Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

TRUYỆN KIỀU-NGUYỄN DU

I. Tác giả:- Nguyễn Du (1765-1820), tên chữ là Tố Như, tên hiệu là Thanh Hiên.
1. Quê hương và gia đình:
a. Quê hương:

- Quê ông ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Đó là một vùng quê nghèo, thiên nhiên khắc nghiệt nhưng cũng là địa linh, nơi sinh ra những bậc anh tài, hào kiệt.
- Nguyễn Du sinh ra và lớn lên ở kinh thành Thăng Long nghìn năm văn hiến,lộng lẫy và hào hoa.
b. Gia đình:- Nguyễn Du xuất thân trong một gia đình đại quí tộc, nhiều đời làm quan to dưới triều vua Lê, chúa Trịnh và có truyền thống về văn học:
+ Cha ông là Nguyễn Nghiễm, từng ở ngôi Tể tướng mười lăm năm.
+ Mẹ ông là Trần Thị Tần, vợ thứ, người Bắc Ninh, có tài hát xướng.
+ Anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản, làm chức Tham tụng (ngang Thừa tướng)trong phủ chúa Trịnh.


-> Vì thế, mà lúc bấy giờ, trong dân gian người ta thường truyền tụng câu ca:
                                           “Bao giờ Ngàn Hống hết cây
                                   Sông Rum hết nước họ này hết quan”.
( “Ngàn Hống”: núi rừng Hồng Lĩnh; “Sông Rum” : sông Lam, ở đây là chữ Nôm cổ. Ý cả câu: Khi nào mà núi rừng Hồng Lĩnh không còn cây, dòng sông Lam khôngcòn nước thì lúc đó dòng họ này mới hết người làm quan)
2. Thời đại:- Nguyễn Du sống vào nửa cuối TK XVIII – nửa đầu TK XIX trong hoàn cảnh xãhội có nhiều biến động dữ dội:
+ Chế độ phong kiến Việt Nam khủng hoảng trầm trọng, các tập đoàn phong kiến tranh giành quyền lực, chém giết lẫn nhau, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ,xã hội loạn lạc, tăm tối. Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết về thời đại Nguyễn Du sống:
Cha ông ta từng đấm nát tay trước cánh cửa cuộc đời
Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khoá
Những pho tượng chùa Tây Phương không biết cách trả lời
Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ”.
+ Bão táp phong trào nông dân khởi nghĩa nổi lên khắp nơi,đỉnh cao là khởi nghĩa Tây Sơn đánh đổ các tập đoàn phong kiến thống trị, quét sạch hai mươi vạn quân Thanh xâm lược.
- Thời đại ấy đã được Nguyễn Du viết trong “Truyện Kiều” bằng hai câu thơ mởđầu:
                                           “Trăm năm trong cõi người ta,
                                        Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
                                            Trải qua một cuộc bể dâu,
                                        Nhữngđiều trông thấy mà đau đớn lòng”.
3. Cuộc đời:
- Sinh trưởng trong một gia đình quý tộc, bản thân lại có năng khiếu văn chương nhưng thời đại Nguyễn Du do những biến động xã hội nên gia đình cũng như bảnthân ông cũng có những thăng trầm, sa sút.
- Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, cuộc đời Nguyễn Du phải trải qua những năm tháng gian truân, trôi dạt, vất vả, long đong ( Trải qua “mười năm gió bụi” Nguyễn Du langthang hết ở quê vợ, rồi quê mẹ, quê cha trong nghèo túng, hết sức khổ cực và tủi nhục).
- Nguyễn Du có ra làm quan cho triều Nguyễn Gia Long, ông giữ nhiều chức vụ khác nhau: Tham tri bộ Lễ, Cai bạ Quảng Bình, Chánh sứ bộ…Nhưng đó là những nămtháng làm quan bất đắc chí.
- Ông mất tại Huế năm 1820, thọ năm mươi lăm tuổi.
4. Bản thân:- Là người có hiểu biết sâu rộng, am hiểu văn hóa dân tộc và văn chương Trung Quốc.
- Nhà thơ đã sống nhiều năm lưu lạc, tiếp xúc với nhiều con người, nhiều cảnh đời, nhiều số phận khác nhau, đã tạo cho ông một vốn sống phong phú và niềm cảm thông sâu sắc với mọi kiếp người bị đày đọa.
- Nguyễn Du là người có trái tim giàu lòng nhân ái, nhìn đời với con mắt củamột người đứng giữa dông tố cuộc đời và điều đó khiến tác phẩm của ông hàm chứa một chiều sâu chưa từng có trong văn thơ Việt Nam.
5. Sự nghiệp sáng tác:- Nguyễn Du là tác giả có nhiều thành tựu kiệt xuất về văn chương, ở thể loại nào ông cũng đạt được sự hoàn thiện ở trình độ cổ điển.
- Về thơ chữ Hán, ông có ba tập thơ:
+ “Thanh Hiên thi tập” ( 78 bài) được viết trước khi ông ra làm quan cho nhà Nguyễn.
+ “Namtrung tạp ngâm”(40 bài) viết trong thời gian ông ở Huế, Quảng Bình.
+ “Bắc hành tạp lục” ( 131 bài) viết trong thời gian Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc.
- Về chữ Nôm: có bài “Văn chiêu hồn” ( Văn tế thập loại chúng sinh) được viết theo thể thơ song thất lục bát dài 184 câu. Đặc biệt là “Truyện Kiều”, với tácphẩm này đã đưa Nguyễn Du lên đỉnh cao của nền thi ca dân tộc, xứng đáng được tôn vinh “Thiên cổ văn chương thiên cổ sư”.
=> Tiểu kết: Năng khiếu văn chương, vốn sống phong phú kết tinh ở một tráitim yêu thương vĩ đại đối với con người trong một bối cảnh lịch sử cụ thể đã tạo nên thiên tài Nguyễn Du. Thiên tài ấy được thể hiện trước hết ở tác phẩm“Truyện Kiều”.
II. Tác phẩm:
1. Nguồn gốc và sự sáng tạo:
- Nguyễn Du viết “Truyện Kiều” vào đầu thế kỉ XIX( 1805 –1809). Truyện dựa theo cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân ( Trung Quốc). Lúc đầu, Nguyễn Du đặt tên là “Đoạn trường tân thanh” ( Khúc ca mới đứt ruột hay Tiếng kêu đứt ruột) sau này, người ta quen gọi là “Truyện Kiều”.
- Một biểu hiện nữa về sự sáng tạo của Nguyễn Du qua “Truyện Kiều” là:
+ “Kim Vân Kiều truyện” viết bằng chữ Hán, thể loại văn xuôi, có kết cấu thành từng chương (hồi). Toàn bộ tác phẩm gồm 20 chương.
+ Đến Nguyễn Du đã trở thành tác phẩm trữ tình,viết bằng chữ Nôm, theo thể lục bát có độ dài 3254 câu. Ông đã có những sáng tạo lớn về nhiều mặt nội dung cũngnhư nghệ thuật.
2. Tóm tắt tác phẩm: ( Đọc trong sgk )- Phần thứ nhất: Gặp gỡ và đính ước.
- Phần thứ hai: Gia biến và lưu lạc.
- Phần thứ ba: Đoàn tụ.
3. Giá trị nội dung và nghệ thuật:
a. Về nội dung: 
* Giá trị hiện thực: 
- Phơi bày hiện thực xã hội phong kiến bất công.
- Phản ánh nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là người phụ nữ.
* Giá trị nhân đạo: Giá trị chínhcủa “Truyện Kiều” là giá trị nhân đạo. Giá trị này được thể hiện ở hai phương diện sau:
- “Truyện Kiều” là tiếng nói đề cao tình yêu tự do, khát vọng công lí và ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của con người:
+ Viết “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã thể hiện ước mơ đẹp đẽ của mình về một tìnhyêu tự do, trong sáng, chung thủy trong xã hội mà quan niệm hôn nhân phong kiến còn hết sức khắc nghiệt. Mối tình Kim – Kiều được xem như là bài ca tuyệt đẹp về tình yêu lứa đôi trong văn học dân tộc.
+ Viết “Truyện Kiều”, Nguyễn Du còn thể hiện khát vọng công lí tự do, dân chủ giữa một xã hội bất công, tù túng đầy ức chế, tàn bạo. Nguyễn Du đã xây dựng nhân vật Từ Hải – người anh hùng hảo hán, một mình dám chống lại cả cái xã hội bạo tàn ấy. Từ Hải là khát vọng của công lí, là biểu tượng cho tự do dân chủ.
+ Viết “Truyện Kiều”, Nguyễn Du còn ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của con người: vẻ đẹp tài sắc, trí tuệ thông minh,lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, ý thức vị tha, đức thủy chung. Thúy Kiều, Từ Hải là hiện thân cho những vẻ đẹp đó!
- “Truyện Kiều” còn là tiếng nói lên án các thế lực tàn bạo,chà đạp lên quyền sống con người. Thế lực tàn bạo đó, khi là bộ mặt bọn quan lại tham lam, đê tiện, bỉ ổi – đầu mối của mọi xấu xa trong xã hội ( Hồ Tôn Hiến, Mã Giám Sinh,Sở Khanh, Tú Bà…), có khi lại là sự tàn phá, hủy diệt hung hiểm của đồng tiền trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ, trong tay bọn người bất lương tàn bạo đã phát huy tất cả sức mạnh của nó, đổi trắng thay đen, biến con người thành thứ hàng hóa để mua bán.
b. Về nghệ thuật:- Tác phẩm là sự kết tinh thành tựu nghệ thuật văn học dân tộc trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại.
- Với “Truyện Kiều”,ngôn ngữ văn học dân tộc và thể thơ lục bát đã đạt tới đỉnhcao rực rỡ.
- Với “Truyện Kiều”,nghệ thuật tự sự đã có bước phát triển vượt bậc, từ nghệthuật dẫn chuyện đến nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, khắc họa tính cách và miêu tả tâm lí con người.

=> Từ tất cả những giá trị nội dung và nghệ thuật của “Truyện Kiều”, chúng ta có thể khẳng định:“Truyện Kiều” chính là một kiệt tác trong văn học trung đại nói riêng và văn học dân tộc nói chung.
* Nhận xét về “Truyện Kiều”, Mộng Liên Đường chủ nhân có nói:
“…Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết,nếu không phải có con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời, thì tài nào có bút lực ấy…”
4. Ảnh hưởng của tác phẩm:- “Truyện Kiều” hàng trăm năm được lưu truyền rộng rãi và có sức chinh phục lớn đối với mọi tầng lớp độc giả.
+“Truyện Kiều” không biết tự bao giờ đã đi vào đời sống của nhân dân, và đã trởthành lời ăn tiếng nói của những người dân bình dị nhất cho đến những người trí thức, am hiểu về văn chương bác học.
+ Trong ca dao, người ta thấy có rất nhiều câu có vận dụng những hình ảnh trong“Truyện Kiều”. Ví dụ:
                                          “Sen xa hồ, sen khô hồ cạn,
                                    Liễu xa đào liễu ngả liễu nghiêng.
                                           Anh xa em như bến xa thuyền.
                           Như Thúy Kiều xa Kim Trọng, biết mấy niên cho tái hồi!”
+ “Truyện Kiều” đã trở thành sức sống của dân tộc, là thứ thưởng ngoạn cho tao nhân mặc khách của mọi thời. Có câu:
                                            “Làm trai biết đánh tổ tôm
                                 Uống trà mạn hảo, xem Nôm Thúy Kiều”.
- “Truyện Kiều” còn được giới thiệu rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới.Người ta đã dịch“Truyện Kiều” ra nhiều thứ tiếng và nhiều người nước ngoài đã nghiên cứu về “Truyện Kiều”.
III. Tổng kết:
- Nguyễn Du là một thiên tài văn học, một bậc thầy về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt.
- “Truyện Kiều” là một kiệt tác văn học, được lưu truyền rộng rãi và chinh phục nhiều thế hệ người đọc từ xưa đến nay.
- Rất nhiều những nhà văn, nhà thơ đã viết về “Truyện Kiều”:
                                                “Trải qua một cuộc bể dâu
                                           Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình
                                                 Nổi chìm kiếp sống lênh đênh
                                           Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều!”
                                                                                ( Tố Hữu )
Đã mấy trăm năm trôi qua rồi, nhưng “Truyện Kiều” vẫn có sức sống mãnh liệt trong dân tộc Việt Nam.Nhà thơ Tố Hữu đã thay chúng ta trả lời cho Nguyễn Du câu hỏi mà người nhắn nhủ:
                                         “Bất tri tam bách dư niên hậu
                                        Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”

nguon langque.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét