Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Một bài thơ hay về triết lý giáo dục trẻ em

NGÃ
Con ngã có đau không ?
Ba không đánh chừa cái đất
Bởi tại con đi không nhìn
Cứ vội lần sau sẽ vấp
Phủi quần đi con đứng dậy !
Bậc cửa suốt đời nằm im
Nó đâu có mắt để nhìn
Làm sao thấy con mà tránh
Dù đau con không được khóc
Dù đầu gối xước và sưng
Nhưng con phải ngẩng đầu lên
Nếu muốn làm người dũng cảm
Đời ba biết bao lần vấp
Ngã đau rồi vẫn chưa chừa
Cũng tại cái tính bước bừa
Hếch mắt thế là vấp ngã
Lấy ai đánh chừa hòn đá
Chân mình vẫn ê ẩm đau
Chỉ nhớ cẩn thận lần sau
Nhìn trước để rồi cất bước
Con đường dài kia phía trước
Sẽ nhiều lần vấp con ơi
Ngẩng cao đầu lên nhìn đời
Nếu muốn làm người dũng cảm !
  Cao Thái Uy


Làm cha mẹ, chắc chắn không một ai lại không yêu thương, chăm lo cho con, từ lúc con còn trong bào thai “chín tháng mười ngày’ tới khi trưởng thành. Con là nguồn hạnh phúc lớn nhất của cha mẹ. Nhưng không ít người do biểu hiện tình thương không đúng cách, nuông chiều con quá mức, dẫn tới tính ích kỷ, ỷ lại.
Bài thơ “Ngã” trên đây hay ở sự giản dị mà đưa tới triết lý bất ngờ về phương pháp dạy con của các bậc cha mẹ. Bắt đầu từ cái sự vấp ngã rất thường hay xảy ra ở trẻ nhỏ. Thông thường thì khi con bị ngã đau, các ông bố, bà mẹ có thể xót con mà vội “đánh chừa” cái ghế, cái bàn hay cả “cái đất” đã làm con vấp ngã. Nhưng người cha trong “Ngã” đã không làm thế. Anh có xót con không? Chắc chắn là có chứ. Nhưng động tác biểu hiện tình thương đầu tiên trong anh không phải là “đánh chừa” mà sau câu hỏi chia sẻ nỗi niềm của con là lời phê bình nhẹ nhàng, chỉ cho con thấy lỗi sai của mình: “bởi tại con đi không nhìn, cứ vội lần sau sẽ vấp”.
Rồi người bố động viên con tự “phủi quần đứng dậy”, chỉ cho con thấy cái vật làm con ngã là vô tri, vô giác, không có lỗi gì cả, lỗi là do sự thiếu cẩn thận chính con gây ra. Rồi giọng bố dần chuyển sang nghiêm khắc hơn bằng sự đúc kết bài học về lòng dũng cảm: “Dù đau con không được khóc/ Dù đầu gối xước và xưng/Nhưng con phải ngẩng đầu lên/ Nếu biết làm người dũng cảm”. Rồi bố lấy chính sự vấp ngã của bản thân mình ra làm bài học làm gương cho con.
Dạy con từ thuở còn thơ, Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, những bài học về giáo dục của cha ông mãi còn nguyên giá trị. Việc hình thành tính cách cho con cần bắt đầu từ tuổi thơ, từ những việc nhỏ nhất như dạy cho con biết lỗi sai của mình, không đổ lỗi cho người khác, biết tự lập trong cuộc sống. Đó là tất cả ý nghĩa sâu xa của bài thơ.
Bài thơ tưởng như viết về trẻ nhỏ nhưng kỳ thực là bài học về giáo dục thấm thía cho người lớn.
  Uyên Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét