ma. Ma làm sao ở được với người. Ma làm sao chung chồng được với người. Chị Tấm! Tôi chưa bao giờ giết chị!'

Trong cơn mơ, Tấm thấy mình điên giận vì không sao cất nổi tiếng để mắng vào mặt Cám. Cám ủ rũ buông lời. Không ra buộc tội. Không ra thanh minh. ừ phải! Cám chưa bao giờ giết Tấm. Cám chỉ lấy mất hoàng tử của Tấm. Nhưng có người sẽ không làm như Cám vào lúc đó chăng? Người ta vẫn thường bai bẻ mấy chữ 'duyên em tình chị'...

Những giấc mơ làm Tấm mệt mỏi và đâm bẳn gắt. Tính khí Tấm sau lúc về sống lại nơi cung cấm làm ai nấy đều lo sợ mỗi lúc phải gặp nàng thưa thốt điều gì. Cả chồng nàng, đấng quân vương oai trùm thiên hạ. Chàng hoàng tử say đắm và quả quyết ngày xưa giờ là ông vua lúc nào cũng buồn rầu và có cái nhìn u ám. Nỗi buồn phủ chụp trên thân dáng nhà vua bây giờ sao khác quá nỗi buồn thuở nhà vua cất tiếng 'vàng ảnh vàng anh - có phải vợ anh - chui vào tay áo.' Tấm bây giờ không còn là chim hoàng oanh nữa, và lòng nhà vua lúc này với Tấm còn hẹp hơn ống tay áo năm nào. Nhà vua không mấy khi nhìn nàng, không mấy khi nói với nàng. Thần trí nhà vua đôi lúc nhuốm đầy vẻ gì làm Tấm không hiểu nổi và vì thế mà nàng càng hay nổi cơn giận dữ không chừng.

*
'Chị Tấm! Chị có biết vì sao chị lại ra nông nỗi vậy? Dù gì thì tôi với chàng cũng có với nhau những ngày những đêm nồng mặn, dẫu chàng vẫn thương nhớ chị khôn nguôi. Nhưng bây giờ, chị hãy thử nhìn xem, chàng ra thế. Thần sắc của chàng là thần sắc của người đã chán ngán thế gian này. Là thần sắc của kẻ bạc nhược. Kẻ bạc nhược sẽ phải đi tìm nơi cho linh hồn rũ liệt của mình nương tựa. Vào đâu? Trăng lên hoa nở! Rượu! Đàn bà! Nhưng sẽ không phải là chị. Bởi vì chàng đâu có còn thiết tha với sự đời. Kẻ đã không thiết sống thì không còn gì phải sợ hãi, không bao giờ đi tìm sự gần gũi bên một kẻ giết người. Tội ác bao giờ cũng làm người ta ghê sợ...'. 

Khi nói những lời dao cứa đó, Cám không hề lộ vẻ đắc thắng. Mắt Cám tràn ngập nỗi buồn. Cám cúi nhìn. Nhìn gì? Bên dưới cái đầu của Cám nào còn có gì ngoài đêm quánh đặc. Rất nhiều đêm sau này, trong lúc nằm chờ cơn mơ dữ có Cám hiện về, Tấm đã bàng hoàng nhận ra rằng lời Cám nói trong giấc mơ đêm đó đã làm nàng đau đớn nhất. Nỗi đau, không còn được cưu mang bằng niềm thương thân hay căm hận, như một thứ cường toan gặm mòn năm tháng, gặm mòn đời người.

*
'Chị Tấm! Mẹ con tôi ác. Mẹ con tôi đã chịu quả báo ngay trong kiếp này rồi. Nhưng ngẫm cho cùng, cái ác của mẹ con tôi cũng chỉ là cái ác bình thường. 'Bao giờ bánh đúc có xương - Bấy giờ dì ghẻ mới thương con chồng...' Chị nhớ chứ? Chị nhớ 'Đói lòng nằm gốc cây sung - Chồng một thì lấy chồng chung thì đừng' chứ’. Tôi đã hoài hơi chống chọi với bóng ma chị. Vì chàng. Chị tưởng tôi thèm làm hoàng hậu suốt đời ư? Không! không phải thế! Tôi chỉ thèm làm vợ. Tôi chỉ thèm thấy lại một lần cái nhìn buồn bã của nhà vua dù sao cũng sáng lên khi chàng thấy tôi đi tới. Chàng biết hết tội của mẹ tôi, chàng biết hết lỗi lầm của tôi, nhưng chàng cũng biết lòng tôi thiết tha với chàng đến thế nào, không phải từ sau khi tôi thay chị vào sống trong cung, mà từ hôm ấy, từ hôm tôi hồi hộp ngước nhìn chàng và xỏ trượt hài thêu. Phải, chiếc hài là của chị. Chàng biết cả, nhưng chàng cũng biết rằng... Đứa con gái nào đã xếp mình vào hàng để thử hài chẳng vì lẽ ấy... Vậy mà chị nỡ... Chị đã hủy hoại tấm hình hài mà chàng đã nhiều đêm ôm ấp. Chị đã tự hủy hoại.'

Sau đêm ấy, Cám thôi không hiện về. Nhưng những đêm dằng dặc sống cùng mơ dữ đã tạo trong Tấm một thói quen không thể nào bỏ. Giống hệt một thứ bệnh nghiện. Càng ngày càng tệ hại hơn. Trước, Tấm còn có thể chợp mắt đầu đêm trước lúc Cám hiện về. Giờ thì nhiều đêm Tấm chống mắt, tự hành hạ bằng cách nhắc cho mình từng lời Cám nói. Từng lời. Từng lời. Như nước lạnh rỏ đều đều vào tâm trí, không làm Tấm khiếp hãi nữa, nhưng khiến Tấm tê buốt tới tận từng chân tóc. Sáng nào chuyện phải cất mình khỏi giường, đi lại, ăn uống, sai bảo, bàn bạc cũng làm Tấm chỉ nghĩ tới đã bải hoải. Sự mệt mỏi quá độ giờ đây làm Tấm mềm tính lại. Nàng lại gần giống như Tấm của ngày xưa, yếu đuối, dịu dàng, nhưng khô khan, hốc hác. Gò má Tấm cao lên, đôi mắt nàng sâu xuống, lúc rừng rực một cái nhìn, lúc lại như lạc thần. Người hầu kẻ hạ thôi không còn phải lo đối phó với những cơn tức giận không chừng của nàng, tươi tỉnh hơn, thế nhưng ai cũng có vẻ càng thêm ngại Tấm. Riêng có nhà vua thì dường như càng ngày càng chìm sâu hơn vào ảm đạm. Một chiều kia, Tấm chua xót nhận ra ánh mắt bơ vơ của nhà vua lúc dõi nhìn bông hoa súng đã tàn trên đầm nước chợt nhuốm đầy vẻ khinh bỉ và ghê sợ khi chạm phải cái nhìn của nàng. Phải! Đúng vậy! Ghê sợ!

Cái nhìn của nhà vua làm bước chân Tấm run rẩy. Nàng tuyệt vọng. Nàng có cảm giác tất cả, nhà vua, kẻ hầu người hạ trong cung đều nghe thấy hằng đêm lời Cám kể tội nàng, khiếp hãi và thương cảm cái kiếp làm ma không toàn thây của Cám. Nàng có cảm giác ai cũng sẽ hỉ hả nếu được thì thào với nhau về những lời Cám nói, và nếu điều đó chưa xảy ra thì cũng chỉ bởi người ta còn đang muốn sống mà thôi.

Tấm đâm vừa ghét vừa sợ người. Lúc đi đứng lúc nằm ngồi, lúc nào nàng cũng cảm như rờn rợn. Kể cũng lạ lùng, bởi đến ý nghĩ một lúc nào đó Cám lại sẽ hiện hồn về giờ đây cũng không còn làm nàng khiếp hãi. Càng ngày Tấm càng thích khép mình trong phòng cùng hai thị nữ, vốn là bạn gái ngày xưa được Cám gọi vào cung. Nhưng cả họ rồi cũng bắt đầu làm Tấm sợ và ghét, bởi vẻ rụt rè vô cảm, bởi sự tận tụy gần như là cam chịu mà họ trình bày với Tấm mỗi ngày.

Tấm bắt đầu năng hương khói. Thắp nén hương lên là nàng hăm hở cầu xin. Nàng muốn bao nhiêu điều. Lòng thương, nếu còn sót lại ở nhà vua, ở chồng nàng. Sự tĩnh tâm. Niềm an ủi. Ngày xưa, không cần hương khói, Bụt vẫn hiện lên với nàng, che chở bảo ban nàng. Bây giờ, Tấm van vái thế nào nàng vẫn chỉ một mình. Càng về sau, dù thành tâm bao nhiêu khi thắp hương, Tấm vẫn thấy ý nghĩ mình tách khỏi những lời cầu nguyện, đi lạc đâu rất xa. Tiếng nghé ọ buổi trưa nào giữa đồng không mông quạnh khi nàng ngồi tránh nắng bên gánh cỏ trong ngôi cầu Đồng Bán... Những cái càng cua luều nguều trên luống đất mới cày vỡ sau vụ gặt chiêm... Và nỗi buồn đeo đẳng đã làm vỡ òa ở nàng suốt những ngày tháng xa xưa bao nhiêu là nước mắt, chỉ vì không được cảm thông, chỉ vì không được yêu thương... Nước mắt nàng đã khô đi sau bao nhiêu thống khổ mà mẹ con Cám đã gây ra. Nàng đã khóc chỉ vì không được sống. Nàng đã không khóc khi tước đi sự sống của một con người. Máu kêu trả máu là lẽ thường tình. Cái lẽ thường tình ấy bây giờ làm nàng không khóc nổi. Tấm giơ bàn tay ra trước nắng quái rừng rực đỏ, nhìn, chua xót. Nàng, với bàn tay này đã dội nước sôi lên người Cám, đã lóc xương lột da Cám làm mắm. Và mẹ Cám chết gục bên hũ mắm ăn đã gần chạm đáy. Thật là đúng với lòng nàng khao khát trả thù. Hổ dữ cũng không ăn thịt con mình. Tại sao nàng đã giết người mà còn buộc người phải làm cái việc đến cầm thú cũng không làm. Cám nói đúng. Cám có lý. Thần sắc của nhà vua bây giờ là thần sắc của người không còn thiết sống. Ai có thể tiếp tục yêu thương, ai có thể yên tâm nhận yêu thương từ bàn tay của kẻ đã dám làm điều ác cùng cực thế...

*
..Tấm ngồi chết lặng bên khung cửa sổ mở về phía hoàng hôn. Nàng không còn nghĩ tới chuyện van vái khói hương. Nàng biết, nàng không còn có thể làm gì...        Lòng Tấm chua xót, bình tĩnh, trống trải, trống trải vô cùng. Tấm thở dồn. Bất ngờ quá đỗi, nước mắt Tấm từ đâu ào về vỗ trong lồng ngực, dâng lên, ứa ra, chảy thành dòng lặng lẽ. Hoàng hôn gãy thành muôn đốm chói rực. Như cái màu hoa gạo buổi chiều tháng ba ẩm ướt năm nào, khi Tấm ngồi khóc vì bị mất giỏ cá. Cái màu hoa cháy trong mưa, thảng thốt một trời xuân xa lắc. Tấm khóc. Như nước lụt. Đầm đìa. Ràn rụa. Tràn trề.
...Đêm đã kéo tuột vừng mặt trời đỏ như quả bòng lửa xuống. Chỉ còn một chân trời tím thẫm đang đùn sương bảng lảng. Từ chân trời ấy, Bụt bước ra. Bụt bảo Tấm, giọng nghiêm, hiền, xót thương chất ngất: 'Đấy chính là điều kỳ diệu nhất ta có thể cho con. Nhưng con ạ, điều kỳ diệu nhất bao giờ cũng là điều kỳ diệu cuối cùng.'

  • Lê Minh Hà
  • Tháng 8. 2000
  • Tác phẩm đăng tải ở tạp chí Thời đại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét