Một ngày
cuối thu!
Cái ngày
lớp tôi nhận tin đạt hai giải nhất. Một Toán. Một Văn. Hôm ấy, nhìn thầy vui
như mặt trời mùa đông vừa thoát ra khỏi đám mây mù vậy. Đến giờ tôi mới hiểu
niềm vui ngày ấy của thầy, niềm vui của những người tận tụy ươm mầm một khi cái
mầm mình ươm đã đủ sức vươn mình nhú ra khỏi đất.
Thế là
chúng tôi được gọi về trường huyện để học lớp bồi dưỡng. Ngày đầu đi nhập học
người đưa tôi đi không phải là mẹ mà là thầy. Thầy vừa là Hiệu phó vừa dạy hai
môn Văn, Sử lớp tôi, nên thầy biết rất rõ hoàn cảnh gia đình của mỗi đứa. Đặc
biệt là hai đứa mồ côi cha, trong đó có
tôi.
Một ngày
đông lạnh!
Ngày tôi
bắt đầu lớn thêm lên cùng với những vòng xe quay của thầy! Ngồi sau chiếc xe
đạp sườn ngang, tôi vừa lo vừa sợ, một nỗi sợ mơ hồ, mông lung của lần đầu tiên
xa mẹ mà đến bây giờ như một lẽ hiển nhiên, tôi chẳng muốn quên.
Đông ngày
ấy rét lắm, nhưng cả thầy và trò chỉ mặc mỗi một lớp áo mỏng nhưng sao tôi
không hề thấy lạnh. Có lẽ, tấm thân gầy của thầy đã đủ che những cơn gió rét
cho tôi. Hai thầy trò dắt bộ lên đèo. Bóng thầy đỗ dài theo chiều đông…Trò đi
trong nặng trĩu nỗi niềm, nặng trĩu mớ tư trang lĩnh kỉnh. Còn thầy thì mặc gió, mặc mồ hôi cứ thao thao dặn học trò,
như thầy đang làm thơ vậy. Bởi thầy nói với trò lắm lúc cũng như thơ.
Này em! Xa nhà,
em phải biết tự chăm sóc bản thân mình…
Này em! Nơi mới
cũng có thầy có bạn, mong em sẽ vui…
Này em! Phải cố
sức mà học cho bằng người…
Này em!...
Cứ thế cho đến hết đoạn đường hơn mười cây số. Lời thầy dặn như nắng, như
mưa, cứ dài thêm, nặng thêm trên mỗi bước đi, và tôi thì cố nắm giữ mớ hành
trang, cố nắm giữ mỗi khi thầy dặn để khỏi đánh rơi một lời nào.
Những
ngày tôi sống nơi tập thể cùng thầy cô trường huyện, tám tháng học nơi trường
người, đếm số lần thầy đến thăm tôi nhiều hơn mẹ đến. Và cũng khác mẹ một điều
là quà thầy thường mang đến cho tôi
không phải là môn nấu, mít hông hay sắn luộc... Mà là những lời dặn thật sâu,
thật kỹ và cứ thế lại “Này em…”. Lần
này thầy còn kể cho tôi nghe về những tấm gương như Beethoven hay Pavel Korchagin
trong “Thép đã tôi thế đấy”. Cũng giống như lần mẹ đến, khi chia tay thầy, tôi
khóc. Thấy tôi giấu nước mắt, thầy bảo “Con
gái học văn thường yếu đuối lắm. Với em, em không có quyền được yếu đuối.”
Từ đó, mỗi khi yếu lòng tôi thường vịn vào câu nói của thầy để đứng lên, để
mạnh mẽ, để thể hiện cái quyền không được yếu đuối của mình.
Lời đầu
tiên thầy khuyên tôi là đừng nên bỏ cuộc. Bởi có lần tôi muốn bỏ cuộc vì đói
khổ vì xa lạ vì nhớ mẹ, nhớ trường…
Một chiều
cuối Chạp, trời bỗng nhiên nắng đẹp. Thầy đến trong nỗi
xốn xang mong ngóng Tết về. Ngoài những lời dặn dò mang vác, thầy còn tặng tôi cuốn lịch túi thật dễ thương. Rồi một
lần nhớ mẹ, nhớ thầy, nhớ lớp 9 trường
làng quá, lại lấy cuốn lịch ra để đếm xem còn bao nhiêu ngày nữa đến ngày được
lên tỉnh đi thi, cũng đồng nghĩa với bao nhiêu ngày nữa được trở về với mẹ với
thầy, rồi đọc vội những câu danh ngôn trong cuốn lịch. Tôi mới nhận ra một
điều, cuốn lịch thầy cho không chỉ là thầy muốn tôi sống, học tập trọn vẹn từng
ngày nơi phía không thầy mà còn mượn những câu danh ngôn thay thầy dạy tôi từng
lẽ sống. (thầy ghi vào cạnh câu danh
ngôn, “Em nhớ đọc và cố thuộc…”) Trong đó có cả những câu danh ngôn mà tác
giả chính là thầy.
“Bỏ cuộc là thất bại lớn nhất” (Thầy NN)
“Hãy từ bỏ nỗi sợ hãi và dũng cảm làm điều bạn
muốn” (Thầy NN)
…
Tôi đã cố
sống và học theo lời thầy dặn. Những câu danh ngôn thầy cho, tôi đã thuộc và học mãi vẫn không hết đến tận bây
giờ.
Một ngày
cuối năm học, giữa giờ chơi,… chợt thầy gọi tôi vào phòng làm việc, trao cho
tôi một tờ giấy nhỏ và nói “Chúc mừng em
đã không bỏ cuộc!” Tôi rưng rưng cầm tờ quyết định tuyển thẳng vào lớp 10,
muốn nói cảm ơn thầy nhưng không nói được câu nào, đến tận bây giờ tôi vẫn chưa có cơ hội để được nói hết cùng thầy về ngày ấy…
Cách đây
sáu năm, vào một tối rất tình cờ khi xem chương trình thời sự của đài Phát
thanh và Truyền hình Bình Dương nói về “Lòng nhiệt huyết của một Nhà giáo ưu
tú”. Lần đầu nghe tin ấy nhưng sao tôi không ngỡ ngàng, không bất ngờ…Hình như,
đó là một lẽ hiển nhiên cần phải nói về thầy tôi. Phần thưởng đến trong năm cuối
cùng trước khi thầy rời bục giảng. Thưa thầy! “Đời mau quá vui buồn chưa kịp
cũ. Đời mau quá tóc thầy khói phủ”. Em dõi theo bóng thầy vật vã với văn
chương…
Thời
gian! Mỗi ngày là một vòng quay của trái đất. Riêng tôi còn có thêm những vòng
quay ký ức, nơi chiếc xe đạp sườn ngang cũ kỷ của thầy. Đôi khi ký ức hiện về tôi
bỗng thèm lắm cái cảm giác được bé lại để ngồi sau lưng thầy để được thầy chở
che những cơn gió lạ. Hôm nay, học trò xưa đi lại đoạn đường xưa, đoạn
đường một thời hoa gạo rụng đầy, màu đỏ như quyện vào hiện về trong nỗi nhớ.
Tuổi thơ lại về trên từng vòng xe quay, vòng quay trên chiếc xe đạp ngày xưa
được thầy chở đi trên đoạn đường đầy sỏi đá nhưng sao chẳng thấy chênh chao,
gập ghềnh. Nhưng giờ đi trên con đường phẳng phiu như vừa mới ủi có lúc lại
thấy chênh vênh… Tháng năm dung dị hơn nhiều, khi những dấu vết thời gian
từ tốn vẽ vời lên khóe mắt. Đi qua hết những hồn nhiên, qua hết thời niên thiếu
với những mơ ước tươi hồng, chợt hoang hoải vì chẳng biết bao giờ mới cầm nắm
những tươi hồng như trước. Cảm ơn đời đã khắc chạm một ký ức vàng son! Nơi ấy,
cho ta hiểu không chỉ ngọt ngào mới làm nên hạnh phúc. Khắc ghi lời thầy trên từng
trang sách, mà đến bây giờ chưa trang nào cũ hết thầy ơi! Và tôi sẽ dạy cho học
trò mình giở lại từng sang sách ấy như là những trang giáo án cuộc đời.
Giữa
thời buổi, lắm nắng gió, mây ngàn giông bão, đến trái tim mình cũng có khi không
giữ nỗi nhưng ký ức về thầy về cuốn lịch
cũ cùng những vòng xe quay, mãi là thứ hành trang không thể thiếu trong mỗi
chuyến đi, không biết tự bao giờ nó đã thành những hạt dẻ trong tôi như những
hạt dẻ nhiệm màu trong cổ tích…
(Đoàn Nhung- Trường THCS Nguyễn Viết Xuân, Tiên
Phước)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét